"Trong bốn ngàn lớp người giống ta lứa tuổi"

Đất Nước đã bước sang năm thứ hai độc lập. Từ thi đua chiến đấu, nhân dân ta chuyển sang thi đua lao động kiến thiết nước nhà. Tổ quốc như thay áo mới trong tiếng cười nói thiết tha của bầy em thơ chơi ô ăn quan trên những vỉa hè cạnh bức tranh tường cổ động, trong những công trình giàn giáo cao tầng, trong môi hôn của một đôi tình nhân trước sân ga ngày chia tay nhau lên Tây Bắc xây đập thủy điện.

Bà dì Lê mất vào mùa mưa năm đầu sau giải phóng. Nghe được tin dữ, Lê và Sơn chạy tàu mải miết một đêm không nghỉ để vào trong Nghệ An chịu tang. Ngồi trên tàu hỏa với những cánh đồng lướt qua ô cửa kính, con tim Lê như nằm chết trên nỗi buồn.

Lo xong ma chay đầu thất cho bà cụ, Lê và Sơn lại vội vã trở về Hà Nội tiếp tục công vụ đã bỏ trống nhiều ngày. Thoa và chồng cô đứng bên lu nước trước nhà tiễn hai người đi. Thoa nắm tay Lê dặn dò nhiều lắm, còn chồng cô - cái anh con trai da đen sạm, người cao to đến lạ nhưng ánh mắt lại rất hiền - thì loay hoay gói cho Sơn và Lê cả nửa bao tải lạc.

- Quà sông Lam._ Anh dúi bao lạc vào tay Lê, gương mặt thì vẽ lên một nụ cười chất phác đầy thiện chí, hệt như ánh mắt những người đồng đội nhìn nhau.

Thoa dặn nhiều lắm, Lê không sao nhớ hết được. Nhưng điều cậu vẫn nhớ như in trong đầu là vào khi cậu cùng Sơn quay bước đi, Thoa bỗng gọi với theo rất to:

- Anh Lê đi mạnh giỏi nhé! Nếu một mai rủi mà chuyện đôi lứa tan vỡ, anh hãy nhớ ở đây chúng em vẫn chờ anh về nhà!

Vậy là Thoa đã trông thấy Sơn và Lê trong cái ngày chạy hết tốc lực sang trận địa bên kia sông.

Lê được thuyên chuyển công tác về Hà Nội. Cậu làm công việc bàn giấy, ngày ngày miệt mài kiểm kê thuốc men, đạn dược và quân nhu, đóng những dấu mộc đỏ tươi tròn trịa vào những tờ danh sách dài.

Cái đất Hà Nội làm cậu như trẻ ra, gương mặt thì dịu hẳn đi. Nhưng cái nét rắn rỏi của Lê đặt giữa lòng thủ đô thì nhìn qua ai cũng nhận ra ngay cậu là dân miền khác. Cái nắng gió đất Nghệ An hun cậu từ bé như làng nghề đúc một bức tượng đồng. Dù đi trăm ngả, cái dấu ấn quê hương ấy chẳng bao giờ phai nhòa.

Sơn tiếp tục việc học đã tạm gác tại khoa Văn ở Đại học Tổng hợp Hà Nội. Anh đã tốt nghiệp cuối năm ngoái và đang theo dạy tại một trường cấp 2 gần nhà. Đất Hà Nội nuôi anh trắng nõn ra, cái vẻ thư sinh ngày ấy lại quay về nơi anh, chỉ khác là gương mặt anh đã sắc cạnh và cái túi da đắt tiền ngày nào giờ đã bỏ anh mà đi.

Em gái Sơn đã đi lấy chồng từ mùa thu năm ngoái. Nhà chồng cô không xa lắm, chỉ cách nhà Sơn hai dãy phố. Cô làm y tá ở trạm xá, còn chồng cô làm công chức trên Ủy ban Nhân dân.

Lê dọn về ngôi nhà trên con phố lát gạch đỏ, ở cùng Sơn và mẹ anh. Mẹ Sơn như đã loáng thoáng nhận ra gì đó từ ngày Lê đứng trước cửa nhà bà, xin mang theo một tấm áo bông của con trai bà. Năm đầu tiên sau giải phóng, Lê và Sơn vẫn bắt gặp hình ảnh bà ngồi bên cửa sổ trông ra phố, mặt buồn rười rượi và thi thoảng thở dài sè sẹ. Nhưng năm gần đây, không biết bà đã nghĩ thông hay trong cái trở mình của Đất Nước bà bỗng như trẻ lại. Nét mặt bà vui tươi hẳn lên, và thi thoảng trong những dịp đi chợ cùng Lê, bà lại kéo tay cậu mà khoe với những người bạn bán cá, bán rau rằng: "Con trai tôi đấy!".

Ngôi nhà của Sơn đã được sửa sang lại, tươm tất như ngày thu nào Lê ghé sang thăm. Sơn vẽ lại bức tranh hai người, đem treo trong phòng ngủ. Anh mua cả một chiếc tủ quần áo mới rộng hơn, còn chiếc tủ quần áo cũ thì Lê kiên quyết không chịu vứt đi, vì nó đã đựng những năm tháng ngây dại và tươi trẻ nhất đời Sơn. Thế là Sơn đem dời nó sang phòng ngủ cũ của em gái.

Lê và Sơn trồng một cây bạch đàn trước nhà, đúng như những gì họ đã hứa với nhau.

Hằng ngày vào giờ tan ca, Lê vẫn đợi Sơn qua đón trong một công viên gần cơ quan. Mỗi lần thấy dáng Sơn đang lại gần trên con xe đạp Thống Nhất màu xanh, Lê lại thấy cuộc đời mình không thể nào tròn đầy hơn thế nữa.

* * *

Tết lại một lần nữa về trên đất Hà thành. Mồng một Tết, Sơn chở Lê đi dọc hồ Gươm xin chữ. Ông đồ già ngày nào dưới gốc cây gạo đã không còn ngồi ở đấy nữa. Thế chỗ ông là một anh tú trẻ măng, nhưng gương mặt thì hao hao giống ông đến tận bảy, tám phần.

Lớp già ngã xuống, lớp trẻ lên thay. Những nguồn cội gốc rễ của văn hóa sẽ không bao giờ mất đi.

Sơn và Lê cùng xin chữ "Phúc". Cậu tú ngồi xếp bằng trên cái chiếu tre, vung từng nét bút chắc tay. Cái chữ mực tàu bay bổng hiện dần lên trên tờ giấy điều hình thoi.

Lê ngó sang sạp hàng bên cạnh. Trên cái chiếu bày một loạt tranh in Đông Hồ. Nào là vinh hoa, phú quý, nào là lợn ăn cây ráy. Lê đứng ngắm rất lâu rồi mua một bức đám cưới chuột.

Sơn lại chở Lê về trên chiếc xe đạp xanh. Cả con phố bừng sắc đỏ, mùi nhang trầm từ những dãy nhà hai bên đường quyện ra.

Đi qua một cái nhà dán chữ Hỷ đỏ trước cổng, Sơn bảo với Lê:

- Cậu có biết người Hà Nội mình dán tranh Đám cưới chuột khi nào không?

Chàng trai đất Nghệ như Lê làm sao mà biết được cái thú chơi tranh của người thủ đô. Cậu lắc đầu:

- Mình chịu.

- Cứ mỗi dịp người trong họ mình cưới là mình lại thấy dán bức tranh này trong nhà. Lần trước đám cưới em gái mình chắc Lê không nhìn thấy, đàng nhà trai bên ấy dán một bức ngay cạnh bàn thờ gia tiên đấy.

Cái không khí giữa hai người lặng đi trong một chốc. Đường về nhà như dài ra và niềm vui trong cái ngày đầu năm như lủi đi đâu mất.

Sơn và Lê lại ngồi lại với mẹ trên bộ bàn ghế gỗ kê trong bếp, ăn cùng nhau mâm cơm đầu năm. Mẹ Sơn, với cái tinh ý của người trải nhiều gió sương đã thấy ngay hôm nay Sơn và Lê như héo đi trong nỗi buồn rười rượi. Bà chỉ biết thở dài và gắp rất nhiều thức ăn vào bát hai đứa con.

Đến khi mẹ Sơn đã lên giường nằm nghỉ, Sơn bỗng níu lấy áo Lê dẫn vào trong phòng. Anh thay sang chiếc áo sơ mi trắng, gài nút đến tận cổ và chiếc quần âu đen thẳng thớm. Đoạn anh đưa Lê cái áo kẻ ca rô cổ tàu mua Tết năm nào vẫn phẳng phiu rồi giục cậu mặc vào. Sơn kéo Lê ra đứng trước gương, chải tóc lại thật gọn ghẽ.

Sơn quấy hồ bột, dán bức đám cưới chuột lên khoảng tường bên trên cái bàn thờ gỗ mít sơn đen khảm xà cừ. Anh dắt tay cậu đến đứng song song trước bàn thờ, đưa tay dựng thẳng cái cổ áo tàu kẻ ca rô của Lê cho ngay ngắn rồi thắp ba nén hương, rầm rì khấn:

- Hôm nay mùng một Tết, con xin dẫn người con thương đến trước mặt ông bà gia tiên trình diện. Con xin bố chứng giám cho con và Lê.

Sơn cắm hương lên bàn thờ rồi lạy ba cái. Lê đứng bên cũng lạy theo, nỗi xúc động trào về như vỡ đê.

Thế là xong cái đám cưới chỉ hai người biết.

Mồng một Tết cha, mồng hai Tết mẹ, mồng ba Tết thầy.

Sơn đã xin bố cho anh được cưới Lê vào cái ngày mồng một đầu năm ấy, khi phố phường Hà Nội im lìm trong hơi thở của gió xuân và mùi nhang trầm vương vít.

* * * * *

Hà Nội lại vào một mùa hoa sữa nữa. Gió đầu mùa đưa hương hoa se sắt phả vào từng góc phố. Hòa bình đã lập lại trên Đất Nước được ba năm. Ngày đoàn quân giải phóng Miền Nam trở về thủ đô rợp sắc cờ hoa đã trôi xa típ tắp cả một nghìn tờ lịch vuông nhưng ngỡ như chỉ mới hôm qua.

Năm đó bão to. Cây bạch đàn trồng trước cửa nhà Sơn gãy ngang, nhìn sao cũng thấy không sống nổi. Lê chẳng nói gì, chỉ xẻ cái thân cây bé xíu ấy ra, đóng lại vào tấm giát giường đã gãy vài chỗ trong phòng hai người. Rồi Sơn lại mua một cây quế - cái cây được trồng rất nhiều ở đất Nghệ An - đem vun xuống trước nhà. Lê vừa nhìn là nhận ra ngay. Cái mùi quế thơm thoang thoảng ấy gợi lên trong cậu một thoáng sông Lam biếc xanh với bãi lạc bát ngát cùng tiếng khua mái chèo và tiếng hò trôi xuôi dòng.

Tấm giát bằng cỏ năm ấy theo Lê và Sơn đi khắp các trận địa nay đã thay bằng cái giường gỗ khắc hoa sen, và cái cây bạch đàn Sơn hứa với Lê năm ấy đã trở về nằm lại dưới lưng hai người hằng đêm. Cây quế cũng từng ngày một lớn lên, đem theo một vùng trời Nghệ An phủ xuống trong lòng Hà Nội.

Ngày tựu trường sắp đến. Sơn bận rộn hơn hẳn với những danh sách lớp và những cuốn giáo trình soạn trước cho năm học mới. Cơ quan của Lê thì đang bước vào kỳ kiểm kê quý 3 trong năm.

Hôm nay là ngày rằm. Sơn mua một bó hoa loa kèn để cắm lên đôi lục bình trên bàn thờ trong nhà. Bố anh thích hoa loa kèn nên mùa hoa nào mẹ anh cũng mua về cắm trước di ảnh ông. Và cái thói quen ấy đã lây sang trong anh, hệt như một truyền thống gia đình.

Đến chiều muộn Sơn mới xong việc mà tạt qua cơ quan hậu cần đón Lê. Nhưng công vụ của Lê nhiều quá, lúc anh đến nơi thì chẳng thấy cậu đâu cả. Thế là Sơn gác chân chống xe, đứng trước cửa cơ quan đợi Lê tan làm, và tay thì vẫn cầm bó hoa loa kèn bọc trong tờ báo Lao động.

Đến lúc Lê xong việc thì dãy đèn đường màu vàng cam đã bật sáng. Hôm nay em gái Sơn dẫn con về nhà ngoại chơi nên hai người cuống quýt leo lên xe để về nhà cho kịp giờ cơm tối.

Cái xe hôm nay bỗng nhiên dở chứng. Vừa mới khi nãy Sơn còn đạp xe qua cả dãy phố để đến đón Lê mà bây giờ bánh sau xe đã xẹp lép. May mà đường về nhà không còn xa, Sơn và Lê lững thững bước bên nhau trên con phố ánh lên bàng bạc dưới vầng trăng ngày rằm.

Bước ngang qua cái ngõ biển đề tên "Tạm Thương", nhịp chân Sơn bỗng ngừng một thoáng rồi anh níu áo Lê dẫn vào con ngõ nhỏ. Con ngõ rất ngắn, nhưng đến lúc hai người đi bộ hết ngõ và quay ngược lại sóng vai trước cái biển tên "Tạm Thương", Sơn vẫn đứng lặng ngắm Lê thật lâu dưới ánh đèn vàng hắt xuống từ trên đầu.

Sương giăng mờ trên ngõ Tạm Thương,
Ngõ rất cụt mà lòng xa thẳm,
Ngõ bảy thước mà lòng muôn dặm,
Thương một đời đâu phải tạm thương.

Lê và Sơn đi bộ về đến nhà cũng vừa kịp giờ cơm. Nhưng khi đi đến mái hiên mà chếch bên kia đường vài ngôi nhà là nhà Sơn, hai người như nghe thấy tiếng khóc rấm rứt vọng ra. Đấy là ngôi nhà của cô thanh niên xung phong hàng xóm mà Sơn và Lê gặp ở Bãi Hà một dạo nào. Cô hy sinh trong một chiến dịch cuối thu, chưa kịp nhìn thấy ngày Đất Nước độc lập.

Hôm nay là ngày giỗ của cô.

Hai người lặng đi trong một thoáng. Rồi Lê cởi dây lạt buộc quanh tờ báo gói hoa, gỡ thật cẩn thận nhành hoa loa kèn đẹp nhất, đặt khẽ khàng xuống bậc cửa nhà cô.

Có những người như cậu và Sơn, may mắn sống sót qua mưa bom đạn lạc. Lại có người như cô gái thanh niên xung phong kia, đã mãi vùi tuổi đôi mươi của mình nơi đất miền Trung bỏng cháy.

Có biết bao mảnh đời biếc xanh đã ngã xuống cho ngày hòa bình độc lập hôm nay, vô danh trên nấm mồ lịch sử.

Có biết bao nhiêu người ở lại, mỗi năm lại như bông hoa chết héo trên cành trong nỗi nhớ thương khắc khoải?

Đường phố Hà Nội một chiều tối cuộn mùi hoa sữa như sắt lại, và ánh điện từ những ô cửa kính chiếu ra lòng đường như phai màu đi.

Sơn nắm tay Lê đứng đó dưới trời thu heo may Hà Nội, hơi ấm người thương từ lòng bàn tay truyền lên. Và trong một thoáng anh lại thấy hiện ra cái cô gái đứng bên bậu cửa đưa mắt nhìn theo anh cái hồi anh chưa nhập ngũ...

Có biết bao người con gái, con trai
Trong bốn ngàn lớp người giống ta lứa tuổi
Họ đã sống và chết
Giản dị và bình tâm
Không ai nhớ mặt đặt tên
Nhưng họ đã làm ra Đất Nước

---------

*Note: tên chương là câu thơ trích trong bài thơ "Đất Nước" của tác giả Nguyễn Khoa Điềm. Đoạn trích cuối thơ cũng là của tác phẩm này.

*Những câu thơ về ngõ Tạm Thương được nhiều nguồn cho là của Chế Lan Viên, nhưng mình chưa tìm thấy được bài thơ gốc.

Ngõ Tạm Thương còn nổi tiếng với giai thoại tình yêu của vua Lý Thánh Tông và Nguyên phi Ỷ Lan. Các bác có thể tìm hiểu thêm nhé, đáng yêu lắm.

Btw vậy là kết thúc rồi. Điều peak nhất mình làm ở tuổi 20 là viết xong cái fic này.


- Art by: Hân Phan (FB)
https://www.facebook.com/han.phan.630143?mibextid=ZbWKwL

-----------lưu ý yapping bên dưới

Ban đầu mình ship Sơn on top vì thấy nó ngon điên, và trong tác phẩm gốc tác giả miêu tả Sơn cao (và tất nhiên khúc sau ba năm anh men điên nữa). Nhưng sau mình lại nghĩ khác. Có lẽ cái nhìn "giống con gái" Lê nhìn Sơn là cái nhìn mang đầy tính chủ quan và có đôi chút định kiến của người lính - mẫu người mà trong quan niệm của nhiều người là phải thật mạnh mẽ, nam tính. Điều này thấy rõ trong khúc sau của tác phẩm gốc, khi Sơn lên làm trung đội trưởng, đánh qua rất nhiều trận và Lê thấy anh rất rắn rỏi, sắc bén. Và mình thấy hóa ra trong vô tình mình đã làm được cái việc là không dán mác người khác qua vẻ bề ngoài, người trông bot vl vẫn có thể là top hẹ hẹ hẹ hẹ.

Mình không muốn đám cưới của Lê và Sơn như cái đám cưới bình thường, không muốn Sơn hỏi cưới Lê, và Lê thì gả cho Sơn. Bởi tình yêu của họ khác với cặp đôi nam nữ khác, họ có điều họ kiêu hãnh và họ chỉ đơn giản là "cưới" nhau.
Không có một lời tỏ tình chính thức nào, không có một lời thú nhận với mẹ từ hai người, và mẹ Sơn cũng không có một lời chấp nhận đúng nghĩa nào. Có nhiều tình cảm chẳng được phép gọi tên trong cái thời xưa cũ ấy.
Không một lời yêu, nhưng tất cả đều là yêu.

Mình đã cố gắng đưa thật nhiều chi tiết và liên hệ trong chương trình sách giáo khoa cũ vào fanfic này, vì đây là đề thi THPTQG môn Ngữ văn năm đầu tiên chúng ta học theo chương trình mới. Và năm nay Đất nước mình cũng bước vào kỷ nguyên vươn mình, nhiều cái mới, cái lạ diễn ra. Mình chỉ muốn làm cho cái cũ, cái mới đan xen, giao hòa ít nhất là trong fic của mình. Btw truyện kết ở đám giỗ của cô thanh niên xung phong vì lời cô giáo dạy văn ảnh hưởng mình rất nhiều: tình yêu quê hương, tình yêu đôi lứa không bao giờ nằm ngoài tình yêu Tổ quốc.

Chúc 2k7 đọc fic này sẽ có thật nhiều may mắn, đỗ nguyện vọng 1.

Bạn đang đọc truyện trên: TruyenTop.Vip