"Người ra đi đầu không ngoảnh lại"
Sau cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc lần thứ nhất bằng thủy quân và không quân không thành, Mỹ tiến hành "Việt Nam hóa chiến tranh" và "Đông Dương hóa chiến tranh". Và thế là trong thật nhiều trận đánh, đôi lúc Lê thấy lấp ló dưới chiếc mũ sắt của quân phục Việt Nam Cộng Hòa là những gương mặt đồng bào trẻ măng, trắng nõn.
Những khi ấy, cậu như ngừng đi một khắc khi thảng thốt nghĩ đến, bọn Mỹ sao mà ác độc quá. Và rồi cậu lại tự hỏi, liệu cậu có đang ra tay tước đi mạng sống một người con ngoan hiền của một bà mẹ miền Nam, hay tước đi một "Sơn" nào đó của một anh lính "Lê" nào đó bên kia chiến tuyến hay không?
Lê không biết được. Nhưng địch là địch. Địch đến ta phải giết. Đồng bào thì thương thật, nhưng đã ngăn ta đến với hòa bình, độc lập thì không thể chung đường.
Mùa khô đã đến, sa trường bụi mịt mù. Quần áo mới giặt Sơn vắt trong lán đã khô cong. Lê tựa đầu vào vai Sơn, nhìn vào cái túi da kiểu du lịch đã nửa cháy xém đặt trên đầu giường Sơn. Cậu biết rõ trong đó đựng vỏn vẹn vài tuýp màu, một nắm cọ vẽ cùng đôi ba bức thư nhà mới được gửi tới. Rồi trong cậu bỗng trào ra nỗi nhớ về một buổi trưa nằm trong lán lúc giao ban, có anh chàng Hà Nội trắng trẻo lân la làm quen và đòi vẽ cho cậu một bức. Cái ngày ấy đã xa xôi từ lâu bỗng vụt lên trước mắt cậu như mới hôm qua thôi.
Nghĩ đoạn, cậu chỉ vào cái túi da mà nói với Sơn:
- Hay cậu vẽ cho mình một bức nhé?
Sơn hơi ngạc nhiên trước lời đề nghị đường đột, nhưng rồi anh cười tươi gật gù:
- Được chứ, mình lúc nào cũng sẵn lòng vẽ cho Lê cả. Nhưng bộ màu vẽ rơi gần hết mất rồi, đợi khi nào kiếm được một bộ vẽ mới mình sẽ vẽ cho cậu một bức thật đẹp nhé.
Lê gật đầu ậm ừ. Rồi bẵng đi vài tuần sau, cậu cũng quên luôn chuyện bức tranh lẫn chuyện màu vẽ.
Một hôm nọ, có một tốp lính mới lục tục kéo tới. Ai nấy cũng trông như học sinh, trẻ măng và trắng trẻo. Có cậu còn vác theo cây đàn ghi ta to lắm, cả bọn hát hò vui vẻ trên chiếc xe tải xẻ dọc dãy Trường Sơn. Cái bộ dáng hân hoan ấy như lan cả đến Sơn và Lê, làm mấy hôm nay hai người thi thoảng lại cười tủm tỉm mà nhớ lại cái ngày đầu gặp nhau ở tây Quảng Bình.
Rồi một hôm, khi Lê đang ngồi nghỉ trong lán, Sơn bỗng từ đâu hớt hải chạy về, ánh mắt sáng bừng còn miệng thì cười tươi rói không sao khép được. Anh chui tọt vào lán, xòe tay khoe bộ màu và vài chiếc cọ vẽ mới mượn được từ một cậu lính trẻ nào đó. Rồi anh đặt nó nằm gọn trong tay Lê, hớn hở nói:
- Để mình vẽ cho Lê một bức nhé.
Lê như hẫng đi trong niềm vui sướng mà Sơn lây sang cậu. Cậu gần như đã quên béng mất đi lời hứa đó giữa hai người. Nhưng Sơn thì không. Anh lúc nào cũng là một người giữ lời.
Thế là cả buổi chiều hôm ấy, Lê ngồi im làm mẫu cho Sơn vẽ lên cuốn sổ giấy đã ngả vàng. Đôi khi Sơn nhìn Lê rất chăm chú mà quên luôn cả nhấc tay đi những vết chì. Những lúc đó, mắt hai người chạm nhau và tim lại như có một dòng nước ấm chảy qua.
* * * *
Vào một đêm mùa hạ gió Lào miền Trung thổi hừng hực, đơn vị cao pháo của Lê nhận được lệnh cấp tốc hành quân từ Quảng Bình ra Nghệ An. Nhận tin gấp, cả đại đội hối hả dọn đồ rồi rời đi ngay trong đêm.
Trên thùng xe của chiếc xe đi đầu thuộc trung đội một, Đại đội phó Lê ngồi bên cạnh Sơn, trung đội trưởng. Lại thêm một năm nữa ở bên nhau, nước da Sơn ngày càng sắt lại, đen rõ đi. Chiếc túi da sang trọng cùng bộ màu vẽ cũng đã bị đánh mất trong một trận càn. Duy chỉ có bức vẽ Lê mà anh luôn giữ kỹ trong túi áo trước ngực và cái mộng mơ của Hà Nội vẫn theo anh qua từng trận địa. Sau lưng hai người chỉ huy, các pháo thủ phụ tán chuyện và cười nói ầm ỹ, họ ngồi chông chênh trên cái núi cao ngất chất toàn tấm giát giường và đủ thứ lỉnh kỉnh mà họ gọi là "doanh cụ".
Sơn và Lê đưa mắt ra xa nhìn những đám rừng cháy kéo dài thành vệt, rồi Lê bỗng ngạc nhiên khi thấy bầu không khí như dịu xuống, xen lẫn tiếng xích sắt rầm rập của đoàn xe như vang lên một điệu hò dân ca Nghệ - Tĩnh cùng tiếng khua mái chèo trên dòng sông đêm tịch mịch.
Đoàn xe hành quân rẽ sang một con đường đê. Cái giọng hò chèo cùng tiếng khua mái nước ấy không tắt đi mà càng vang vọng, vương vấn trong lòng Lê. Cậu tự trách mình: "Mày đã quen cách thằng Sơn, đã ăn phải bả mơ mộng của nó rồi!". Nhưng rồi khi phương hướng ngày một rõ, Lê liền nắm lấy vai Sơn mà kêu to:
- Làng tau đây rồi, Sơn ơi!
Sơn ngước nhìn bốn phía chân trời tối như mực, rồi lại nhìn lại Lê đang cuống quýt lên trong cơn vui sướng khi được về lại quê cũ:
- Đâu hả?
- Bên tê... bên tê sông. Chỗ tiếng mái chèo hướng thẳng sang.
Sơn lắng tai nghe nhưng chỉ nghe được tiếng xích và tiếng chó sủa dưới hầm.
Lê làu bàu chê con chó đến là thô lỗ và nặng tai. Cậu đã trở thành một người mơ mộng thực sự. Lê nghe rất rõ tiếng mái chèo của con sông quê cậu, cái tiếng mái chèo chậm rãi và uể oải xuôi dòng sông Lam cậu đã nghe quen từ bé, thường đêm nào cũng đi qua bến ngõ nhà cậu đoạn hai giờ sáng.
Đại đội dừng ở trên đê, tháo pháo kéo vào trận địa trên gò đất nhô cao. Họ nhận nhiệm vụ đóng quân ở đấy, bảo vệ đập nước và con đê để phục vụ tái thiết nông nghiệp, đảm bảo nguồn thóc gạo hậu cần cho miền Nam. Đến khi cả đại đội hoàn thiện nghiên cứu địa hình, hướng bay của địch và phương án tác chiến thì cũng đã một ngày trôi qua.
Ngày hôm sau, ban chỉ huy chỉ đạo Lê và Sơn sang bên kia sông nhằm bàn với địa phương đôi ba việc trong phương án tác chiến. Cả hai cũng quyết với nhau rằng nhân cơ hội này Lê sẽ ghé qua thăm nhà.
Bàn bạc thống nhất mọi sự xong xuôi thì trời cũng ngả về chiều muộn. Lê và Sơn sóng vai nhau đi trên con đường đất đỏ, xa xa thi thoảng vọng lại tiếng khua nước và tiếng hò trên những con đò xuôi dòng Lam.
Lê bước từng bước trên con đường quê hương, cái cảm giác vừa lạ vừa quen làm cậu háo hức như một đứa trẻ đêm 30 Tết. Đến tận khi căn nhà ba gian lợp lá mía cùng bà dì tóc bạc liêu xiêu đứng bên lu nước hiện ra trước mắt, cậu vỡ òa trong hạnh phúc. Bà dì cứ níu lấy tay Lê mà cười, khóe mắt thì chảy ra hai vệt nước mờ đục. Sơn đứng không xa cạnh Lê, chăm chú dõi theo cậu bằng một ánh mắt đầy trìu mến, lòng dâng lên nỗi vui sướng mà chính Lê đã lây sang cho anh.
Thoa đang cắt cỏ ở ngoài bãi, dác thấy bóng hai người thì vơ quàng đầy hai thúng rồi lội băng băng qua bãi mía về nhà. Cô đứng trước mặt Lê, đôi mắt hấp háy và đôi gò má thì đỏ bừng lên trong niềm vui.
Đêm đó, Sơn và Lê lại nằm cạnh nhau trên chiếc chiếu cói trải giữa nhà, còn bà dì Lê thì ngồi cạnh phe phẩy chiếc quạt mo xua nóng cho hai người. Lê thoáng nhìn qua bao đạn và cây súng Thoa dựng ở góc nhà. Cô đã trở thành dân quân. Trong lòng Lê bỗng vui mừng khó tả, khi người anh coi như em gái kia đã đứng vững trên đôi chân của mình với những khát khao riêng.
Sơn vo tròn chiếc áo vải bạt lấm đất làm gối, miệng nhấm nháp từng cái nhân lạc bùi ngậy của bãi bồi sông Lam. Và lần đầu tiên trong gần 3 năm qua, nỗi nhớ Hà Nội trào lên trong anh nhiều đến thế. Với đôi mắt nhòa đi trong nỗi nhớ, anh lại kể. Anh kể về con phố nhà anh, cái con phố duy nhất giữa lòng Hà Nội được lát bằng một thứ gạch cổ vuông to bản được nung rất chín, về rạp chiếu bóng cạnh nhà anh mà mỗi buổi chiếu phim, khi anh chọn ghế nào thì đúng tủ trên đầu là cái quạt máy.
Rồi anh lại kể về cô gái mà anh và Lê gặp ở Bãi Hà một dạo nào. Ngày Sơn còn đi học, anh vẫn hay bắt gặp cô gái hàng xóm cách anh vài nhà ấy đứng bên bậu cửa sổ mà nhìn theo anh. Trước kia, anh vẫn thấy cô ta chẳng có gì là nổi bật. Vậy mà mấy hôm trước, khi thấy cô trong bộ quần áo thanh niên xung phong ở nơi cuối trời cuối đất, bom đạn như cơm bữa, anh lại nghĩ sao mà cô đẹp quá! Và trong một thoáng, anh như thấy cái bậc cửa lát gạch đỏ mờ mờ hiện lên dưới chân cô.
Thoa từ dưới bếp bỗng hốt hoảng chạy lên, vơ bao đạn và khoác vội khẩu súng lên vai.
Cô hấp tấp nói:
- Hình như bên trận địa đang khuya kẻng báo động, hai anh ạ!
Lê và Sơn vơ áo, mũ khoác vội rồi bật dậy thật nhanh. Hai người chạy thật vội ra bãi, bên miệng Sơn còn dính một vệt trắng nhân lạc. Lê giơ tay quệt vội bên môi Sơn. Rồi trong một khắc, cậu đặt môi mình thật nhẹ lên cánh môi ấy. Hai cánh môi hòa vào nhau, còn hai hơi thở thì vương lại quấn quýt. Trong mắt Sơn như vụt qua một tia sáng. Anh nắm chặt lấy tay Lê, ống áo rộng che khuất hai bàn tay đang đan vào nhau.
Lê và Sơn cứ nắm tay chạy miết. Từng bãi mía, cánh đồng lướt qua Lê vùn vụt, hình ảnh về bà dì liêu xiêu đứng bên lu nước cùng cô vợ mặt đỏ bừng lóe lên trong mắt cậu, rất nhanh thôi rồi lại vụt tắt. Nhưng cậu vẫn cắm cổ chạy về nơi bên kia trận địa đang khua lên từng hồi kẻng, chẳng ngoái lại nhìn căn nhà ba gian lợp lá mía lấy một lần.
Không có đò, cả hai nhảy xuống sông, bơi sang bờ bên kia. Thế là kết thúc buổi thăm nhà đầu tiên của Lê sau ba năm xa nhà.
----------
*Tên chương trích từ bài thơ "Đất nước" của Nguyễn Đình Thi.
"Sáng mát trong như sáng năm xưa
Gió thổi mùa thu hương cốm mới
Tôi nhớ những ngày thu đã xa
Sáng chớm lạnh trong lòng Hà Nội
Những phố dài xao xác hơi may
Người ra đi đầu không ngoảnh lại
Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy."
*Btw đừng ai hỏi tại sao lại Lê và Sơn lại nằm cạnh nhau trên cái chiếu trải giữa nhà, tại sao lại có cái vệt nhân lạc dính bên miệng Sơn. Đây là cụ Nguyễn Minh Châu viết, mình không bịa =)))
Bạn đang đọc truyện trên: TruyenTop.Vip