Trong cơn mộng mị, người về bên đây
Giữa hồi còi phòng không vang lên đột ngột lúc 4 giờ sáng, Lê choàng tỉnh trong lán chỉ huy bên bờ sông Hồng. Giá kể không có đợt báo động này thì Lê vẫn còn ngủ, dù bom có nổ ngay trên đầu cậu cũng chẳng biết. Bởi đêm qua, cậu mơ thấy Sơn.
Trong cơn mộng mị "truy lĩnh"* Lê vừa choàng tỉnh khỏi, cậu mơ thấy cái ngày Đại đội cậu tiến vào Hà Nội, rẽ vào một ngõ phố nhỏ lát gạch cổ đỏ au của thủ đô. Rồi khi ngang qua ngôi nhà có cái mái xây chìa ra, cái núm cửa sơn đen và bậc thềm lát gạch, cậu thấy Sơn đang đứng đó. Nước da anh trắng nõn, mái tóc dài rũ xuống lòa xòa trước trán, và trên người thì mặc chiếc áo vải bạt chít eo mà Lê để lại cho anh ngày anh nằm trong Quân y viện.
Lê thấy trong lồng ngực mình, quả tim khua lên từng hồi. Trông thấy Sơn giơ đôi bàn tay lên vẫy, Lê nhảy xuống bất chấp đoàn xe đang lao đi vun vút trên đường. Cậu ngã khỏi xe, tay quệt xuống lòng đường, xước một vệt dài rướm máu từ lòng bàn tay đến tận khuỷu tay.
Sơn hoảng loạn đến luống cuống tay chân. Anh chạy vội ra đỡ Lê. Trong giấc mơ, Sơn kéo bàn tay Lê lại, kiểm tra thật kỹ những vết thương trên người cậu. Lê như vỡ òa trong niềm hạnh phúc, còn Sơn thì dang tay ôm chầm lấy cậu. Lê cứ nhè vai Sơn mà đấm mãi.
Nhưng đến khi cậu buông Sơn ra, toan hỏi han và kể cho anh nghe chuyện gần đây thì cậu đã không thấy cái núm cửa sơn đen cùng bậc thềm lát gạch đỏ sau lưng anh đâu cả. Phố xá Hà Nội cũng mờ dần rồi biến mất. Cả giấc mơ chìm trong khoảng trắng, chỉ có cậu đứng đó, đôi tay nắm lấy bàn tay đang khép hờ của Sơn. Không gian tối dần, cái lán Quân y hiện ra ngày một rõ sau lưng Sơn. Một cô gái mặc áo choàng trắng, đầu đội mũ thêu chữ thập đỏ bước ra, hai tay thì bưng một khay đựng đầy chai lọ và những gói thuốc con con.
Rồi Lê bừng tỉnh khỏi cõi mộng trong tiếng còi báo động phòng không vẳng lại từ xa.
Cậu ngồi tựa vào một ụ pháo mới đắp bằng đất phù sa sông Hồng, chắp vá lại từng mảnh vỡ của giấc mơ vừa qua. Phải rồi, Sơn nào có ở ngoài này đâu. Anh đang chiến đấu trong khu Bốn, bảo vệ cái đập nước và vùng trời quê hương cậu. Anh và cậu đã từ biệt nhau trên bãi bồi mà bên kia sông là làng cậu, trong lòng có trăm điều muốn nói nhưng lại chẳng thốt lên được điều gì.
Không biết Sơn có đang mạnh khỏe và làm tốt nhiệm vụ không? Anh có bảo vệ được cái đập nước quê cậu không? Lê thầm nghĩ. Nhưng ý nghĩ đó chỉ vụt qua rất nhanh. Lê tin chắc rằng anh sẽ làm được. Anh đã hứa với Lê như thế, và Sơn lúc nào cũng là một người biết giữ lời.
Lê lôi bức vẽ gấp làm tư mà Sơn dúi vào tay cậu ngày chia tay ra ngắm. Cậu trải thẳng tấm vẽ, vuốt kỹ những nếp gấp dọc ngang cho tờ giấy bồi thẳng ra. Trên đó là chân dung của chính cậu, đôi mày rậm đen nhánh, đuôi mắt hơi chếch lên và gò má thì sạm nắng. Sau lưng cậu vẫn là vách lán lá khuynh diệp ở đất Quảng Bình ngày nào. Nỗi nhớ Sơn da diết cuộn trào lên trong Lê. Cậu ước gì anh đang ở ngay đây.
Đất phù sa sông Hồng dưới chân truyền vào Lê một cảm giác mát lạnh, một cảm giác rất khác so với đất phù sa trên những bãi bồi trồng lạc hai bên bờ sông Lam. Cái mát lạnh ấy làm nguôi ngoai dần đi nỗi nhớ, cứ như thể nhung nhớ như dòng nước đã rút khỏi cậu, thấm vào đất phù sa đỏ quạch dưới chân.
Bên kia trận địa pháo bên đất Nghệ An, Sơn cũng vừa choàng tỉnh khỏi giấc mơ. Trong mơ anh thấy mình đang nắm tay Lê chạy mải miết qua từng bãi mía, cánh đồng, và phía bên kia sông, trận địa đang sáng lên theo từng hồi bom nổ. Nhưng khi anh kéo Lê sát lại gần hơn và toan đặt xuống cánh môi cậu một nụ hôn, ánh sáng lóe lên và anh giật mình tỉnh giấc.
Nỗi bơ vơ và nhung nhớ nhấn chìm anh như một cơn lũ, và đất phù sa sông Lam cũng đang truyền đến Sơn một cảm giác y hệt như Lê ở bên kia vùng trời.
Sơn ngước lên nhìn trời và tự hỏi, liệu ở vùng trời quê anh, Lê có đang mạnh khỏe và công tác tốt không? Anh mong sao đất Thăng Long mà anh thân thuộc từng gốc cây, từng mảnh tường và cả từng sắc mây trên bầu trời như thuộc lòng năm ngón tay mình sẽ làm Lê thấy yêu như cái cách đất Nghệ An làm anh xiêu lòng.
* * * * *
Ngày 6/4/1972, Mỹ cho máy bay bắn phá một số nơi thuộc khu Bốn. Trong những khoảng lặng giữa hai đợt tiến công, Sơn tưởng đâu vẫn nghe thấy tiếng bom nổ ngay cạnh lán. Nhiều đồng đội sát bên anh đã ngã xuống trong những ngày qua. Cứ mỗi khi một đồng chí ngã xuống, Sơn như thấy ruột gan mình đứt thành từng khúc và đâu đó có một vùng trời vỡ vụn.
Nhưng Sơn cùng đồng đội và dân quân cũng gặt được rất nhiều chiến công. Dân ta bắn hạ được rất nhiều máy bay địch. Những chiến công từ khắp nơi bay về, phấp phới như những lá cờ đỏ báo hiệu đường đến ngày chiến thắng không còn xa.
Tình hình chiến sự ác liệt làm lòng Sơn cồn cào nhiều đêm không ngủ được. Và trong nhiều đêm không ngủ ấy, anh lại chắp bút viết những cánh thư tay gửi về cho Lê phòng một ngày bất trắc.
Những bức thư Lê gửi vào bên này chiến tuyến được Sơn trân quý như vàng và cất rất cẩn thận trong cái ba lô màu cỏ úa, cứ lúc nào nhớ Lê anh lại lôi ra đọc rồi vuốt ve. Nếu ai có cơ hội được nhìn thấy những lá thư tay đồng chí Sơn cất kỹ, thì ắt hẳn sẽ thấy bốn góc tem thư đã cong lên và mép thư đã sờn đi.
Sơn cùng anh em chống trả quyết liệt từng trận đánh. Anh vẫn giữ đúng lời hứa. Cái đập nước quê Lê vẫn còn nguyên, dù cho những cánh đồng và bãi mía chung quanh đều đã hoang tàn.
Đến đầu mùa mưa muộn năm ấy, những đợt đánh cũng thưa dần rồi ngớt hẳn. Mỹ đổi mục tiêu, tăng cường đưa máy bay và tàu thủy ra Bắc nhằm phong tỏa cảng biển tại Hải Phòng, chiếm cứ các luồng lạch, vùng biển miền Bắc nhằm chặt đứt nguồn chi viện cho miền Nam.
Nghe tin chiến sự từ miền ngoài ngày ngày được chuyển về, tim Sơn giật thon thót. "Không biết Lê ngoài kia có mạnh khỏe không?"_ Sơn nghĩ thầm. Và trong nhiều đêm chìm trong cơn mộng mị, anh cứ thấy dư âm trong đầu mình một chiến sĩ Lê đầu đội mũ sắt đứng trước bậc cửa nhà anh, tay cầm bức vẽ và máu tươi thì trào ra từ ngực. Những khi ấy anh choàng tỉnh, mồ hôi lạnh thì tuôn ra như suối thấm ướt vai áo. Anh nằm xuống cố nhắm mắt nhưng không tài nào ngủ lại được nữa, cái giấc mơ đầy ám ảnh kia hiện về chập chờn làm anh thấy hồn vía mình như bay mất đi đâu, xa tít tận lũy tre làng bên kia sông.
* * * * *
Trời Hà Nội đã chuyển dần sang đông. Những phiến lá trên cành ngả sang màu vàng rồi rụng đầy các ngõ phố. Hoa sữa nở trắng trên cành dọc hai bên đường Nguyễn Du, hương hoa bay ngào ngạt theo từng đợt gió mùa đông bắc kéo về.
Lê vẫn chưa quen với cái lạnh ở đây. Đông Hà Nội lạnh se sắt và gió mùa đông bắc thì khô khốc, lạnh lẽo như lưỡi dao cắt qua da thịt. Cậu đang ngồi trong lán đọc tin tình báo gửi về thì một cậu lính công vụ chạy vụt qua. Cậu ta quơ cái cặp vải nâu trên đầu, giọng vang lên lanh lảnh:
- Anh Lê, có thư!
Lê chạy vụt ra. Cậu lính trẻ thả vào tay anh hai phong thư rồi phóng chiếc xe đạp Thống Nhất đi mất hút.
Lê lật vội bức thư lại để xem tên người gửi. Đập vào mắt cậu là nét chữ nắn nót được viết bằng mực xanh, bụng chữ rất tròn và cái móc ở cuối thì cứ viết dài vút cả lên. Lê nhận ra ngay nét chữ của Sơn. Cái nét chữ ấy thẳng thớm và phóng khoáng y như con người anh vậy.
Lê mở phong thư thứ nhất ra. Trên bì thư đề ngày gửi là một ngày cuối tháng tư, tem thư qua tay bao cậu liên lạc và cả quãng đường dài đã rách mất bốn góc.
"Thương gửi Lê,
Cậu vẫn khỏe chứ? Tình hình công tác thế nào?
Bên này mình vẫn khỏe, chỉ là nhớ cậu lắm. Nhiều đêm mình nhớ cậu chẳng thể nào mà ngủ được. Đầu tháng này, Mỹ phái máy bay ra bắn phá khu Bốn. Máy bay nhiều lắm, cứ đen đặc cả bầu trời. Nhiều anh em đã hy sinh. Hai tuần trước mình cũng bị bom văng trúng tay trái nhưng may sao chỉ bị thương nhẹ. Đúng là cái thân bên trái nhiều tai vạ.
Cậu ở bên ấy cứ yên tâm công tác. Cái đập nước quê cậu vẫn còn nguyên. Mỹ phái chiếc máy bay nào lượn lờ quanh con đập là mình đuổi đi hết.
Những cuộc tiến công bên này cứ dồn dập. Mình thì không sợ đâu, nhưng mình chỉ lo nếu mình gặp chuyện bất trắc, cậu ở lại đây một mình thì buồn lắm.
Nhưng chuyện sống chết là lẽ thường tình mà, nếu lỡ mai này nghe tin sét đánh từ mình, Lê đừng buồn nhé. Chẳng may trong một trận đánh nào mình không qua khỏi, Lê hãy cứ sống thật tốt và mạnh khỏe thay phần của mình, mình xin giao mẹ và em gái mình cho Lê chăm sóc...."
Thư Sơn gửi còn dài lắm, toàn những lời dặn dò và nhắn nhủ. Lê đọc mà mắt như nhòe đi. Cậu mở vội phong thư thứ hai. Vẫn là nét bút tròn trịa có cái móc cong cong viết bằng mực xanh ấy. Lá thư này mới hơn, thơm mùi mực nho và đề ngày gửi cuối tháng mười. Lê không vội bóc ngay mà nâng niu thật lâu trên tay. Cậu như thấy truyền đến từ bìa thư hơi ấm của người gửi bên kia đầu chiến tuyến.
"Gửi Lê thân yêu,
Trời Hà Nội đang trở lạnh, cậu nhớ mặc nhiều áo ấm nhé. Thời tiết ngoài ấy khác trong này nhiều, nhớ giữ sức khỏe kẻo ốm. Ở nhà mình còn giữ nhiều áo ấm lắm. Mình đã viết thư dặn mẹ, cậu cứ tạt qua nhà mình lấy áo mà mặc. Mẹ mình chắc chắn sẽ nhận ra được cậu. Mình có một chiếc áo bông mới, tậu năm xa nhà và vẫn được mẹ cất kỹ trong tủ. Cái áo ấy cậu mà mặc vào chắc chắn là ấm và đẹp lắm..."
Lê đọc thư mà môi thì tủm tỉm cười. Một dòng nước ấm róc rách chảy qua tim cậu và cái tiết trời đầu đông nơi Hà Nội dường như chẳng còn lạnh nữa. Thư của Sơn còn rất dài, kín hai mặt giấy nhưng Lê đọc mà cứ sợ sẽ hết. Cậu thèm những lá thư của Sơn như kẻ nghiện lâu năm nằm trên chõng thèm sái thuốc phiện.
Ngay trong tối ấy, khi sắp xếp xong lịch giao ban, Lê mượn xe đạp của một anh trung đội trưởng, đạp một mạch về phía nhà Sơn. Lê đứng ngẩn người trước cái bậu cửa lát đá đỏ nhà Sơn, rất lâu sau mới dám đưa tay lên gõ cửa.
Mẹ Sơn là người chạy ra mở cửa. Lê nhìn người phụ nữ đứng tuổi có cái gương mặt phúc hậu và hai gò má tròn đầy đặn rồi ngẩn người ra. Hóa ra Sơn có cái nét rất giống mẹ. Khóe mắt mẹ cậu cũng rũ xuống kiêu kỳ và con ngươi thì ánh lên vẻ thông minh.
Vừa dác thấy Lê, mẹ Sơn nhận ra ngay. Bà cất giọng:
- Cậu Lê đấy ư? Con tôi viết thư kể về cậu nhiều lắm.
Chất giọng của bà vang lên rất sang - chất giọng của người Hà Nội chính gốc đã bám rễ lâu đời ở đất thủ đô nghìn năm văn hiến.
- Dạ, con chào bác. Con là Lê, bạn Sơn đây ạ._ Lê cúi đầu chào. Cậu bỗng ngựng ngùng và lo lắng như người con dâu lần đầu về ra mắt nhà chồng.
- Vào nhà đi con!_ giọng mẹ Sơn vui hẳn lên. Bà kéo cậu vào nhà ngồi. Em gái Sơn từ trong phòng cứ thi thoảng lại len lén ló mặt ra, trông xem vị khách này mặt mũi ngang dọc ra làm sao.
Mẹ Sơn hỏi thăm Lê rất nhiều về chuyện của Sơn và cả tình hình cậu hiện tại. Lê nhìn thấy trong ánh mắt bà một niềm yêu thương như đối với con ruột. Nếu không phải vì bận việc quân doanh, hẳn là Lê phải ngồi thêm ở đó lâu lắm. Lúc về, mẹ Sơn dúi cho Lê rất nhiều hồng giòn, cốm làng Vòng và cả một ba lô to quần áo rét.
Lê đạp xe đạp quay ngược lại trận địa bên kia sông, khoác trên mình chiếc áo bông mới của Sơn và trong chiếc ba lô trên vai là những thức quà của Hà Nội. Tiếng trống cầm canh vẫn vẳng lại, sao khuya trên đầu lấp lánh còn trong lòng cậu cứ dâng lên từng hồi khoan khoái.
Và cũng khi ấy, nỗi nhớ Sơn như ùa về, trĩu nặng cả vai cậu.
"Anh bỗng nhớ em như đông về nhớ rét
Tình yêu ta như cánh kiến hoa vàng
Như xuân đến chim rừng lông trở biếc
Tình yêu làm đất lạ hoá quê hương".
----------
*truy lĩnh: là hành động nhận được một khoản tiền hay một tài sản nào đó mà đáng lẽ ra đã được nhận trong quá khứ nhưng vì một lý do nào đó mà bị trì hoãn và đến hiện tại mới nhận được.
Từ này được nhà văn Nguyễn Minh Châu dùng trong tác phẩm gốc.
*bốn câu thơ cuối là một khổ thơ được trích trong bài thơ "Tiếng hát con tàu" của nhà thơ Chế Lan Viên.
*chương này là về nửa đầu cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc lần thứ hai của tổng thống Hoa Kỳ Richard Nixon. Chương sau sẽ là về cuộc chiến Điện Biên Phủ trên không. Các bác chờ tôi nhé.
Bạn đang đọc truyện trên: TruyenTop.Vip