Lần này cậu ba Yến bị đánh có thể nói là hoàn toàn không có dấu hiệu báo trước. Hẳn là ông Hai, Kỷ viên ngoại lang, uống rượu xong nửa say nửa giận cá chém thớt mà thôi. Chuyện về sau ra sao thì ai cũng đều biết cả.
Cậu đi học khi thương chưa lành, cứ ngỡ sẽ bị cả lớp cười nhạo, ai ngờ bạn học của cậu không hẹn mà đều tặng thuốc men khiến cậu nhận mỏi cả tay. Thầy giáo thì gọi riêng cậu ra nhắc nhẹ nhàng đừng quá xúc động dẫn đến hậu quả đáng tiếc, nhưng lúc ở trên lớp lại khen cậu làm thơ hay.
Thậm chí bác cả, Hầu gia tới trường thăm cậu, gãi đầu gãi tai không biết nói gì, rồi lúng búng hỏi cậu học hành ra sao, thêm vài câu hỏi mà trả lời dễ ẹc, xong lại tặng thưởng cho cậu một khối ngọc bội hình cây tùng cây bách xanh biếc trong veo.
Rõ ràng mình có cha có mẹ có anh có em ruột thịt. Lúc còn lại một mình, cậu lặng nhìn khối ngọc bội trong tay. Tình thân duy nhất mình nhận được, lại là từ người bác ruột.
Mặc dù biết là vô ích, nhưng cậu vẫn không nhịn được tự hỏi mình tại sao. Mặc dù biết câu trả lời, nhưng cậu vẫn không dám nghĩ tới. Bởi chỉ nghĩ tới thôi đã khiến ruột gan đau đớn tan lòng nát dạ.
Vì thế mùa đông này trôi qua trong nỗi muộn phiền bất tận. Cho dù nắng đã lên, trời đã quang đãng, tận sâu trong linh hồn cậu vẫn không cách nào ấm áp lên nổi.
Dần dần cậu cũng học được cách kiềm chế nỗi ưu sầu khi đi học, cũng giữ được bình tĩnh khi ở nhà, thậm chí hầu như không phát cáu với bốn nhóc Quả... Nhưng cũng chỉ đến mức đó mà thôi.
Khi còn lại một mình đối mặt với Giai Lam ở thư phòng, cậu vẫn trở nên rất dễ nổi cáu, hơi một chút là to tiếng cãi vã với Giai Lam. Nhưng cãi nhau xong cậu lại cảm thấy vô cùng hối hận, cảm thấy khả năng tự kiềm chế của mình thực kém cỏi, khiến tâm trạng cậu càng thêm u ám. Nó trở thành một vòng luẩn quẩn, nhiều lần như thế khiến cậu càng thêm bức bối giận cá chém thớt, căng thẳng cáu giận vì những chuyện không đâu.
Giai Lam thì không để tâm chút nào. Đứa trẻ này cứ nhẫn nhịn mãi kìm nén mãi, không bùng nổ mới là chuyện lạ. Trong Kỷ Hầu phủ, lời đồn đãi lan truyền vô cùng nhanh, người người đều là cao thủ trong việc truyền tai nhau. Cô chẳng cần chủ động hỏi han cũng biết rõ được ngọn nguồn.
Ông Hai, Kỷ viên ngoại lang, nổi cơn lôi đình như thế, nguyên do sâu xa thực ra không phải đơn giản. Đương nhiên lý do bề nổi là vì cô Lữ cháu gái sống nhờ bị chọc giận tới phát khóc, xong rồi đổ bệnh khiến cho Dung thái quân vô cùng đau lòng, bắt ông Hai phải dạy dỗ con trai mình. Nhưng thật ra, trong số các cô chiêu được mời tới hôm ấy, có một cô là con gái của vị cấp trên mà ông ta nịnh bợ mãi chưa được. Mặc dù vị cấp trên đó cũng chưa nói gì nhưng trong lòng ông ta đã cho rằng đứa con bất hiếu này làm hỏng việc của mình. Lại thêm tí men rượu làm xúc tác, khiến cho mọi việc trở nên mất kiểm soát.
Lúc gửi thư giảng bài cho cô, thầy giáo buông một câu cảm thán. "Cha không ra cha, cớ gì con phải làm con?", trong thư cũng tỏ ra vui vẻ rằng dù cậu bị đối xử tồi tệ nhưng "Yến vẫn chăm học như cũ, càng thêm chững chạc." Cô hiểu khi đi học cậu đã có thể tự kiềm chế bản thân rất tốt, thậm chí ở trong phủ cũng có thể làm như chưa có gì xảy ra... trừ những lúc nổi cáu với cô.
Chăm sóc cậu đã hai năm, cô biết cậu đã cố gắng hết sức rồi, chỉ trong một thời gian ngắn đã có thể sửa được tính nóng nảy tích lũy suốt bao năm qua như thế. Cậu đã rất rất nỗ lực, gần như là ngược gió mà đi... có thể kiềm chế bản thân tới mức này đã là một bước tiến khổng lồ rồi.
Mặc dù vẫn còn lúc nổi cáu, nhưng chỉ cần thấy vẻ mặt bối rối hối hận tự trách của cậu trai trẻ sau khi quát tháo, cô cũng sẽ không nhịn được mà tha thứ. Một đứa trẻ mới tròn mười ba tuổi, mới bắt đầu tuổi dậy thì trưởng thành... phải chịu sự ngược đãi tinh thần lẫn thể xác trong thời gian dài như thế. Một kẻ tâm hồn già cỗi tuổi thật sắp ba mươi chẳng lẽ không thể tha thứ cho cậu hay sao?
Cùng lắm là cô cố tình để lộ ra ánh mắt nhìn kẻ ngốc, lại thêm chút nuông chiều để cậu bị kích thích nổi giận, gào thét ầm ĩ để giải tỏa căng thẳng dồn nén trong lòng.
Giai Lam thề không cố ý trêu ghẹo cậu... Ừ thì... có một chút xíu xiu, nhưng phần lớn tuyệt đối là vì tốt cho cậu. Nhỉ.
Cái mùa đông khiến tâm trạng Kỷ Yến âm u như trời giông bão này, cũng khiến tâm trạng thầy giáo không được thoải mái quang đãng cho lắm.
Nói đúng hơn, một loạt các ông thày đồ hủ nho chơi thân với thầy giáo ở kinh thành đều mang tâm trạng mờ mịt hoang mang. Đất kinh kỳ vốn đứng đầu Đại Yến, đã từng trải qua thời kỳ huy hoàng nhân tài lớp lớp xuất hiện, vô vàn tú tài, cử nhân, tiến sĩ đều có thể ưỡn ngực tự hào vinh danh "học sinh xứ kinh kỳ", thậm chí thật sự được các nho sinh khắp thiên hạ hâm mộ cúi đầu bái phục.
Nhưng tầm năm năm trở lại đây có thể coi là thời kỳ giáp hạt nặng nề, học sinh xứ kinh kỳ ai nấy đều bình thường không có gì nổi bật, càng thêm an nhàn hưởng phú quý mà lười phấn đấu, khiến cho đám học sinh phía nam linh khí bức nhân đè đầu cưỡi cổ cười nhạo, khiến cho cái danh hiệu sơn son thếp vàng kia sắp rơi vào tình trạng điêu tàn.
Đấy mới là lý do thật sự khiến thầy giáo mừng rỡ tới mụ mị đầu óc khi mới biết sự tồn tại của "Phó Giai Lam", cũng là lý do vì sao ông ấy đau đớn đến thế khi biết cô là con gái. Cuối cùng đất kinh kỳ cũng xuất hiện một mầm non tài năng đầu óc mẫn tiệp nhanh nhạy đủ để tung hoành xưng bá đất kinh thành, ai dè chỉ là trò đùa tai quái của ông trời mà thôi.
Mấy ông già cắm đầu vào sự nghiệp trăm năm trồng người, từ thầy giáo tới hiệu trưởng các nơi, mỗi khi tụ họp cùng nhau đều than vắn thở dài lo lắng cho hiện tượng xói mòn tài năng nghiêm trọng này.
Thế nên, trong một cuộc tụ họp ấm áp bên lò than thưởng trà mùa đông ấy, thày giáo họ Kỷ càng nghĩ càng không cam lòng, cuối cùng cũng ôm nguyên một chồng bài văn biện luận của "Phó Giai Lam" đến dự. Kết quả là khiến cho hội nhà giáo nổi lên một cơn cuồng phong bão tố.
Khi bị đám đồng nghiệp có tuổi kia kích động tới mức nhào tới giữ vai lắc lấy lắc để muốn tắt thở, thày giáo Kỷ chỉ biết nhắm mắt thở dài, tâm lạnh như tro tàn. "Mấy ông đừng hòng nhận nó vào dạy học... Dạy học cũng vô ích... Nó... là con gái."
Cả đám im bặt như tờ, lặng thinh tới mức nghe được tiếng kim rơi. Rồi ngay sau đó lại nhao nhao như ong vỡ tổ, ai nấy rối rít chỉ trích ông chỉ biết giấu cho riêng mình, khó khăn lắm mới có một mầm non hứa hẹn chốn kinh thành, để mọi người cùng nhau giảng dạy thì có sao? Có phải thật sự muốn cướp về làm học trò riêng đâu... Lôi ra kích thích đám học sinh chốn kinh thành cũng được mà! Dù sao cũng mất mặt bao nhiêu năm qua rồi!
Thày giáo Kỷ đã hơi ngà ngà say cũng không nghĩ nhiều mà bật thốt. "Không tin thì thôi. Chứ nếu con bé mà được dự kỳ thi mùa xuân... đảm bảo vị trí tiểu tam nguyên dễ như nhặt quả cam trên bàn! Nhưng mà con gái có thể dự thi không mới là vấn đề chứ?!"
Thật ra thầy giáo chỉ cám cảnh càu nhàu mà thôi, ai ngờ mấy bài văn nghị luận ấy được sao chép lưu truyền qua tay nhau sao đó, cuối cùng khiến cho Lễ Bộ thượng thư vô tình nhìn thấy, rồi vui miệng kể cho Phùng Tể tướng khi tán gẫu lúc rảnh rang.
Kết quả là, vừa qua rằm tháng giêng, một tờ thủ dụ của Hoàng đế được lặng lẽ để lên bàn làm việc của Lễ bộ Thượng thư đại nhân, khiến ông ta sững sờ hồi lâu, và tiếp theo, đến lượt đám đại nhân giám khảo chấm bài lẫn chủ khảo kỳ thi mùa xuân sững sờ càng lâu hơn.
Chờ thầy giáo nhận được công văn thông báo khẩn cấp, đặc cách cho phép "Phó Giai Lam cô nương" dự thi thử cùng các nho sinh khác... ông già nhảy dựng lên, luống cuống tay chân suýt nữa hất đổ cái bài gỗ nặng, bắp chân còn bị tím bầm một cục to.
Sự kiện không khác gì sấm sét giữa trời quang này, như tiếng pháo xuân nổ một cái vang suốt nhiều ngày khiến cho ngay cả Kỷ Hầu gia cũng hoảng hốt. Nhưng rồi Kỷ Hầu gia nhanh chóng bình tĩnh lại, cảm thán hồi lâu thậm chí xúc động muốn rơi nước mắt. Kỷ Hầu phủ có thể có một tiểu tam nguyên, thật sự... thật sự là vinh quang đủ để bẩm cáo tổ tiên trên trời linh thiêng phù hộ. Ông bắt đầu tính nhẩm xem có kết quả xong nên mở tiệc ăn mừng nguyên một tháng hay không...
"... Con bé có phải con gái hay cháu gái của ông đâu. Mà còn chưa nói đến việc... nó họ Phó, đâu có mang họ Kỷ nhà ông?!" Thày giáo câm nín nhìn ông bạn già bị hưng phấn kỳ cục kia, rồi chỉ biết thốt ra hai câu này.
"Là người của Kỷ phủ nhà tôi là được!" Kỷ Hầu gia càng nghĩ càng hớn hở.
"Chỉ là thi thử mà thôi." Thầy giáo bắt đầu cáu kỉnh. "Tôi nói hết thân phận của nó với Lễ Bộ rồi đấy."
"Sao ông nhiều chuyện thế hả?!" Kỷ Hầu gia kinh hãi. "Làm tôi không kịp làm giả hộ khẩu cho con bé trở thành họ hàng xa rồi!"
"Ông còn biết đấy là hộ khẩu giả hả?!" Thầy giáo ném cục chặn giấy qua, Hầu gia tuy đau lòng muốn chết nhưng vẫn đủ nhanh nhẹn nhảy tránh. "Cái loại cả nhà ông lộn xộn không khác gì đầm rồng hang hổ... Học trò của tôi một đứa phải ngâm mình trong bùn lầy đã đủ khiến tôi đau lòng lắm rồi. Ông đừng hòng kéo thêm một đứa học trò đầy triển vọng khác của tôi xuống bùn tiếp!"
"Nhà tôi làm gì tới nỗi đầm rồng hang hổ chứ?" Kỷ Hầu gia cực lực chối đây đẩy. "... Chỉ có cha mẹ anh em nó hơi... khủng một chút thôi."
Nhưng là Hầu gia cũng nhờ đó mà tỉnh táo lại. Tuy nói giấy bán thân của Giai Lam vẫn nằm trong tay con dâu ông thật, nhưng quả thực ông không cách nào nhúng tay vào chi thứ hai cả... Ông mà dám nâng đỡ đứa a hoàn này, mẹ ông, Dung thái quân đảm bảo có thể xẻo thịt ông ra làm gỏi chấm mắm. Còn nếu chỉ lỡ tiết lộ tí chút phong thanh thôi ấy à, cô bé "Phó tiểu tài tử" đầy tài hoa này e là sẽ lập tức bị cô em dâu "hàng khủng" của ông lôi ra làm quà tặng người khác, thậm chí còn có thể có hậu quả kinh khủng hơn mà ông không cách nào ngờ tới.
Đứa cháu trai đáng thương của ông chỉ có mỗi một đứa a hoàn lanh lợi thông minh bên người để trông cậy, còn lại không quá già thì cũng quá nhỏ, rặt là vô dụng. Ông mới hơi ngỏ ý muốn phái một bõ già quản gia qua bên đó để trông coi, em dâu "hàng khủng" của ông đã làm ầm ĩ lên là chi trưởng nhúng tay can thiệp chuyện chi thứ quá nhiều, khiến cho chi thứ nháo nhào nhặng xị và ông không thể không dừng tay.
Thật sự đến là sợ gia đình cậu em trai của ông, nhưng hết lần này tới lần khác chúng nó có mẹ ông làm chỗ dựa, nên ông chỉ đành tiếp tục câm nín.
Không thể không thừa nhận, người em họ xa lắc cùng họ Kỷ của mình nói đúng. Phải lặng lẽ, phải im ắng che giấu mọi tung tích, cho dù Phó tiểu tài tử có tham gia kỳ thi mùa xuân đạt thành tích xuất sắc tới đâu đi nữa cũng không thể khoe khoang, không thể tiết lộ mảy may.
Cuối cùng, sự kiện mang hơi hướm hoang đường tên là "Phó tiểu tài tử thi thử kỳ thi mùa xuân" kia chỉ có năm người biết sự thật: thầy giáo, Kỷ Hầu gia, Kỷ Yến, và hai vợ chồng thế tử làm bình phong.
Kết quả là, đầu tháng hai Kỷ Hầu gia cho phép thế tử phu nhân mang con rể (thế tử) về nhà mẹ đẻ thăm thân, ở chơi đến cuối tháng hai mới về. Tình cờ làm sao một a hoàn bậc nhất của thế tử phu nhân "bị ốm", nên đành mượn a hoàn của cậu ba Kỷ Yến đi theo.
Khổng phu nhân còn đang bận phấn đấu đề cử thí sinh ứng tuyển con dâu tương lai, nên mấy chuyện cỏn con này bà ta chỉ lầu bầu đôi câu dăm chữ "Chẳng có nhẽ người của chi thứ đều tốt đều giỏi hay sao mà thiếu mỗi một người cũng phải sang mượn?" rồi lơ đễnh bỏ qua một bên.
Giai Lam cứ thế mà đường đường chính chính xách tay nải đi theo thế tử phu nhân lên xe ngựa ra khỏi Kỷ phủ, thế rồi sau vài chỗ rẽ ngoặt, xe ngựa dừng lại thả Giai Lam xuống cửa nhà thầy giáo, rồi tới lượt thầy giáo chăm nom theo dõi toàn bộ quá trình ba lần vào phòng thi kỳ thi mùa xuân.
Cả quá trình ấy, cô không có quyền nêu ý kiến ý cò gì cả. Chỉ là dù sao Lễ Bộ cũng đã đặc cách gửi công văn, dù là vi phạm xong có bị chém đầu hay không (?) cô vẫn ngoan ngoãn tuân lệnh mà đi thi.
Dẫu sao giữa X đầu trảm và việc đi thi, cô vẫn khá là nguyện ý đi thi. Bởi đi thi cổ văn sẽ không chết, nhưng đi gặp X đầu trảm thì đương nhiên sẽ chết đó.
***
Chú thích: X đầu trảm là ám chỉ mớ Cẩu đầu trảm, Hổ đầu trảm với Long đầu trảm phim Bao Thanh Thiên đó ahihi. "Phủ Khai Phong có Bao Thanh Thiên, thiết diện vô tư rõ ngay gian..."
Cuối năm đầu năm hạch toán kết toán lu bu quá nên giờ mới xếp chữ tiếp được mong mọi người thông cảm.
Năm mới 2021, chúc toàn bộ bạn đọc (có mấy đâu hehe) một năm mới dồi dào sức khỏe, an khang thịnh vượng, vạn sự như ý.
Bạn đang đọc truyện trên: TruyenTop.Vip