Phó Thám hoa -4-
(Mọi lời in nghiêng là của người xếp chữ, không phải tác giả)
Kỷ Yến trốn vào thư phòng, trái tim còn đang nhảy nhót loạn xì ngầu trong ngực.
Cái gì mà rất vui vẻ khi đến hầu hạ mình chứ... còn lâu mới có chuyện đó. Hừ, nhất định là con nhóc đó chỉ đang dẻo miệng mà thôi... Cũng như là hai chị Xuân Hoa Thu Nguyệt trước giờ vẫn hầu hạ mình, cả bà vú đã nuôi nấng mình nữa, dẻo miệng suốt ngày dỗ dành là thế, cuối cùng bảo về lấy chồng là về, bảo về nhà là về.
Rõ ràng chưa tới tuổi phải về, dù có nói ngọt nói nhạt dỗ dành bao nhiêu đi nữa, bảo đi vẫn cứ đi hết sạch.
Bởi vì mình tương lai mờ mịt, bởi vì mình là con vợ lẽ, dù cố gắng đến mấy cũng kém Chiêu ca nhi. Tại sao chứ? Rốt cuộc mình kém nó cái gì? Rõ ràng hàng ngày ngoan ngoãn đi học là mình, bị thày giáo kẻ thước là mình, còn nó có thể ở nhà vui đùa này kia, nhưng mà ai cũng chỉ thích Chiêu ca nhi, mà không ai thích mình cả.
Mãi tới ba hay bốn tuổi gì đó, cậu ta mới biết mình là con vợ lẽ dì Lưu sinh ra, nên bối rối mất một thời gian dài. Cậu vẫn quen thói tới a dua lấy lòng mẹ cả, nhưng cũng chỉ nhận được sự lạnh nhạt. Cậu cũng từng thử lân la tới gần dì, nhưng dì chỉ biết lải nhải yêu cầu cậu phải biết tiến tới phải làm nọ làm kia, rồi suốt ngày chìa tay đòi cậu cho tiền. Nếu không tới, dì sẽ trở nên vô cùng dữ dằn.
Cũng đã từng cố gắng đạt được sự khẳng định yêu thương của cha, nhưng ánh mắt cha cậu lúc nào cũng lướt qua cậu như thể không khí, như thể cậu không tồn tại.
Vô cùng cố gắng, đã từng vô cùng cố gắng đi học, học bài, thày giáo cũng từng khích lệ ngợi khen. Nhưng làm gì có ai để ý đến? Không có ai, không một ai cả.
Cậu biết hai chị Xuân Hoa và Thu Nguyệt thường lười biếng, biết bà vú thường lấy trộm đồ đạc lẫn tiền tiêu hàng tháng của mình. Cậu có nổi giận, có đập phá đồ đạc, có mắng chửi họ, nhưng cậu chưa một lần nào mách người lớn.
Bởi vì cái nhà này, trong cái nhà này cậu không có cái gì hết cả, chỉ có ít ỏi vài người luôn ở bên.
Nhưng là những người đó, rồi cũng vứt bỏ cậu mà đi.
Cậu ba Kỷ đang tuổi dở ông dở thằng cứ vậy mà lọt vào một góc rẽ cực kỳ nguy hiểm, cũng là điểm khởi đầu của những màn tự hận mình tự sa ngã. Trẻ con tuổi này vốn dễ mất tập trung và ghét đi hoc, huống chi ở tộc học cậu ta cũng thuộc dạng bị ghét bỏ cô lập, đồng thời cậu cũng chưa đạt đến giới hạn tích lũy kiến thức đủ để thấy hứng thú với việc học vốn nhàm chán.
Hận đời, giận người thay phiên nhau, lật đổ hết tất cả những cố gắng nỗ lực bản thân bấy lâu nay. Cậu thực sự chán ghét việc tốn công vô ích, đi học bắt đầu muốn trốn tránh bài tập, thậm chí muốn tìm đống nháp hồi xưa luyện chữ để nộp tạm cho có...
Thế là cậu ta bắt đầu lục lọi ngăn đựng giấy lộn, tính kiếm mấy tờ trông còn tàm tạm để nhét lẫn vào đống bài tập nộp hôm sau.
Thế là trong đám giấy lộn đa phần chữ viết như gà bới, đương nhiên là nổi bật làm nền cho vài tờ có những dòng chữ ngay ngắn rõ ràng đẹp đẽ. Trên đó là một bài sách luận (văn phân tích).
Kỷ Yến được vỡ lòng từ hồi năm tuổi, đi học ở lớp tộc học năm bảy tuổi. Chữ của cậu xấu đau xấu đớn chủ yếu là do tính tình bộp chộp vội vàng ngoáy cho xong - dù sao thì buồn ngủ lắm rồi mà vẫn còn phải ngồi chép kinh Phật theo lời mẹ cả, nhưng không có nghĩa là cậu không phân biệt được chữ đẹp chữ xấu.
Đây là một bài phân tích cực kỳ bạo dạn thậm chí táo tợn, hoàn toàn khác biệt so với đám sách luận văn mẫu phân tích khô khan nhàm chán bình thường cậu vẫn được đọc tham khảo. Nội dung sâu sắc, lời lẽ dễ hiểu, nhưng lại mang giọng đầy châm biếm hài hước mỉa mai. Một bài phân tích khiến người ta mới đọc sẽ đấm ngực cười to, nhưng đọc xong gấp lại sẽ phải ngẫm nghĩ lâu dài.
... Của ai? Của ai mới được chứ? Ai sẽ viết bài sách luận này ở sau tờ nháp bỏ đi của mình?
Gia Phong lâu cách khá xa Tường Hi đường, là khu nhà xa xôi hẻo lánh nhất của Kỷ Hầu phủ, làm gì có ai sẽ rảnh rỗi tới chơi. Ít nhất là cha cậu Kỷ viên ngoại lang chưa một lần tới.
Chiêu ca nhi? Đừng đùa. Bảo nó ngâm thơ làm phú nghĩ câu đối còn được... viết văn phân tích ư? Bị ngu à?
Lại nói cậu biết chữ viết của hai người đó thế nào... Dù sao thì chỗ bà nội Dung thái quân của cậu treo mấy bức trưng bày như của quý hiếm. Thật tình cậu nghĩ bài văn phân tích sách luận viết mặt sau tờ nháp này, chữ viết đẹp hơn hẳn chữ Chiêu ca nhi lẫn cha mình.
Trong lòng cậu mơ hồ hiện ra một đáp án nhưng cậu nhất quyết không thừa nhận. Mãi đến hai hôm sau, Giai Lam đang bận kiểm tra sổ sách trong phòng trà nước đột nhiên bị gọi đi hòi chuyện. Cậu ba Kỷ đang giả đò chăm chỉ đọc sách không thèm để ý lập tức nhào vào phòng trà nước tới chỗ để sổ sách Giai Lam vừa viết hí hoáy như hổ đói nhào lên bắt dê non, và rồi... run rẩy cả người.
Thật là con nhóc đó?! Sao lại có thể là con nhóc đó? Nghe nói nó chỉ bằng tuổi mình mà? Chỉ là một đứa... a hoàn.
Không không, nhất định là vì mình học chưa chăm luyện chữ chưa giỏi mới cảm thấy nó lợi hại thế. Nhất định là thế.
Tự mình bứt rứt ăn không ngon ngủ không yên mấy hôm, cuối cùng cậu cũng gom đủ dũng cảm mang mấy tờ có bài phân tích đó giấu trong áo mang đi học. Cuối giờ học, thay vì chạy biến trốn biệt như thói quen hàng ngày, cậu lại phá lệ lần khân ở lại tìm gặp thày giáo.
"Bẩm thày," Tóc gáy cậu dựng ngược, run lẩy bẩy. "Có bài sách luận này, nhờ thày đọc thử."
Thày giáo tộc học cũng họ Kỷ, cùng thế hệ với Kỷ Hầu gia. Ông ta từng là cử nhân chốn kinh thành, có điều thi đỗ xong thì lần lượt cha mẹ qua đời khiến ông phải chịu tang hết ba năm lại đến ba năm, chí hướng công danh do đó cũng nhạt dần theo thời gian nên về nhà dạy học. Ai ngờ vị cử nhân họ Kỷ vốn đã có danh tiếng tài năng càng ngày càng nổi tiếng, người người kéo tới xin học. Cuối cùng Kỷ Hầu gia thằng thừng dứt khoát quyết định sửa sang chỉnh đốn lại tộc học và mời vị thày giáo nổi tiếng nghiêm khắc vô cùng này về dạy.
Người này có tài, tính tình lại còn kén chọn khó khăn, lại thêm tuổi đã lớn, thế nên đơn giản là mắt ngước lên trời không thấy được ai. Cả tộc học có vị tên là Kỷ Diệp, mười hai tuổi đã đỗ tú tài ở kinh thành, nổi danh thông minh nhất toàn trường, trong mắt thày giáo già họ Kỷ cũng chỉ được một câu. "Tàm tạm, tư chất bẩm sinh chưa đủ thì thôi lấy cần cù mà bù lại."
Còn đối với cậu ba của Hầu phủ này, ông thày Kỷ chỉ có thể thở dài bất lực. Tư chất bẩm sinh, không có. Chí cần cù ấy à, dễ bị lạc hướng. Khả năng học hiểu, chậm lụt ngô nghê. Điều duy nhất đáng giá được ông khích lệ là, so với cái kẻ được coi là thông minh bẩm sinh học hiểu tốt đẹp là cậu hai của Hầu phủ kia suốt ngày trốn học một năm đủ bốn mùa, lại còn là trốn học một cách hợp pháp dưới sự che chở cưng chiều của bà nội, cái đứa học sinh đầu cứng như đá dạy mãi vẫn trơ ra này lại chăm chỉ đi học hàng ngày dù mưa giông gió giật.
Thày giáo nhíu mày suy nghĩ, dù thế nào cũng phải cố gắng nhận xét nhẹ nhàng cho nó, ít ra nó còn dũng cảm và tự giác làm bài, thôi thì cũng còn có thể mài giũa phần nào mà không phải là khối gỗ mục nát không còn cách chữa.
Ai ngờ vừa cầm lấy bài sách luận, nét mặt thày giáo từ cau lại trở nên rúm ró giận dữ. Dám tìm người làm bài hộ, mà thậm chí còn không thèm chép lại bằng chữ của mình... Thày giáo giận dữ còn chưa kịp thốt ra lời, nhưng vừa đọc đến nội dung thì đã bị cuốn hút mê mẩn, vừa đọc vừa cười, vừa đọc vừa vỗ bàn khen ngợi."
"Lời văn sáng sủa, khôi hài, rõ ràng đều có... Sao lại nghĩ như vậy được nhỉ!" Ánh mắt thày giáo rực sáng hớn hở. "Chiêu ca nhi nhà trò viết ư?"
Cái cảm giác bứt rứt cảm thấy khó ở suốt mấy hôm nay, giận dỗi không ra giận dỗi, khó chịu chẳng phải khó chịu, chỉ cứ cân cấn trong lòng, cùng lắm là có chút chua sót, giờ bỗng cậu cảm thấy khá hơn hẳn.
Hahaha, thày à, con đảm bảo thày không ngờ được là ai, càng không thể nào là cái đứa tên là anh hai cả ngày chỉ biết nghịch son chơi phấn kia.
"Không phải ạ." Cậu ba cố gắng làm mặt nghiêm túc, đưa tay xin lại tờ viết văn, nhưng mà thày giáo cậu lại dùng cả hai tay giữ khư khư không buông.
"Bao nhiêu tuổi rồi? Lớn không? Là công tử nhà nào?" Mặt thày giáo càng ngày càng đỏ ửng lên vẻ kích động. Ta đâu có thiếu tiền chứ, ngày ngày đi dạy học ở tộc học để làm gì ngoài hi vọng có thể tìm được mấy hạt giống tốt, làm thày chỉ ước được dạy người tài trong thiên hạ nha! Lão già này cũng chỉ có mong ước cỏn con đó trong đời, không nên trách cứ lão.
"... sắp mười hai tuổi..." Kỷ Yến còn chưa dứt câu, thày giáo đã reo lên.
"Được đấy, vừa đúng thời đúng lúc! Nhìn cách nó dùng điển cố rất phá cách nhưng lại cực kỳ thông thạo như thế xem, hẳn là phải đọc nhiều đọc tạp vô số kể! Ta không thu tiền học của nó, chỉ cần nó chịu tới đây học ta dạy là được!"
Kỷ Yến bắt đầu cuống. "Nhưng mà có nô tịch..." (có giấy bán thân thành nô lệ)
Thày giáo lại cắt lời cái rụp. "Nô tịch không sao cả. Để thày ra tiền chuộc lại nó là được chứ gì? Chuộc thân xong lại thành thường dân, cùng lắm thì thày đứng ra bảo đảm... cần nữa thì bảo nó nhận thày làm cha, làm con nuôi của thày, thày sẽ chăm chút nó tử tế... Ầy dà đừng vội đừng giận. Trước giờ thày có hơi buồn con, vì tính tình con có hơi lạnh lùng bạc bẽo... Xem ra là thày nhìn nhầm con rồi. Đừng lo, tuy chỉ là thân phận thường dân, nhưng giờ thi cử thì tài văn chương chiếm sáu phần. Hơn nữa Hoàng thượng đã ân chuẩn năm kẻ có văn tài đứng đầu có thể không xem gia thế..."
Đúng thế, nghe qua thì tốt lắm đấy... nhưng mà thày ơi! Làm ơn nghe con nói cho hết nhời đã nào!
"Là a hoàn bậc hai bên người con!" Cuối cùng cậu ta cũng thừa dịp thày giáo nghỉ lấy hơi uống miếng nước mà vội vã gào lên.
Kết quả... không vui lắm. Thày giáo bị sặc, ho khù khụ một hồi khiến tròng mắt trợn ngược trắng dã. Kỷ Yến vội vàng quỳ xuống đến phịch một cái dập đầu. Cuối cùng thày giáo cũng tỉnh táo lại, nước mắt ràn rụa. Kỷ Yến sợ đến run lẩy bẩy cả người cũng rơm rớm hai mắt.
Kết quả là hai thày trò nhìn nhau, ai nấy mắt đẫm lệ rơi.
"... Ông trời thật bất công nha!" Thày giáo rú lên bi thống, đấm ngực khóc than. "... tận diệt người thương của ta nha!"
Uầy, bẩm thày, hình như thày diễn hơi sâu rồi ạ.
(Nguyên văn: Lương nhân, từ này hay được dùng kiểu văn thơ kịch hát mang nghĩa là phu quân, người vừa ý, người thương. Ông thày diễn hơi sâu kiểu trách ông trời hại người tốt, mà ông í coi người tốt ấy là tri kỷ, bạn đời cả đời mới có một ấy. Ông thày này cute hột me lắm nha!)
Sau màn dập đầu quỳ sưng cả gối kèm sợ hãi kinh hoảng tột độ, thu hoạch lớn nhất chính là... thày giáo quên không giao bài tập về nhà, nên cậu chàng được thư thả thoải mái nguyên một ngày.
Bạn đang đọc truyện trên: TruyenTop.Vip