"Vùng trời quê hương nào cũng là bầu trời Tổ quốc"
Một đêm, Lê và Sơn đứng bên nhau rất lâu trên cái gò đất cao, xung quanh ầm ì tiếng sấm và rào rào tiếng nước lũ từ trên nguồn đổ về. Trước mặt họ, những pháo thủ của đại đội pháo cũ đang chào từ biệt nhau. Họ trao cho nhau những cái bắt tay và những cái ôm thật chặt.
Đại đội pháo của hai người như một gốc cây đã lớn, nhựa cây ứ đầy tỏa ra thành hai nhánh.
Cầm tay nhau biết nói gì hôm nay.
Cái lặng im cứ đứng đó rất lâu giữa Sơn và Lê. Sơn định khoác vai Lê mà dặn dò, nhưng lời vừa định bật qua môi thì đầu óc lại trống rỗng. Ở họ có nhiều điều muốn nói với nhau quá, đến nỗi chẳng thể thốt lên được câu gì.
Họ cứ lặng thinh như thế, tưởng chừng như nghe được cả tiếng tim đập của nhau vang lên trong gió.
Lê đưa mắt ra xa nhìn về xóm làng phía bên kia sông và cái đập nước đầu nguồn. Rồi cậu ngẩng đầu ngắm vùng trời quê hương mình lần cuối. Tiếng trực thăng từ trên đầu vẫn vọng lại, hòa vào tiếng sấm ì ùng thi thoảng nổi lên từ chân trời phía xa. Cậu bỗng thấy lo lắng cho tình hình chiến sự sắp tới bên phía Sơn.
- Mấy hôm nay ngày nào chúng cũng cho máy bay trinh sát...
Sơn quay sang nhìn Lê chăm chú, đôi mắt anh như sáng lên và giọng nói thì chắc nịch:
- Cậu cứ yên tâm. Chúng mình sẽ bảo vệ cái đập nước và vùng trời quê hương của cậu bằng mọi giá...
Lời Sơn nói như một liều thuốc an thần, tiêm vào lòng Lê sự tin tưởng tuyệt đối. Lê nhìn sâu vào đôi mắt đen ấy, lời thốt ra cũng chắc chắn không kém:
- Tớ rất tin... Tớ rất tin cậu!
Đại đội của Lê đã dàn xe pháo sẵn trên đê. Tiếng động cơ ì ùng như lời giục giã.
Đất nước mênh mông, đời anh nhỏ hẹp
Tàu gọi anh đi, sao chửa ra đi?
Sơn bỗng như bừng tỉnh. Anh lấy vội bức thư nhà gửi mẹ và bức tranh vẽ Lê được gập làm tư vẫn cất kỹ trong túi áo bên ngực trái. Đoạn, anh đặt nó vào bàn tay Lê đầy trịnh trọng. Anh dặn dò:
- Giữ kỹ cho tớ nhé!
Lê gật đầu thật mạnh, nỗi xúc động trào lên mãnh liệt trong cậu.
Sau ba năm cùng sát vai chiến đấu, giờ đây Lê với Sơn mỗi người nhận một nhiệm vụ, đường chia đôi ngả. Họ từ biệt, chia nhau tấm giát nằm, vài bộ quần áo và cả bầu trời Tổ quốc trên đầu. Tận trong những ý nghĩ sâu kín nhất của Lê, cậu đã coi Sơn như một người đồng chí gắn bó nhất, hoặc hơn thế nữa, một người thương, một người tri kỷ sẻ chia những phút giây lịch sử của Đất Nước và của cả cuộc đời cậu.
Giữa cậu và Sơn như có một sợi dây vô hình, mà dọc theo sợi dây ấy, những tình yêu quê hương, tình yêu làng xóm, tình yêu đôi lứa, tình bạn, tình đồng chí đan xen và quấn quýt lấy nhau.
Chưa từng có một lời yêu, nhưng tất cả đều là yêu.
Lê nắm vội bàn tay Sơn, chặt thật chặt đến nỗi bàn tay cả hai hằn lên những vết ngón tay đỏ mờ mờ.
- Đi nhá._ Cậu thốt lên, giọng như lạc cả đi.
- Đi nhá!_ Giọng Sơn run run, và ánh mắt thì như có nước.
Từ biệt nhau chỉ có hai tiếng ấy.
Và rồi Lê bắt đầu một cuộc hành quân thật dài. Từng đám rừng và dòng sông lướt qua trước mắt Lê, bầu trời mùa lũ muộn trên đất Nghệ An lùi dần về nhường đường cho những khoảng trời rất xanh. Những chiến sĩ cao xạ ngồi vắt vẻo trên thành xe. Trên xe có một trăm người lính thì có một trăm cuộc đời và một trăm vùng trời quê hương khác nhau. Thế nhưng, khi đồng lòng cầm súng đứng lên, thì bầu trời quê hương bỗng như hòa vào làm một.
Với Lê cũng thế. Giờ đây vùng trời cậu trân quý không chỉ có vùng trời bên dòng Lam với tiếng hò xuôi mái chèo mà còn có cả vùng trời Hà Nội nghìn năm văn hiến, nơi Sơn đã sống qua hết những ngày tháng trẻ dại và tươi đẹp nhất.
Lê đứng lên cầm súng không chỉ để bảo vệ điều cậu yêu thương nhất, mà còn là để bảo vệ điều người cậu thương trân trọng nhất.
Những vùng trời ta yêu và những vùng trời người thương ta yêu sẽ đan xen vào nhau, khăng khít, không thể nào mà chia cắt được.
Vùng trời quê hương nào cũng là bầu trời Tổ quốc.
Đoàn xe đi băng băng. Họ đi qua cầu Bùng, cầu Hổ, cầu Hàm Rồng và Nam Định, Phủ Lý, để lại rất xa sau lưng những Đèo Ngang, Quán Hầu, Bãi Hà,...
Và cả những vùng trời họ để lại nửa tâm hồn ở đấy.
Đại đội của Lê kéo vào lòng Thủ đô giữa một trưa mùa thu nắng gắt. Từ dưới lòng đường nhìn lên, những tán cây xà cừ như tỏa ra ánh sáng bàng bạc. Những ô cửa sổ kính nhiều màu thì lóe lên dưới ánh nắng, trong suốt và lấp lánh như pha lê.
Đoàn xe kéo pháo rẽ vào một dãy phố hẹp, lòng đường không trải nhựa mà lát một thứ gạch cổ to bản đỏ tươi. Đoàn xe cứ chầm chậm đi, tận lúc đi ngang một ngôi nhà một tầng, núm cửa sơn đen và bậc thềm gạch xây chìa ra đường thì Lê nhảy xuống. Đó là ngôi nhà mà Sơn lớn lên từ bé đến lớn vẫn hay xuất hiện trong lời kể của anh.
Cửa nhà khóa chặt. Không có ai ở nhà. Lê đang loay hoay cầm phong thư Sơn gửi cho gia đình, không biết nên đặt ở đâu thì trên mái nhà bên kia đường vang lên tiếng nói, và một anh pháo thủ trẻ măng thò đầu ra.
- Chào người anh em, các cậu mới ở xa dọn về hử?
Và một cậu khác trên mái nhà bên này đường mách xuống:
- Thư của chàng trai đi đánh Mỹ gửi về hử, cứ đút dưới khe cửa. Nếu là đồ đạc thì đem lên đây gửi chúng tớ.
Thế là Lê luồn tay xuống, đẩy thật sâu bức thư nhà vào trong khe cửa.
Hôm nay, Lê đã đứng dưới bầu trời Hà Nội, bên cạnh là những người đồng đội cũ và cả những người đồng đội mới quen. Dưới chân cậu là cái bậc cửa lát gạch đỏ nhà Sơn. Và trên đầu cậu là cả một vùng trời xanh như ngọc, vùng trời của Sơn, vùng trời Tổ quốc mà cậu quyết tâm gìn giữ.
-------
*Tên tiêu đề chương là câu hỏi trong đề thi Tốt nghiệp THPT Quốc Gia môn Ngữ văn năm 2025.
*"Cầm tay nhau biết nói gì hôm nay"- câu thơ trích trong bài thơ "Việt Bắc" của nhà thơ Tố Hữu.
"Áo chàm đưa buổi phân ly
Cầm tay nhau biết nói gì hôm nay"
*"Đất nước mênh mông, đời anh nhỏ hẹp
Tàu gọi anh đi, sao chửa ra đi?" - câu thơ trích trong bài thơ "Tiếng hát con tàu" của nhà thơ Chế Lan Viên.
"Con tàu này lên Tây Bắc, anh đi chăng?
Bạn bè đi xa, anh giữ trời Hà Nội
Anh có nghe gió ngàn đang rú gọi
Ngoài cửa ô? Tàu đói những vành trăng
Đất nước mênh mông, đời anh nhỏ hẹp
Tàu gọi anh đi, sao chửa ra đi?
Chẳng có thơ đâu giữa lòng đóng khép
Tâm hồn anh chờ gặp anh trên kia"
Bạn đang đọc truyện trên: TruyenTop.Vip