Chương 5 Người về

Đêm đó không có trăng. Cũng không gió. Không gian đặc quánh như một lớp màn lặng câm phủ lên cả gian nhà đã cũ. Mảnh gương Dương nhặt được sau lễ trấn trùng – từ đống tro tàn xám ngoét, nằm im trên bàn. Nhưng chỉ vừa mới chạm tay vào, nó lại khẽ rung lên. Nhẹ thôi, như một làn sóng trong ly nước khi có ai vừa đi ngang qua.

Dương nuốt nước bọt, lòng dâng lên thứ cảm giác khó tả. Không phải sợ. Là gì đó giống như… ai đó đang gọi.

Cô bước chậm lại gần cửa sổ, mang theo mảnh gương. Ngoài kia là bóng tối, xa xa thấp thoáng ánh đèn dầu từ nhà hàng xóm. Khi Dương giơ gương lên soi, trong khoảnh khắc, chính gương mặt mình biến mất. Thay vào đó, là hình ảnh một cánh đồng bông lau trắng xóa, run rẩy trong sương.

Giữa đồng lau, một đứa trẻ đội nón rơm, tay ôm một con cá chép giấy đã sờn mép, quay đầu nhìn về phía cô.

Giọng nói vang lên từ sâu trong lòng gương:

“Anh đợi lâu lắm rồi, Dương à… Đừng bỏ anh nữa.”

Tiếng gọi êm ái, nhưng len vào tận tủy sống, như tiếng vọng từ vực sâu nơi ký ức bị giam cầm.

Gương rơi khỏi tay Dương.

Cô ngã ngồi, mồ hôi đầm đìa. Nhưng khi đưa mắt xuống sàn, mảnh gương vẫn nằm yên. Lạnh và vô tri.

Đêm ấy, Bạch Dương ngủ mê man không rõ lúc nào. Cô mơ – hoặc tỉnh – cũng chẳng phân biệt được nữa. Mình đứng ở bờ ao làng, nơi người ta từng đồn Song Ngư chết đuối. Gió đêm lùa vào mặt lạnh như nước. Lòng ao tĩnh lặng, ánh trăng mờ mịt soi xuống mặt nước như một tấm gương thứ hai.

Từ dưới đó, một người bước lên.

Nước rẽ ra, tạo thành từng vòng tròn. Là một thiếu niên – khoảng 17, 18 tuổi – áo trắng dính nước, tóc rủ che mắt, da tái nhợt như phủ lớp tro sương. Cậu đứng im, nước nhỏ từ tóc xuống lộp độp, rồi cất tiếng:

“Anh về rồi, Dương.”

Giọng nói ấy... vừa trầm, vừa buồn, vừa quen thuộc một cách đau đớn.

Dương run lên. Nhưng cô không lùi lại.

Trong một cái chớp mắt, thân ảnh ấy bỗng vụt hóa thành cậu bé tám tuổi – đôi mắt tròn, giọng ngọng nghịu:

“Em còn nhớ không? Hồi đó Dương bảo… ‘khi lớn rồi sẽ cưới nhau’…”

Cô không đáp được gì. Mắt cô ứa nước. Ký ức đâu đó như sắp bật ra – nhưng vẫn mắc lại ở ranh giới của ý thức.

Song Ngư ngồi xuống bên cạnh cô, bây giờ là một cậu bé gầy gò mặc áo lam cũ. Giọng cậu rụt rè:

“Có lần anh lỡ làm gãy lồng đèn của em… em không giận, còn xé áo mình cột lại dù bị la… Anh nhớ hết đó, Dương. Em còn nhớ không?”

Dương lắc đầu, môi mấp máy: “Xin lỗi…”

Cậu bé nhìn cô, mắt long lanh như muốn khóc:

“Không sao. Dù Dương có quên… anh vẫn nhớ. Anh giữ từng tiếng cười, từng ánh mắt của Dương lại. Từng chút một…”

Trong khoảnh khắc, Dương thấy mình như bé lại – và người kia cũng vậy. Nhưng ngay sau đó, bàn tay cậu siết lấy tay cô – bàn tay to hơn, thô hơn, lạnh đến rợn người. Và gương mặt ngẩng lên không còn là cậu bé nữa, mà là Song Ngư khi đã lớn – ánh mắt sâu hun hút như vực, giọng trầm như gió đêm:

“Dương… đừng đi nữa. Ở lại với anh. Em đã hứa."

---

Hơi thở phía sau lưng Dương chợt lạnh. Nhưng không phải là sợ. Mà là… lạc lõng. Như thể một phần nào đó bên trong cô đang rạn ra vì tội lỗi mà bản thân không còn nhớ nổi.

Song Ngư vẫn giữ tay cô, bàn tay mảnh dẻ nhưng cứng cỏi, như đã nắm từ rất lâu, rất xa.

“Dương có nhớ… Trung Thu năm em sáu tuổi không?” – cậu hỏi khẽ, mắt nhìn xuống mặt ao.

Một hình ảnh chớp qua trong tâm trí cô. Một đêm trăng. Những đứa trẻ cầm lồng đèn chạy quanh sân đình. Tiếng trống múa lân vang vọng giữa làng. Mùi cốm, mùi khói nhang, mùi tóc mới gội còn vương trên vai áo.

Và một đứa trẻ… ngồi khóc bên gốc mít, lồng đèn rách toang, gọng tre gãy làm đôi.

Giọng trẻ con vang lên – trong ký ức:

“Dương đừng chơi với tụi nó nữa… Tụi nó nói anh không có ba mẹ. Tụi nó xé lồng đèn của anh…”

Một đứa bé gái tóc buộc hai bên, gương mặt lấm lem đất, chạy lại.

“Không sao! Để Dương cột lại cho anh coi!”

Con bé tháo vạt áo dài của mình, xé một đoạn rồi tỉ mẩn buộc vào chỗ gãy của lồng đèn cá chép. Tay bé run run, nhưng môi vẫn cười.

“Đó! Xong rồi! Đèn cá chép anh thành đèn cá rồng luôn nha!”

“Cá… rồng là cá gì?”

“Là cá mà lớn lên sẽ hóa rồng, bay lên trời đó! Anh cũng phải lớn, phải bay được, hông được khóc hoài!”

“Ừm…” – cậu bé ngập ngừng, rồi nhìn Dương bằng ánh mắt long lanh – “Lỡ… lỡ mà lớn lên, Dương đi lấy người khác thì sao?”

“Hông có đâu!” – Dương chống nạnh – “Lớn rồi Dương lấy anh! Mình cưới nhau, rồi… rồi làm nhà bằng giấy, nuôi mèo, ăn kẹo dừa suốt ngày!”

“Thiệt hông đó? Hứa nghen!”

“Hứa đó! Dương mà nói dối thì… thì sẽ bị mọc sừng như trâu luôn!"

Hai đứa trẻ cười ngặt nghẽo dưới trăng. Gió thổi qua hàng cau, làm chiếc lồng đèn chập chờn ánh nến. Trên gò má dính đất, ánh sáng phản chiếu lấp lánh – như một hứa hẹn ngây thơ mà cả hai đều không biết rằng… định mệnh sẽ khắc vào máu thịt, không cách gì xóa được.

---

Trở lại hiện tại – Song Ngư, trong hình hài của một thiếu niên, ngồi lặng bên Dương. Áo trắng ướt sũng, tóc rủ xuống, nhưng mắt vẫn nhìn cô không rời.

“Dương từng hứa… mà giờ quên hết rồi. Không sao đâu. Anh vẫn nhớ. Vẫn chờ.”

Giọng cậu run nhẹ:

“Anh không trách em. Chỉ là… anh sợ.”
Giọng Song Ngư khẽ như tiếng gió thổi qua hàng lau rạp sát mé ao. Dương cảm nhận rõ sự run rẩy trong từng lời, không phải vì lạnh, mà vì khao khát bị níu lại giữa hai bờ sáng – tối.

“Anh sợ nếu em quên hết, thì anh không còn lý do để ở lại nữa. Không còn ai để… là ‘Dương của anh’ nữa.”

Cô siết chặt tay, tim thắt lại. Mùi đất ẩm, mùi bùn ao ngai ngái xộc lên, nhưng giữa đêm tối như đặc sệt lại ấy, cô chỉ thấy một nỗi thương xót lặng câm, bám lấy mình như một chiếc bóng mỏng.

“Lúc anh chết, lạnh lắm…” – Song Ngư nói tiếp, mắt vẫn không rời mặt nước – “Lạnh đến nỗi, mọi tiếng gọi của em, anh đều không nghe nữa.”

“Nhưng rồi... có một lời hứa giữ anh lại.”

Dương mở miệng, nhưng không biết nên nói gì. Mọi xúc cảm rối tung như cuộn chỉ rối. Cô không thể nhớ hết, nhưng cơ thể lại nhớ. Bàn tay cô từng nắm tay ai đó. Trái tim cô từng gọi tên ai đó – không phải bằng lý trí, mà bằng thứ gắn với từng hơi thở, từng giấc ngủ cô quên.

“Anh biết em không cố tình. Họ bắt em quên. Họ bắt em tin rằng cái chết của anh chỉ là tai nạn, là trò đùa số phận. Nhưng không phải vậy.”

Dương run người.

“Vậy… vậy là… anh chết… không phải chỉ vì cứu em?”

Song Ngư gật khẽ.

“Không chỉ vậy.”

Ánh mắt cậu thoáng tối lại. Trong một thoáng, bóng hình cậu bé nhường chỗ cho thiếu niên mặc áo trắng, ánh nhìn sâu như bóng giếng.

“Anh còn chết… vì những điều người lớn làm. Vì  bí mật của tội lỗi. Một nỗi sợ mà cả làng muốn chôn vùi.”

“Nhưng Dương… anh không để em chết theo họ đâu. Không ai được phép chạm vào em. Anh… sẽ giữ em lại.”

Gió đêm rít qua những rặng tre sau lưng, lá khô bay loạt soạt như ai đang chạy quanh nhà. Xa xa, tiếng chó tru kéo dài. Trên mặt nước, hình phản chiếu của cả hai người lay động như có bàn tay vô hình khuấy lên.

Dương sợ. Nhưng nỗi sợ ấy xen lẫn một điều gì đó khác – vừa buốt lạnh, vừa ấm áp. Như thể phần hồn bé nhỏ trong cô đang tìm được lối về từ một giấc ngủ kéo dài mười mấy năm.

“Anh à… Em…”
Cô thốt lên, rồi nghẹn lại.

Song Ngư mỉm cười. Cười rất nhẹ.

“Không cần nói. Em nhớ lại là đủ rồi.”

Ngay lúc đó, phía bờ ao vang lên tiếng rạn nứt – như tiếng vỡ vụn của gương soi. Một đốm lửa nhỏ chập chờn bốc lên giữa màn sương dày đặc, soi rõ mặt Dương – và cả mặt Song Ngư.

Nhưng… phía sau Song Ngư… còn có một thứ khác đang đứng.

Một cái bóng đen dài, cao, mảnh khảnh – với cánh tay thõng xuống gần đầu gối. Đôi mắt không có tròng, nhưng vẫn nhìn thẳng về phía cô.

Song Ngư xoay người nhìn lại. Nhưng bóng ấy biến mất như chưa từng hiện diện.

“Không chỉ anh… có mặt ở đây đâu, Dương.”

“Sẽ có những thứ khác… cũng đang tìm em.”

Và lần đầu tiên, ánh mắt Song Ngư ánh lên sự lo lắng. Không phải cho cậu. Mà là cho cô.

---

“Ầu ơ... mẹ ru cái ngủ cho lành
Lỡ khi thức dậy, hồn anh... về rồi…”

Bạn đang đọc truyện trên: TruyenTop.Vip