Chồi non biếc xanh trên cành cây Đất Nước
Xuân về hân hoan trên đất Kinh kỳ.
Chiều 30 Tết, dọc theo con đường đầy mảnh vụn của những ngôi nhà, người người mừng vui sắm sửa đón năm mới. Cái Tết ngày cận kề hòa bình tiêm vào những con người còn đang say sưa trên chiến thắng một nỗi niềm hồ hởi như thể mùa xuân đầu tiên. Những hoa cúc, hoa đào mơn man trên gánh hoa Tết và những tranh Đông Hồ, Hàng Trống thì phơi mình ra dưới cái nắng ấm áp.
Sơn và Lê xin nghỉ phép nửa ngày về ăn giao thừa cùng gia đình. Giờ đây, khi ngồi trên chiếc xe đạp Thống Nhất đạp xuôi một vòng hồ Gươm mà sau yên xe là Lê, Sơn bỗng thấy Hà Nội sao mà thân thương quá.
Anh đưa mắt nhìn những gánh hàng Tết lúp xúp nhau bên bờ hồ rồi bảo với Lê:
- Cậu thấy gánh tranh Đông Hồ bên ấy không? Năm nào nhà mình cũng mua tranh ở đấy. Qua cả mấy năm bom rải ác liệt thế mà hôm nay nhìn lại bác chủ gánh vẫn trông y như ngày nào.
- Tớ chịu cậu!_ Lê đáp.
Rồi Sơn lại chỉ về cái tháp rùa xa xa:
- Mình còn tưởng qua đợt này cái tháp tan tành rồi. Thế mà nó vẫn còn đấy. Chắc hẳn cụ rùa ở dưới hồ đã bảo vệ cho nó đấy!
- Tớ chịu cậu!_ Lê nói vậy nhưng vẫn đưa mắt dõi theo ngón tay Sơn chỉ. Cậu thấy lờ mờ đằng xa hiện ra một cái tháp be bé đã xám lại dưới lớp rêu lâu năm nằm giữa lòng hồ xanh ngọc lục bảo.
Lê và Sơn lượn vòng đôi ba con phố, mua được một cân thịt lợn, hai cái bánh chưng và một cành đào Nhật Tân rất xinh. Sơn còn nhất quyết tạt qua chợ quần áo và chọn cho Lê một bộ quần áo kẻ ca rô - bộ quần áo mà rất mốt bấy giờ, đi đâu Sơn cũng thấy đôi ba cậu trai Hà Nội trắng nõn khoác cái áo ấy trên người.
Đến lúc Sơn và Lê đứng trước cánh cửa của ngôi nhà có cái mái hiên chìa ra, trời đã nhập nhoạng tối. Sơn xách miếng thịt lợn xỏ bằng lạt và hai cái bánh chưng, còn Lê thì cầm cành đào trên tay. Đoạn, Sơn giơ tay lên gõ vào cánh cửa gỗ đã cháy xém một góc. Từ trong nhà, tiếng mẹ Sơn vọng ra:
- Đây đây, ra ngay đây!
Bà lục tục chạy từ trong bếp ra, lòng thắc mắc không biết ai đến gõ cửa nhà mình vào tối 30 Tết. Và cho đến khi cánh cửa gỗ cọt kẹt hé mở, thấy Lê và Sơn xách thịt thà bánh trái đứng trước nhà, bà òa lên trong vui sướng. Mẹ Sơn cuống quýt ôm hôn lấy anh và Lê, nước mắt trào ra. Bà gọi với vào trong nhà:
- Hà ơi, con ơi ra đây! Anh Sơn về rồi này!
Lê nghe thấy tiếng bát đũa rơi xoảng vọng ra từ trong nhà. Rồi từ bên kia cánh cửa, em gái Sơn chạy vụt ra như một mũi tên. Trong dòng nước mắt đang trào ra, cô ôm anh mình thật chặt và khóc nấc lên.
Năm năm xa nhà, cuộc đoàn tụ của Sơn và gia đình đã diễn ra như thế.
Tối đó, Lê khoác cái áo bông mới của Sơn, ngồi bên bàn trà đan mây trong phòng khách nghe tin tức từ đài radio. Vẫn là tin chiến thắng và tin đàm phán truyền về.
Nhà Sơn bị xác máy bay rơi đánh sập một nửa. Gian phòng khách vẫn còn nguyên, nhưng căn bếp đã sập hẳn và hai trong ba gian phòng ngủ thì bay mất nóc. Mẹ Sơn cùng bà con đã chăng bạt tạm trên nóc phòng ngủ. Góc bếp được dựng lại bằng vài cây tre và lợp tạm cỏ tranh trên mái.
Dưới bếp thi thoảng vang lên tiếng ba mẹ con Sơn ríu rít trò chuyện và tiếng leng keng của nồi niêu chạm vào nhau. Lê ngồi trên cái ghế mây, nhìn thật kỹ bốn góc phòng khách. Trên bàn thờ gỗ mít sơn đen khảm xà cừ là ảnh bố Sơn và mâm ngũ quả mẹ Sơn đã sắp rất đẹp. Nén hương đang cháy dở trong bát hương cuộn lên một sợi khói trắng thật dài. Trong bức ảnh, bố Sơn mặc quân phục, hai bên ngực áo treo đầy huân chương, gương mặt hiện lên nghiêm nghị với sống mũi cao và ánh mắt sắc bén. Hóa ra Sơn có cái mũi y hệt bố.
Tờ lịch treo tường mới tinh in hình bãi hoa cải vàng bên bờ sông Hồng được khoanh những dấu đỏ tươi bằng bút mực, đánh dấu những ngày đã trôi qua trong năm này. Trên bàn trà, mẹ Sơn đã bày ra cả một khay bánh kẹo Tết, bên trong có kẹo lạc, hạt bí, chè lam và mứt gừng.
Đây là lần đầu tiên Lê được đón một cái Tết thị thành như thế này. Cậu bỗng nhớ tới bà dì tóc bạc và cô vợ bên kia bờ sông Lam. À không, đấy nào phải vợ Lê nữa. Cô đã viết thư bỏ Lê trong một ngày anh mới ra Hà Nội. Thoa đã tìm được tình yêu mới, đó là một anh dân quân rất đáng tin tưởng đã cùng Thoa sát cánh trong nhiều trận chiến. Họ dọn về ở chung với bà dì Lê, coi bà như là mẹ ruột. Không biết họ đã sắm Tết đến đâu rồi nhỉ? Năm nay họ có gói bánh chưng không? Rồi hồn Lê bỗng như bay vụt khỏi bầu trời thủ đô, trong cậu loáng thoáng hiện lên một vùng trồng toàn lạc và tiếng hò đò trôi chiều chiều trên sông.
Lúc sau, Sơn từ dưới bếp chạy vụt lên. Không biết anh mới kiếm được đâu cái khung ảnh bằng gỗ sơn thếp vàng. Anh và Lê hồ hởi đóng khung bức tranh vẽ Lê đã gần rách thành bốn mảnh theo hai nếp gấp dọc ngang, treo lên tường phòng khách, cạnh bức ảnh chụp Sơn bên bờ Hồ Tây ngày nhập ngũ. Sơn cứ đứng đó nhìn hai cái khung treo trên tường rồi cười tít mắt. Lòng Lê dịu xuống trước cái giọng cười vui vẻ và ánh mắt đang tan ra như nước của Sơn.
Tối đó, cả bốn người ngồi quây quần bên mâm cơm Tất Niên. Nào là mọc vân ám, nào là thịt gà luộc, nào là xôi đỗ xanh. Sơn và mẹ cứ gắp liên hồi từng đũa cho Lê, chất đầy cả bát cậu. Đêm ấy trong mơ, Lê như vẫn mơ thấy toàn mọc là mọc, và cái bát con sứ trắng trong tay cậu thì đầy ắp những đũa thịt gà luộc mẹ Sơn gắp cho.
Đêm giao thừa, pháo hoa nổ vang trời Hà Nội. Những cụm pháo xanh đỏ rực lên như những bông hoa trên nền trời thủ đô về đêm. Dân ta đang ăn mừng chiến thắng muộn.
Lê và Sơn đứng dựa vào cái bậu cửa nhà Sơn, đưa mắt lên nhìn những chùm pháo hoa đua nhau nở trên đầu. Lòng cả hai hân hoan trong cái ý nghĩ rằng cuối cùng thì cũng có một ngày khi nghe thấy tiếng pháo, nhân dân ta chạy xô ra ngắm thay vì chen nhau đi trốn dưới những chiếc hầm trú ẩn.
Đêm ấy Sơn và Lê nằm trên cùng một chiếc giường trong phòng ngủ của anh. Lê nhìn kỹ chiếc bàn học, cái giá sách, chiếc ghi ta và bức lịch cũ năm Sơn ra trận treo trên tường. Đây là thế giới của Sơn trước khi anh chia cùng cậu vùng trời trên đầu, Lê thầm nghĩ.
Trong tiếng pháo hoa vang lên giữa đêm, trên chiếc giường gỗ khắc hoa sen, Sơn quàng tay ôm Lê, đặt nụ hôn lên mắt cậu rồi lướt xuống sống mũi, gò má rồi đôi môi. Lê cũng đưa đôi bàn tay đầy vết chai lên, vuốt dọc theo mi mắt anh.
Sơn đưa tay cởi từng cúc áo trên cái áo may ô mới mua mà Lê mặc trên người. Pháo hoa thi thoảng lại lọt qua khung cửa sổ kính phòng Sơn, in những ô sáng vuôn vắn trên rèm cửa voan dày màu ghi. Từng nụ hôn như cánh bướm rung rinh của Sơn rơi dày trên mắt, mũi, mi, và cả bờ môi ấm nóng của Lê. Họ tan ra trong những môi hôn, những cái chạm nhẹ và những vương vít của da thịt say mê.
* * *
Sáng hôm sau, khi không gian còn bảng lảng sương và mặt trời còn chưa ló dạng, Sơn và Lê đã khoác vội bộ quân phục, khép thật nhẹ cánh cửa nhà cót két sau lưng. Mẹ và em Sơn vẫn còn say ngủ.
Lê ngồi sau xe, còn Sơn thì đạp hì hục qua con phố lát gạch cổ đỏ au, hướng về phía bên kia bãi bồi sông Hồng nơi Đại đội của họ vẫn đóng quân ở đấy. Gió xuân thủ đô như đôi tay vuốt ve, lùa vào sâu trong cổ áo. Lê hít đầy một lồng ngực cái khí trời khoan khoái của đất Hà Nội một sớm tinh sương. Sơn thì như trào nhựa sống, và đôi bàn tay Lê áp sau lưng anh ấm nóng tựa như mặt trời.
Chiếc xe đạp Thống Nhất lướt băng qua từng bờ lau, bãi sậy. Gió mơn man thoảng mùi bánh chưng, gạo nếp cùng mùi đốt hương thờ như cù vào lòng ngưa ngứa.
Vậy là hết đêm giao thừa. Năm mới đã đến, mang theo bao hy vọng về ngày Đất Nước hai miền thống nhất, Bắc Nam sum họp một nhà.
* * *
Đại đội pháo của Sơn và Lê nằm chờ lệnh hơn một năm tại đất Hà Nội.
Đến cuối năm 1974 - đầu năm 1975, trong tình hình so sánh lực lượng ở miền Nam thay đổi mau lẹ có lợi cho Cách mạng, Bộ chính trị Trung ương Đảng đề ra kế hoạch giải phóng hoàn toàn miền Nam trong hai năm 1975 và 1976.
Tuy nhiên, Bộ chính trị cũng nhấn mạnh "cả năm 1975 là thời cơ", và nếu thời cơ đến vào đầu hoặc cuối năm 1975 thì phải nắm chắc, tranh thủ đánh nhanh thắng nhanh để tránh thiệt hại về người và của.
Lê và Sơn cùng đồng đội pháo binh nhận nhiệm vụ yểm trợ, hỗ trợ hỏa lực cho lực lượng bộ binh và đánh nghi binh tại Plâyku, Kon Tum trong chiến dịch Tây Nguyên tháng ba năm ấy. Dưới thế chênh lệch lực lượng, quân ta rất nhanh giành được chiến thắng. Trong những thắng lợi nối đuôi nhau ồ ạt đầy hân hoan, mắt Sơn và Lê ngời lên trong niềm hứng khởi, và ngày toàn thắng thì ngày một gần kề.
Theo chân đoàn người với lá cờ đỏ sao vàng bay phấp phới, tin thắng lợi từ muôn ngả đổ về thủ đô. Quân ta chiếm được Tây Nguyên, rồi Huế, rồi Đà Nẵng. Trong thế chẻ tre và tinh thần chiến đấu đang sục sôi mãnh liệt, lực lượng giải phóng miền Nam tiến vào Sài Gòn trong một ngày cuối tháng tư.
Và hôm ấy, trên khắp các nẻo đường Hà Nội, tiếng loa phát thanh vang lên, bồi hồi và xúc động:
"Mời các bạn nghe tin chiến thắng chúng tôi mới nhận được. Đúng 11 giờ 30 phút, quân ta tiến vào Sài Gòn, đánh chiếm Dinh Độc lập. Bộ tổng tham mưu Ngụy - Dương Văn Minh đầu hàng vô điều kiện.
Cờ đỏ sao vàng phấp phới tung bay trên nóc Dinh Độc Lập. Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng."
Ngồi bên nhau nghe tin chiến thắng, Lê và Sơn như vỡ òa. Cả hai ôm chầm lấy nhau, nước mắt vô thức rơi trong niềm sung sướng đến nghẹn lời.
Nào có ngày nào trên đời đẹp hơn ngày giải phóng.
Đất Nước đã vẹn tròn. Những ngày hòa bình dài lâu đã thực sự đến. Và tình yêu thì vẫn vẹn nguyên, đẹp hệt như đôi tình nhân trong mắt nhau.
Một mùa xuân mới, tươi trẻ đầy sức sống về lại trên Đất Nước mình. Những mái đầu xanh lại cài vào nhau, người có tình lại về bên nhau. Tổ quốc như gốc cây khô bỗng nảy ra những chồi non xanh biếc.
Mùa khởi đầu đến trên từng vùng trời quê hương, để lá nằm trong lá, tay nằm trong tay.
Bạn đang đọc truyện trên: TruyenTop.Vip