Phó Thám hoa -21-
Vào trường thi, Giai Lam ngạc nhiên nhìn trái ngó phải, thật không khác gì khách du lịch đi ngắm phong cảnh.
Các vị đại nhân giám thị kỳ thi đứng ngoài vò đầu bứt rứt lo lắng đủ thứ, xếp phòng thi của cô ngay sát chỗ quan chủ khảo ngồi, kèm thêm cắt cử luân phiên nhau giám sát chặt chẽ. Đây dù sao cũng là Lễ Bộ Thượng thư đại nhân, cấp trên của họ ra lệnh khẩn, nếu có vấn đề gì e là chỉ có mang đầu đến tạ tội.
Dĩ nhiên, phần lớn quan giám thị vẫn giữ thái độ hoài nghi thậm chí là cười khẩy với chuyện này. Phần lớn trong số họ thừa nhận tài năng của "Phó Giai Lam", nhưng tất cả mọi người đều hoàn toàn không tin cái đứa con gái gầy như cành liễu (ăn mãi không mập) vóc người chưa lớn (mới mười ba tuổi) dáng vẻ yểu điệu đáng thương (ăn mặc sơ sài) này chính là "Phó Giai Lam".
Có thể nói, cô bé được "hưởng thụ" chế độ coi thi giám thị nghiêm khắc cẩn thận chu đáo nhất trường thi.
Mặc dù chốc chốc lại bị mấy ông già trông thi ngó vào lườm nguýt, nhưng Giai Lam cho biết hoàn toàn không bị áp lực tí nào. Lương khô sư mẫu làm cho cô dường như là đồ ăn ngon nhất cô từng ăn, dù là ở Đại Yến hay ở thế kỷ hai mươi mốt. Trong trường thi cũng cung cấp nước trà, điều khiến cô ngạc nhiên lại là được cung cấp loại trà phương nam, dù chỉ ném vào bình to pha nước qua loa nhưng uống vào lại thơm ngon vô cùng, có cả hương thơm của hồng trà.
Còn thì chi tiết bị các thí sinh lên án nhất, phòng thi nhỏ xíu với cái giường cho người ta nằm ngủ ngắn cũn không duỗi được chân ấy ư, với chiều cao hiện nay của cô, hoàn toàn không phải là vấn đề.
Cô từng nghe cậu ba kể lại, Chính Đức đế của thời đó đã sủng ái Phùng Tể tướng suốt mấy chục năm không thay đổi, thế nên thương nhau củ ấu cũng tròn, vô cùng ưu đãi người có học, chế độ khoa cử được cải cách thoải mái hơn nhiều. Có khi tình trạng phòng thi không còn đáng sợ tối tăm nữa cũng là một trong các cải cách đó cũng nên.
... Chính Đức đế, đó hẳn là hoàng đế lưu manh rồi. Phùng Tể tướng, chắc hẳn chính là Phùng Tam lang da trắng như tuyết mặt đẹp như hoa. Mặc dù con mụ tác giả mà cô chỉ muốn ám sát kia từng viết bộ này thật, nhưng mà các chi tiết về thời gian ngày tháng hay phong tục bản địa ra sao mụ ta hoàn toàn bỏ qua hết, nên không hề có giá trị tham khảo.
Chuyện đáng buồn nhất thế gian này, chính là bạn biết trước chuyện sẽ xảy ra, nhưng hoàn toàn vô ích vì không biết xảy ra khi nào.
Coi như là tham gia kỳ thi mùa xuân, nhưng cái thứ con gái như cô cũng chỉ tính là "thi thử". Thầy giáo giải thích cho cô rằng nghe nói chỉ mang tính tham khảo, bài văn dự thi cũng chỉ nhằm mục đích làm động lực kích thích học sinh đất kinh kỳ cùng tiến bộ.
Cô xắn tay áo, mài mực bắt đầu lôi ra toàn bộ trăm phần trăm nghiêm túc để đứng đầu triều Đại Yến.
Đã hiểu, đánh chìm hết mọi người đúng không? Không thành vấn đề! Giao cho chuyên nghiệp xử lý là quá chuẩn!
Khi đầu óc tập trung nghiêm túc đến một mức độ nào đó sẽ khiến con người hoàn toàn quên đi hoàn cảnh xung quanh. Bộ não bị vận dụng quá mức thì sẽ kiệt sức ngủ say. Ba lần vào trường thi cô đều ăn ngon ngủ kỹ trong đó. Nhưng lúc về nhà thày giáo chờ vào trường thi lần sau cô lại có khi mất ngủ.
Cũng hơi lo lắng cho tiểu công tử. Cậu nhóc con luôn phải nhẫn nhịn tới mức sắp trầm cảm kia, giờ không biết đang làm gì?
Hai năm nay cô vẫn luôn ở bên chăm sóc cho cậu ấy, hầu như không bao giờ rời xa.
Cứ cho là rời xa cậu sẽ rất thoải mái: thầy giáo đối xử với cô rất tốt, tranh thủ từng giờ từng phút để dạy dỗ, truyền thụ kiến thức cho cô. Nói thẳng ra, được một thầy giáo tốt như vậy chỉ bảo thật sự là điều tốt đẹp nhất cô từng có ở triều Đại Yến, nằm mơ cũng không dám mơ. Sư mẫu thì lại đối đãi cô với vẻ hiền lành trìu mến, thậm chí còn to tiếng mắng thầy giáo bức ép cô học quá nhiều.
Nhưng là cô vẫn muốn về nhà... hóa ra, cô đã coi Gia Phong lâu thành nhà...
Cứ ngỡ là sẽ nhớ đám nhóc Quả nhất, nhưng thật ra người cô hay nghĩ tới nhiều nhất lại là gương mặt cậu chủ nhỏ hay nổi cáu, lúc thì ngây thơ trẻ con lúc thì nghiêm túc đạo mạo thậm chí kiên cường ấy. Thật quá rộng. Thư phòng hóa ra rộng đến thế, trống vắng đến thế.
Hôm Giai Lam được đưa đi, Kỷ Yến không đếm nổi mình đã quay đầu lại ngóng bao nhiêu lần, trong lòng chỉ quanh quẩn một ý nghĩ như thế, ánh mắt chỉ ngơ ngác nhìn một vị trí ấy, Giai Lam... vẫn luôn ngồi chỗ đó kia mà.
Tại sao cô ấy không ở đó?
Rồi ngay sau đó Kỷ Yến cảm thấy mình thật quá ngu xuẩn, cứ hỏi đi hỏi lại câu hỏi ngu ngốc dù đã sớm biết câu trả lời. Rõ ràng, thầy giáo và bác cả đã cẩn thận giải thích cho mình rồi kìa mà.
Thật ra thì, cô ấy không nên ở đó phải không? Nhìn xem, giờ thì cậu thích cầm đũa kiểu gì cũng được, cho dù cầm bắt chéo hai chiếc đũa cũng sẽ không bị ai nhắc nhở. Thích ngồi gù lưng vẹo lưng là được ngồi gù lưng vẹo lưng, không ai ở bên lải nhải cậu phải ngồi thẳng thớm như cây tùng cây bách. Muốn gác chân lên bàn co chân thu lu lên ghế như thằng lưu manh cũng được luôn, khoái rung chân là rung chân, sẽ không có ai lầu bầu sau lưng cả.
Kẻ hay nói nhiều lảm nhảm, không có ở đó.
Nhưng mà, sự yên tĩnh này sao lại đáng sợ đến thế? Chỉ còn lại mình, chỉ có mỗi mình ở đây.
Đâu phải như thế, cậu tự tranh luận với bản thân, Đào Lý Hạnh Quất bốn nhóc Quả không phải vẫn ở đó sao? Mấy cô nhóc ấy rõ ràng đều có thể chăm sóc cậu rất tốt, tận tụy thu vén mọi việc khéo léo. Vô cùng thông minh, vô cùng lanh lợi... như bốn cô em gái nhỏ dễ thương.
Như các cô em gái mà cậu cần dang tay bảo vệ, bởi cậu là công tử, là cậu chủ của các em ấy, nên phải vững tâm, phải kiên cường.
Thế nhưng mỗi lần buột miệng gọi "Giai Lam", quay đầu lại chẳng thấy ai cả, một cảm giác tủi thân và sợ hãi vô hình thấm sâu vào trong ruột gan cậu như một tảng đá lạnh buốt, tuột xuống dạ dày. Cái lạnh ngấm dần vào từng đường gân thớ thịt trong cơ thể, khiến cho cậu chỉ muốn cuộn tròn nằm một góc chống chọi với nỗi đau đớn mạnh mẽ sâu thẳm không khác gì cơn đói lâu ngày.
Tại sao cô có thể không ở đây?
Nhưng mà, cậu không được phép cuộn mình một góc, thậm chí còn phải hiên ngang ưỡn ngực ngẩng đầu. Bởi vì mặc dù bốn nhóc Quả đã rất cố gắng kiềm chế nét mặt nhưng thật ra đứa nào cũng bứt rứt không yên. Quất Nhi và ba đứa còn lại đều nói, chị Giai Lam đã dặn bảo chúng em chăm sóc cậu chu đáo mà. Thế nên làm gì cũng tỉ mẩn cẩn thận lắm... nhưng mà chúng nó vẫn bị người hầu kẻ hạ khác trong phủ bắt nạt, chửi bới đến phát khóc, dù là khóc cũng cố nén tránh ra chỗ khác không dám cho cậu hay.
Tại sao cô không có ở đây?
Không, thật ra cậu cũng có thể xử lý tốt mấy chuyện cỏn con đó, cậu đã học được cách vênh váo hách dịch mắng ngược lại đám người hầu ngạo mạn bắt nạt bốn nhóc Quả. Cậu vẫn luôn tỏ ra rất bình tĩnh, thản nhiên, vô cảm, mặc cho đám a hoàn lớn như Diệu Song xách mé mỉa mai... Thật ra, cậu vẫn làm được mọi việc.
Nhưng mà, cô không thể không ở đây.
Tháng hai là ngày tốt, rất nhiều a hoàn với gã sai vặt cưới gả. Cha cậu, Kỷ viên ngoại lang lại thu thêm một nàng hầu. Sự thật đáng sợ đang dần dần dồn ép tới trước mắt cậu khiến cậu sợ hãi vô cùng tận, thậm chí còn bị chuột rút cơ bụng.
Bởi vì cho tới giờ cậu chưa từng nghĩ tới việc thật ra Giai Lam không có cách nào ở bên cậu vĩnh viễn. Theo thời gian, cô ấy càng trở nên xinh đẹp. Chiêu ca nhi từng ngơ ngẩn nhìn cô. Và trong lòng Kỷ Yến lại chỉ ước ao vẻ ngoài cô trở nên tầm thường một chút, chỉ cần dễ thương như bốn nhóc Quả là đủ. Gương mặt dáng người mang theo hai từ duyên dáng yêu kiều, giữa chốn khuê phòng gió tanh mưa máu chỉ nên đọc là tai nạn khổ sở trong tương lai.
Cậu không có cách nào tưởng tượng ra cảnh một ngày kia, một người đàn ông sẽ cướp đi Giai Lam mang về làm vợ, càng sợ hơn nếu có một ngày cha cậu hay anh trai cậu sẽ cướp cô về làm một thứ đồ chơi để vầy vò. Nhưng là, cậu biết sẽ có một ngày cậu phải lấy vợ... Người vợ tương lai của cậu có thể sẽ đối xử tử tế với bốn nhóc Quả trông gọn gàng trong sáng, nhưng chắc chắn sẽ không đối xử tốt với một Giai Lam xinh đẹp thướt tha.
Cậu thiếu niên Kỷ Yến bị ép phải trưởng thành sớm trong bạo lực, giờ phải đối mặt với sự thật tàn khốc lạnh lùng băng giá.
Cô, không thể không ở đây. Ta, một mình ta biết phải làm sao?
Càng ngày cậu càng trở nên trầm lắng ít nói ít cười. Đêm dài khó ngủ, ngày thêm tiều tụy, mặc áo rộng tênh.
Bốn nhóc Quả cực kỳ lo lắng, nhưng cậu chỉ nở một nụ cười buồn bã bảo cậu không sao, rồi dắt A Phúc đi dạo cho nó đỡ cuồng chân.
"... Có lẽ, tao hơi nhớ cô ấy, chỉ một chút thôi." Xung quanh vắng người, cậu mới dám lầu bầu với A Phúc. "Chỉ có một chút xíu mà thôi."
A Phúc rên ư ử vẻ đáng thương, dụi đầu lên người Kỷ Yên rồi liếm tay cậu ra điều an ủi.
Khi thầy giáo nói Giai Lam đã về nhà, lần đầu tiên trong đời Kỷ Yến hiểu được cảm giác vui sướng như có đóa hoa bừng nở rộ trong tim. Nhưng là cậu vẫn kiềm nén được, hẳn không có người nào nhận ra.
Có điều, thầy giáo không phải là người nào khác. Ông rất muốn khuyên Kỷ Yến không nên đặt một đứa a hoàn ở vị trí quan trọng trong lòng như thế... Nhưng mở miệng rồi lại câm lặng. Cả hai vợ chồng ông đều thương Giai Lam rất nhiều, thậm chí vợ ông còn nói, một cô bé ngoan ngoãn giỏi giang là thế, nhận về nuôi như con gái đi, nhà ông đâu phải tiếc nuối chút của hồi môn.
Thầy giáo cũng đã thật sự suy xét khả năng đó, nhưng mà, Giai Lam lại từ chối khéo. Giờ đây, nhìn đứa học trò đáng thương gầy gò tiều tụy của mình, ông thật không cách nào thốt nên lời...
Cứ như thể làm vậy là cướp đi người chị em gái đã cùng cậu gắn bó nương tựa lẫn nhau bấy lâu.
"Đây là đề thi của ba vòng kỳ thi mùa xuân." Thầy giáo thở dài. "Trò về làm thử xem sao. Làm cậu chủ thì phải ra dáng cậu chủ."
Những đề thi Giai Lam đã làm. Khóe môi cậu cong lên thành một xíu nét cười. Bài thi của cô hẳn là sẽ tràn ngập văn phong độc đáo, khôi hài, trào phúng, mắng cũng khiến người ta không giận nổi, tranh luận bằng tài hoa thật sự khiến người không thể không khâm phục, phải không?
Cô, chính là một người như thế đó.
Còn mình không thể học y chang điều đó, cậu vẫn luôn quá nghiêm túc, viết câu nào là cẩn thận châm chước câu đó, phải cố gắng kiềm chế bản thân, kiềm chế văn phong bản thân để không để lộ ra tâm trạng lúc nào cũng muốn bùng nổ như nham thạch núi lửa phun, thế nên văn phong của cậu luôn lạnh nhạt, thẳng thắn, thậm chí thê lương.
Nhưng đó mới chính là ta, là cảm nghĩ của ta, là văn phong của chính ta.
Cậu dùng nguyên một ngày dài viết hết ba bài nghị luận, đến cuối cùng đầu óc trở nên đờ đẫn mơ hồ. Thầy giáo cứ bảo để mai làm tiếp cũng được, nhưng cậu vẫn cố gắng viết hết.
Thầy giáo đọc kỹ ba bài văn của cậu xong rồi gật đầu, giục cậu mau về nhà.
Cậu về muộn hơn ngày thường một chút... Ráng chiều nhuộm đỏ cả bầu trời. Ánh chiều tà thật là đẹp, nhất là khi sắp hoàng hôn.
Cậu cố tình giục ngựa đi đường vòng qua chỗ chợ chiều để mua một túi to bánh bao trứng muối ngon nổi tiếng. Tháng nào cũng chỉ ăn no được ba phần, làm sao mà lớn được.
Cơ thể đầu óc đều mệt rã rời, dùng não quá nhiều khiến cho đầu căng thẳng thậm chí hơi nhức. Nhưng tinh thần thì lại rất hưng phấn, sung sướng.
Ban đầu cậu còn có thể thản nhiên bước chậm rãi, qua lần cửa thứ hai bước chân dần dần tăng tốc, cuối cùng gần như vứt bỏ phong độ công tử mà chạy vội vào Gia Phong lâu, nhìn bốn nhóc Quả hớn hở vây quanh đùa giỡn, nhìn A Phúc chạy quanh sủa nhặng xị, chính giữa họ, là Giai Lam.
Nét mặt cô ấy bỗng dưng bừng rạng rỡ. Là Giai Lam.
Nỗi đau đớn sợ hãi suốt gần một tháng qua, nỗi run rẩy lạnh lẽo như băng giá thấm tận vào xương, bỗng dưng tan thành mây khói. Nhìn nhau ngơ ngác cười ngây ngô một hồi lâu mà cậu vẫn không biết nên mở miệng nói gì.
"... Ta đã về rồi." Cuối cùng, Kỷ Yến nói, chìa túi bánh bao nhân trứng muối trong tay ra.
Gương mặt Giai Lam vẫn xụ xuống cau có giờ trở nên dịu dàng, thậm chí nở một nụ cười sáng sủa rực rỡ như ánh thái dương. "Bẩm cậu, nô tỳ cũng đã về rồi."
Cậu bỗng dưng hơi hơi muốn khóc, nhưng vẫn cố gắng nén lại.
Kỳ thi mùa xuân năm ấy, khi bảng vàng được dán lên, đã khiến cho toàn bộ thí sinh ồ lên kinh ngạc.
Từ vòng một, bảng đồng sinh, cho tới vòng ba, bảng tú tài, vị trí đứng đầu cả ba bảng đều là "Để trống". Các vị học sinh kháng nghị phản đối kiện tụng thậm chí suýt nữa náo loạn cả đền Khổng Tử. Mãi tới khi ba bài thi của "Phó Giai Lam", thí sinh được "đặc cách thi thử do không đủ tư cách dự thi", được dán lên bảng, cuối cùng cũng khiến cơn bạo động được lắng xuống.
Kết quả là thay vì khóc ở đền Khổng Tử, họ khóc ròng trước bảng dán bài thi. (Ba bài văn của Phó tiểu tài tử được dán ngay đầu danh sách bài thi)
Phó Giai Lam của thế kỷ hai mươi mốt cuối cùng cũng có thể coi là thành công làm vinh dự vẻ vang cho tổ tiên một lần, tiếc là người đương thời không ai biết đến.
Ban đầu Giai Lam chỉ định đánh chìm là đủ, ai dè kết quả tạo thành toàn bộ tiêu diệt thành tro bụi. Toàn bộ nho sinh chốn kinh thành đờ đẫn như xác chết lượn lờ rất nhiều ngày, cứ nhắc tới Phó tiểu tài tử là ai nấy ôm mặt khóc thút thít, tâm linh coi như hoàn toàn bị tiêu diệt.
***
Làm chương này, đoạn hai đứa nó xa nhau một tháng nhớ nhau mà thương ơi là thương...
Tạm thời rảnh rỗi sau 2 tuần làm việc như ngựa nên làm luôn 2 chương. Được hơn nửa truyện rồi ahihi!
Bạn đang đọc truyện trên: TruyenTop.Vip