Cho đất Kinh Kỳ rợp bóng cờ hoa
Ở với nhau gần hai năm, mọi việc của Lê, Sơn đều tranh làm hết. Cứ hôm nào không vướng trực ban, sáng sớm anh đã dậy sớm ra suối giặt quần áo cho cậu, chiều lại dọn dẹp lán sạch sẽ. Ít khi Lê theo anh ra suối lắm. Thế nhưng, lần nào quay về lán, Sơn cũng thấy Lê đã chờ sẵn. Chỉ cần anh khom lưng chui vào lán là sẽ bắt gặp ngay ánh mắt Lê đang nhìn mình. Và sau đó, cậu sẽ cười mà hỏi anh: "Cậu về rồi đấy hả?".
Hệt như một nghi thức giữa hai người.
Tình cảm của họ cứ lạ lùng mà nảy mầm, ra lá rồi đơm hoa. Đôi khi Sơn cũng hay tự hỏi về mối quan hệ này. Anh chẳng dám gọi tên, cũng chẳng dám nghĩ tới. Tình bạn? Tình đồng chí? Tình yêu? Sơn không sao cắt nghĩa được. Nó cứ chầm chậm chảy như dòng nước ấm len qua kẽ đá, từng ngày rồi lại từng ngày đều đặn tưới ướt mảnh vườn trong anh. Đến một ngày nào đó nhận ra, nó đã bén rễ sâu thật sâu, tỏa bóng che mát cả anh lẫn Lê.
* * *
- Ơ kìa cậu Sơn lại đi giặt áo cho người ta đấy phỏng?
Đại đội trưởng đi thể dục buổi sáng ngang qua Sơn đang giặt đồ, buông vài câu bông đùa. Lê đang ngồi ngay cạnh Sơn, tim đánh thót một cái. Dù biết chỉ là lời bông đùa, nhưng nỗi sợ cứ lan ra trong cậu. Cậu gượng cười, vẫy tay đáp lại:
- Sao hôm nay anh lại dậy sớm thế. Biết thế thì em bảo chú Sơn mang cả áo của anh đi giặt rồi.
Đại đội trưởng cười lớn rồi khuất dần sau những dãy lán.
Nước suối mát lạnh dập dìu len qua bàn chân chai lì của Lê, thế nhưng tâm trí cậu đã trôi về nơi xa xăm nào rồi. Cái nỗi sợ vô hình về tin đồn giữa mình và Sơn rồi sẽ lan ra làm tâm trí cậu chẳng lúc nào thảnh thơi.
Lê tựa đầu lên cánh tay, nhìn sang Sơn. Bom đạn, bùn đất và gió Lào đã nặn gương mặt anh sắt lại, hai gò má hồng hào ngày nào giờ đã sạm nắng, tưởng như anh già đi trước tuổi.
Sơn không chỉ đánh mất đi cái vẻ non nớt trắng trẻo mà còn đang mất dần đi những kỷ vật anh đem theo ngày nhập ngũ. Đồ vật trong cái túi da kiểu du lịch sang trọng đã mất đi vẻ bóng bẩy của anh cũng cứ vơi dần. Những sách học, sách truyện và khăn mùi soa thì bị cháy trong một lần bom dội, còn cuốn album in đầy ảnh ngày bé và ảnh chụp cùng gia đình cùng những tấm thư tay đong đầy tình yêu của Hà Nội thì cứ rơi dần dọc đường mỗi kỳ anh hành quân di chuyển trận địa.
Duy đến nay chỉ còn chiếc túi da cùng bộ màu vẽ thiếu mất đi vài chiếc cọ và đôi ba tuýp màu là vẫn còn ở lại với Sơn. Sơn trân quý nó lắm, anh đã giữ thật kỹ qua bao lần chuyển công tác như giữ lại một phần Hà Nội mộng mơ trong anh.
Và Lê lại nhìn kỹ thật kỹ nữa cái gót chân tròn trịa hồng hào ngày nào xếp bằng trên tấm giát giường của Sơn. Những ngày đầu ở Tây Quảng Bình, mỗi lần cùng tiểu đội trực ban rảo bước trên những lối mòn đất đỏ là một lần Lê lại thấy cái gót tròn trịa hồng hào ấy thấp thoáng sau đôi dép cao su. Giờ đây, sao bao cuộc hành quân, gót chân Sơn đã gồ lên những vết chai dày. Lê nhìn đôi bàn chân đó và nghĩ ngay đến bàn chân mình - đôi bàn chân đã quen đi đất lội bùn, cày ruộng từ bé.
Dường như cuối cùng vùng trời của hai người cũng đã hòa vào nhau.
Sơn vắt quần áo thật kiệt nước rồi xếp gọn vào chậu. Từ lâu, đồ dùng hay quần áo của hai người đã chẳng còn phân rõ đâu là đồ tôi, đâu là đồ anh. Lê và Sơn mặc chung từng bộ quần áo, ăn chung từng cái bát cái đũa, đắp chung một tấm chăn.
Tuy hai mà một, tuy một mà hai.
Sơn cũng đã nhận ra cái lặng im của Lê. Anh kéo bàn chân đen nhẻm do lội đất trên cao điểm của Lê, nắm gọn trong bàn tay dày rồi tát nước rửa thật sạch. Bàn tay thô ráp của anh cạ đều vào vết chai dưới lòng bàn chân làm Lê ngưa ngứa.
Xong việc, anh ngồi lại xuống cạnh Lê, ngoắc ngoắc ngón trỏ tay anh vào tay cậu. Và cứ thế hai người ngồi cạnh nhau, chẳng nói gì. Cho đến tận khi mọi người trong Đại đội lục tục rời lán, Sơn và Lê mới đứng dậy rời đi.
****
Tối nay tiểu đội Sơn và Lê trực ban trên cao điểm. Trời đã vào mùa mưa. Những cơn mưa rào bất chợt thi thoảng lại kéo đến, rạch bầu trời rách một lỗ, trút cơ man là nước xuống qua bao ngày rồi lại rục rịch kéo đi.
Cơn mưa kéo dài hai ngày liền mới dứt chiều hôm qua. Đất trên cao điểm vẫn âm ẩm và bốc lên một mùi ngai ngái. Cả đội ngồi cảnh giới nghiêm, mắt căng ra giữa bóng tối mà nhìn về phía bên kia trận địa. Chẳng biết được lúc nào địch sẽ tổ chức tiến công nên ai cũng chăm chú làm tốt nhiệm vụ.
Trời dần về khuya, tiểu đội của Sơn họp giao ban rồi bước cùng nhau trên con đường đất đỏ dẫn về lán. Những ngôi sao trời lấp lánh, còn vầng trăng thì vằng vặc trên cao, soi sáng cả lối về.
- Thằng Lâm tuần trước mới xin nghỉ phép về cưới vợ mà nay đã phải về rồi, có tiếc không? _ Tiểu đội trưởng cất tiếng hỏi. Giọng anh vang lên rầm rì, cuộn theo cả cái sương gió của một người anh lớn từng trải.
- Ôi tranh thủ về được là may đấy anh ạ, chỉ sợ chiến sự liên miên chẳng dứt được ngày nào để mà về. Tiếc thì cũng có chứ, nhưng vợ gọi nào có so được với Tổ quốc gọi.
Cậu trai trẻ tên Lâm mới thuyên chuyển đến đơn vị Sơn cười phá lên. Tiểu đội trưởng cũng gật gù ra chiều hài lòng lắm. Đoạn, người anh đứng tuổi ấy quay phắt lại hỏi Lê:
- Từ ngày về chung khẩu đội đến giờ chưa bao giờ thấy chú về thăm quê lần nào. Chú làm thế vợ chú có giận không?
Sơn sững sờ, như có ai tát một cú trời giáng vào mặt anh. Suốt gần hai năm ở chung với nhau, Lê gần như chẳng bao giờ kể gì về gia đình. Anh chỉ biết bố mẹ cậu mất sớm, cậu chỉ còn một bà dì, và còn năm lên mười cậu đã phải đi chăn trâu, ở đợ trên trấn huyện ly.
Đây là lần đầu tiên Sơn biết Lê đã có vợ. Lê chưa từng kể cho anh hay. Thông tin bất ngờ như đánh bật hồn vía Sơn ra khỏi xác. Rồi nỗi giận hờn cùng tủi hổ bùng lên trong anh, đốt cháy hết suy nghĩ làm trong đầu Sơn trống rỗng.
- Ngày nào còn chiến tranh, ngày đó em còn chưa yên tâm rời vị trí mà về thăm quê, anh ạ. _ Giọng Lê vang lên khe khẽ mà đầy nghiêm túc.
Họ nói gì với nhau trên đường đi về lán nữa, Sơn chẳng nghe rõ. Tai anh như ù đi, đầu thì cứ ong lên váng vất. Chân anh đi trong vô thức, và cho đến khi ngồi trên tấm giát giường trải trong lán thì anh mới định thần lại.
Lê đang ngồi ngay cạnh anh. Cậu không thắp đèn. Trong không gian lắng im, Sơn như nghe thấy được cả tiếng thở dài sè sẹ của Lê.
- Em...cậu cưới vợ rồi hả?
Sơn nghe thấy giọng mình như lạc đi.
Anh hay kể chuyện về mình cho Lê lắm. Cả anh và Lê đều biết anh hơn cậu một tuổi, nhưng cũng hiếm khi Lê gọi anh là "anh". Cả hai vẫn "cậu - mình" như ngày đầu, dù giữa họ có cơ man điều đã đổi khác. Và như một phản xạ có điều kiện, dù kể cả khi lòng dạ rối bời như đêm nay, dù cho câu hỏi như muốn thốt ra khỏi đầu môi mà chẳng cần suy nghĩ, Sơn vẫn chọn cho mình một cách xưng hô sao cho "đồng chí" nhất, ít kỳ lạ nhất.
- Ừ.
Lê khẽ gật đầu, giọng điệu có chút gì đó khó tả.
Sơn thấy bàn tay mình như run lên bần bật. Lưỡi anh mặn chát. Từ tận nơi sâu thẳm trong tâm hồn, anh như nghe thấy tiếng thứ gì đó đang sập xuống, vỡ vụn.
Và rồi trong cái tịch mịch ấy, giữa những vệt trăng đen trắng đan xen len qua từ kẽ lán, Lê chầm chậm dịch tới sát bên, vòng tay ôm chầm lấy Sơn. Gần đến nỗi cả hai ngửi được thật rõ mồ hôi cùng mùi khét vương trên áo nhau.
- Để Lê kể cho Sơn nghe nhé.
Giọng Lê thì thào, kéo hồn vía đang trôi phương nào của Sơn về lại.
Rồi cũng bằng cái giọng thì thào ấy, Lê kể cho Sơn nghe về cô gái tên Thao mà anh vẫn dành cho một tình yêu thương như em gái ấy, về cái ngày Lê đi đón dâu ngang qua chợ cùng đôi quang gánh và hai cái thúng rách đựng hết tất cả đồ đạc của cô.
Nghe Lê kể đến đâu, ánh mắt Sơn sáng rực lên đến đó. Và rồi đến khi Lê ngưng cậu chuyện, tay Lê đã nằm trong tay Sơn. Sơn cúi đôi mắt hiền nhìn Lê đầy trìu mến, rồi bẵng đi một lúc, anh cất tiếng:
- Sau này khi Đất Nước hòa bình, Lê theo mình về Hà Nội nhé? Mình sẽ đi học lại rồi theo dạy ở một trường gần nhà, Lê làm kiểm kê ở tổng vụ, chúng mình sẽ trồng một cây bạch đàn thật to trước ngõ.
- Ừ. _ Lê đáp, giọng chắc nịch.
Ừ. Đợi sau này hòa bình, chúng mình sẽ về quê cậu sống. Chúng mình sẽ ở cùng nhau trong ngôi nhà lát gạch đỏ giữa lòng Hà Nội, cậu dạy học, mình tham gia quản lý tái thiết Đất Nước. Rồi chúng mình sẽ trồng một cây bạch đàn trước nhà, mỗi mùa bão đến cậu sẽ tỉa bớt lại cành lá. Chúng mình sẽ đi ăn kem dọc theo bờ hồ Gươm Tràng Tiền, rồi Tết đến lại chở nhau đi xin chữ trên con xe đạp Thống Nhất màu xanh mà cậu vẫn hay kể.
Và giờ chúng mình lại sát cánh bên nhau để chiến đấu cho ngày ấy, cho một ngày đất Kinh Kỳ rợp bóng cờ hoa, Bắc Nam sum họp, và vĩ tuyến 17 như một nét bút thừa được xóa đi trên tấm bản đồ Tổ quốc.
------
*Note: mình chọn cây bạch đàn vì lụy chiến sĩ liên lạc Thăng trong phim "Mùi cỏ cháy". Bác nào xem phim rồi chắc cũng hiểu sao lại là cây bạch đàn he.
*Note: những dòng in nghiêng là những dòng mình trích nguyên văn ra từ truyện hoặc diễn đạt lại ý mà nhà văn Nguyễn Minh Châu viết trong tác phẩm gốc.
Art by: Hân Phan (FB)
https://www.facebook.com/han.phan.630143?mibextid=ZbWKwL
Bạn đang đọc truyện trên: TruyenTop.Vip