Nomadland - dedicated to the ones who had to depart. See you down the road!


Một chiếc phim nhẹ nhàng, sâu lắng đến đượm buồn, cũng không chút cao trào, tất cả chỉ trôi qua nhẹ nhàng, tinh khôi như một cốc trà ấm được nhấm nháp vào mỗi buổi sáng.
Ngay từ đầu, nghe đến tựa phim và nội dung thì mình đã thích mê và chắc mẩm rằng đây sẽ là một trong những phim "all-time favorite" của mình. Nội dung phim chỉ đơn giản xoay quanh Fern - một người phụ nữ có thể nói là kém-may-mắn vì trở thành góa phụ, bỏ đi công việc 9-to-5 và với một chiếc minivan, bắt đầu chuyến hành trình du mục qua miền viễn Tây của nước Mỹ. Mình vốn là một con người ưa sự tự do, khai phóng khỏi những khuôn khổ, vòng lặp thường nhật, mình yêu nét văn hoá du mục và tinh thần của cộng đồng hippy. Và Nomadland đã lột tả rất chân thật những điều đó. Lần đầu tiên xem, mình đã khóc khi xem đến cảnh Fern - nhân vật chính của phim ngâm bản Sonnet XVIII của Shakespeare, khóc khi xem đến cảnh những người bạn du mục vây quanh đám lửa để tưởng nhớ Swankie quá cố, khóc khi xem đến cảnh ông... tâm sự về người con trai đã mất và cuối cùng là khóc vì chuyến hành trình "cô đơn" nhưng không "đơn độc", những khung cảnh quá đỗi đẹp đẽ trong hành trình của Fern.

Fern - đại diện cho văn hoá truyền thống Mỹ.

Có một chi tiết mình rất ấn tượng trong phim đó là khi Fern phản kháng lại câu nói cho rằng "Không phải ai cũng dũng cảm để bỏ mọi thứ và bước lên chiếc van đó", và em gái Fern đã xoa dịu bằng câu nói "Em rất vui vì chị là đại diện cho truyền thống nước Mỹ".
Có thể chúng ta đã rất quen thuộc với hình ảnh của những người sống du mục ở Mỹ, bỏ lại tất cả những công việc, gia đình, bộn bề cuộc sống hiện đại, gói gọn tất cả mọi tiện nghi trong những chiếc xe van nhỏ, họ đi qua những cung đường rộng lớn của những sa mạc đầy gió bụi miền Tây nước Mỹ, đắm mình cùng thiên nhiên và gần gũi với Mẹ Trái Đất hơn bao giờ hết, họ sống một đời sống tự do, tự tại, không gánh nặng nhà cửa, tài chính và mỗi giây phút trôi qua là những khung cảnh không lặp lại. Đó là hình ảnh văn hoá du mục được "lộng lẫy hoá" trên phim.
Thế nhưng chúng ta không biết được lý do đằng sau quyết định lang thang trên đường đó của những con người du mục đó? Có những người coi đây là một lối sống ưa thích của họ, nhưng đối những người kém may mắn thì cuộc sống ép buộc họ phải "tha phương" như vậy. Trường hợp của Fern, đó có thể là nỗi cùng cực thất nghiệp, không lương hưu cùng nỗi đau từ sự ra đi của người chồng và đã khiến người phụ nữ U60 bỏ lại và buộc phải ra đi. Để rồi trên chặng đường dịch chuyển không ngừng nghỉ đó, cô đơn biết bao khi Fern phải tự lo tất cả mọi thứ, làm biết bao công việc bốc vác để trang trải qua ngày. Nhưng may mắn thay, cũng nhờ trải nghiệm này, Fern đã được va chạm với những người bạn du mục khác, đến từ mọi ngã rẽ cuộc đời với những nỗi niềm riêng, những lý do riêng cho quyết định dịch chuyển của họ. Đó là Linda May tốt bụng vì thấy cuộc đời quá ngắn ngủi để có thể thực hiện được ước nguyện hoang dã nhất của mình nên đã từ bỏ công việc ở một tập đoàn lớn để đi khắp mọi miền nước Mỹ; đó là Swankie với căn bệnh ung thư hiểm ác quyết định dành hết thời gian ngắn ngủi còn được sống của mình để đi dạo quanh, để sống gần hơn với Mẹ Thiên nhiên, tìm đến điểm đến ước mơ; đó là ông Bob Wells quá đau đớn trước sự ra đi của người con trai, đã tìm thấy niềm tin sống trở lại qua việc giúp đỡ những người khác trên hành trình của họ. Mình đặc biệt ấn tượng với câu nói của Bob:"Không có lời tạm biệt nào là vĩnh viễn vì chúng ta sẽ gặp lại nhau, ngày nào đó, tháng nào đó hay thậm chí vài chục năm sau. Và tôi sẽ nói câu See you down the road - Gặp lại bạn trên đường nhé".
Những cuộc gặp gỡ, nói chuyện tương tác với những mảnh đời đó như những trạm sạc tâm hồn cho Fern, để Fern biết rằng dù chúng ta có sinh ra để đơn độc, thì cũng có những lúc chúng ta không đơn độc như ta tưởng, bởi chúng ta vẫn sẽ có những người bạn đồng hành ở mỗi chặng của cuộc đời. Chúng ta kết nối với nhau qua những niềm vui và nỗi buồn, qua sự lắng  nghe, thấu hiểu nhau.  Và dù có cô đơn, thì đó cũng là khoảng thời gian để chúng ta sống chậm lại, lắng nghe bản thân rõ hơn và học cách yêu bản thân hơn. Câu chuyện du mục này cũng là một hình ảnh ẩn dụ cho văn hoá dịch chuyển, không ngừng nghỉ của nước Mỹ, của cái gọi là "Giấc mơ Mỹ". Họ luôn dịch chuyển, luôn thay đổi, họ không chịu "setttle down".

"I'm not homeless, I'm just houseless"

Đó là câu nói của Fern khi gặp lại một người quen, người mà tỏ ra đáng thương cho hoàn cảnh "vô gia cư" của Fern. Câu nói này gợi mình nhớ đến câu nói "Home is where your heart is" - "Nhà là nơi trái tim bạn thuộc về". Home là một danh từ tiếng Anh để chỉ những ngôi nhà, những ngôi nhà ở đây không chỉ mang nghĩa đen, nghĩa vật lý mà nó còn có nghĩa là "mái ấm".
"Home, is it just a word? Or is it something that you carry within you?"
Không quan trọng đó là một ngôi nhà đầy đủ mái che cửa kính hay không, miễn là bạn được ở cạnh những người thương yêu, trái tim bạn vẫn hướng về gia đình, đó đã đủ để gọi là nhà. Ngôi nhà của Fern chính là chiếc van đã gắn bó với cô mỗi ngày qua những miền đất mới, đến nỗi khi chiếc xe bị hỏng và Fern được khuyên nên bán nó đi để mua một chiếc mới, Fern nhất quyết không bán bởi cô đã dồn hết công sức và tình yêu của mình vào chiếc van nhỏ đó. Chiếc xe là mái ấm che chở cho Fern qua bao cơn buốt lạnh, sương gió. Nhiều khi chúng ta tiếc nuối về một đồ vật vì những kỷ niệm gắn với nó, hơn là giá trị vật chát của nó. Chiếc xe, hơn hết, che chở cho chính mái ấm nhỏ của Fern- ở đây là tình yêu bất diệt với người chồng quá cố, được thể hiện qua hình ảnh chiếc nhẫn kết hôn tượng trưng cho vòng tròn vĩnh cửu luôn được Fern đeo trên tay. Trái tim tình yêu của Fern với người chồng vẫn luôn ở đó và bất diệt, cho nên Fern không "homeless" như nhiều người tưởng.
Bên cạnh những lời thoại đầy nhân văn sâu sắc, những câu chuyện trần trụi đầy xúc động và tình yêu thương giữa con người với nhau, đó là những khung cảnh đẹp mê hồn của những hoang mạc xương rồng đặc trưng của miền viễn Tây Mỹ, là những chiều hoàng hôn tím cả chân trời, là sự giao lưu của con người với thiên nhiên. Chloe Zhao đã đưa chúng ta dạo bước qua 4 mùa nước Mỹ, từ mùa đông giá buốt phủ trắng tuyết tới những ngày hè nắng rực đan xen tiếng đàn của những hipster trên thung lũng đồi cỏ. Cả môt nước Mỹ nguyên sơ hiện ra. Tất cả được gói gọn lại trong những thước phim, góc quay đắt của nữ đạo diễn tài ba. Vậy nên, tác phẩm điện ảnh này là dành cho những tâm hồn tự do ngoài kia đang lạc lõng!

Peace out!
Chi

Bạn đang đọc truyện trên: TruyenTop.Vip