Chương 4 - Chuyện cũ: Gặp lại
41.
"Đúng là thằng vô dụng. Gửi số tài khoản đi, tao chuyển tiền cho."
Tôi nhắn gửi lại số tài khoản của mình. Ting ting hai tiếng ba trăm nghìn được chuyển đến ngay.
Tôi xuống nhà, bắt xe ôm. Thần trí mơ màng trên mây cứ thế đến địa chỉ nhà bà mẹ tôi gửi. Nhìn bảng hiệu quen thuộc trước mắt, tôi túa mồ hôi. Thực sự là bà mẹ già của tôi câu được ông bố khó tính kia?
Tôi bước vào nhà, chiếu nghỉ đặt đôi giày thể thao đính đá lấp lánh đầy phong cách. Hơi sững người lại, rồi bước tiếp.
Ánh đèn vàng ấm cúng chiếu rọi gian phòng khách, mẹ tôi đang ngồi đó gọt hoa quả còn ông già kia ngồi cười nói vui vẻ.
"Con chào mẹ, cháu chào bác ạ." Tôi lên tiếng.
Mẹ tôi xởi lởi đáp lại, "Ôi chao, bác cháu gì chứ, con phải tập gọi bố đi thôi."
Ông ta liếc nhìn tôi một cái, chỉ lên trên tầng "À, tưởng ai ra là thằng Bảo à, Khang nó đang ở trên tầng đấy. Hoá ra đều quen biết nhau hết cả, vậy càng tốt."
Mẹ tôi ôm tay ông ta nói "Đúng là chúng ta có duyên thật nhỉ?"
Không muốn xem tiếp màn kịch ngôn tình tuổi trung niên, tôi xin phép lên nhà trước.
"Vậy cháu xin phép lên nhà ạ."
42.
Vừa đi tôi vừa thầm nghĩ, lê từng bước chân lên câu thang.
Quái lạ lúc trước ông già đó, bằng sống bằng chết ngăn tôi và thằng Khang chơi với nhau. Giờ lại tỏ ra thân thiết như chưa hề có cuộc chia li. Chẳng biết bà mẹ tôi bỏ cho ông ta bùa gì nữa.
43.
Căn phòng quen thuộc, nhưng bầu không khí khác lạ. Tôi vặn tay nắm cửa. Đã rất lâu rồi, tôi mới trở lại nơi đây.
Nắng soi qua khung cửa sổ rộng sát đất, gió lay động trên không. Những bản phác thảo nằm lặng im trên nền gạch hoa. Cậu ta ngồi giữa căn phòng, nghiêng đầu nhìn chăm chú vào thiết kế trước mặt. Mái tóc đỏ rực nổi bật như ngọn lửa giữa tuyết trắng. Cậu ta khẽ cười, nốt ruồi dưới môi cũng cười theo.
Tôi không nỡ phá vỡ khung cảnh hài hoà, chỉ đứng yên lặng trước ngưỡng cửa.
Thằng bạn tôi học thiết kế thời trang, đã mở một hãng thời trang nhỏ. Để mà nói, có thể coi nó là một cá thể boy phố vượt trội.
Thay vì đua xe bốc đầu báo nhà báo xóm suốt ngày, lông bông chẳng biết làm gì như phần lớn anh em trong chúng tôi. Nó đã có định hướng tương lai rõ ràng.
Lần đầu tiên tôi và nó gặp mặt, thằng chả đã nói "Trông mày chất đét vậy, sau này có muốn đi làm người mẫu cho tao không?"
"Mẹ thằng chó mày nói cái đéo gì thế." Tôi rít thuốc rồi đáp lời.
Thằng Khang thấy dáng vẻ bất cần của tôi, gần như nhảy cẫng lên "Đúng, đúng! Chính là cái kiểu thế này. Sau này mày đi làm người mẫu cho hãng thời trang của tao được không?"
Rồi nó kể cho tôi về ước mơ của nó. Xem nào, mấy năm trôi qua giờ nó đã đi được một nữa chặng đường nó chọn. Uổng công lúc trước tôi khinh thường ước mơ của thằng nhãi này.
Tôi nhớ lại quãng thời gian cấp ba, chúng tôi cùng nhau tung hoành ngang dọc, bất giác bật cười thành tiếng.
Nghe tiếng động làm phiền, thằng Khang nhíu mày, ngẩng mặt lên nhìn. Nó chạm mắt với tôi.
Lần nữa, thằng Khang cúi xuống nhìn bản thảo rồi lại nhìn tôi "Tóc mới của mày đẹp đấy. Khá hợp với thiết kế của tao." Vừa nói, vừa quơ quơ bản vẽ ướm lên người tôi.
"Hay là mày đi diễn đồ án tốt nghiệp cho tao đi."
Tôi gom đóng giấy lại, chọn một góc trên tấm thảm trải sàn, rồi ngồi xuống, "Thôi, thiếu gì người mẫu chuyên nghiệp đẹp hơn tao. Tao có biết diễn chó gì đâu."
Vội vàng, nó trả lời: "Không, không phải vấn đề đẹp hay xấu mà là khí chất. Mày không cần phải diễn gì cả chỉ cần là chính mày thôi."
"Chỉ có mày mới hợp với thiết kế của tao."
Tôi giật lấy tờ giấy trong tay nó. Cái quần bò ống rộng bị mèo cáo rách rưới tể xuống, được kéo lại bằng cái thắt lưng đính đá. Phối cùng chiếc áo khoác vải voan trắng trong suốt trễ vai, bên trong là áo lưới ba lỗ.
"Mày bảo tao đi khoe thân cho bao người xem à? Xin lỗi, có chó mới diễn cho mày."
Thằng Khang vội vã đứng dậy, lúc tủ rồi vất cho tôi một tấm thẻ đen (thật sự dùng thẻ đen phí tiền vô bổ cho tôi?).
"Chỉ cần mày gật đầu, tất cả đều cho này hết." Nó chớp chớp đôi mắt vô-số-tội nhìn tôi "Người Việt Nam nói là làm, như đã hứa. Nếu mày làm người mẫu độc quyền cho tao, thù lao sẽ gấp bội."
Tôi khá là lưỡng lự rồi đấy.
44.
Áp dụng định luật thiếu tiền trả nợ: khi người khác cho mình tiền, tuyệt đối không được từ chối.
Sẵn đang có khoản nợ, hay tôi cứ xuôi theo nó để kiếm chút. Trả hết nợ rồi thôi. Dù sao chỉ là khoe thân, chứ có phải bán thân đâu.
45.
Nhận ra ý tứ trong ánh mắt tôi, thằng Khang cười tít mắt. Tiếp tục dồn dập tấn công:
"Hay thôi đừng nghĩ nữa. Tao bao mày hôm nay, lâu lâu anh em mới gặp mặt nhau một lần."
"Phải đi đua chứ nhể?"
Thằng Phạm Thành Khang này biết tỏng cái tính nết tôi. Vui lên chuyện gì tôi chẳng gật đầu đồng ý, và có bao giờ Ngô Thanh Bảo đây từ chối tiền đâu.
Đấy gọi là thủ đoạn, chọn đúng chỗ ngứa mà gãi.
Tuy biết sạch ý đồ của thằng nhãi này, tôi lại chẳng thể quyết liệt từ chối. Gà thấy thóc phải mổ, lợn thấy cám phải húp, chó thấy xương phải ngoạm. Và con nợ thấy tiền phải nhặt. Đây là quy luật bất biến của trời đất rồi.
Hỏi tôi cách nào mà cưỡng lại đây?
Thế là tôi ậm ừ trả lời nó rằng "Cũng được."
Biết mình thành công thuyết phục tôi 60% rồi. Nó vui vẻ vỗ vai tôi, nụ cười kéo đến tận mang tai:
"Đi nào, đi nào. Cơm nước trước đã, mẹ mày đã mất công chuẩn bị rồi. Bây giờ chúng ta đã là người một nhà cả."
Suýt thì tôi quên béng mất chuyện này, tôi nghi hoặc hỏi nó "Ê, sao bà mẹ tao thuyết phục được ông bô khó tính của mày vậy? Còn chẳng phản đối chuyện hai đứa mình kết giao, trước ổng gay gắt lắm mà."
"Chịu tao cũng chẳng biết. Ông già ấy còn thoải mái cho tao học thiết kế thời trang, chẳng cấm cản nữa. Cơ mà, quan tâm tiểu tiết làm gì, việc mình vui thì mình cứ vui. Chuyện tốt đấy." Nó thản nhiên trả lời.
Thằng nhãi bây giờ có học nên ăn nói, suy nghĩ khác hẳn. Tôi thấy bản thân không cần phải nghĩ ngợi linh tinh nữa, suy diễn chi rồi tự đau đầu?
46.
Chúng tôi cùng bước vào gian bếp nhà nó. Trên bàn bày biện đủ các món ngon, được trang trí y hệt nhà hàng. Nói thật, tuy tôi là con nhưng chưa từng một lần ăn cơm mẹ nấu.
Chà, tay nghề của bà ta cũng khá quá.
"Nào ngồi xuống ăn đi các con." Hai người họ đồng thanh nói.
Thấy Khang tự nhiên ngồi xuống, tôi cũng chậm rãi ngồi cạnh nó.
"Con mời mọi người ăn cơm."
"Được rồi ăn đi, ăn đi."
Sau vài lời khách sáo. Hai người bọn họ lại tiếp tục diễn vở ngôn tình trung niên, khoe ân ái trước mặt con trẻ. Nào là, anh đút em, em đút anh. Lau miệng, lau tay cho nhau.
Tôi nhìn mà cay mắt. Đồ ăn trong miệng trở nên lạt vị.
Bỗng nhiên thằng Khang huých cùi trỏ vào tay tôi. Nó bụm miệng cười đến chảy cả nước mắt. Tôi nhìn cái mặt nhăn nhó trước mặt, vô thức cười theo. Hai đứa cứ nhìn nhau, rồi lại nhìn hai ông bà trước mặt, phán xét bằng ánh mắt.
Chắc nó thấy tôi nhịn cười chưa đủ khổ. Gắp cho tôi một miếng sườn xào chua ngọt. Tôi nhìn miếng sườn, giả vờ gảy gảy ra khỏi bát.
Không nhân nhượng, nó gắp thẳng miếng sườn lên, "Aaaaaa." Một tiếng rõ kêu. "Để tao đút cho Bảo Bảo của tao ăn nào."
Trời ơi, nó có biết ngại không vậy? Tôi vừa đỏ mặt tía tai, vừa cố gắng nhịn cười. Bục chỉ rồi, tôi không nhịn nổi nữa. Vừa cười vừa đánh rơi bát cơm trước mặt.
Hay sao cái bát sứ ấy xoay một vòng rơi xuống đất, không đổ cũng không vỡ.
Hai thằng chết trân nhìn nhau năm giây. Rồi bật cười.
Ông bô khó tính của nó lại bắt đầu tức giận. Ông ta đập đũa xuống mâm, những nết nhăn trên khuôn mặt xô lại với nhau. Tạo nên biểu cảm dữ tợn.
Vốn sống cợt nhả, tôi và nó cúi đầu tỏ ra hối lối. Thật ra hai thằng đang nhéo đùi nhau, nhịn cười đau bụng muốn chết.
Bà mẹ tôi bất ngờ giải vây cho hai đứa, "Thôi, anh à. Bọn trẻ bây giờ đều như vậy cả. Lâu ngày không gặp nhau, nhiều điều để nói. Cứ để chúng nó trò chuyện. Mình tức giận, trước tiên là hại mình."
Thế mà, ông bô ấy cũng xuôi theo thật.
47.
Sau bữa cơm, tôi và Phạm Thành Khang phóng xe ra khỏi nhà. Bắt đầu lịch trình đi chơi đầy bận rộn. Chúng tôi đi đánh bi a, đi cà phê rồi lại đi net. Không quên ghé quán karaoke quen thuộc.
Tôi vui đến mức chẳng còn nghĩ đến cái cuộc đời rách nát như chó gặm của tôi.
Trong thoáng chốc quên đi mọi ưu phiền.
Ngày tháng cấp ba dường như quay trở lại. Hồi anh em chúng tôi thân thiết như tay chân, ngày nào cũng gặp mặt, cuộc vui chẳng bao giờ thiếu vắng nhau. Lúc đó thực sự rất vui. Nhưng giờ, chúng tôi đã lớn, tháng ngày lông bông chẳng còn.
Xa cách và cơm áo gạo tiền khiến chúng tôi tan đàn xẻ nghé cả.
Tôi là một thằng nghiện cờ bạc, đáng lẽ, tôi và Khang phải là người đầu tiên cắt đứt. Khoảng cách giữa hai người lớn đến thế mà.
Tôi đã nghĩ vậy.
Cuối cùng lại chỉ còn tôi và nó.
48.
Chúng tôi rời quán karaoke quen thuộc vào lúc gần hai giờ sáng. Đường phố vắng lặng, đèn đường hiu hắt, từng cơn gió đêm lạnh lẽo xao động.
Nó kề sát tôi, châm một điếu thuốc, tàn thuốc như đốm lửa nhỏ lập loè dưới đèn đường.
"Hút không?" Nó hỏi.
Đám phố chúng tôi chuyển qua vape cả rồi. Chỉ có mình thằng này trung thành với loại thuốc lá truyền thống cũ rích. Tôi không hiểu sự cố chấp của nó, cũng như không hiểu tại sao một thằng nhóc giỏi giang như nó là chơi thân với tôi.
Cuộc đời nó thật mâu thuẫn.
Đêm tĩnh mịch thật dễ khiến tâm hồn con người cảm thấy cô đơn lạ thường. Tôi bất giác nhớ đến khung cảnh hôm qua. Khi tôi bật khóc nức nở giữa cánh đồng hoang sơ. Dù chẳng mấy nghiện thuốc, tôi vẫn lấy cây vape ra, chuẩn bị tự tê liệt cảm xúc của chính mình.
Đặng Thế Long đã nói, "Buồn thì cứ khóc. Hút thuốc làm gì."
Bố của hắn chết vì ung thư phổi. Chỉ sớm hơn bố tôi mấy tuần. Trước khi hai người họ chết, cả hai hình như đã có một màn đặt cược. Bằng tính mạng.
"Không hút."
Nó ngạc nhiên nhìn tôi, khẽ sững lại "Sao thế? Chê thuốc lá truyền thống à?"
"Không phải tao chê, chỉ là tao, không muốn phụ thuộc vào thuốc lá nữa."
Thằng Khang ném điếu thuốc dưới chân, khẽ dẫm lên dập tắt điếu thuốc.
"Xin lỗi, mày cai thuốc từ khi nào sao tao không biết."
Đúng vậy, có rất nhiều chuyện nó không biết. Đồng nghĩa với việc tôi bây giờ, có rất nhiều chuyện muốn kể về nó.
Ai sống trên đời mà không cần được tâm sự chứ?
Nhưng, những ngày qua có quá nhiều điều xảy ra. Tôi chẳng biết bắt đầu từ đâu. Đành cụt lủn mở lời:
"Bố tao mất rồi."
"Ông ta nói, bởi vì may mắn của ông ta đã hết. Nghiệp quá nhiều, mệnh của tao không trả nổi."
49.
Đám con trai thời kì dậy thì, ai chẳng muốn xưng bá, xưng vương? Chẳng ai muốn để lộ sự yếu đuối của chính mình cả. Ai cũng sẽ che lấp nó bằng lớp gai nhọn.
Tôi cũng vậy. Không muốn để ai biết đến gia đình khốn nạn của tôi.
Chỉ riêng có Phạm Thành Khang biết về tuổi thơ tôi. Vì tôi tin tưởng nó vô điều kiện, Thành Khang đem lại cho tôi cảm giác an toàn.
Năm cấp ba, bà mẹ và ông bố tôi ăn chơi nên chửa đẻ ra tôi. Khi hai người đang định ném đứa con đỏ hon hỏn vừa mới sinh ra, đang được gói trong túi bóng đen vào thùng rác. Có một người ăn mày đã đi đến.
Nói đúng hơn, chỉ là cách ông ta ăn diện dơ dáy và rách rưới.
Ông ta nhẩm tính, rồi cười cười "đứa trẻ này sinh giờ tỵ đúng không?"
Hai người họ nghi hoặc nhìn nhau rồi khẽ gật đầu.
Lão già ấy vô tay cái đốp, làm cả hai giật nảy mình. Lão ấy nói "Sáu lượng chín chỉ, vừa đẹp. Đứa bé này là một phước báu, là ngôi sao may mắn trên trần gian, là thần giàu sang phú quý."
"Nếu hai người không cần nữa, không bằng để cho ta nuôi dưỡng nó. Phước khí của đứa trẻ có thể được san sẻ đến người xung quanh đấy."
Nghe ông lão nói thế, dù họ vốn có ý định vất quách tôi đi, lại bắt đầu do dự. Họ móc tiền ra rồi đuổi ông lão.
"Chúng tôi sẽ cho lão tiền, lão đi đi."
Thế mà, hai mắt ông lão sáng ra, chạm vào túi bóng. Rồi hân hoan nhẩy cẫng "Đúng là phúc tinh! Đúng là phúc tinh!"
Từ đó tôi được hai người bọn họ nuôi dưỡng. Mẹ tôi vì tôi mà bỏ học đi làm thêm. Bố tôi thì tha thẩn đánh bạc suốt ngày.
Khi tôi lên một, theo lời bọn họ, họ đã chịu khổ đủ nhiều rồi. Bây giờ đã đến lúc họ hưởng phúc từ tôi.
Mẹ tôi cặp được đại gia. Còn bố tôi đánh bạc bắt đầu thắng lớn. Kể từ đó, bà mẹ tôi lâu lâu sẽ ghé thăm mua cho tôi quà cáp. Những người đàn ông của bà, người sau giàu hơn người trước. Còn bố tôi đã làm giàu bằng việc đánh bạc, trở thành một tay khét tiếng.
Tôi ở lại với bố. Đồng tiền nuôi tôi lớn là vàng bạc sinh ra từ may rủi.
Cuộc đời tôi đã định sẵn phải gắn liền với cờ bạc.
50.
Còn bây giờ, tôi đang ngồi sau xe thằng Khang. Chiếc xe lao vun vút giữa đêm tàn, tiếng gió dữ dội rít gào bên tai. Trên con đường vắng, chỉ còn lại hai thằng chúng tôi.
Tim tôi đập mạnh, kích thích trước tốc độ. Tâm trí không cần nghĩ đến những điều bất hạnh trong cuộc đời. Chỉ còn bánh xe vội lăn bánh, ma sát với nền đường.
Thằng Khang gào lên, để cho tôi nghe rõ lời nó nói, "Vì thế cho nên, mày đã đánh cược một phen?"
"Thế, tao cứ đánh và cứ thắng. Tao không muốn tin vào cái vận mệnh chết dẫm kia."
"Rồi sao nữa?" Nó vừa nói, vừa bốc đầu một cách điệu nghệ.
Tôi ôm chặt lấy nó từ phía sau, sự phấn khích chiếm chỗ của toàn bộ mọi loại cảm xúc khác. "Tao đánh bạc mãi, cuối cùng cũng thua. Nhưng, con mẹ nó lúc đó tao điên quá, thua tận hai tỷ."
Thằng Khang nghe đến đấy, đột ngột phanh gấp: "Cái gì? Mày điên thật rồi Bảo ơi, rồi cái nợ đó mày tính sao?"
"Bí quá, không tính được nên tao tự vẫn."tôi cười, như thể đây không phải chuyện của mình, "Ngay trong căn nhà mà ông già kia treo cổ, bằng thuốc ngủ."
"Nếu cuộc đời tao sinh ra và chết đi vì vận may. Thì cuộc đời đó, đâu có đáng sống. Tao không muốn tiếp tục như thế nữa."
"Kết thúc để bắt đầu lại thôi ấy mà."
Nó nghiêm túc nhìn tôi đầy hoài nghi, "Mày nói thật chứ? Tự nhiên triết lí gì ghê vậy? Sao giờ mày vẫn còn ở đây?"
"Mày nói đi, có phải mày đang đùa đúng không?"
Tôi nhún vai, giọng nói trở nên nghiêm túc "Tao không đùa. Chuyện sau đó không rõ thế nào. Nhưng khi tao tỉnh dậy, tao đã nằm ở bệnh viện rồi. Còn chủ nợ, trùng hợp lại ở trước mặt tao."
Thằng Khang hốt hoảng lay mạnh vai tôi "Mày không bị chủ nợ thiến hay chặt mất chỗ nào chứ hả!?"
"Không, thằng cha chủ nợ của tao điên lắm. Tao bảo tao mất trí nhớ, thế là, chẳng biết não thằng đó úng nước hay gì. Nó tự nhận nó là người yêu tao."
"Bây giờ tao không biết phải làm gì."
Thằng Khang đột nhiên lạnh mặt, "Vậy là hai người đang hẹn hò à?"
Nó lại quay lưng về phía tôi, phóng xe đi. Lần này, càng lúc tốc độ nó phóng càng nhanh. Gió thổi tung xoã mái tóc tôi, ù ù bên tai hoà cùng tiếng động cơ gào rú mãnh liệt.
Tôi thấy hơi sợ, ôm chặt lấy Thành Khang, "Tự nhiên mày sao thế?"
Khung cảnh xung quanh dần nhoè đi, hàng cây xanh và bóng đen bên đường chỉ còn là dải màu vàng xanh mờ ảo.
Tiếng gió lùa văng vẳng, truyền đến giọng nói lạnh nhạt. Rõ ràng nó nói thật khẽ, vậy mà tôi có thể nghe thấy từng chữ mạch lạc, nghe thấy cả tiếng nghiến răng.
"Chia tay đi."
"Tao trả nợ cho mày."
Bạn đang đọc truyện trên: TruyenTop.Vip