[Tiết Hiểu] Phân tích Hiểu Tinh Trần

 01.

Từng nghe có khá nhiều người bình phẩm về Hiểu Tinh Trần như là một nhân vật "thánh mẫu" hay "bạch liên hoa". Những cách gọi này hoặc là hàm ý chỉ người có tấm lòng bao dung đến nỗi nhu nhược cam chịu hoặc với "bạch liên hoa" là quá thanh thuần trong sáng (cùng với nghĩa mỉa mai tức chỉ những kẻ giỏi diễn vẻ thiện lương để làm nạn nhân vô tội). Thế nhưng theo ý hiểu của riêng tôi về Hiểu Tinh Trần, anh ta không nằm trong bất kỳ trường hợp nào như "thánh mẫu" và "bạch liên hoa" mô tả. Trái lại Hiểu Tinh Trần là hình ảnh về một đạo nhân non trẻ bồng bột với tâm hồn vẫn còn chưa trưởng thành, hay như cách mà cái tên của anh đã nói lên tất cả - Vì sao sớm lạc giữa cõi trần ai.

Trước khi nhìn vào bi kịch mà Hiểu Tinh Trần gánh phải để rồi vội cho rằng anh là "thánh mẫu", "bạch liên hoa", hãy nhớ đến người thiếu niên tuổi vừa mười bảy đã phá thệ xuất sơn bất chấp phải quay lưng với chính sư phụ của mình. Phá thệ xuất sơn là quyết định của một mình Hiểu Tinh Trần và không ai can thiệp. Đối với một tiểu đạo trưởng mồ côi được Bão Sơn tán nhân đưa về dưỡng dục mười mấy năm trời, lấy đâu ra bản lĩnh và hoài bão to lớn để phá thệ từ bỏ tất cả mà tìm đến một chân trời mới?

Lý do được giải thích qua loa là: Xuất sơn để cứu độ chúng sinh. Nhưng cái "cứu độ chúng sinh" này xem ra vẫn còn quá mong manh để đủ thúc đẩy bầy đệ tử cả đời nằm ngoan trong tổ ấm của Bão Sơn tán nhân chấp nhận rời đi. Nếu không phải chính bản thân Hiểu Tinh Trần đã sẵn có một lòng ham thích thôi thúc muốn được trông thấy thế giới bên ngoài mà sư phụ y cho là hỗn tạp, vậy có dùng lý do gì cũng không thể đẩy y cách ly đạo quán sớm như vậy. Cũng giống như Tàng Sắc tán nhân - sư tỷ của mình, Hiểu Tinh Trần hẳn phải có một cá tính vượt ngoài những gì mà khuôn khổ của đạo gia kiềm hãm mới dám nghĩ đến chuyện phá thệ cùng sư phụ.

Chưa đủ để minh chứng cho một Minh Nguyệt Thanh Phong rất ngang bướng bản lĩnh và nội tâm phong phú? Việc đầu tiên thực hiện khi vừa xuất sơn của Hiểu Tinh Trần hóa ra chính là "nhất kiếm Sương Hoa động thiên hạ", chỉ trong một đêm đã thành danh bằng trận săn đêm dọa người siêu đỉnh.

Xét với một công tử thế gia việc săn đêm để kiếm thành tựu (như tiểu Kim Lăng) là hết sức bình thường. Gia tộc của cậu ta thậm chí có thể tìm cách góp sức để giúp cho quý tử nhà mình mang về được danh dự trong những ngày đầu chập chững trên hành trình đề tên mình lên bảng danh vọng tu chân giới (như trong trường hợp cữu cữu Giang Trừng).

Vậy nhưng Hiểu đạo trưởng điềm đạm khiêm tốn chỉ thong thả một trận đã để lại danh tiếng khắp bốn phương. Người ngoài trông vào lập tức ngợi khen, nhưng ấy, đừng quên anh là người tu đạo. Tu đạo, học lý lẽ của đạo gia, hoàn toàn khác với công tử thế gia chỉ tu tiên luyện kim đan. Bởi đến người không rành rẽ chắc cũng biết được nhắc đến đạo gia là nhắc đến thuyết vô vi. Như Lão Tử từng nói ấy là: "Vi vô vi nhi vô bất vi", thuyết này mà nói đơn giản chính là để vạn vận thuận theo tự nhiên mà diễn ra chứ đừng nên làm gì cả. Lại nói người tu đạo còn đề cao cái gọi là "cực hư" tức để mọi sân si tạp niệm hồng trần rời xa mà đạt đến cảnh giới không còn vướng bận.

Nếu hiểu đạo nhân chính là người phải tường tận về tất cả những lẽ này, thì có phải một Hiểu Tinh Trần dù vô tình hay cố ý thu về danh vọng giữa chốn tu chân ngập tràn cạm bẫy mà đến chính sư phụ anh đã từ bỏ ẩn cư từ lâu đó, là một người có bản lĩnh có hoài bão với chính kiến mới mẻ đã đi ngược lại phần nào đạo giáo?

Thật ra đó là một cách nói giảm nói tránh, ý tôi là, Hiểu Tinh Trần thanh khiết bởi môi trường giáo dưỡng anh từ nhỏ, nhưng với tư tưởng độc lập táo bạo ẩn sâu trong vẻ thanh nhã ôn hòa đó, là một tâm hồn sẵn sàng được nhiễm bụi trần. =]

Và có lẽ lý do để anh không thể là đạo nhân đắc đạo, là vì chính anh đã lựa chọn hồng trần.

Có ai từng nhớ lần đầu tiên Hiểu Tinh Trần gặp gỡ Tiết Dương? Không phải trong vụ thảm án Thường gia hay bên bờ cỏ nào đó. Đó là vào một buổi chiều muộn khi Tiết Dương đang phá quán bên đường và bị Tống Tử Sâm đánh chặn. Chuyện sẽ chẳng có gì nếu cách phản ứng của Hiểu Tinh Trần hết sức đặc biệt so với thân phận đạo nhân của anh. Ban đầu là không can ngăn trận ẩu đả, kế tiếp chính là cùng Kim Quang Dao trao đổi đôi câu chào hỏi đầy sáo ngữ. Ở đây, đối diện với một Kim Quang Dao miệng lưỡi mềm dẻo giỏi nói lời xiểm nịnh vuốt lòng người, được y ca tụng nhưng Hiểu Tinh Trần thậm chí tiếp nhận cũng khéo léo chẳng kém gì.

Trích phiên ngoại Ác Hữu, Mặc Hương Đồng Xú: [...] "Vị đạo nhân này thân dài dáng ngọc, tay áo cùng tua kiếm phiêu dật tung bay, bước đi nhẹ nhàng như cưỡi mây mà đến. Kim Quang Dao thi lễ nói: "Hiểu Tinh Trần đạo trưởng."

Hiểu Tinh Trần đáp lễ, mỉm cười nói: "Từ biệt nhau mấy tháng trước, không ngờ Liễm Phương Tôn vẫn chưa quên tại hạ."

Kim Quang Dao nói: "Hiểu Đạo Trưởng nhất động Sương Hoa kinh thiên hạ, nếu ta không nhớ kỹ thì mới là chuyện lạ."

Hiểu Tinh Trần khẽ mỉm cười, dường như hiểu rõ tính tình Kim Quang Dao mỗi khi nói luôn mang theo ba phần nịnh ngọt, bèn đáp: "Liễm Phương Tôn quá khen rồi." [...]

Một đạo nhân non nớt mới lững chững vào đời nhưng đối nhân xử thế lại không hề ngượng ngập. Đối diện lời khen mặt không đổi sắc, lễ nghĩa khéo léo thậm chí còn hiểu cả ý đồ của đối phương. Điểm này thì đừng nói đạo nhân nào cũng biết, đạo nhân cơ bản chuẩn hình tượng cương trực chính khí phái Toàn Chân là phải như Tống Tử Sâm. Ta chỉ nói lời thẳng không thèm vòng vo ngụy quân tử, lời của ta có đạo lý ngươi muốn tốt thì ắt phải nghe v v...

Hiểu Tinh Trần thì sao? =] Hiểu Tinh Trần thật ra nói đạo lý cũng khác người vô cùng. Hay với cách anh nhìn nhận sự việc và đạo lý trong mắt anh cũng không thuộc vào hàng kinh điển của mấy vị đạo trưởng trong tiểu thuyết kiếm hiệp.

Tiện nói đây chính là để giải oan cho anh trước những người không thích Hiểu Tinh Trần do nghĩ anh chính là dạng đạo trưởng khuôn khổ cứng nhắc và tẻ nhạt như thế. Nhưng sự thật là anh không hề nhạt, tôi ăn mặn nhưng đọc lần đầu đã thích ngay người này. Còn tại sao không nhạt, để bài sau nói tiếp đi. =]]

Lưu ý:

*Đây không phải bài phân tích toàn diện về Hiểu Tinh Trần, vì chỉ bằng một bài thì không thể nói hết về anh vậy nên cứ đôi khi sẽ thong thả viết một chủ đề ngẫu hứng xoay quanh nhân vật.

*Không hứng thú tranh cãi. Luận điểm chủ quan, người đọc không đồng tình tùy ý nhưng người viết sẽ không tranh cãi.

02.

Lại nói tiếp từ phần trước, trong phiên ngoại Ác Hữu bắt đầu từ khi Hiểu Tinh Trần can thiệp trận đấu mèo cào giữa Tiết Dương và Tống Tử Sâm. Lối xử thế khéo léo của anh với Kim Quang Dao là dấu hiệu đầu tiên cho thấy tiểu đạo trưởng vốn không hề "ngây thơ" như chúng ta vẫn tưởng. Anh là người đủ tinh tế để hiểu cái gọi là dĩ hòa vi quý, cũng đủ sắc sảo để phân tích tình huống và sự việc.

Chứng kiến cảnh Tiết Dương phá quán và Tống Tử Sâm ra đánh chặn nhưng phải hồi lâu khi hai vị chó mèo kia đã cào nhau ầm ỹ, Kim Quang Dao đứng giữa ngăn, rồi lúc này Hiểu Tinh Trần mới xen vào can thiệp. Nếu ai đọc kỹ đoạn này sẽ thấy có điểm kỳ lạ. Tống Tử Sâm và Hiểu Tinh Trần luôn sóng vai cùng nhau, tại sao Tống đại ca đã xông lên từ lâu mà mãi mới thấy anh xuất hiện? Có lẽ hai người đã đến cùng một lúc, nhưng với bản tính mà tôi đánh giá là na ná Xích Phong Tôn của Tống Tử Sâm thì hắc y đạo trưởng đã quyết định ra tay đánh trước. Với Hiểu Tinh Trần khi đó có nhiều lựa chọn, và việc khoanh tay đứng nhìn cho thấy anh tuân theo đúng thuyết vô vi của đạo giáo =]] chó mèo đánh nhau không can thiệp. Mãi đến khi Kim Quang Dao xen vào giữa lúc này Hiểu Tinh Trần mới điềm tĩnh xuất hiện như thể trận thư hùng vừa rồi ta chẳng thấy gì đâu.

Xuất hiện vào thời điểm này ngoài để đối diện với phụ huynh học sinh Tiết Dương - Kim Quang Dao mà nói chuyện phải trái, còn lại là để khéo léo giải vây cho chính Kim Quang Dao và Tiết Dương nếu ai không để ý.

Trích Ác Hữu, Mặc Hương Đồng Xú: [...] "Ngay sau đó, ánh mắt y đã chuyển về phía Tiết Dương nói: "Nhưng mà, dù cho tuổi hãy còn nhỏ, một khi đã ngồi ở vị trí khách khanh trên Kim Lân đài, vẫn cần phải kiềm chế giữ mình mới tốt. Dầu sao thì Lan Lăng Kim thị chính là danh môn thế gia, nên tự mình làm tấm gương mẫu mực khắp mọi phương diện."

Đôi con ngươi của y đen láy lấp lánh rực rỡ, ánh mắt sáng ngời lại nhu hòa, khi nhìn về phía Tiết Dương cũng không mang ý khiển trách, vì thế mà dù lời nói có ý khuyên răn, nhưng cũng không khiến kẻ khác sinh bất mãn. Kim Quang Dao lập tức thong thả nắm lấy cơ hội này, đáp: "Điều đó là đương nhiên." [...]

Một người khéo như vậy, nếu không muốn nói là kiểu hiền thê thục đức mẫu mực nhưng tinh tế đến mức chỉ liếc mắt liền nhìn ra cách thu vén sự việc giải quyết êm xuôi. Làm khó Kim Quang Dao chưa biết được hay không, nhưng nếu lớn chuyện chắc chắn sẽ phiền hà. Hiểu Tinh Trần chọn dĩ hòa vi quý nhẹ nhàng kéo một bậc thang cho Kim Quang Dao lôi người của mình xuống. Xem qua thì vô cùng hữu lễ, nhưng ý tứ nói ra thì không đơn giản chỉ có nhiêu đó.

Trong một lần trò chuyện về Ma đạo tổ sư, có một người chị đã nói đến một chi tiết khiến tôi phải suy nghĩ. Đó là mối liên hệ giữa chuyện thế lực trong Ma đạo tổ sư và bản thân Hiểu Tinh Trần, hay nói cách khác là sự tồn tại của Bạch Tuyết quán. Giữa thế cục thời đó khi mà các tiên môn gia tộc đều theo đúng hệ thống thu nhận môn sinh trong dòng họ (hãn hữu lắm mới có trường hợp thu nhận từ ngoài vào như Ngụy Vô Tiện) thì một đạo quán xuất hiện với lối thu nạp đệ tử tự do không xét trên huyết thống giống như mầm đe dọa về một thế lực riêng biệt chớm manh nha. Nên nhớ lúc bấy giờ Lan Lăng Kim thị đang chạy tranh cử ngôi vị tiên đốc - Tái lập lại thứ mà cuộc chiến Xạ Nhật đã tốn công lật đổ, đó là vị trí độc tôn làm chủ của một gia tộc duy nhất. Bạch Tuyết quan do đệ tử của Bão Sơn tán nhân lập nên, mà Bão Sơn tán nhân trước đây chính là vì bất mãn với thời cuộc mà quay về ẩn cư. Tư tưởng nặng đạo giáo của bà đã có điểm nào đó đối lập với tình hình chung của tu chân giới? Không ai biết đó là gì, nhưng hoài bão của Hiểu Tinh Trần đã ảnh hưởng từ sư phụ thì chắc chắn rõ ràng không chối cãi.

Vừa hạ sơn liền lập công danh, khéo léo từ chối tất cả lời mời làm khách khanh mà lập ra đạo quán. Một quá trình liền mạch có tính toán có tỉ mỉ trước sau. Mà bằng với việc là đệ tử của một đạo nhân ẩn cư như Bão Sơn, thì ý tưởng mở đạo quán hơn tám phần là của Hiểu Tinh Trần. Đây cũng có thể chính là lý do tạo kết nối giữa Hiểu Tinh Trần và Tống Tử Sâm. Giải thích luôn được tại sao khi Tiết Dương diệt sạch đạo quán Tống Tử Sâm đã trút giận lên Hiểu Tinh Trần. Nếu là bằng hữu tri kỷ đến với nhau bằng những lý do khác thì việc trút giận oan sai lên bạn mình là không thể chấp nhận. Nhưng nếu hai người họ kết giao thân thiết bằng lý tưởng về một đạo quán thì rõ ràng Tống Tử Sâm có lý do để nổi giận với Hiểu Tinh Trần khi đạo quán bị diệt.

Có ai tò mò tại sao khi Hiểu Tinh Trần tham gia truy tìm hung thủ cho vụ án Thường gia lại không có mặt Tống Tử Sâm? Không phải bọn họ lúc đó chưa kết bạn, mà khả năng rất cao là vì Tống Tử Sâm không đồng tình với chuyện nhúng tay vào vụ án đó. Tống đạo trưởng có lẽ nhìn ra một vụ án không tung không tích chẳng ai trong tu chân giới dám rớ vào rõ ràng có một thế lực không thể chọc đang đứng ở phía sau. Và việc nhúng tay vào đó khả năng rất cao sẽ liên lụy đến đạo quán của cả hai người họ. Chính ở ngay đây là dấu hiệu đầu tiên cho thấy quan điểm riêng biệt của Hiểu Tinh Trần về sự độc tôn lúc này của Kim gia, điều mà Tống Tử Sâm cũng chưa nghĩ tới ngoài lý tưởng về một đạo quán.

Việc Hiểu Tinh Trần lôi Tiết Dương, người mà anh biết thừa là khách khanh Kim thị đến ném trước Kim Lân Đài nói đơn giản là một cái tát không hề nhẹ vào mặt Kim Quang Dao lúc bấy giờ. Vậy thì ở đây bắt đầu xuất hiện một giả thiết mới, trước hết phải đặt câu hỏi: Vụ án Bạch Tuyết quán bị tuyệt diệt ngoài lý do để báo tư thù cho Tiết Dương, còn nguyên nhân sâu xa nào khác? Hay tại sao Hiểu Tinh Trần lại không nghĩ đến chuyện trả thù mà quyết định rời khỏi tu chân giới sau sự kiện đó?

Một thế lực nho nhỏ mang trong mình một hệ tư tưởng mới được hình thành trong tu chân giới, ít nhiều gì cũng đã đặt mình vào thế đón chờ sóng gió. Kẻ bất mãn với sự độc tôn của Kim gia không ít, như trong phiên ngoại Ác Hữu có thể thấy qua cả một Đình Sơn Hà thị đã bị diệt sạch chỉ vì một Hà Tố chống đối lại ngôi vị tiên đốc của Lan Lăng Kim thị. Vậy một Hiểu Tinh Trần tuổi trẻ kỳ tài lại quay lưng với lời mời khách khanh, chọn con đường riêng mở một đạo quán đi ngược lại với sự thống nhất của mô hình tiên môn gia tộc lúc bấy giờ có phải đã là cái gai trong mắt của Kim gia? Nói cách khác, tại sao Tiết Dương trả thù Hiểu Tinh Trần lại chọn cách tiêu diệt đạo quán? Hắn quả thực là đã trả thù là sẽ diệt môn. Nhưng lần diệt môn này không phải cũng trùng hợp với một cuộc thanh trừng thế lực đối địch trước thềm Kim Quang Dao thượng vị tiên đốc hay sao? Bản thân Hiểu Tinh Trần không tiếp tục truy cầu công lý cho chính mình hay đạo quán của mình có phải vì sợ hãi kẻ thù dù hắn chỉ là một Tiết Dương mà anh đã từng tự tay bắt được, hay bởi kẻ địch thật sự đứng đằng sau lưng hắn là một thế lực không thể chống lại? Và kế đó việc thanh lý Tiết Dương của Kim Quang Dao cũng chính là rửa sạch máu khỏi tay sau khi y thượng vị tiên đốc.

=] Tự nhiên ở đây lại nghĩ đến cái câu chơi với vua giống như chơi với hổ. Sự thật không được confirm trong nguyên tác, người đọc đương nhiên muốn nghĩ sao thì nghĩ.

Quay lại trích đoạn Ác Hữu ở phía trên mà bình về câu nói của Hiểu Tinh Trần: "Nhưng mà, dù cho tuổi hãy còn nhỏ, một khi đã ngồi ở vị trí khách khanh trên Kim Lân đài, vẫn cần phải kiềm chế giữ mình mới tốt. Dầu sao thì Lan Lăng Kim thị chính là danh môn thế gia, nên tự mình làm tấm gương mẫu mực khắp mọi phương diện."

Khi giả thiết đã được nêu xong thì có phải câu nói này cũng hé lộ kha khá nhiều ẩn ý? Răn dạy một Tiết Dương ngang bướng nhưng mang cả danh khách khanh của Kim Lân đài, thậm chí là cả Lan Lăng Kim thị ra để nói. Có vẻ như không chỉ đơn giản là ý muốn răn dạy hướng đến Tiết Dương, mà chính là một lời nhắc nhở nhẹ nhàng cho cả Lan Lăng Kim thị. Tiết Dương khi đó chưa chắc đã là cái gì trong mắt của Hiểu Tinh Trần, chỉ là một quân cờ để cảnh cáo Kim gia. Từ cái lúc khuyên răn ấy cho tới lúc mang Tiết Dương lên Kim Lân đài thì mục tiêu mà đạo nhân chính trực này hướng tới vẫn chính là Lan Lăng Kim thị. Tiết Dương bắt đầu ghi dấu trong lòng Hiểu Tinh Trần có lẽ là sau vụ diệt đạo quán, và cuối cùng là ở Nghĩa thành. =]

=] Mọi người đã thấy Minh Nguyệt Thanh Phong sở hữu bản lĩnh tày trời thế nào chưa? Nên mới nói Hiểu Tinh Trần kỳ thực vốn không hề ngây thơ là như vậy.

Đến đây lại dừng, hồi sau rồi tiếp.

Bạn đang đọc truyện trên: TruyenTop.Vip