Chương 7 Mở màn nghiệp chướng

Trăng cuối tháng chỉ còn một lưỡi liềm mỏng như móng tay ai cào ngang trời. Bạch Dương ngồi bên hiên nhà, tay mân mê con cá giấy rách đôi nhặt được ở miếu hoang hôm ông Tư Mão chết. Lòng cô không yên.

Ông Tư từng là thầy cúng nổi tiếng trong làng. Đạo mạo, râu bạc, giọng tụng kinh vang như chuông đồng. Ai mất con, mất thai, hay sinh khó, đều tìm đến ông. Người ta tin, ông có thể nói chuyện với linh hồn trẻ nhỏ.

Nhưng không ai nhớ, vào cái năm mẹ Song Ngư mang thai – chính ông là người đầu tiên khuyên đình làng không cho khai sinh. “Con hoang sẽ khiến cả làng gặp hạn,” ông nói vậy, mặt nghiêm túc như tụng chú. Ít ai biết, chính ông từng lẻn vào chái bếp nhà bà, nửa đêm, tay cầm chai rượu, miệng mời mọc: “Cô hai à, đêm lạnh quá… mình ủ rượu chút nghe.” Khi bị từ chối, ông nổi giận, bỏ đi, sau đó rêu rao khắp nơi rằng bà là đàn bà dâm đãng.

---

Sáng hôm đó, người ta phát hiện xác ông Tư trong miếu hoang cuối làng – nơi từng thờ ông Địa ông Thần Tài, giờ bỏ hoang cỏ mọc đầy. Ông chết cứng, nằm ngửa dưới bàn thờ cũ, hai mắt trợn trắng, miệng há ngoác, lưỡi dài tới cằm như bị rút hồn. Áo quần xộc xệch như vừa giãy giụa, vạt áo trước rách tan nát. Trên ngực ông là một con cá giấy màu đỏ, rách làm đôi, thấm máu.

Trong miếu không có dấu chân. Chỉ có mùi cá ươn tanh tưởi, kéo dài một vệt nước ra tới tận sân đình – nơi xưa kia xử án làng.

Công an lập biên bản. Pháp y xã kết luận: đột quỵ do xơ vữa mạch máu, lên cơn co giật, hoang tưởng nên cào cấu chính mình.

“Cá giấy chắc tụi nhỏ nghịch thả. Gió thổi vô thôi. Ông già lẩm cẩm, lang thang một mình rồi ngã quỵ.”

Nhưng có một chi tiết khiến cả đồn công an lặng thinh: dưới móng tay ông Tư, phát hiện tế bào da và máu thuộc về một người đã chết cách đây hơn hai mươi năm – Lý Tú Lan, mẹ của Song Ngư.

Mẫu DNA đối chiếu lại trùng khớp với mẫu lưu trữ từ bệnh viện tỉnh – ngày bà chết vì ung thư cổ tử cung giai đoạn cuối.

Không một ai hiểu nổi.

---

Cái chết chưa kịp nguôi ngoai, ba ngày sau, đến bà Sáu Thể – người bạn học cũ từng thân thiết với mẹ Song Ngư – cũng chết một cách kỳ dị.

Giếng nước sau nhà bà Sáu từng được khen là giếng trong nhất làng. Bà khoe mẽ rằng, ai uống nước đó cũng trẻ lâu. Nhưng hôm ấy, nước trong giếng bỗng đỏ như máu cá, tanh nồng đến lợm cổ. Trưa đến, xác bà Sáu nổi lềnh bềnh, mắt bị khoét sạch, khuôn mặt rỉa nát bởi cá rô đồng. Tay bà vẫn nắm chặt một cây trâm gãy, cũ kỹ, khảm ngọc mờ – chính là cây trâm mà mẹ Song Ngư từng đội trong ngày đầy tháng Song Ngư.

Người dân xôn xao. Lẽ nào là báo ứng?

Bà Sáu từng ghen tị ra mặt vì thua sắc. Hồi đó, trai làng nhìn thấy mẹ Song Ngư thì quay lưng với bà. Khi mẹ Ngư có bầu, bà rêu rao rằng “đó là con lai với thằng Tàu bán dầu gió”. Chính bà đổ dầu ra cửa, vẩy máu vịt, giả làm dấu “xua tà”, rồi đổ lỗi cho “phá thai bằng bùa”.

Khi mẹ Ngư chết, bà lén lấy tro cốt, đem trộn cát đổ xuống giếng, miệng bảo: “Trừ tà, làm phúc cho làng.” Giếng nước đó, từ đó không ai thấy trong nữa – dù bề ngoài vẫn lấp lánh như trước.

---

Pháp y đưa ra lời giải: bà Sáu có tiền sử tụt huyết áp, đêm đó mưa lớn, trượt chân ngã. Cá rô trong giếng bị ngộp nước nên táp xác.

“Trâm cài? Có thể do bà ấy lượm từ đâu đó. Chuyện ngẫu nhiên thôi.”

Nhưng hồ sơ khai tử năm xưa ghi rõ: cây trâm đó chôn theo thi thể Lý Tú Lan, nay lại nằm trong tay bà Sáu khi chết?

Không ai trả lời.

---

Làng chia hai phe rõ rệt. Một bên tin vào nghiệp báo: lập đàn cúng cầu an, mời sư trụ trì chùa Thiên Quang về tụng kinh giải oan. Sư giảng:

“Kẻ gieo nhân sẽ gặp quả. Miệng thốt lời ác, sẽ mất tiếng. Mắt nhìn người bằng ghen ghét, sẽ mất sáng. Lòng tham dục khiến linh hồn đọa địa ngục. Không thần nào giết họ. Chính nghiệp của họ giết họ.”

Bên còn lại, công an xã căng biểu ngữ: “Không mê tín – không lan truyền tin đồn – vi phạm sẽ bị xử lý.” Họ kết luận cả hai cái chết là tai nạn bất thường, không có yếu tố hình sự.

Nhưng Bạch Dương không thể dứt ra khỏi ám ảnh.

Cô nhớ ngày nhỏ, mỗi lần buồn, Song Ngư lại gấp cho cô một con cá giấy – luôn màu đỏ. "Cá đỏ là để cầu cho ai đó không bị quên," cậu từng nói, rồi đặt con cá vào tay cô.

Nay, cá lại rách đôi, nằm trên xác kẻ từng gieo tiếng ác.

Đêm đó, Bạch Dương nằm mơ.

Trong mơ, Song Ngư hiện ra, không còn là cậu bé gầy gò như trong ký ức, mà là một thanh niên khoảng hai mươi, dáng cao gầy, tóc dài chạm gáy, ánh mắt buồn như nước đọng đáy giếng.

Cậu đặt con cá giấy khác vào tay cô. Giọng thì thầm:

“Anh vẫn giữ lời hứa. Dương đừng giữ oán giùm anh.”

Cô nhìn kỹ cá giấy: một bên viết tên cô, một bên là tên cậu – Song Ngư. Dính với nhau bằng máu khô.

---

Sáng hôm sau, trên cây thị cạnh miếu, dân làng thấy một con búp bê rơm treo lủng lẳng. Ngực nó găm một mảnh giấy nhỏ:

“Tôi từng im lặng khi kẻ ác gieo lời độc.”

Bạch Dương nhận ra nét chữ. Là của chị Thảo, người từng là giáo viên mẫu giáo, hay vuốt tóc cô mà nói: “Dương ngoan, nhưng đừng chơi với thằng đó. Nó không sạch.”

Mắt Dương lạnh đi.

Người thứ ba… đã được chọn.

---

“Người không dùng dao, nhưng vẫn có thể giết chết một sinh linh bằng lời nói, sự đố kỵ và sự im lặng.”

Gió chiều quẩn quanh như có ai thổi hơi lạnh vào gáy. Cây thị trước miếu rít lên từng tiếng như người đang khóc. Con búp bê rơm đung đưa nhẹ, sợi dây treo buộc bằng tóc – sợi dài, đen, lẫn vài sợi bạc.

Người ta bắt đầu thì thầm nhau trong chợ:

“Chắc không phải trùng hợp đâu…”

“Bà Sáu, ông Tư… hồi đó hùa theo phe ghét má thằng Ngư mà. Có phải giờ bị quả báo không?”

“Búp bê treo ngoài miếu là điềm dữ. Tụi mình từng nghe, ai bị yểm bằng rơm thì chỉ còn bảy ngày sống…”

Một bà lão khác xen vào, rít răng:

“Không phải yểm đâu. Là nó nhắc thôi. Nhắc cho ai từng đứng nhìn cái ác xảy ra, mà không ngăn lại…”

Từ đám đông, có người lặng lẽ quay đi. Là chị Thảo.

Chị Thảo ngày trước từng được coi là người hiền hậu, đi dạy lớp mẫu giáo, luôn đeo chuỗi Phật ngọc trên tay. Nhưng Bạch Dương vẫn nhớ rõ – chị từng dắt cô ra sau trường, bảo không nên nói chuyện với Song Ngư.

“Tụi con nít không hiểu đâu. Có người dơ, mình tránh ra là an.”

Dơ?

Bạch Dương khi đó không hiểu "dơ" nghĩa là gì. Nhưng giờ cô thấy rõ: đó là sự khinh miệt ngầm, là cái ghét được khoác áo đạo đức, là sự im lặng đồng lõa với miệng lưỡi người lớn.

Cô xiết chặt con cá giấy. Cảm giác như trong mỗi cái chết, linh hồn Song Ngư không hề hiện về để trả thù. Mà là… như một cỗ máy nhân quả đã vận hành, không thể ngừng lại.

---

Chiều, chùa Thiên Quang đánh trống mời tụng đàn giải oan. Người đứng giữa đàn là sư trụ trì, tay cầm tràng hạt gỗ trầm, giọng khàn nhưng vang vọng:

“Tất cả chúng sinh trong lục đạo đều mang nghiệp. Nghiệp đi qua ba cánh cửa: thân – khẩu – ý. Có kẻ không hại người bằng tay, mà hại bằng lời. Có kẻ không nói gì, nhưng trong tâm hoan hỉ khi thấy người sa cơ. Đó là ý nghiệp – nguy hiểm hơn cả dao kiếm.”

Tiếng mõ vang, tràng kinh Phạn trầm buồn. Nhiều người rơi nước mắt. Một bà cụ ôm ngực nói: “Tôi… tôi từng nghe ông Tư nói mẹ thằng Ngư là đàn bà đĩ. Nhưng tôi không lên tiếng…”

Người thứ ba… đã bắt đầu sợ.

Bạn đang đọc truyện trên: TruyenTop.Vip