Chương 2:
CHƯƠNG 2: TRỞ LẠI THÔN BÁT BẢO
EDIT: LÊ CHUA
* * *
Lạc gia ở huyện Phong Dương, chuyên buôn bán các loại vải vóc.
Lạc Tinh Hoài và Lâm Thù Văn là bạn bè từ thời thơ ấu, một người có tính tình hiếu động cởi mở, người kia lại ít nói trầm lặng, nhưng lại có thể chơi với nhau cho đến lớn.
Lúc còn nhỏ cứ rảnh rỗi là Lạc Tinh Hoài lại dẫn Lâm Thù Văn ra ngoài chơi, hoặc tìm một quán rượu nào đó đến mua vui giải sầu, mười lần thì có hết tám lần là Lâm Thù Văn từ chối, y không thích ra ngoài, cũng không thích tiếp xúc nhiều với người lạ.
Lạc Tinh Hoài thường nói Lâm Thù Văn nằm dí trong nhà quá lâu, còn thẹn thùng hơn cả nhóm tiểu thư khuê các đợi gả chồng nữa, ngoài miệng tuy nói là vậy, song cho dù có bị từ chối bao nhiêu lần thì cũng không làm thuyên giảm được sự tích cực của hắn, có cái gì ăn ngon chơi vui là hắn sẽ nhớ đến kêu Lâm Thù Văn đi cùng.
Lệ Quốc có nam phong, vậy nên cũng có nam tử tìm ca nhi để thành thân, nhưng thường thì phần lớn nam phu sẽ không lộ mặt ra ngoài.
Một số nam nhân có chút của cải sẽ không chỉ cưới chính thê, nạp thiếp, thậm chí còn nuôi một ít ca nhi ở bên ngoài, cũng vì vậy mà trong một thời gian dài mọi người đã ngầm thừa nhận chuyện thân phận nam phu không mấy vẻ vang.
Lâm Quảng Lương thấy Lâm Thù Văn đã sắp đến tuổi, đặc biệt tìm người phúc hậu dày dặn kinh nghiệm đến nhà dạy dỗ cho y, còn tìm họa sĩ mang tranh vẽ hành phòng (tranh 18+) đưa tới tận nơi, đặt bên gối đầu để y quan sát học tập.
Lâm Thù Văn cầm tập tranh kia vừa mới lật một trang đã đỏ bừng hết cả mặt, cả người cũng đổ đầy mồ hôi, sau đó y mang sách đi giấu thật kỹ, chưa từng mở ra xem lại lần nào nữa.
Khi trưởng bối hỏi tới, y chỉ rủ đôi mắt xinh đẹp xuống, yên lặng lắc đầu, không trả lời loại vấn đề này.
Lâm Thù Văn thà rằng ôm sách hoặc cầm dao khắc gỗ ngồi cả ngày trong phòng, ngày thường ngoại trừ thỉnh thoảng ra ngoài chơi cùng Lạc Tinh Hoài, hiếm khi nào y tiếp xúc với nhóm nam nữ cùng lứa tuổi với mình.
Thời gian lâu dần, có một hôm Lâm Quảng Lương và Lạc lão gia cùng nhau đi ăn cơm trở về, ông ta đã thay Lâm Thù Văn quyết định chuyện chung thân đại sự.
Lâm Thù Văn có tính cách lương thiện trong sáng lại ngoan ngoãn trầm tĩnh, kỳ thật y lại không thể tự mình đưa ra quyết định được.
Rất nhiều chuyện xảy ra trong kiếp trước, y giống như một chiếc lá nhỏ trôi trên sông, nước đẩy tới đâu mình trôi theo tới đó, trưởng bối quyết định hôn sự, y còn chưa kịp có ý kiến, thì mọi việc đã lẳng lặng được nhận định xong.
Vốn dĩ hai nhà dự định chờ đến khi Lâm Thù Văn đủ mười tám tuổi, cũng chính là vào ba tháng sau sẽ tổ chức lễ đính hôn cho y và Lạc Tinh Hoài, đến cuối năm lại thành thân.
Không ngờ mới qua đầu xuân năm nay không bao lâu, thế mà lại xuất hiện sự việc thiếu gia giả.
Chuyện bê bối truyền ra ngoài, trong lòng Lâm thiếu gia chân chính lại có khúc mắc, lời đàm tiếu càng lúc càng nhiều, trong lòng Lâm Quảng Lương và Tạ Hứa Cô cũng dần xuất hiện mấy phần bực bội, vậy nên Lâm Thù Văn đã không thể tiếp tục ở lại huyện Phong Dương được nữa.
Lạc Tinh Hoài vừa nghe đến chuyện này, mấy hôm trước đã muốn đến tìm Lâm Thù Văn.
Nhưng người nhà và Lâm gia đã sớm quyết định xong mọi chuyện, huynh trưởng và phụ thân đều không cho phép hắn đi tìm Lâm Thù Văn. Lần này là hắn kêu hạ nhân đi thăm dò, ngay trước khi Lâm Thù Văn bị đưa đi thì trèo tường phía sau nhà trốn ra đây.
Thiếu gia của Lạc gia luôn luôn có tinh thần phấn chấn nay sắc mặt lại hiện lên mấy phần luống cuống.
"Thù Văn đừng sợ, ta thích đệ, cho dù đệ có phải là thiếu gia của Lâm gia hay không, chuyện hôn sự giữa ta và đệ sẽ không bao giờ thay đổi."
Lâm Thù Văn chầm chậm chớp mắt một cái.
Sợ y không tin, Lạc Tinh Hoài còn vỗ ngực, nói: "Hiện tại người trong nhà không cho phép ta đến gặp mặt đệ, nhưng mà ta sẽ không bỏ cuộc. Chuyện hôn ước giữa hai ta sẽ không thay đổi, đợi mấy ngày nữa ta thuyết phục được huynh trưởng và phụ thân xong, ta sẽ đến tìm đệ ngay. Thù Văn, đệ hãy đợi ta."
Những lời hắn nói lúc này dần dần trùng khớp với hình ảnh mơ hồ xuất hiện trong trí nhớ của y.
Ở kiếp trước, lúc Lâm Thù Văn bị đưa về quê nhà, Lạc Tinh Hoài cũng đến nói với y những lời như thế này, cũng ngay tại con đường dưới hàng liễu xanh mướt khẽ lắc lư.
Sắc xuân yên lành, trời vừa hạ cơn mưa, không khí trong huyện Phong Dương thoang thoảng mùi hoa thơm ngào ngạt, hòa chung cùng hơi nước trong lành.
Lâm Thù Văn để lộ nửa khuôn mặt trắng nõn, trong con ngươi đen nhánh ánh lên chút ánh sáng nhạt lấp lánh. Y yên lặng nhìn Lạc Tinh Hoài cưỡi trên lưng ngựa, không nói gì cả.
Y biết Lạc Tinh Hoài sẽ không tới tìm mình, đồng thời không lâu sau đó hắn sẽ có một mối hôn sự khác.
Kiếp trước Lâm Thù Văn từng quay lại tìm Lạc Tinh Hoài, ngày hôm đó y gom tất cả dũng khí bước lên xe ngựa rời khỏi thôn làng, song vừa mới đến huyện thành, y đã nghe thấy tin Nhị công tử Lạc gia sắp sửa tổ chức hôn lễ, sau đó y nản lòng rời đi.
Y khẽ cười một tiếng, hai bên má mơ hồ xuất hiện hai lúm đồng tiền nho nhỏ.
Lạc Tinh Hoài hơi thất thần, lại gọi một tiếng: "Thù Văn."
Không nhận được câu trả lời làm hắn cảm thấy có hơi bất an.
Giọng nói của Lâm Thù Văn rất nhẹ, còn hơi khàn: "Tinh Hoài, huynh mau trở về đi thôi."
Y hơi ngẩng đầu ngửa mặt nhìn trời, lại nói: "Trời sắp mưa rồi, chớ để bị bệnh."
Về lời hứa hẹn mới nãy của đối phương, y cũng không trả lời.
Khoảng chừng một canh giờ sau, quả thật trời đổ mưa.
Mưa xuân quý như dầu[1], xe ngựa chở Lâm Thù Văn đã ra khỏi huyện Phong Dương, tiến về phía trước trong làn mưa bụi mờ ảo và khung cảnh núi non ruộng đồng xanh biếc.
[1] Thành ngữ Trung Quốc, ý chỉ mưa rơi ngày đầu xuân quý giá giống như dầu vậy.
Nghe nói người nhà Lâm Thù Văn là một hộ nông dân họ Lâm sống ở thôn Bát Bảo, sở dĩ có chuyện thiếu gia thật giả này tất cả đều do bị đánh tráo từ trước.
Năm đó nhà họ Lâm đến huyện thành làm nghề mộc để mưu sinh, sau đó vào làm hạ nhân trong nhà địa chủ.
Vợ của hắn cũng theo tới huyện Phong Dương, trùng hợp mang thai cùng lúc với phu nhân địa chủ, sau này không biết đã xảy ra chuyện gì, thế mà lại âm thầm mang hài tử tráo đổi.
Hai vợ chồng nhà họ Lâm ở thôn Bát Bảo đã không may gặp phải lũ lụt chết vào mấy năm trước. Vị thiếu gia chân chính của Lâm gia lúc còn niên thiếu thường xuyên phải đi theo người lớn trong thôn đến các nhà khá giả làm công kiếm tiền sống qua ngày.
Cách đây không lâu có một người nhận ra vẻ ngoài của hắn khá giống với Lâm địa chủ của huyện Phong Dương, gia đình người đó vừa hay có chút qua lại với Lâm Quảng Lương, bọn họ càng nghĩ càng thấy nghi ngờ, nên đã mang tin tức này nói cho Lâm Quảng Lương biết.
Lâm Thù Văn suy nghĩ rõ ràng đầu đuôi mọi chuyện, đầu óc càng thêm mê mang.
Nói chung do đời trước đã từng chết một lần, giờ phút này y cũng không còn đau thương khi bị đuổi đi giống như kiếp trước, tâm trạng xem như khá bình ổn, chẳng qua cơ thể không có tí sức lực nào, cứ như mọi năng lượng trong cơ thể đều đã bị rút sạch.
Cơ thể y từ nhỏ đã không được khỏe mạnh, bẩm sinh còn bị điếc một tai, lại rất hay bị bệnh, tính tình thì cực kỳ điềm đạm yên tĩnh, không có chút nào giống với hai vợ chồng Lâm gia.
Mấy năm gần đây theo sự lớn dần của vẻ ngoài, những lời đàm tiếu lại càng xuất hiện nhiều hơn, Lâm Thù Văn không để ý đến chuyện bên ngoài, nên những lời nói rỉ tai nhau đấy không ảnh hưởng gì đến y.
Thỉnh thoảng biết được hai vị trưởng bối cũng nghe những lời bàn luận ấy, y cũng chưa từng nhờ họ thay mình trút giận hay oán trách, chỉ cần bọn họ vẫn gọi y một tiếng con ngoan, gọi y là Văn Văn, y sẽ luôn ngoan ngoãn trả lời hai người. Ngoại trừ thân thể khá yếu ớt, tính tình trầm tĩnh, y chưa từng làm ra bất kỳ chuyện gì khiến người ngoài phải nhìn ngó nhiều chuyện.
Chẳng qua chuyện thay mận đổi đào chung quy cũng phải trở về đúng quỹ đạo của nó, bây giờ Lâm Thù Văn nhớ đến chuyện mình chiếm mất vị trí của Lâm thiếu gia suốt gần hai mươi năm trời, lại nhớ tới hai vị trưởng bối chưa từng bạc đãi mình ngày nào, y bỗng cảm thấy rất hổ thẹn.
Suy nghĩ hồi lâu, y cảm thấy cả người mệt mỏi vô cùng, nghiêng người dựa vào đệm, dần dần chìm vào giấc ngủ say.
Mưa xuân rả rích rơi hết đợt này đến đợt khác, miên man mãi chẳng dứt, núi sông tĩnh lặng bình yên.
Trên đường đi, Lâm Thù Văn bị bệnh, dù cho phu xe gọi y vài lần y vẫn cứ tỉnh tỉnh mê mê chẳng nghe rõ.
Thính giác mơ hồ, thần trí cũng trở nên mê mang.
Suốt đường đi không có điều kiện để khám bệnh, y chỉ có thể tiếp tục tự mình chịu đựng sự khó chịu.
Mãi cho đến khi phu xe cho xe ngựa dừng lại trước một ngôi chùa khá cổ xưa, chủ trì đại sư quanh năm luôn chuẩn bị một ít dược liệu để trong chùa, ông bắt mạch xem bệnh giúp Lâm Thù Văn, nói cho y biết y bị cảm lạnh, cộng thêm việc tinh thần căng thẳng quá mức nên mới bệnh nặng, uống mấy thang thuốc và chậm rãi điều dưỡng cơ thể là có thể khỏe lại.
Sắc mặt Lâm Thù Văn trắng nõn, thoạt trông vừa yếu ớt vừa xinh đẹp, hai hàng lông mi tựa hai cánh quạt nhỏ hơi cụp xuống, y nhỏ giọng lễ phép nói lời cảm ơn với đại sư.
Y yên lặng suy nghĩ một lúc, quay người lấy túi hành lý mà Lâm gia đã chuẩn bị cho mình, chậm chạp mở ra nhìn xem.
Trong túi đặt vài bộ quần áo, một ít lương khô và nước uống, còn có thêm non nửa túi bạc vụn.
Lâm Thù Văn không có khái niệm gì với tiền bạc, trước đây y rất ít khi sử dụng đến tiền, trong nhà mua đồ gì thì y sẽ dùng cái đó.
Y đọc từ trong sách biết được một hộ gia đình bình thường tiêu khoảng hai ba lượng bạc trong một năm.
Ở Lâm gia, y chưa bao giờ thiếu tiền xài, sau khi rời đi chắc chắn sẽ không thể sống thoải mái được như trong quá khứ, nhưng mà Lâm gia cho y non nửa túi bạc này, nếu như sinh hoạt giống các gia đình bình thường khác, thì có lẽ có thể tiêu xài trong vòng hai ba năm.
Lâm Thù Văn móc ra một nén bạc từ túi tiền, đưa cho đại sư.
Vẻ mặt y ngại ngùng, đôi mắt trong veo đầy vẻ chân thành tha thiết nhìn đối phương: "Số tiền này là tiền nhang đèn ta dâng cho chùa, mong đại sư hãy nhận cho."
Cảm xúc của thiếu niên không giấu được, để cảm tạ đại sư giúp y xem bệnh, y quyên tặng chút tiền nhang đèn xem như bày tỏ lòng thành.
Đại sư nhận lấy bạc, nói: "Tiểu thí chủ đi lại bên ngoài, nhớ phải giữ lòng phòng bị với người và sự vật xung quanh."
Lâm Thù Văn: "Đa tạ đại sư đã chỉ bảo."
Suy cho cùng Lâm Thù Văn mới trải đời chưa được bao lâu, hai đời cộng lại, dù là trước hay sau khi sống lại, số lần y ra ngoài tiếp xúc với người lạ có thể đếm được trên đầu ngón tay, không biết rằng lòng người rất khó lường.
Ngày đó y ở trên xe uống thuốc, mê mang dựa trên đệm ngủ mất.
Tiếng mưa rơi mãi chẳng dứt, rèm vải có người nhấc lên cũng chẳng hay.
Ánh mắt phu xe rơi trên người thiếu niên, thấy y nằm nghiêng sang phải mà ngủ, để lộ tai trái ra ngoài, nghe nói tai trái y bị điếc, lúc này gã nhẹ tay nhẹ chân thò vào, người nọ không nghe được tiếng gì.
Gã đưa tay với lấy túi hành lý màu lam kia.
Một ngày nữa trôi qua, xe ngựa chạy ra khỏi đường lớn, phu xe kéo dây cương dừng lại: "Công tử, phía trước chính là thôn Bát Bảo, ta chỉ đưa ngài được đến đây thôi."
Lâm Thù Văn chống cơ thể mệt mỏi ngồi dậy, nước mưa rơi rào rào, mặt đường lầy lội bùn đất, những căn nhà to nhỏ khác nhau nằm rải rác khắp nơi ở phía trước.
Y lấy túi hành lý khoác lên vai, cầm lấy cán dù, nói: "Đa tạ."
Trước khi lên đường đã trả hết tiền xe, Lâm Thù Văn nhìn trái nhìn phải tìm không thấy một chỗ đất nào nguyên vẹn, giọt nước vỗ lộp bộp trên những vũng nước đọng, chần chừ một hồi, y vẫn nhón mũi chân bước xuống đất.
Khí hậu ở nông thôn còn lạnh hơn so với trong huyện, y kéo kín áo ngoài, quay đầu muốn nói lời tạm biệt với phu xe, nhưng nào ngờ xe ngựa đã chạy xa, hình như rất vội vã rời đi.
Người dân thôn Bát Bảo đội mưa đi từ phía đập nước trở về, trên người ai nấy đều dính đầy bùn đất, thoáng nhìn thấy một bóng lưng trẻ tuổi xa lạ, có người hỏi: "Ngươi là người từ nơi khác đến à?"
Lâm Thù Văn lắc đầu.
"Ta... ta vừa quay về nhà, xin hỏi ngài có biết nhà họ Lâm nằm ở đâu không?"
Sự việc Lâm thiếu gia bị đánh tráo đã lan truyền khắp cả thôn Bát Bảo từ lâu, những lúc rảnh rỗi, người trong thôn sẽ ngồi dưới gốc cây tám chuyện về việc này.
Người trong thôn kinh ngạc: "Ngươi chính là con trai ruột của Lâm Đại Thành trong thôn chúng ta sao?"
Lâm Thù Văn khẽ gật đầu.
Dân làng chậc chậc mấy tiếng cảm khái, nghĩ thầm đúng là đứa trẻ được nuôi trong nhà địa chủ khác hẳn với những đứa trẻ sinh ra ở nông thôn.
Lâm Thù Văn sạch sẽ nho nhã, ngũ quan và dung mạo của y đều thuộc dạng chưa từng thấy trong phạm vi các thôn nằm quanh đây vài dặm.
Y bị người trong làng nhìn chăm chú có hơi xấu hổ, dân làng thu lại ánh mắt tò mò, chỉ vào một ngôi nhà nằm cách bờ sông không xa, nói: "Đó, chỗ đó chính là nhà Lâm Đại Thành."
Nhà ở đã bỏ trống lâu ngày, trước đây vị Lâm thiếu gia thật kia thường xuyên ở trong trấn làm hạ nhân, rất ít khi quay về nhà.
Lâm Thù Văn giẫm lên con đường đất vô cùng lầy lội, tựa như một chú mèo con đứng trước cửa nhà xa lạ, vẻ mặt ngơ ngẩn.
Ngày xuân mưa rơi nhiều, đám cỏ dại xanh um trước cửa phải cao đến hai thước.
=============
Lời tác giả: Bé đáng thương bị trộm hết tiền =,=
Bạn đang đọc truyện trên: TruyenTop.Vip