Chương 8: Bất lắm, chắc là nửa đời người
Nước lạnh thấm dần vào từng tấc da thịt, Lý Đế Nỗ lúc bấy giờ cũng gắng gượng không nổi mà thiêm thiếp đi.
Bề trên phẫn nộ xong xuôi rồi thì cũng lùa mây đi mất, bóng chiều dần đổ, chen chúc trên bầu trời là những khoảng vàng cam ấm áp.
Lý Đế Nỗ sau một hồi hôn mê đột nhiên tỉnh người vì bị hòn sỏi từ nơi nao đáp thẳng lên đầu, hắn vươn tay chạm đến xoa xoa. Sâu trong bìa rừng bỗng hay rụt rịt dội sang chút tiếng động, hắn nghe ngóng thì xác định được âm thanh đó phát ra từ hướng Tây. Vội vã bồng cậu Dân lúc này vẫn chưa vơi đi nét mệt mỏi trên khuôn mặt, hắn đâm vào bụi cây nào khuất mắt mà trốn.
- Mẹ cái bọn! Thằng con trời đánh của lão Thiếu sư* có bình thường không đấy, sát rạt kế bên là lão quan mà lại bảo bọn mình đến tìm đường chết!
- Nghe đâu con trai lão ấy lấy tiếng về làng thăm họ vợ để giám sát thay lão già kia rồi.
- Cả thằng Cống sĩ gì gì đấy, cái làng này chất chơi phải biết.
- Giời! Nít ranh! Có xử nó luôn thì cũng chẳng ai thèm ngó.
La Tại Dân bị tiếng người làm cho mơ màng tỉnh dậy, cậu he hé mở mắt, chưa kịp mấp máy môi đã bị một tay của Lý Đế Nỗ đặt lên miệng, hắn lắc đầu ý bảo cậu im lặng, đoạn tiếp tục vểnh tai lên nghe ngóng.
- Vụ này xong xuôi chắc tao về quê mày ạ. Nhỡ đâu bùng lên chém giết lần nữa thì chết toi!
- Lão ấy bán nước bao năm mà có mống nào hay biết? Nay được thêm thằng con phù trợ, cả thêm cái họ La bên vợ làm cánh tay trái, toi thì toi cả lũ, có gì mà rén!
Lúc bấy giờ đôi tay của cậu Dân đã lạnh ngắt, cậu gỡ bàn tay đang đặt trên môi mình ra, ngước mắt lên nhìn. Lý Đế Nỗ rảo mắt trốn tránh ánh nhìn của cậu, bọc lấy xung quanh là một bầu không khí vô cùng khó xử.
Đợi đến khi bọn người kia đã mất hút vào trong những tán cây to lớn, cậu Dân mới chui ra khỏi vòng tay hắn, vì nỗi ô nhục mà cứ mãi cúi đầu không nói nên lời nào.
- Anh biết chuyện này chứ? - Lý Đế Nỗ là người chủ động phá vỡ vẻ lặng yên này.
La Tại Dân không biết nên trả lời thế nào cho phải lẽ. Cậu hít sâu một hơi, nhẹ giọng.
- Thiếu sư bán nước thì tôi biết, nhưng họ La hỗ trợ thì tôi không. Cậu chớ hãy khinh khi tôi, tôi biết rõ tính tình của thầy bu mình, trong việc này nhất định có khuất mắt chưa thể giải đáp.
- Vậy ra... anh cố tình không đỗ cao là vì lí do này?
Nỗi lòng của cậu, trải ra hết chắc sẽ đằng đẵng dông dài không có lấy hồi kết, vì thế cho nên đáp lại câu hỏi của hắn chỉ là tiếng cây cối trên cao bị gió đẩy đưa rì rào.
Khi cả hai cậu đều đang không biết cách nào đối mặt với nhau thì gần đó lại tiếp tục vọng ra chút âm thanh lạ, nghe chừng dường như chính là tiếng chân người đang băng rậm chui ra. Cậu cả Lý theo quán tính nắm lấy cổ tay người nọ, giấu cậu nép sau lưng mình, vẻ mặt vô cùng khẩn trương.
Ấy thế mà đúng thật!
Gương mặt của một lão ông trồi ra giữa bụi rậm lớn, cụ nom hai cậu một lúc mới vang lên cái giọng trầm khàn xứng với lứa tuổi.
- Chim chuột thì lựa nơi nào đấy đẹp đẽ tí mà đi, đến ngọn núi hoang vu này làm gì, xém chút nữa là bây toi mạng rồi đấy!
Lý Đế Nỗ nhớ ra hòn sỏi từ trên trời rơi xuống ban nãy, cất tiếng hỏi:
- Là cụ gọi bọn con dậy ạ?
- Chứ bây nghĩ là thánh thần phương nào?
- Đội ơn cụ ạ! - Hắn cúi đầu.
Cụ ông chậm chạp di chuyển đến một góc ven sông, gỡ những nhánh cây to bự che đậy bên trên để lộ ra con đò cũ kĩ, thuận miệng vu vơ vài câu.
- Mấy thằng lái ghe bờ bên kia dọn đi thuở nào rồi, bây là bị lũ vùng khác đến đây lừa lọc phải không? May số là bây gặp được tao, không thì chỉ có nước hoá cá mà sang sông.
Phủi phui lớp bụi bám trên con đò, cụ ông tiếp tục quay sang hỏi:
- Người làng nào đấy?
- Làng dưới ạ. - Hắn nom sang người bên cạnh vẫn đang cúi đầu không hó hé gì bèn cất giọng thay lời.
Cụ ông gật gù, "à" một tràng dài, đoạn như nhớ ra điều gì đó, cụ chau chặt mày, giọng nói trở nên đanh thép, gặng hỏi:
- Họ nào?
Lý Đế Nỗ nhận ra được ý đồ trong câu hỏi này, không suy nghĩ gì mà nhanh nhảu đáp:
- Con họ Lý, anh đây họ Lê ạ.
Mặc dù sống ở nơi tách biệt là thế nhưng lũ tay sai bán nước kia cứ đôi ba ngày là lại lui đến buôn chuyện, sự kiện lớn nhỏ khắp vùng đều lọt cả vào tai cụ. Mò mẫm lại trí nhớ của mình, cụ nhìn hắn từ trên xuống dưới, hỏi:
- Bây đây là... Làng bây có chàng Cống sĩ cũng họ Lý nhỉ? Là bây đúng không? Hử? Làng bây có một họ Lý chứ mấy!
Lý Đế Nỗ gượng cười gật đầu.
Xuống núi một phen ấy thế mà lại được diện mặt nhân tài, cụ ông lấy làm vui vẻ. Cụ cười phớ lớ, kéo tay hai cậu lên đò, tâm trạng bỗng tốt hơn hẳn.
- Bây đấy, là hạt mầm của nước nhà. Cụ thấp cổ bé họng, cả đời chỉ thui thủi một mình hành nghề coi bói kiếm ăn, còn phải nuôi thêm lũ nhóc mồ côi cơ nhỡ, thế cho nên không dám vùng lên đấu tranh. Đợi bây thành tài, lũ trẻ lớn hơn, nếu còn nhớ đến chuyện xảy ra hôm nay thì đến đây tìm cụ, cụ theo bây!
Trên con đò nhỏ đang xé gió băng qua sông chỉ có mỗi hai giọng nói của cậu cả Lý và cụ ông văng vẳng buôn chuyện. La Tại Dân cúi đầu ngồi im một góc, ngay cả thở cũng vô cùng nhẹ nhàng, cô quạnh thui thủi như chú chim nhỏ lạc mất bầy đàn.
Lý Đế Nỗ thỉnh thoảng trông qua cậu đôi lần, muốn an ủi người ta nhưng thiệt tình chẳng biết lấy lí gì cho phải.
Hắn rất mong nhà họ La thật sự có khuất tất chưa thể giãi bày, dẫu cho có là bị uy quyền của bề trên đanh hiếp. Chỉ cần có một lí do chính đáng, hắn nhất định sẽ bảo vệ cho cậu.
./.
Rạng tối, đò ghé đến bên bờ, hai cậu tạm biệt cụ ông rồi xoay người bước đi. Lúc này chẳng có lấy con xe bò nào còn đánh nên hai cậu buộc phải đi bộ. Suốt quãng đường đi, bao bọc xung quanh là một không khí yên ắng như mặt hồ lặng gió, không có chút động tĩnh gì. Có chăng, chỉ còn là hơi thở của hai cậu đang nương theo gió trời cuộn lẫn vào nhau.
- Anh Dân, tôi hứa với anh, chuyện xảy ra hôm nay chỉ mỗi anh và tôi biết.
La Tại Dân bấy giờ mới đưa mắt nhìn đến hắn, ẩn sâu bên trong đôi ngươi đen láy là những vì tinh tú đang nhấp nháy tia sáng, tựa hồ giống như một khoảng trời sao thu nhỏ.
Ánh nhìn chân thành của người trước mặt khiến cho tâm tình của hắn bỗng dưng bấn loạn. Người này, rốt cuộc từ bao giờ đã che đi hết thảy tầm nhìn nơi hắn, để rồi quanh đi quẩn lại, hiển hiện trong trí óc chỉ còn là gương mặt non trẻ không có lấy thứ bụi trần bám víu.
Nếu mai sau thật sự phải dấn kiếm kề lên cổ người, kiếm tìm khắp non nước phía Nam, biết bao giờ hắn mới lấy đủ dũng khí?
Bất lắm, chắc là nửa đời người.
Hai cậu lững thững sải bước mà không biết được khi nào mới về đến nhà. May làm sao, thằng Đông vừa hay đang ngồi xe bò đem vải quý từ kinh thành về cho bu nó, nó đánh xe ngang qua trợn mắt nhìn thẳng vào hai cậu, đoạn thở phù rồi lệnh cho gã lái dừng lại, chẹp miệng.
- Tưởng ma không đấy!
Đông chỉ muốn cho cậu Dân đi ké về làng, ấy nhưng bỏ cả Lý ở đây thì cũng không hợp tình hợp lí, nó đành bấm bụng rước theo người ta luôn.
Trông thấy thằng bạn thân cớ gì mà cứ mãi ủ rũ, nó thúc nhẹ vào cánh tay cậu, hỏi nhỏ:
- Sao rồi? Giải duyên chưa? À... Nó có làm gì bậy bạ với mày không?
Cậu Dân nhoẻn miệng cười, đáp:
- Không cần giải nữa.
- Hử? Sao thế?
- Có lấy duyên gì mà giải?
Đông chậc lưỡi, cảm thán rằng quả nhiên duyên diếc cũng lựa người để rớt. Hay thật! Còn biết đôi nào nên đôi nào không mà né!
Tưởng đâu không còn phải gắn bó gì với nhau hai cậu sẽ vui lắm, thế mà suốt quãng đường đi hai thằng im thin thít. Đông bị ảnh hưởng nên cũng không dám ho he gì. Cho đến khi đánh xe dừng đến trước cổng nhà họ La, trông thấy bên trong chong đèn nhộn nhịp Đông mới cất tiếng:
- Ê ê anh rể mày dẫn chị cả về thăm thầy bu đấy. Mày không biết đâu, hồi trưa này sân đình rộn ràng lắm, nghe bảo ngày mai anh mày còn phát gạo thóc tiền vàng cho bà con cơ!
La Tại Dân nghe đến đó, bấu chặt lấy lòng bàn tay lạnh ngắt, toan nhảy xuống xe. Trước khi bước vào nhà, cậu Dân nói ra những lời mà Đông không tài nào thấu nổi.
- Cậu cho tôi một khoảng thời gian, nếu như không lôi ra được khuất tất, tôi ắt sẽ thuận theo lẽ đời.
Quay sang cả Lý, Đông thấy hắn gật đầu, đưa mắt dõi theo cậu Dân cho đến tận khi bóng cậu đã dần khuất sâu hắn mới trút ra hơi thở dài.
Đông ngẩn ngơ đến là ngây dại.
./.
Hậu duệ quan lớn quả nhiên không nói phét, mới sớm tinh mơ ngày hôm sau đã lôi ra sân đình hàng loạt các rương tiền rương thóc. Bà con nom đến mê mẩn, không tiếc lời ngợi khen.
- Ôi chao cảm ơn cậu đã ban phúc cho cái làng nhỏ này, cảm ơn bà La vì đã cho chúng tôi hưởng lây cái phúc phần đấy nhé!
- Hào phóng quá thể! Con đường công danh của cậu sau này nhất định sẽ trải đầy vinh quang!
Gã đàn ông đang khoác lên người những tấc vải thượng hạng cong một bên khoé miệng tận hưởng lời ca tụng từ dân chúng, cạnh bên gã là bà La cũng đang nở mũi không kém.
La Tại Dân đang cùng chị cả sắp xếp lại đống quà cáp lộn xộn, trông thấy thị lúng túng, cậu dịu dàng hướng dẫn.
- Phần gạo này chị đong đầy thúng rồi phát cho người ta. Tiền bạc thì mỗi người ba quan, đếm đúng ba quan nhé, một... hai... ba..., chị đã hiểu chưa?
La Linh ngơ ngẩn nhìn theo, đoạn gật gật đầu cười toe toét.
Hôm nay dĩ nhiên là ngày dành riêng cho họ La lên mặt, nhưng họ Lý nào có chịu thua, bấy giờ cũng đua theo phát cho dân làng vài ba quan tiền, lấy cớ là rải phúc nhỏ để ôm được phúc lớn, mong cho mai sau cậu cả Lý sẽ thuận buồm xuôi gió chạm đến nơi cao.
Hai bên sặc mùi tranh đấu, ấy nhưng dân làng thì không mấy quan tâm, dẫu gì cuộc tranh đấu này lợi lộc đều rước về thân họ.
Cậu Dân sắp xếp xong một lượt bèn kiếm góc nào ít người để hít thở. Cậu dựa lưng lên gốc cây to, nghía lấy cái cảnh dân làng đang tụm năm tụm bảy buôn dưa bán lê.
Cậu hai nhà Thiếu sư từ đằng xa đi lại, trên môi vẫn giữ nguyên nụ cười nửa miệng mang đầy nhạo báng. Gã đứng đối mặt với cậu, nói khích.
- Cậu hai cũng biết nghe lời đấy chứ, xem ra cũng thương chị mình quá nhỉ?
La Tại Dân trước giờ vẫn khắc trên khuôn mặt thanh tú nét dịu dàng lãnh đạm, ấy thế mà lúc này đôi mày của cậu chau chặt, toát ra đầy sự căm phẫn.
- Bảo cậu ngoan ngoãn làm tay trong cho anh thì cậu không chịu, cứ đua đòi ứng kinh tranh tài. Dằn vặt chị cậu là cậu ép anh, chứ anh thương Linh không hết nỡ lòng nào mà xuống tay?
Nắm chặt lòng bàn tay, lửa giận trong cậu Dân bỗng dưng sôi trào. Phóng đến gã ánh nhìn đanh thép, cậu gằn giọng.
- Tao không bán nước! Lũ chúng mày, một ngày nào đó rồi cũng sẽ cùng nhau xuống mồ!
La Tại Dân vừa dứt lời, gã liền vươn tay tóm lấy cổ áo cậu, hung tợn răng đe.
- Ngu dốt lại nghĩ mình thanh cao mà học đòi kinh thư? Mày liệu mà sống, đừng để tao phải bứt dây mơ rễ má cả họ La này lên!
Góc này vắng người, không ai mảy may phát hiện ra chuyện gì. Riêng chỉ có Lý Đế Nỗ nãy giờ vẫn luôn hướng mắt quan sát cậu Dân, trông thấy người ta bị thằng ô quan đụng chạm, hắn vứt phanh đống đồ trên tay xuống đất, sải chân đi đến.
Cậu Dân so với anh rể cậu thì yếu thế hơn hẳn, cậu gỡ mãi không ra bàn tay đang bấu chặt cổ áo mình. Bỗng hay, gã đột nhiên thả tay lùi ra sau, cậu Dân trông thấy Lý Đế Nỗ đang vươn tay tóm lấy cổ áo sau gáy lôi gã thảy ra nơi cách cậu đôi ba bước chân.
Đôi mày kiếm nhíu chặt, Lý Đế Nỗ trầm giọng hỏi:
- Anh đang làm gì vậy?
Gã sửa lại cổ áo bị hắn làm lệch, cười giễu.
- Anh em lâu ngày không gặp đùa nhau một tí, phiền đến Cống sĩ chăng?
Lý Đế Nỗ nhếch một bên khoé môi, đưa tay sửa lại cổ áo cho La Tại Dân, không nhìn gã mà rằng.
- Thứ cho tôi, lần đầu được diện mặt bề trên không khỏi cảm thấy hào hứng, đùa có hơi khích. Ngài có để bụng không?
- Mày!
Gã nổi điên, toan lao thân lại muốn dạy dỗ thằng ranh con bao đồng. Ấy nhưng còn chưa kịp làm gì đã nghe thấy chất giọng trầm khàn của vị quan nào đấy vọng lên.
- Chẳng hay hai trò của lão đây chọc giận gì con trai nhà Thiếu sư?
Quan vuốt vuốt chùm râu dài li ti điểm bạc, cong lên đuôi mắt. Điệu bộ điềm nhiên hiền hậu này mảy may lại doạ cho con trai Thiếu sư sợ sệt thu lại cánh tay.
*Là quan Chánh nhị phẩm bên Văn giai. Gồm tam thiếu: Thiếu sư, Thiếu phó, Thiếu bảo. Vì truyện hoàn toàn không liên quan đến lịch sử (nếu có thì đa phần là những sự kiện không có thật), chỉ mượn bối cảnh Việt cổ, không rõ triều đại nên chú thích đơn giản vầy thui nha mọi người. À, thêm nữa là quan chế phong kiến sẽ chia làm hai nhánh (gọi nhánh đúng không nhờ?) là Võ giai và Văn giai, chức vụ ngang nhau không thì xin lỗi trí não bé nhỏ này của mình không biết T T
Bạn đang đọc truyện trên: TruyenTop.Vip