phân tích huấn cao

Người nghệ sĩ là người mà suốt đời đi tìm cái đẹp độc đáo và xây dựng thành một tuyệt tác. Với Nguyễn Tuân cũng vậy. Nếu vang bóng một thời là tác phẩm giá trị nhất của ông trước cách mạng thì Chữ người tử tù là truyện ngắn đặc sắc nhất trong Vang bóng một thời. Từ một Cao Bá Quát bất khuất tài hoa trở thành ông Huấn Cao – người cho chữ quản ngục – là một sáng tạo nghệ thuật bậc thầy của Nguyễn Tuân. Cho đến bây giờ, người ta không biết dòng chữ cuối cùng ông Huấn để lại cho quản ngục nhà lao tỉnh Sơn là dòng chữ gì, nhưng diều đó không quan trọng! Chỉ biết rằng, vẻ đẹp khí phách và tâm hồn của nhân vật cũng như tác giả thì vẫn sáng mãi.

Lúc đầu truyện ngắn có tên là Dòng chữ cuối cùng in năm 1939 trên tạp chí Tao Đàn, sau đó được in trong tập truyện Vang bóng một thời và đổi tên thành Chữ người tử tù. Tình huống truyện chính là cuộc gặp gỡ trớ trêu giữa Huấn Cao và viên quản ngục ở trong tù lao tỉnh Sơn. Xét trên bình diện xã hội, họ có sự đối lập lớn: Huấn Cao là tử tù, người mang trọng tội, là đại diện của tầng lớp nhân dân bị bóc lột, chịu nhiều áp bức bởi bọn cầm quyền phong kiến. Còn quản ngục lại là cai tù, là kẻ trước giờ được coi là nhởn nhơ trong bóng tối, là tay sai và đại diện cho tầng lớp thống trị độc ác. Thế nhưng xét trên bình diện nghệ thuật, họ như tri kỷ khi mà Huấn Cao là người viết chữ đẹp, là người sáng tạo ra cái đẹp thì quản ngục là người yêu chữ đẹp và nâng niu, gìn giữ vẻ đẹp đó. Thật là một tình huống đầy kịch tính nhưng đã góp phần lớn trong việc làm nổi bật tính cách từng nhân vật, đặc biệt là nhân vật Huấn Cao.

Hình tượng nhân vật Huấn cao hiện lên trong bài với nhiều vẻ đẹp, trước hết là vẻ đẹp của một nghệ sĩ tài hoa. Ngay từ đầu, cuộc trò chuyện giữa viên quản ngục và thầy thơ xoay quanh nhân vật Huấn Cao đã cho ta thấy được tài nghệ thư pháp xuất sắc của ông. Thư pháp là thú chơi chữ chữ đẹp của người xưa, là một truyền thống lâu đời của người phương Đông. Nét chữ, chữ viết và thư pháp (cách viết) là kết tụ tinh hoa và tâm huyết nghệ sĩ, thể hiên tài hoa, tâm hồn, bản lĩnh của người viết. Do đó, thư pháp không chỉ đẹp về hình xác mà còn phải biểu hiện dược cốt cách, đạt tới độ sâu về tư tưởng. Tài thư pháp của Huấn Cao nổi tiếng đến mức một viên quản ngục bé nhỏ ở chốn xa xôi hẻo lánh tận vùng tỉnh Sơn cũng biết tiếng, tấm tắc ngợi ca là chữ ông "vuông lắm, đẹp lắm" và xem đó là một "báu vật trên đời". Cũng vì mến tài năng ấy mà viên quản ngục đã bất chấp Huấn Cao là một tử tù, tạo điều kiện thoải mái nhất, có những biệt đãi chỉ để mong có được chữ của ông Huấn. Bởi lẽ chữ của ông không những đẹp mà còn rất hiếm, khiến cho một người như quản ngục dám đi ngược lại với luật lệ của xã hội, thậm chí can đảm đánh đổi vị thế, quyền lực và cả sinh mệnh để có được chữ của Huấn Cao. Điều đó cho thấy tài năng của Huấn Cao đã đạt đến mức cao nhất của nghệ thuật.Ca ngợi tài hoa của Huấn Cao, đồng thời, tác giả Nguyễn Tuân cũng thể hiện sự ngưỡng mộ các bậc tài hoa của mình, thấy được sự trân trọng nghệ thuật thư pháp cổ truyền và ý niệm gìn giữ bản sắc văn hoá dân tộc của tác giả.

Dưới ngòi bút tài tình của tác giả, khí phách hiên ngang, bất khuất chính là vẻ đẹp nổi bật thứ hai của Huấn Cao. Ông là một nhà Nho nhưng lại đấu tranh chống triều đình. Bởi lẽ triều đình đó thối nát,chỉ biết bóc lột và chèn ép nhân dân. Thế nên Huấn Cao đã đúng về phía nhân dân, lựa chọn lí tưởng sống mạnh mẽ, bản lĩnh đúng cốt cách của một tri thức Nho giáo, bậc trượng phu mà dấn thân cứu thời dù biết rằng đó là con đường đầy chông gai, thử thách. Kiên trì thực hiện lí tưởng, dù nhiều lần bị bắt giam nhưng Huấn Cao vẫn tìm mọi cách vượt ngục, theo đuổi ước mơ và hiện thực khát vọng. Giờ đây, trong chốn lao tù tỉnh Sơn, người anh hùng không còn tung hoảnh ngang dọc, "cổ đeo gông, chân vướng xiềng" chờ ngày lãnh án tử nhưng ông không hề tỏ vẻ chán nản, buồn tủi, buông xuôi. Thay vào đó, ông xuất hiện với tư thế rất ung dung, đường hoàng, lẫm liệt, thản nhiên và khinh bỉ bọn tiểu nhân đắc ý "lạnh lùng trút mũi gông". Có thể thấy được rằng, tuy bị giam cầm về thể xác nhưng sự tự do về tinh thần của ông thì không gì gông kìm được. Có thể nhận thấy điều đó qua việc ông được nhận rượu và thịt. Với những tên tử tù khác luôn hoang mang, lo sợ vì ý nghĩ đây là sự hậu đãi cuối cùng của cuộc đời thì Huấn Cao, ông vô cùng thản nhiên và còn mắng đuổi đến điều khinh bạc, xưng "ta" gọi "nhà ngươi" với viên quản ngục. Trong vị thế một tên tử tù, câu nói ấy, thái độ ấy là cả một thách thức với cường quyền bạo lực. Điều đó làm nổi bật lên con người bản lĩnh, "uy vũ bất năng khuất" của Huấn Cao.

Nếu chỉ có tài hoa và khí phách không thôi hẳn ông Huấn sẽ là người khiếm khuyết. Thế nhưng Nguyễn Tuân đã xây dựng một con người vẹn toàn với thiên lương, vẻ đẹp của cái tâm trong sáng. Khái niệm "thiên lương" theo Nguyễn Tuân là tấm lòng của con người đối với cái đẹp. Người có "thiên lương" là người biết quý trọng cái đẹp. "Thiên lương" của Huấn Cao được biểu hiện qua thái độ trân trọng vẻ đẹp của nghệ thuật: "Ta nhất sinh không vì vàng ngọc hay quyền thế mà ép mình viết câu đối bao giờ". Ông đã đặt cái đẹp lên trên tất cả những quyền lợi vật chất tầm thường, quyết không vì quyền lực hay đồng tiền mà làm chuyện mình không thích, trái lương tâm hay có lỗi với đời. Không những thế, khi hiểu được tấm lòng biệt nhỡn liên tài và sở thích cao quý của thầy quản – yêu thích và trân trọng chữ đẹp, thì ông vô cùng ngạc nhiên, băn khoăn, nghĩ ngợi rất lâu và đi đến một quyết định bất ngờ: chủ động cho chữ, đáp lại "tấm lòng" của quản ngục. Quan niệm về cái đẹp của Huấn Cao hay nhà thơ giờ đây như được hoàn thiện hơn: cái đẹp phải gắn liền với cái thiện. Với suy nghĩ đó Huấn Cao đã thể hiện một nhân cách cao cả, sáng ngời vẻ đẹp của người có thiên lương. Hình ảnh đó của ông Huấn cũng chính là hình ảnh con người của Nguyễn Tuân khi mà cái đẹp đối với tác giả là cái tài phải đi đôi với cái tâm, cái đẹp và cái thiện không thể tách rời .

Có lẽ thiên lương trong sáng của Huấn Cao được kết tinh rõ nhất qua cảnh cho chữ – một cảnh tượng xưa nay chưa từng có. Xưa nay, nơi viết thư pháp luôn là nơi thanh cao, tao nhã, trang trọng, sạch sẽ như chốn thư phòng của những người nghệ sĩ . Vậy mà với Huấn Cao, việc cho chữ lại diễn ra vào ban đêm, trong nhà ngục bẩn thỉu, tối tăm, chật hẹp, "tường đầy mạng nhện, đất bừa bãi phân chuột, phân gián"., ánh sáng chỉ là một bó đuốc ẩm. Là ngừơi cho chữ nhưng Huấn Cao cũng là một người tử tù với tư thế cổ đeo gông, chân vướng xiềng. Hoàn cảnh đối kháng với tình huống như thế nhưng ông Huấn vẫn có phong thái thản nhiên, sáng tạo nghệ thuật. Bên cạnh đó, dáng vẻ "rón rén, khúm núm" của quản ngục và thơ lại càng làm nổi rõ hình ảnh con người phi thường, toả sáng nơi tăm tối của Huấn Cao. Không những vậy, trật tự kỉ cương thông thường cũng bị đảo lộn. Lẽ ra viên quản ngục là người giáo huấn thì giờ đây lại trở thành người thọ giáo. Điều đáng quý là Huấn Cao đối xử với quản ngục rất chân thành: gọi là "thầy quản" và xưng mình là "tôi", đưa ra những lời khuyên chân tình, mở ra một con đường giải toả những nỗi niềm khiến cho quản ngục khâm phục khẩu phục. Giờ đây, cái đẹp được sáng tạo ở nơi ngục tù nhơ bẩn, thiên lương cao cả của Huấn Cao lại càng toả sáng ở nơi bóng tối và cái ác đang trị vì. Và cảnh kết như một sự khẳng định: sự sống của Huấn Cao có dừng lại nhưng tâm nguyện, khát vọng của ông vẫn trường tồn qua nét chữ vẫn được quản ngục giữ gìn. Điều đó làm cho cái tâm trong sáng của Huấn Cao thật đáng khâm phục !

Để làm toả sáng được những vẻ đẹp của Huấn Cao dù trong cảnh tù ngục như thế, hẳn ngòi bút Nguyễn Tuân cũng phải rất tài tình trong việc sử dụng các yếu tố nghệ thuật: tình huống truyện độc đáo, đặc sắc; đến sử dụng thành công thủ pháp nghệ thuật đối lập, tương phản và ngôn ngữ góc cạnh giàu hình ảnh và tính tạo hình. Bên cạnh đó, bút pháp lãng mạn, lí tưởng hoá đã tạo thành một hình tượng kì vĩ, văn võ song toàn tiêu biểu cho bậc sĩ phu thời phong kiến và góp phần xây dựng thành công nhân vật Huấn Cao – một con người hội tụ nhều vẻ đẹp.

Chữ người tủ tù của Nguyễn Tuân ngợi ca Huấn Cao, một con người tài hoa có cái tâm trong sáng, khí phách hiên ngang . Cũng có thể nói, Huấn Cao của Nguyễn Tuân là sự hiện diện cho cái đẹp, từ cái tâm cho đến cái tài. "Cái đẹp cứu rỗi thế giới". Đó là niềm tin của nhà thơ cũng như Huấn Cao về sự bất diệt của cái đẹp. Và niềm tin ấy tạo nên giá trị nhân văn của tác phẩm. Cũng từ đó, chúng ta biết trân trọng, gìn giữ hơn về nét đẹp văn hoá thư pháp của dân tộc.

Bạn đang đọc truyện trên: TruyenTop.Vip