"Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm"

Sau hôm Sơn dọn vào lán ở chung với Lê, cuối cùng Lê cũng biết được trong cái túi da kiểu cách sang trọng kia của anh đựng những gì.

Nằm gọn trong đó đúng thực là những đồ vật của một cậu học sinh đất Thăng Long mới từ giã gia đình để lên đường nhập ngũ: một cuốn album to bằng hai lòng bàn tay, đủ các sách truyện, sách học, cơ man là thư từ.

Điều làm Lê thấy không ưa anh lính mới này là trong chiếc túi da ấy lại có thêm một bộ màu vẽ và rất nhiều những chiếc khăn mùi soa thêm tên con gái, thơm mùi nước hoa. Nó làm Lê trong bỗng chốc dợm nghĩ, dù ngồi chung trong một chiếc lán, nằm chung một giường nhưng vùng trời trên đầu hai người lại cách biệt và xa xôi quá đỗi.

Cái túi da ấy như minh chứng để nhắc nhở Lê rằng, cậu và Sơn là hai thứ người khác nhau. Khi cậu đang mải miết lùa trâu trên những bãi bồi bên dòng sông Lam, cày những nhát ruộng sâu hoắm dưới cái nắng cháy da thì đâu đó giữa lòng Hà Nội thanh lịch, Sơn đang cắp sách đến trường dưới những tán cây trổ ra xanh biếc.

"Hắn và mình khác nhau. Hắn là một kẻ học trò ba hoa, còn mình là người cầm súng"_ Lê tự nhủ.

Lại vài ba ngày nữa, Lê lại biết thêm nhiều về cậu học trò này. Sơn không chỉ đẹp mà còn rất thông minh. Anh học rộng, hiểu nhiều nhưng lại không kênh kiệu mà hòa đồng rất nhanh. Anh "tán" khiếp, đủ chuyện trên trời dưới đất. Anh nói nhiều, cười cũng nhiều. Anh kể cho Lê và anh em trong đội về gánh kem bên hồ Tràng Tiền, về những ngôi nhà mà thềm nhà lát bằng một thứ gạch cổ đỏ au dọc con phố nhà anh, rồi lại kể về những cô bạn gái kiêu kỳ trong tà áo dài trắng ngày ngày đạp xe đi học qua những rặng bằng lăng trổ tím trên phố Hoàng Mai. Cứ mỗi lần Sơn kể về mảnh đất thủ đô mà anh từ biệt mới đây thôi nhưng tưởng chừng như đã trôi qua cả kiếp người, Lê lại thấy mây giăng ùn ùn kéo đến trong đôi mắt sáng rỡ như sao ấy. Rồi trông Sơn lại đến là buồn.

Hết "tán" chuyện, cười đùa thì Sơn lại hát. Sơn hát hay, giọng anh không thánh thót như tiếng chim sáo ngày ngày vẫn lượn vòng bên dòng Lam mà trầm trầm, nhẹ bẫng và êm tai. Anh cứ dựa vào lán mà hát, hết bài này đến bài khác mà nối vào. Lắm lúc quên lời, anh lại cười rộ lên rồi hát lại từ đầu. Nào là "Cùng nhau đi hồng binh", nào là "Lên đàng", nào là "Tiến quân ca",... Sơn hát chẳng thiếu bài nào.

Nhiều khi Lê lại thấy sao cậu trai trẻ này mơ mộng quá. Cái mơ mộng ấy làm cậu nửa ghét nửa thương. Đôi lúc cậu lại trộm nghĩ, Sơn lên đường nhập ngũ liệu có phải là quyết định đúng đắn không, khi cậu chàng thì rõ là bay bướm, mà chiến trường thì lại thật ác liệt. Sơn cứ như một mảnh ghép ông trời lỡ tay thả xuống cái mảnh đất Quảng Bình này, chẳng có vẻ gì là ăn nhập với hoàn cảnh.

Thi thoảng trong những đêm gió Lào thổi ngược về, trong những giấc mơ tròng trành, Lê lại thấy loáng thoáng hiện lên căn nhà nhỏ 3 gian lợp lá mía cùng bà dì và cô vợ nhỏ mà cậu đã bỏ lại bên kia sông Lam. Dù chỉ trong thoáng chốc, nhưng Lê phủi đi ngay. Cậu chưa bao giờ có ý về thăm nhà, cũng chẳng có thời gian để mà nghĩ về nó. Chừng nào vĩ tuyến 17 vẫn như con dao cắm phập giữa mảnh đất Việt Nam đầy yêu thương thì chừng ấy ngày về nhà vẫn còn xa xôi lắm.

Nhưng Sơn thì khác. Anh nhớ về Hà Nội bằng cả tấm lòng da diết và khắc khoải. Lắm lúc nói cười, hát hò chán, anh bỗng lặng im như một người lịm đi trong nỗi nhớ quê hương, rồi anh lại kêu ầm lên là nhớ nhà, nhớ Hà Nội không sao chịu được.

Những lúc ấy, bất kỳ ngồi trong lán hay trận địa, khóe mắt đen ánh của Sơn phút chốc như mờ đi bởi nỗi nhớ thành phố.

Thế nên Lê đâm ra ghét Sơn lắm. Dễ thường chỉ có Sơn mới có gia đình, làng xóm ư? Cái vẻ của Sơn làm Lê nhiều khi tức tối. Cậu cứ nhìn anh chòng chọc bằng ánh mắt sắc lạnh và đầy phán xét.

Sơn cũng cảm thấy thế. Lắm lúc ngồi bên nhau trên pháo, Sơn vẫn hay bắt gặp cái nhìn của người pháo thủ số hai. Cái nhìn hằn học và chẳng lấy làm ưa thích cho lắm. Sơn ngại ngùng trong một khắc rồi sự hiếu kỳ trong anh lại trào dâng. Sao thế nhỉ? Anh có làm gì sai hay lỡ lời làm phật lòng người đồng chí này chăng?

Nhưng rồi Sơn lại gạt phắt đi, bởi anh vẫn đối xử với Lê hòa nhã như với những người khác trong khẩu đội, và mọi người trong đội cũng quý mến anh lắm. Sơn không tài nào hiểu được người đồng chí ấy, có lẽ cũng bởi khi anh cắp sách đi học dọc theo con phố lát đá đỏ của Hà Nội, người chiến sĩ với nước da rám nắng và gò má nhô cao như một nhát đất cày kia lại đang lam lũ trên những cánh đồng nơi đất Nghệ An. Sơn không thể hiểu Lê âu cũng là điều tất lẽ dĩ ngẫu, bởi người không chung lối đến cũng nào có mấy ai hiểu được nhau.

Những ngày Sơn đóng quân ở miền Tây Quảng Bình, những cánh thư tay từ Hà Nội cứ như dòng thác lũ ào ào tuôn về. Toàn là thư của gia đình và bạn bè. Mẹ Sơn nhớ anh và lo lắng cho sức khỏe của anh lắm, bà kể đủ thứ chuyện mới chuyện cũ. Cuối thư mẹ gửi, Sơn lúc nào cũng bắt gặp được lời hẹn sớm gặp lại. Mỗi cánh thư tay gửi đến là một lần mắt Sơn như nhòe đi trong nỗi nhớ quê hương, nhớ gia đình.

Cũng có lắm cô bạn gái cũ chung lớp gửi thư tay hỏi thăm sức khỏe và tình hình công tác của Sơn. Những lúc ấy anh lại cười phá lên vì vui sướng rồi khoe cho các anh em đồng chí trong tiểu đội. Cả bọn chụm đầu lại, đọc từng cánh thư tay rồi lại mường tượng về những cô em gái Hà Nội đầy kiểu cách mà vẫn tình cảm và trìu mến đến lạ thường.

Và cứ mỗi lúc ấy, khi Sơn nhìn sang thì ánh mắt Lê vẫn ở đó. Một ánh mắt sắc lẹm, lạnh lùng và gắt gỏng. "Hắn đi bộ đội để con gái viết thư cho chắc? Sao có nhiều người viết thư cho hắn thế?"_Lê thầm nghĩ.

Nhưng cũng lắm lúc, Sơn lân la muốn làm thân với cậu pháo thủ số hai này. Một hôm, khi đang nằm nghỉ cùng Lê trong lán giữa lúc giao ban, Sơn bỗng bật phắt dậy rồi hỏi Lê:

- Hay là mình vẽ cho cậu một bức nhé?

Chưa nói xong, Sơn đã lục tục đi về góc phòng, lần lục bộ màu vẽ trong cái túi da. Nhưng không ngoài dự đoán, giọng Lê cất lên lạnh lùng:
- Thôi, không cần đâu. Màu vẽ quý lắm. Cậu giữ lấy mà vẽ cho các cô bên quân y hay mấy cô vẫn viết thư cho cậu ấy. Vẽ cho tôi nào được cái nước gì đâu.

Và rồi trong lán lại chìm vào yên lặng. Sơn nghe rõ tiếng tim mình đập trong lồng ngực, tiếng từng mạch máu đổ cuộn về tim và cả mùi khuynh diệp lợp mái ngai ngái thoang thoảng trong không gian. Cái anh pháo thủ số hai này sao mà khó chiều quá. Thời đi học, Sơn đã từng dỗ rất nhiều cô bạn gái nhưng chưa có ai làm khó anh được như người đồng chí quê Nghệ An này. Anh thở dài thườn thượt, rồi chiếc lán lại quay về trong thinh lặng giữa những tiếng kẻng cảnh giới vang lên từ xa xa phía bên kia làng.

------

*Tiêu đề lấy từ bài thơ "Tây Tiến" của nhà thơ Quang Dũng

*Note: những dòng in nghiêng là những dòng mình trích nguyên văn ra từ truyện hoặc diễn đạt lại ý mà nhà văn Nguyễn Minh Châu viết trong tác phẩm gốc.

Bạn đang đọc truyện trên: TruyenTop.Vip