PHIÊN NGOẠI 3: DƯƠNG NHIỀU CHUYỆN

Tôi là Triệu Dương, con của ông Triệu Phi và bà Lý Kim Du, anh trai Triệu Lam.

Đã mười năm lăm trôi qua rồi, đất nước tôi giờ đã có rất nhiều đổi mới. Việc gia đình tôi được gọi là nhà Bá hộ chỉ còn là chuyện từ khi anh em tôi mới được vài tuổi, từ sau đó không còn cái danh xưng ấy nữa. 

Nhà nước thu lại rất nhiều ruộng đất của ông bà ngoại mà trước kia họ để lại cho bố tôi quản lý, tuy nhiên bố tôi vẫn giữ lại được kha khá và tiếp tục thuê người làm.

Bây giờ nghĩ lại mới thấy, trong thời cuộc đầy biến động và cạnh tranh khốc liệt giữa những người đầu có chữ khi ấy. Bố và mẹ tôi "nhất nghệ tinh nhất thân vinh" đã kiên định và vững mạnh đến thế nào mới gây dựng được cơ ngơi như ngày hôm nay.

Tuy rằng người đời không còn phải khúm trước nhà "Bá hộ" như trước nữa, nhưng khi ra đường họ vẫn gọi chúng tôi một tiếng "cậu Triệu, cô Triệu". Bởi cái uy của bố tôi trong vùng không hề đơn giản, bố đã không để gia đình tôi rơi vào khủng hoảng khi xã hội đối diện với chuyện cải chính, cơ mà cũng không tránh khỏi những kẻ hay săm soi ganh ghét.

Đấy là sơ lược đôi chút về tình hình gia cảnh nhà tôi. Tôi năm nay mười lăm tuổi rồi. Cả tôi và Lam đều giống bố nên rất cao, tôi chỉ thấp hơn bố có một gang tay, Lam là con gái nên không cao bằng tôi được, cơ mà so với mẹ tôi thì vẫn rất vượt trội. Thành ra mẹ tôi bé nhất nhà rồi.

Đổi lại cái uy của mẹ tôi to, bố tôi ra đường thì nhất rồi, thế mà về nhà vợ nói chẳng dám cãi một lời. Trừ một việc, lát tôi sẽ kẻ sau. Mẹ tôi giờ mới chớm đầu ba mươi, nhưng mẹ chẳng già đi chút nào mà tôi thấy càng ngày mẹ càng đẹp ra ấy. 

Bởi giờ mẹ là người phụ bố vấn đề sổ sách đất cát, trong nhà việc nhà chẳng đến tay mẹ làm, bố tôi đi làm về là xắn tay vào giặt đồ, chặt củi đun nước cho mẹ tắm. Mẹ thèm món gì bố sẽ nấu ngay, thế nên tôi thấy mẹ nào có vướng bận buồn lòng gì đâu mà già cho được.

Bố tôi cũng chẳng kém, hơn mẹ tôi vài tuổi nhưng đang lúc sung mãn phong độ nhất của người đàn ông, người bố luôn rắn chắc, da bánh mật. Lại thường đi công tác nên quần áo tác phong chỉnh tề oai phong lắm. 

Khi rảnh bố sẽ ra sông dạy tôi và Lam bơi, đưa chúng tôi leo đồi vượt suối và chỉ những cách phòng thân cơ bản trong rừng. Mẹ nói hai anh em tôi không phải vất vả như bố hồi trẻ nên sẽ có nhiều cái thiếu sót. Họ muốn chúng tôi cứng rắn như tường thành kiên cố, để khi gặp bất trắc gì còn biết đường mà "sinh tồn".

Tôi nghĩ đấy là cách yêu thương anh em tôi đúng đắn và toàn diện nhất thay vì bao bọc chúng tôi quá đà. Nói nhỏ là bố tôi nghiêm khắc với anh em tôi thôi, vì bố bảo sau này bố không theo sát anh em tôi mãi được. Chứ mẹ tôi thì vẫn vậy, mãi là em bé của bố, để bố chăm tận kẽ răng.

Những lúc đi lên tỉnh làm nếu được bố sẽ dắt chúng tôi theo cho chúng tôi mở mang đầu óc. Ở cơ quan của bố hay có mấy cô nhìn bố bằng ánh mắt trìu mến lắm. Cơ mà tôi lại thích cái cách bố lịch sự giữ chừng mực với họ hơn. 

Nhiều lúc Lam bảo tôi rằng nó tinh ý phát hiện trong lời nói của mấy cô ấy đều có ý tứ cả. Tôi hỏi thì nó bảo, một là lấy lòng hai anh em mình, hai là tạo tín hiệu cho bố.

Tính cách chúng tôi không quá giống bố mẹ. Tôi thuộc kiểu im lặng đúng lúc và nói nhiều đúng chỗ ấy, nhưng hình mẫu của tôi thì vẫn là người đàn ông điềm đạm trầm ổn như bố. Lam thì khác, con bé hiền và ít nói hơn tôi. Bà Rô từng bảo cô chủ không dạn dĩ và mạnh mẽ như mẹ tôi hồi trẻ, nó không yếu ớt nhưng cũng hay ngại va chạm với người khác.

Thế nên nhà tôi ai cũng lo nó ra ngoài bị bắt nạt nên bố luôn đề cao trọng trách cao cả của tôi - Bảo vệ em gái, bởi tôi là một người anh trai, mà cũng chính vì lẽ đó mà ra đường đâu ai dám gây sự gì với nó đâu, nên nó cứ thản nhiên chưng hửng như không. Nhiều khi tôi nghĩ cũng nhàn.

Ngoài cao và hình thể đẹp thì tôi như đúc một khuôn từ bố tôi ra, mọi người, tất cả mọi người đều gọi tôi là Triệu Phi hồi trẻ. Trái lại em gái sinh đôi của tôi nét lại rất thanh tú và tinh tế, cũng không giống vẻ đẹp đậm đà khí chất của mẹ tôi hồi trẻ.

Nhưng mà Lam không phải là ngu ngơ không biết gì, con bé là kiểu nguy hiểm nhưng tỏ ra ngu ấy, cái tính đỏng đảnh lại chẳng khác gì mẹ tôi cả. Nên bố tôi hay bảo đời này có hai người con gái làm bố không thể nào chiến thắng được, là Lý Kim Du và Triệu Lam mang cái đỏng đảnh của Lý Kim Du.

Thế nên trong một lần lên tỉnh đi làm cùng bố, chúng tôi mách lẻo việc cô đồng nghiệp nói không hay về mẹ, bố tôi liền nghiêm mặt lắng nghe.

- Cái cô tóc xoăn như giật điện, môi đỏ chót bố ạ. Nói mẹ chỉ biết ở nhà, không giỏi giang như cô ấy, không có công việc, lại chẳng đủ tầm đứng cạnh bố như cô ấy.

- Thế Lam có nói gì lại không?

- Con không, bố chưa cho phép con sợ nói xằng bậy bố sẽ phạt.

- Vậy hai anh em quên mất mẹ là người thế nào rồi à?

- Tất nhiên là không quên ạ.

Chúng tôi đồng thanh trả lời bố, bố nói rằng lần này bố cho phép chúng tôi trả lời lại cô tóc xoăn kia nếu cô ấy còn nói đểu mẹ, bố mách nước ra cho hai anh em, chúng tôi có thể diễn đạt theo ý mình miễn sao có đủ ý bố muốn truyền tải là được.

Thế rồi không khó khi lần tiếp theo gặp lại nhau, cô tóc xoăn sấn sổ xoa xoa khen khen chúng tôi đẹp như tranh vẽ, cảm thán bố tôi đúng là "cao nhân xứ Vạc", có thể hổ phụ sinh hổ tử ra chúng tôi hoàn hảo không tì vết thế này.

- Mẹ con đẻ chứ ạ, bố con chỉ có góp sức thôi.

Cái Lam lần này chủ động đáp lời, tôi hơi bất ngờ vì điều này bố tôi không dặn. Nhưng mà tính em tôi nó thế, hiền lành là chuyện những lúc bình thường, lúc nó nói lại thì có mấy khi đâu nên chắc chỉ có người làm anh như tôi mới hay thấy được.

- Nhưng mà, mẹ của Lam bình thường lắm, vừa nhỏ con lại không biết làm gì. Ở trên tỉnh này người ta gọi mẹ Lam là vô công rồi nghề đấy.

Tôi nghe mà cũng rùng mình ớn một cái, định mở mồm nói trước mà Lam bấu tay tôi cản lại.

- Ôi thế mà mẹ con đào tạo ra được bố con đấy cô, bố con biết chữ là do mẹ con dạy, bố con đi làm được cùng cô cũng là do mẹ con mà thành. Chứ không có mẹ con chắc giờ cô gặp bố con ở ngoài chợ bán rau xấu xấu bẩn bẩn, chân tay lấm lem bùn đất ra mời cô mua rau có khi cô còn đá bay thúng rau luôn ý chứ.

Tôi ngồi cạnh trong cái phòng nghỉ ở cơ quan chờ bố mà tự dưng như ngồi giữa sân cho gió lạnh thổi qua ngay cái lúc con em của tôi nói. Ừ thì có ý của bố dặn rồi, có việc mẹ dạy chữ cho bố nếu không thì bố chỉ là người nông dân thôi, thế mà con bé vẽ ra đến cỡ này.

Tôi khoanh tay giả vờ nhìn mây nhìn trời ngoài cửa, liếc trộm một cái thấy mặt cô tóc xoăn đơ mất một hồi, rồi lại đon đả cười nhạt.

- Mẹ dạy Lam nói chuyện thế này à? Bố Lam mà biết chắc thất vọng về hai mẹ con lắm.

- Ôi cô không phải lăn tăn, bố con bảo mẹ không bao giờ có chuyện sai, chỉ có đúng. Vì mẹ là chân lý lẽ phải, mẹ là tiên nữ hạ phàm.

Tôi cố nhịn cười để cô tóc xoăn không ngại, đúng lúc đó bố tôi xách cặp đi tới vẫy tay. Lam chạy ra cửa liền được bố khoác vai hỏi han đủ điều. Trước khi tôi đi ra chỉ kịp nói một câu vừa đủ rồi chào hỏi đi về.

- Mẹ con bình thường, nhưng không tầm thường cô ạ.

***

Bố hôm nay không đưa chúng tôi về ngay mà trở cả hai ra nhà hàng Bà béo nhà tôi hay ăn, chúng tôi có thắc mắc nhưng bố chỉ nói vào là biết. Nhân viên nhà hàng đưa chúng tôi vào một căn phòng riêng. 

Mở cửa ra mẹ tôi đã ở bên trong từ bao giờ. Trên tay mẹ cầm một chiếc bánh lớn có cắm nến, sau lưng mẹ là dòng chữ to được trang trí rất bắt mắt.

"Chúc mừng sinh nhật Mặt Trời - Hy Vọng"

Đột ngột được tổ chức sinh nhật khiến Lam bất ngờ đến mức ôm chầm lấy bố tôi rơi nước mắt, bố thương lắm nên ôm ôm xoa đầu miết thôi, tôi đi vào với mẹ trước rồi nó cũng vào theo. Mẹ bẹo má thơm hai chúng tôi mỗi đứa một cái rồi chờ chúng tôi thổi nến.

Mỗi lần bố đưa cả nhà đi ăn sẽ đều là một dịp để chúng tôi gắn kết và hiểu nhau hơn. Bố luôn luôn ngồi cạnh mẹ, gắp từng món, lo từng miếng ăn. Chúng tôi lần nào cũng ngồi đối diện nhìn mãi thành quen.

- Hồi bằng tuổi hai đứa bây giờ, mẹ còn vượt đồi đi tìm bố đấy.

Lần đầu tiên chúng tôi nghe câu chuyện này, chắc là bố đợi đúng tầm mới kể hay sao ý. Mà ánh mắt bố tự hào lắm, vẻ mặt hớn hở quay sang nhìn mẹ tôi đang đỏ mặt khiêm nhường, thơm cái chóc lên môi mẹ.

- Bà Triệu quả là dũng mãnh hơn trời, làm tôi không thoát nổi bà mà.

- Nào, đừng có tưởng bở. 

- Sự thật hiển nhiên thôi, em mở đường, anh mở lời, nhỉ?

- Nói nghe thì dễ, chứ cũng vất vả lắm mới tòi ra được hai anh chị này đấy chứ đơn giản à.

Mẹ nói thế thôi chứ nét mắt mẹ cũng hạnh phúc chẳng kém. Dường như đây là mảnh ký ức tuyệt vời nhất của họ, sau bao nhiêu năm nghĩ đến vẫn còn mỉm cười hạnh phúc được, là khi ấy ắt sẽ là lúc họ trân trọng nhất.

- Mà có phải bố kiêu lắm đúng không mẹ, dạo này mấy bô lão gặp con còn nói "Bố cậu như vậy mà lại để mẹ cậu cuỗm đi mất". Nghe gớm lắm.

- Anh nghe lão nào nói? Em còn nghe mấy người luôn này, cơ mà đều cùng một ý "Bố cô cậu sống chết vì mẹ cô đấy, sau này phải kiếm được chồng như Triệu Phi làng Phú Hạ bảo vệ Lý Kim Du giữa sân đình ấy nhé".

Nghe đến đây chúng tôi đều chung một thắc mắc, vì chưa từng được kể đến mẩu chuyện nào liên quan đến ngoài sân đình. Bố mẹ thấy chúng tôi thắc mắc lớn, nghĩ một hồi cũng quyết định kể chúng tôi nghe.

- Hồi ấy bố con đã đánh bại Chánh tổng vùng, sự kiện ấy rất lớn.

- Lúc đó mẹ là vợ Chánh tổng, bố con đã cứu mẹ hỏi gã đàn ông nguy hiểm ấy và cưới mẹ về.

Sốc, là từ duy nhất diễn tả được tâm trạng của chúng tôi lúc này. Bố tôi vẫn im lặng chưa nói gì, chắc để chúng tôi kịp tiếp thu, lát sau hai người liền kể tiếp về những gì đã xảy ra vào thời điểm ấy.

Vậy ra là mẹ tôi đã có một đời chồng còn là người máu mặt. Bố tôi lúc ấy chỉ là một bần nông nghèo mang tình yêu mẹ bất diệt đối diện với Chánh tổng vùng. Chúng tôi ngỡ ngàng vì dưới bầu trời phong kiến khi ấy, họ dám đấu tranh cho người mình yêu, hy sinh danh dự và đạp lên điều tiếng để đến với nhau.

Và giờ họ dùng chính sự cương trực tử tế nuôi dạy chúng tôi, kiếm những đồng tiền chân chính vun đắp gia đình và để chúng tôi không phải thiếu thốn bất cứ điều gì. Bố kể xong còn lo chúng tôi suy nghĩ, trực tiếp rạch ròi phân bua.

- Thiên hạ chín người mười ý, các con không phải những đứa trẻ khác mà là con của bố mẹ, được bố mẹ cưng chiều và yêu thương. Đừng vì những lời nói ngoài kia mà quên đi mẹ là người vĩ đại nhất trên cuộc đời này. Vĩ đại nhất cuộc đời bố và các con. Còn những lời đàm tiếu của họ...

Bố tôi nói đó chỉ là "Chó sủa bên tai", những người đó không bao giờ bằng được mình, nên hãy mặc kệ và đừng để bụng. Mẹ tôi nghe mà mát ruột mát gan, chưa bao giờ mẹ phải thất vọng về người chồng này của mình.

Tôi vẫn nhớ những ngày hồi bé, mẹ thức trắng đêm mỗi khi tôi hoặc Lam đổ bệnh. Hay thời điểm kinh tế nhà nước suy thoái, toàn dân đói khổ. Quốc gia hưng vong thất phu hữu trách, mẹ ngồi bên cạnh hỗ trợ bố đến tận gà gáy mới chịu lên giường ngủ, bố có quát, có đuổi thế nào mẹ cũng một mực phụ cho xong mới yên tâm được lòng.

Bố tôi đi vắng nhiều ngày trời, mẹ một mình chăm lo hai đứa con nhỏ, đứa quấy khóc, đứa không chịu ăn mẹ vẫn kiên nhẫn không nỡ mắng một lời. Bề ngoài mẹ như chẳng màng mệt mỏi chăm bẵm chúng tôi, dù bà ngoại bảo nhà có người làm nhưng mẹ chỉ nói "chúng là con của Phi, con không muốn anh ấy công tác mệt mỏi về lại thấy con cái gầy tong teo đi". 

Chính vì thế mẹ luôn là một hậu phương vững chắc mỗi lần bố đi xa.

Thời điểm khủng hoảng loạn lạc ấy qua đi, bố ở nhà bù lại cho mẹ những ngày vắng mặt. Sau này lớn bố mới nói cho chúng tôi biết rằng, nuôi một đứa đã khó, chăm hai đứa bằng nhau cùng một lúc thì phải phi thường lắm mới làm được, vậy mà người mẹ nhỏ bé của chúng tôi khi ấy mới mười tám đôi mươi, không nỡ để chúng tôi thiếu thốn sự săn sóc của mẹ ngày nào nên ôm đồm vào người không cầu ai giúp đỡ.

Đến khi bố về chia sẻ cùng bố mới thấy mẹ nhọc nhằn chịu thương chịu khó đến nhường nào. Có lẽ đấy chính là điều khiến bố tôi trân trọng mẹ, nể phục mẹ nhất. Khi một tiểu thư mưa không đến mặt nắng không đến đầu như mẹ, lại vì yêu và vì con của người mình yêu mà quên đi bản thân mình. Trở thành phiên bản hoàn hảo nhất trong vai trò một người vợ, một người mẹ

***

Thời gian cứ thế trôi rất nhanh, bạn bè đồng chang lứa con đàn cháu đống, người dăm bảy mười đứa khiến ông nội tôi ham nên không chịu việc mẹ tôi không đẻ thêm bất cứ đứa nào ngoài hai chúng tôi. Ông nội đành tìm bố tôi mắng mỏ.

- Con xem, nhìn hàng xóm láng giềng toàn cả một đàn con cháu, con lại có điều kiện, sao không đẻ tiếp đi. Mới có hai đứa thôi khó khăn vất vả gì đâu chứ.

Bố tôi chỉ lắc đầu không giải thích với bất kỳ ai, thành ra mọi người liên tục thúc giục bố, cả chúng tôi cũng đòi có em, bố từ chối tất cả, bao gồm cả mẹ tôi. Chúng có nhiều lần hỏi mẹ nhưng mẹ cũng nói mẹ muốn, nhưng bố không cho. 

Mẹ cũng chẳng nói rõ lý do, nên một ngày bố rảnh rỗi ở nhà, tôi đứng ngoài cửa chờ Lam chạy vào thư phòng hỏi bố. Lúc ấy bố chỉ nhẹ nhàng hỏi ngược lại con bé.

- Ai cũng muốn có thêm em mà sao bố không đồng ý vậy?

- Vậy bố hỏi Lam và Dương nhé, nếu phải chọn giữa việc được ở bên cạnh mẹ và em bé mới, bọn con sẽ chọn ai?

- Tất nhiên là bên cạnh mẹ rồi ạ.

- Bố cũng thế, bố cũng chỉ muốn được ở bên cạnh mẹ.

Tôi có phần khó hiểu nên chạy vào kéo Lam ra ngoài, đi tìm mẹ kể lại rồi bắt mẹ giải thích cho bằng được.

- Thật ra ban đầu bố chỉ tưởng có một mình Dương trong bụng mẹ thôi, sau đó Lam chui ra làm bố sung sướng hạnh phúc mất ngủ cả tháng trời.

- Bố thương tụi con nhất, nên muốn dành mọi thứ cho hai anh em thôi.

Mẹ tôi nói cũng chỉ chung chung, sau đó bố đi vào, nói rõ hơn để chúng tôi được hiểu được sự trăn trở của bố.

- Hai đứa được xuất hiện trên đời mẹ đã phải bước một chân vào cửa tử, hai đứa được sống trong tình thương vô bờ và mạng sống hai đứa là được mẹ giành giật cho.

- Để phải đánh đổi tính mạng mẹ con để có thêm những thứ vốn đã đủ đầy, bố không làm được, và cũng không muốn làm.

Mãi sau tôi mới biết bố chưa từng có ý định để mẹ đẻ lần thứ hai, chỉ là sự ra đời của Lam nằm ngoài sức tưởng tượng của cả bố lẫn mẹ. Nên bố coi như lộc trời ban, cứu mẹ thêm một lần, lại cho gia đình tôi được đông đủ.

Bố tránh né ông nội và tìm cách nói giảm nói tránh, để ông nội không trách mắng mẹ được vì những tư tưởng cũ mà ông mang. 

Cùng với đó lại xem chúng tôi như những kho báu quý giá hơn mọi thứ mà họ nâng niu trân trọng.

Vì thế mà khi nhận ra tình yêu của bố dành cho mẹ và chúng tôi, hai anh em đã hiểu và tự hào hơn vì sự hiện hữu của bản thân trên đời. 

Hai bản thiết kế vĩ đại nhất mà bố mẹ tôi phát minh ra trên cuộc đời đầy trắc trở này!

Bạn đang đọc truyện trên: TruyenTop.Vip