Chương 6 Những người liên quan
Căn nhà cũ kỹ nằm chênh vênh bên mé ruộng, mái ngói bể nát và rêu phong trùm kín. Bạch Dương đứng trước bậc tam cấp mục nát, trong tay là giỏ thuốc với mấy gói cháo tổ yến mà bà ngoại bảo mang qua. Cô không chắc ông Lân còn nhớ mặt mình.
Cánh cửa kêu két một tiếng như rên rỉ. Mùi ẩm mốc, tro bụi và thuốc lá cũ xộc lên. Trong góc, ông Lân – cha của Song Ngư – co ro dưới chiếc mền mỏng, tóc bạc rối như tổ quạ. Cơn sốt rét khiến ông mê sảng, môi lảm nhảm:
“Đừng khóc nữa con cá nhỏ… Má mày sắp về rồi, hơm phải khóc đâu…”
Dương đứng sững. Lần cuối cô thấy ông, chắc cũng đã gần hai chục năm. Khi ấy, ông giận dữ, mắt đỏ ngầu, quát tháo vợ con giữa sân đình trong một đám người chỉ trỏ. Còn bây giờ, ông chỉ là một thân xác già cỗi, trống rỗng, như đã bị thời gian rút cạn hết sinh khí.
Bà ngoại khẽ lắc đầu, thở dài:
“Ổng lúc tỉnh lúc mê, tội thì cũng có... nhưng khổ thì cũng nhiều.”
---
Trong lúc dọn lại nhà, Dương tìm thấy một chiếc hộp gỗ nằm sâu dưới gầm bàn thờ cũ. Mở ra là mớ giấy vẽ nguệch ngoạc của trẻ con: một con cá có vây rất to, bên cạnh là một cô bé tóc hai bên, mặt cười toe toét. Có cả một mảnh giấy nhỏ gấp làm thiệp, chữ nguệch ngoạc:
“Anh Song Ngư tặng Dương. Khi lớn, anh sẽ lấy Dương làm vợ.”
Dương siết nhẹ mép giấy. Lồng ngực như có thứ gì cào vào. Tối hôm đó, cô lại mơ.
---
Mưa phùn lất phất, đất ruộng nhão nhoẹt. Trong giấc mơ, cô bé Bạch Dương năm nào đang chơi nhảy lò cò trên nền xi măng cũ. Một giọng trẻ con cất lên sau lưng:
“Dương! Nhìn nè!”
Cậu bé đội nón lá lệch một bên, tay cầm con cá giấy xoay xoay trên ngón tay, mặt lem luốc, mắt long lanh:
“Mai là Trung Thu á! Dương có chơi với anh hông?"
“Phải ngoan mới được chơi.”
“Vậy mai, Dương có hứa với anh hông? Mai mốt lớn rồi, mình lấy nhau nha?”
“Ừ, lấy thì lấy. Nhưng lớn lên anh phải nấu cơm nha!”
Cả hai cùng cười khanh khách. Tiếng cười vang vọng vào không gian mờ nhòe, rồi đột ngột hóa im lặng.
---
Ký ức như từng mảnh gốm nứt nẻ, bắt đầu ráp lại từng chút một trong tâm trí Bạch Dương.
Cô nhớ ra một buổi chiều. Cô bị mẹ mắng vì chơi với “đứa không có cha rõ ràng”. Mắt mẹ giận, tay mẹ lôi mạnh cô vào nhà.
Lúc ấy, Song Ngư đứng sau hàng rào, tay vẫn nắm con cá làm bằng giấy, ánh mắt chờ đợi.
Dương – lúc ấy chỉ là một đứa bé – sợ hãi mà quay lưng bước đi, không nói gì.
Không phải cô ghét Song Ngư. Nhưng cô đã im lặng. Cô đã không nắm lấy tay cậu như mọi ngày.
“Vậy là từ giờ, anh ở một mình rồi…” – giọng Song Ngư vang lên trong gió, rất khẽ, rất xa.
---
Sáng hôm sau, khi đi ngang qua nhà bà Bảy Duyên – người từng cấm cửa mẹ Song Ngư vào nhà thờ tổ, Bạch Dương thấy một bóng nhỏ đang đứng bên hàng rào.
Cậu bé đội nón rơm, tay cầm cá giấy – ánh mắt không hận, cũng không cười – chỉ nhìn lên cửa sổ nhà bà Bảy, nơi mùi nhang trầm tỏa ra nghi ngút.
Con cá giấy rơi xuống đất, xoay vòng rồi dừng lại. Một đêm sau, người ta phát hiện bà Bảy chết trong giấc ngủ, miệng mở hé như đang thì thào điều gì đó.
---
Ngõ nhỏ nhà bà Bảy Duyên là lối đi cũ từng dẫn ra ruộng làng, giờ chỉ còn đất khô nứt và cây bạch đầu ông mọc lác đác. Bạch Dương không định ghé, nhưng gió hôm ấy lạ – mùi ngai ngái ẩm ướt xen lẫn một làn hương trầm thoảng qua, như dẫn đường cho đôi chân không toan tính.
Cô dừng lại. Trong ánh sáng xế chiều, bên gốc xoài trước nhà, có một bóng nhỏ đứng đó – tĩnh lặng.
Một đứa trẻ. Đội chiếc nón rơm bạc màu, áo trắng ngả vàng, tay cầm con cá giấy nhỏ xíu. Không động đậy. Không bước tới. Chỉ đứng lặng nhìn lên ô cửa sổ tầng gác gỗ – nơi bà Bảy vẫn thường ngồi tụng kinh mỗi xế chiều.
Tiếng gió rít qua những khe ván mục. Cá giấy rơi khỏi tay cậu bé, xoay vòng giữa khoảng không, rồi rớt xuống đất – khẽ như một cánh hoa rơi.
Dương không thấy máu. Không thấy tiếng thét hay tiếng khóc. Chỉ thấy đứa bé từ từ quay đầu lại, ánh mắt như xoáy vào tận sâu trong lòng cô – ánh mắt không hận, không trách, chỉ buồn.
Rồi cậu bé biến mất.
Sáng hôm sau, cả làng rúng động khi hay tin bà Bảy Duyên đã chết trong giấc ngủ. Không có ai đột nhập. Không có dấu hiệu của ma quỷ nào. Người ta chỉ thấy bà nằm trên chiếu, khuôn mặt trắng bệch, miệng vẫn còn hé mở – như đang mấp máy một lời sám hối dang dở.
Trên đầu giường, chiếc gương soi tự vỡ làm đôi. Một nửa còn phản chiếu hình bà, nửa còn lại chỉ có bóng tối mịt mùng.
Người mê tín nói bà bị “vong bắt”. Người hiểu đạo bảo: quả đã đến kỳ trổ.
“Bà từng là người đầu tiên đứng lên vu cho mẹ thằng Ngư chửa hoang. Bắt đình làng không cho khai sinh. Mỗi câu nói ra như mũi dao. Nay tới lúc nhận lại.”
Bạch Dương nghe xong, lặng người. Không phải vì sợ, mà vì thấy lòng se sắt. Dường như, trong mắt đứa bé cầm cá giấy ấy, không có giận dữ. Mà là… tiếc nuối?
Không phải Song Ngư về báo oán. Không phải oan hồn thù hận. Mà chỉ là… người nhắc tội.
---
Tối hôm đó, cô tiếp tục gặp mộng. Không dữ dội, không kinh hoàng. Chỉ là một đêm cũ, giữa sân nhà lấm bùn sau mưa. Cậu bé Song Ngư ngồi co ro, ôm gối, bên cạnh là con cá giấy ướt sũng. Ánh mắt cậu nhìn vào khoảng không, không rơi lệ.
“Dương từng hứa… sẽ không nghe lời người lớn mà ghét anh…”
Giọng cậu như vọng từ lòng đất lên. Không trách, không ép. Chỉ như câu hỏi gửi cho quá khứ.
Ký ức vỡ òa trong Dương. Cô nhớ rõ lần đó, cô bị người lớn kéo về, chỉ tay vào mặt mà mắng: “Chơi với cái thứ con không cha à? Mày muốn mang nhục như má nó hả?”
Trong sợ hãi, cô đã quay đi. Không nắm lấy tay Song Ngư như mọi khi. Không cười. Không nói. Không một lời từ biệt.
Và lần ấy… là lần cuối cùng.
---
Sáng hôm sau, Dương đến nhà bà Tám – bạn cũ của bà ngoại, người từng chứng kiến hết thảy. Trong bếp lửa đỏ, tiếng kể khàn khàn của bà già như chắt ra từ khói tro và nước mắt:
“Má nó đẹp… đẹp lạ lắm. Da trắng như trứng gà bóc, môi đỏ tự nhiên, tóc dài quá lưng. Gái quê mà đẹp vậy thì lắm người ghét. Chồng đi xa, bụng bự ra – người ta bảo chửa hoang. Mà nó có trăng hoa gì đâu. Có lần má mày nói: ‘Không biết thằng Lân có về không. Chứ tui thấy thương nhỏ Lan lắm...’.”
“Rồi thằng Lân nó về. Nghe lời người ngoài, đấm đá, đánh vợ sẩy thai. Lúc biết còn một đứa trong bụng thì mới chịu thôi tay. Đứa còn lại là thằng Ngư đó.”
“Sinh đẻ mà có ai giúp đâu. Cái chái bếp này nè, nền còn thâm thâm máu cũ đó. Nó rặn tới tím mặt. Tui với bà ngoại mày ở kế bên, lén qua phụ. Còn ai tới đâu.”
“Tám năm sau, chết lặng lẽ trong đêm. Không kèn trống, không tang chế. Mấy bà trong xóm còn bảo chết cho đáng.”
Giọng bà Tám khựng lại, như nghẹn. Dương ngồi sụp xuống, tay nắm vạt áo.
“Con có lỗi với Song Ngư không bà?”
“Không phải con giết. Nhưng... con biết không, người ta không cần dao đâu con ơi. Người ta giết bằng lời nói. Bằng ánh mắt. Bằng sự im lặng.”
“Nếu ngày đó... mình chỉ cần nắm tay Ngư một lần thôi… có khi Ngư đã sống.”
---
Đêm rằm tới gần. Trăng tròn như một mắt gương giữa trời.
Bạch Dương nhìn lại chính mình qua mảnh gương nứt trong nhà Song Ngư. Cô thấy khuôn mặt mình – rồi sau lưng, bóng một đứa trẻ cầm cá giấy, không nói gì, chỉ đứng đó.
Ánh mắt cậu bé ấy như chờ một lời xin lỗi. Nhưng cũng như tha thứ – chầm chậm mà an yên.
Có lẽ… chỉ cần một cái nắm tay.
Ngày xưa.
Bạn đang đọc truyện trên: TruyenTop.Vip