3.

Có một vài lý do Choi Wooje muốn học luật.

Nếu là luật sư, cậu muốn bảo vệ những người cần được bảo vệ.

Nếu là công tố viên, cậu muốn dùng pháp luật trừng trị những kẻ thủ ác.

Như bao sinh viên luật, cậu bước vào ngưỡng cửa đại học với một ý niệm về "sự công bằng" hay "công lý" trong lòng. Khi ấy lý tưởng của cậu là mọi thứ phải công bằng.

Cậu từng tin vào "Công lý vốn là chẳng có mắt".  Hình ảnh công lý phải hệt như nữ thần Thermis: một tấm vải trắng che đi đôi mắt mù lòa, một tay là cán cân công lý, tay còn lại là thanh kiếm của công lý.

Đã mù thì sẽ chẳng cần phải nhìn thấy những thứ phù phiếm con người hằng thấy: địa vị xã hội, sang hèn giàu nghèo, học vấn, công trạng từ quá khứ,...

Chỉ cần tin vào cán cân công lý được vận hành bởi chứng cứ xác thực, rồi vung kiếm để thực thi lẽ phải. Chúng sinh, vạn vật đều bình đẳng trước pháp luật.

Để rồi cậu dần phát hiện, "công bằng" là một khái niệm, ý niệm chứ chẳng hề là một thứ có thể cầm nắm hay chạm vào. "Công bằng" không tồn tại độc lập, mà nó sinh ra từ ý niệm của con người. Nó không có trong thực tại, mà đúng hơn là: nó được tạo ra.

Vì "công bằng" không thực sự tồn tại, khái niệm phủ định của nó, "bất công bằng" cũng chẳng hề tồn tại, mà chỉ được sinh ra ngay khi con người tạo ra cái thứ gọi là "công bằng".

Một A đổi lấy một B, con người thấy thỏa mãn thì liền gọi đó là công bằng. Cơ bản chỉ có vậy.

"Nợ máu phải trả bằng máu", "một mạng đổi lấy một mạng" hay "một mắt đổi lấy một mắt" vốn không công bằng: con người thấy thỏa mãn với sự trao đổi đó, nên nó công bằng. Không có chiều ngược lại.

Không có 2 giọt máu giống nhau

Không có mạng nào đổi được mạng nào, vì ngay từ đầu con người không ai giống ai

Kể cả đến mắt, 2 con mắt của cùng một người vốn đã là 2 con mắt khác nhau.

Thế nên càng cùng là mắt, mắt của 2 người khác nhau lại chẳng có gì để mà giống nhau.

Tương đồng nhau, không đồng nghĩa với "là nhau". Sự tồn tại của từng thứ trên thế gian, tuyệt đối là chính nó như vậy.

Càng về sau chương trình đại học, Choi Wooje càng nhận ra được nhiều điều. Hóa ra lâu nay cậu vốn chỉ là chấp nhận những thứ người khác mặc định từ trước: và nếu không chấp nhận nữa, cậu góp phần thúc đẩy tạo ra cái mới là được. Con người đã tự tạo ra nhiều thứ hơn cậu nghĩ: ngoài pháp luật, khái niệm công bằng, còn có đạo đức, chuẩn mực,...

Cậu cũng dần nhận ra rằng, "đạo đức" - một thứ cũng được con ngoài tạo ra - góp phần giúp con người viết nên luật pháp. Nhưng điều đó không giúp việc thi hành luật pháp trở nên dễ dàng hơn mà đôi khi, việc máy móc thi hành những điều luật pháp viết lại khiến con người quay trở lại hoài nghi về tính "đạo đức" trong đó.

Nhưng suy đến cùng, luật pháp đối với Choi Wooje vẫn là tinh hoa chung trong quá trình phát triển của nhân loại: nó là minh chứng của việc, con người muốn sống chung với nhau, nên họ mới cùng nhau tạo ra một chuẩn mực chung. Từ khi con người muốn sống chung với nhau, họ đã dần tách mình ra khỏi thế giới của động vật.

------

Có một lý do Choi Wooje muốn học luật.

Đó là có một vụ án ngày bé cứ ám ảnh lấy cậu. Một vụ án mà những kẻ thủ ác có lẽ vẫn còn nhởn nhơ ở ngoài kia, còn nạn nhân thì không còn nữa.

------

Bạn đang đọc truyện trên: TruyenTop.Vip