Chương 4:


CHƯƠNG 4: NGHE ĐỒN VỊ ĐẠI ĐỊA CHỦ KIA

EDIT: Lê Chua

* * *

Lâm Thù Văn chăm chú nhìn đường, cộng thêm luôn cố gắng tránh ánh mắt của người khác, vậy nên y không nhìn thấy Mạc Bố liên tục quay đầu nhìn mình.

Thôn Bát Bảo rất rộng, phía trước là dãy ruộng tươi tốt, kênh rạch chằng chịt và phù sa dồi dào, phía sau còn có rất nhiều đất trồng cây gỗ. Trên đường đi, Mạc Bố chủ động kể cho Lâm Thù Văn nghe về những điều này.

Mạc Bố nói: "Nhưng mà vài dặm đất đai quanh đây không phải của chúng ta, cũng không thuộc về quan phủ, ngoại trừ số ruộng đất phải đóng thuế cho quan trên dựa theo đầu người ra, toàn bộ số đất còn lại, nghe người già trong thôn nói tất cả đều là của một vị đại địa chủ."

"Thôn dân khắp vùng này chỉ cần lên nha môn Huyện phủ đăng ký, có khế ước và xác nhận của trưởng thôn là có thể thuê được đất ruộng của đại địa chủ với giá tiền rẻ hơn mấy phần. Song lương thực trồng được đều phải giao lại cho họ, giá cả tính theo chất lượng."

Mấy thôn làng sinh sống chung quanh ngoại trừ chăm sóc phần đất ruộng được chia cho hộ gia đình, phần còn lại đều đang trồng cây. Sở dĩ mọi người đều tình nguyện làm tá điền[1], trồng cây trên đất đi thuê của địa chủ là vì thu nhập ổn định, bất kể cây trồng ra nhiều hay ít, địa chủ đều thu gom hết.

[1] tá điền: Tá điền là những người nông dân lao động trong lĩnh vực nông nghiệp và hoạt động chính là canh tác ruộng đất. Đây là những nông dân không có đất riêng, phải canh tác trên những ruộng đất thuộc sở hữu của người khác, những ruộng đất thuộc sở hữu hoặc thuê bởi một quý tộc hoặc những người có tài sản.

Lấy đất quan trồng cây nông, số lượng thuế giao nộp rất cao, nếu như mùa màng năm đó thất thu, vậy thì sản lượng thu hoạch được sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Một trận mưa lớn, giá rét hay bão tuyết đều có khả năng khiến các hộ nông dân mất trắng công sức suốt mấy tháng trời.

Nhưng mưa to tuyết lớn lạnh giá lại không gây ra ảnh hưởng quá lớn đối với những cây trồng lớn lên trên núi có rễ bám sâu.

Mạc Bố chỉ về phía ngọn núi: "Nghe người già nói rằng có một ít cây gỗ rất quý giá, chuyên cung cấp cho hoàng cung xây dựng cung điện, chế tạo rất nhiều dụng cụ sinh hoạt, hoặc bán lại cho những gia đình giàu có. Mỗi một cây gỗ có giá lên đến con số mà nông dân như chúng ta có đếm mấy chục năm cũng không hết."

Tuy nhiên, những nông hộ bình thường rất ít có cơ hội nhận được giống cây gỗ quý hiếm từ địa chủ. Trong các thôn làng sống xung quanh, số lượng nông hộ có thể trồng ra được cây gỗ quý hiếm từ loại trung đến thượng đẳng cũng chẳng đếm đủ trên một bàn tay.

Mạc Bố lại nói: "Mỗi năm đều có rất nhiều hộ dân đến đăng ký với trưởng thôn, sau đó trưởng thôn sẽ mang danh sách tên mọi người giao cho quản sự của địa chủ. Loại hạt giống tốt phải giao cho hộ nông dân nào đều cần sàng chọn nghiêm ngặt, chưa chắc năm nào cũng có thể chọn ra được."

"Tui còn nghe nói vị đại địa chủ kia rất có đầu óc, không chỉ riêng đất trồng ở các thôn xung quanh chúng ta, những nơi khác còn trồng cả dược liệu và cây ăn quả, địa chủ này chính là một thương nhân giàu có, việc làm ăn trải rộng khắp Lệ Quốc."

Lâm Thù Văn hơi nghiêng tai phải sang, chăm chú lắng nghe Mạc Bố nói chuyện.

Giống với Lâm gia, chỉ thu tiền thuê đất là chính, vị đại địa chủ Mạc Bố đang nhắc tới này rốt cuộc có bao nhiêu đất đai? Không chỉ thu tiền đất, còn thu cả nông sản, thậm chí việc làm ăn còn trải rộng khắp Lệ Quốc?

Lâm Thù Văn bị mấy câu nói này gây tò mò, nhưng muốn nói lại thôi.

Lời không nói ra được, đã nghe Mạc Bố nói tiếp: "Sân phơi ở chỗ này, để tui đi lấy cỏ khô cho cậu."

Trước mặt có một bãi đất trống, trên mặt đất dùng dây thừng chia thành từng khu vực khác nhau, có những chỗ còn đang phơi nông sản. Bên cạnh đặt rải rác mấy chiếc ghế gỗ dài, cỏ khô được phơi khắp nơi trên sân.

Mạc Bố ôm lấy một bó, đang muốn nhét vào ngực thiếu niên thì động tác bất chợt khựng lại.

Cậu cười ngượng ngùng: "Lâm công tử, quần áo của cậu sạch sẽ như vậy, nếu ôm trong ngực sẽ làm dơ đó."

Tiếp đó lại xung phong nhận việc: "Để tui giúp cậu mang về nhé?"

Làm sao Lâm Thù Văn có thể để cho đối phương giúp mình làm tất cả mọi chuyện cho được? Giữa người thân, bạn bè còn coi trọng lễ tiết qua lại, huống hồ đối phương và y chỉ là người xa lạ.

Y nhẹ nhàng lắc đầu, đưa tay nhận lấy bó cỏ khô trong tay Mạc Bố cảm giác nặng trĩu.

Đôi mắt y sáng rực hệt như hai viên pha lê lấp lánh, nhìn thẳng vào Mạc Bố: "Cảm ơn."

Trong một thoáng Mạc Bố quên cả trả lời.

Lâm Thù Văn ôm chặt cỏ khô trong ngực, đi mấy bước chợt ngoái đầu lại, đối diện với ánh mắt ngơ ngẩn của Mạc Bố, tâm trạng nặng nề như mây đen che phủ mấy ngày nay của y bỗng chốc trở nên nhẹ nhàng hơn nhiều.

Giọng nói của y rất nhẹ: "Mạc Bố, thật sự rất cảm ơn ngươi, phần ân tình này ta sẽ luôn ghi nhớ trong lòng."

Mạc Bố "hả" một tiếng, muốn đuổi theo hỏi lại, Lâm Thù Văn lại nói: "Đừng gọi ta là Lâm công tử, cứ gọi Lâm Thù Văn là được."

Mạc Bố cười ngu ngơ: "Ừm!"

*

Lâm Thù Văn ôm cỏ khô về nhà cũ, lấy một ít trải trên giường để lót lưng, y nằm xuống ướm thử, cỏ khô đâm vào lưng hơi đau, Lâm Thù Văn lại lấy áo ngoài đặt ở cuối giường phủ lên trên.

Lót một lớp cỏ khô kèm một lớp áo trải lên trên, như vậy lúc đi ngủ sẽ dễ chịu hơn nhiều so với việc nằm ngủ trên ván giường vừa lạnh vừa cứng. Lâm Thù Văn ôm nửa bó cỏ khô còn lại đi đến chỗ lò lửa, nhóm lửa trước rồi đặt nồi nước lên trên để nấu.

Y lo lắng ban đêm trời trở lạnh nên lại vòng ra bên ngoài sân, tìm dọc theo bốn phía, nhặt được chút nhánh cây khô mang về.

Vào mùa đông và mùa xuân trời thường nhanh tối, đặc biệt là trong thôn, bầu trời bên ngoài cửa sổ đã nhanh chóng tối sầm.

Toàn bộ thôn làng trở nên yên tĩnh, không giống đường phố trong huyện thành treo đèn lồng thắp sáng khắp nơi, khi thời gian trễ hơn chút, chung quanh sẽ tối đen đến mức chẳng nhìn rõ năm đầu ngón tay.

Lâm Thù Văn uống mấy ngụm nước ấm, lấy vài nhánh cây nhỏ mang đến cuối giường. Y dùng than củi đốt cháy một nhúm cỏ khô, lại cầm mấy nhánh cây nhỏ lúc nãy bỏ lên trên đống lửa.

Ánh lửa phản chiếu đôi mắt màu đen sáng ngời của thiếu niên, y rửa sạch chân tay một cách đơn giản, cởi giày leo lên giường nằm.

Cơ thể gầy gò của thiếu niên cuộn tròn bên dưới lớp quần áo mỏng, lại là một đêm mưa rào, nhưng đêm nay y có thể mượn đống lửa sưởi ấm.

Lâm Thù Văn không dám đi tiểu đêm, vậy nên buổi tối y không uống nhiều nước.

Đôi mắt sáng ngời nhìn chằm vào đống lửa, y ngẩn người hồi lâu, rồi dần dần nhắm mắt lại.

Cơn mệt mỏi đeo bám suốt từ kiếp trước khi bị đuổi về nông thôn, cho đến tận bây giờ vẫn chưa thể tiêu tan hết, Lâm Thù Văn nằm trên giường một lúc, rất nhanh đã ngủ say.

Hôm sau, mưa tạnh, bầu trời quang đãng.

Đống lửa nhỏ trong phòng chẳng biết đã tắt từ khi nào, củi khô mà Lâm Thù Văn có thể nhặt được quá ít, đống lửa không cháy được bao lâu, y nằm ngủ trong không gian trống trải đơn sơ suốt đêm, sáng sớm vừa tỉnh dậy đã cảm lạnh.

Vị trí thôn Bát Bảo rất thích hợp để trồng nông sản, lượng mưa hằng năm vô cùng nhiều.

Đêm qua trời lại đổ mưa, mặc dù Lâm Thù Văn có đốt lửa, song tình trạng bệnh vẫn nghiêm trọng thêm, lồng ngực và mũi đều bị nghẹt cứng.

Y dùng lực xoa chóp mũi đỏ ửng, đầu óc quay cuồng nặng nề.

Sau khi bị bệnh rất dễ mất sức, Lâm Thù Văn lấy một trong ba cái bánh gạo còn sót lại ra, vừa ăn vừa uống nước, nhai kỹ nuốt chậm.

Cuộc sống cẩm y ngọc thực trước đây của y, cứ mỗi lần bị bệnh sẽ luôn có người túc trực bên cạnh chăm sóc.

Bây giờ bên người không có ai, Lâm Thù Văn cố nén nước mắt chực rơi nơi khóe mắt, đôi mắt cũng trở nên đỏ ửng, y vội vàng chớp mắt, bánh gạo đang nhai trong miệng cũng chẳng nếm được mùi vị gì, hệt như đang nhai sáp nến.

Vào lúc này chẳng thể bắt bẻ điều gì, bình thường y ăn ít, sợ lần này bị đói sẽ chóng mặt nên mới cố sức há to miệng ăn hết nửa cái bánh gạo mới dừng lại.

Ít nhất, y không thể giống kiếp trước để bản thân ngã chết vì đang đi kiếm ăn trên đường được.

Lâm Thù Văn hít sâu vài lần, sau khi ổn định lại tâm trạng, y bắt đầu thu dọn đống lửa ngày hôm qua, chuẩn bị ra bờ sông múc ít nước mang về nấu.

Mấy ngày liền không được tắm rửa, bây giờ y muốn nấu ít nước nóng lau người.

Bên ngoài dường như có ai đó đang nói chuyện.

Lâm Thù Văn nghiêng tai lắng nghe, do dự chốc lát, y đứng dậy nhìn qua khe hở, trông thấy Mạc Bố ở bên ngoài.

Mạc Bố đang nói chuyện với thôn dân xung quanh, trên mặt là nụ cười tươi rói, cậu tiễn thôn dân trở về, đứng bên ngoài hàng rào cũ của nhà họ Lâm nhìn quanh quất.

Lâm Thù Văn đứng trong sân, lớn giọng hỏi thăm: "Mạc Bố, sao lại là ngươi, có chuyện gì không?"

Mạc Bố gãi tai, giọng nói cố gắng cất cao của thiếu niên lọt vào tai cậu giống như có đôi móng vuốt nhẹ nhàng cào qua vậy, nghe xong còn làm trong lòng thêm ngứa ngáy.

Cậu cười ngây ngô một tiếng: "Trời hơi sáng là tui và cha đã xuống ruộng làm việc, đi ngang qua đây nên muốn đến xem cậu thế nào."

Lâm Thù Văn nhìn xuống mũi chân, chậm rãi đi mấy bước, đến gần hàng rào hơn.

Y hỏi: "Mạc Bố, ngươi có biết ở đâu có thể nhặt được nhiều củi khô hơn không?"

Mạc Bố nghe giọng nói khàn khàn của thiếu niên, không khỏi quan tâm: "Đêm qua bị cảm lạnh sao?"

Thiếu niên có làn da rám nắng quan sát hàng rào cũ đã bị hư hại của nhà họ Lâm, rồi lại nhìn khuôn mặt tiều tụy của Lâm Thù Văn, yên lặng đau lòng.

"Để tui giúp cậu tìm ít củi khô nhé."

Nhà cũ đơn sơ, bốn bức tường còn lọt gió, Mạc Bố ban đầu còn nói lắp, giờ phút này cảm thấy lo lắng, giọng nói cũng trở nên gấp gáp hơn.

"Tui về nhà lấy vài bó củi khô mang đến đây, quần áo của cậu khá mỏng, tuy quần áo của tui làm bằng vải thô, nhưng mặc trên người vẫn xem như ấm áp, cậu..."

Lâm Thù Văn ngắt lời đối phương: "Ta chỉ cần một chút củi khô là đủ rồi, cảm ơn ngươi, Mạc Bố."

Mạc Bố: "À."

Lại nói tiếp: "Căn nhà này cũng lâu năm rồi, chờ thời tiết tốt hơn thì tìm người đến sửa lại đi, trong sân mọc quá nhiều cỏ dại, nếu như cần người giúp đỡ thì có thể đến tìm tui nha, một mình cậu sống ở đây cũng không dễ dàng gì."

Lâm Thù Văn: "Cảm ơn..."

Mạc Bố: "Không cần khách sáo."

Nói rồi liếm môi, không nhịn được hỏi: "Lúc cậu rời đi, trong nhà không đưa tiền sao?"

Lâm Thù Văn: "Có cho, là ta sơ ý chủ quan nên đã làm mất trên đường."

Mạc Bố: "Tiền mà còn có thể làm mất sao?"

Nhìn bóng dáng yếu ớt của thiếu niên, cậu lại nói: "Chẳng lẽ có kẻ mượn gió bẻ măng[2] trộm mất tiền!"

[2] mượn gió bẻ măng: Theo Tục ngữ sưu tập và lược giải của Phan Thượng Hải, ý nghĩa thành ngữ "mượn gió bẻ măng" chính là lợi dụng cơ hội, lợi dụng lúc có nguyên cớ bao che để làm việc xấu, sai trái.

Lâm Thù Văn: "..."

Mặc Bố nghiến răng: "Tên trộm đồ đúng là đáng hận, vậy cậu tính làm thế nào? Nếu không ngại phiền phức thì có thể lên nha môn một chuyến đăng ký hộ tịch, có thể nhận được một mẫu đất công đó, nhưng mà chờ đến lúc thu hoạch vẫn cần một khoảng thời gian nữa, nếu không thì để tui tìm mẹ hỏi mượn cho cậu một ít tiền nha."

Lâm Thù Văn lắc đầu: "Không cần, ngươi đã giúp ta rất nhiều."

Mạc Bố hô lên: "Nhưng cũng không thể để cậu đói bụng hay chết cóng ở trong nhà được."

Trên mặt Lâm Thù Văn xuất hiện nét ưu sầu.

"Ta, ta vốn dĩ vai không thể khiêng, tay không thể nâng, không thể so với mọi người có sức lực được." Nói xong khóe miệng còn cong lên nụ cười gượng gạo, "Thật sự giống như một câu nói, kẻ sĩ vô dụng trăm bề[3]..."

[3] Kẻ sĩ vô dụng trăm bề: Nghĩa đen của câu này là ""Trong trăm thứ vô dụng, kẻ sĩ là vô dụng nhất"", hàm ý chê bai những người chỉ biết đọc sách, yếu đuối, không có khả năng lao động chân tay hoặc làm những việc thực tế.

Mạc Bố: "Hả, cậu biết viết chữ sao?"

Lâm Thù Văn: "... Biết."

Mạc Bố: "Tui nghĩ cho ngươi một cách này, cậu có thể giúp người trong thôn viết thư, năm văn tiền một bức."

"Thôn Bát Bảo không có người biết chữ, nếu như muốn gửi cho bạn bè người thân ở xa một bức thư thì phải đến thôn Hạnh Hoa bên cạnh, tìm một vị Phùng tiên sinh nhờ viết hộ, nhưng mà người muốn viết thư cũng không nhiều lắm."

Lâm Thù Văn lẩm bẩm: "Năm văn tiền..."

Y hỏi: "Năm văn tiền có thể mua được cái gì ăn không? Màn thầu? Hay bánh bao?"

Mạc Bố nhìn vẻ mặt hơi ngây ngô của thiếu niên, giải thích: "Một văn tiền có thể mua được một cái màn thầu, ba văn là mua được một cái bánh bao."

Lâm Thù Văn sờ cái bụng xẹp lép, thầm nghĩ nếu có thể lấy được năm văn tiền thì cũng rất tốt, mua được năm cái màn thầu nè, ít nhất có thể đủ cho y ăn trong mấy ngày.

Lúc đến đây, trong túi hành lý của y có để một ít giấy và mực, phu xe chỉ trộm mỗi túi tiền, những thứ khác vẫn còn.

Y nhìn về phía Mạc Bố, giọng nói có hơi căng thẳng.

"Ta phải làm gì mới có thể giúp người trong thôn viết thư?"

Mạc Bố nói: "Để tui đi hỏi giúp cậu cho."

Lâm Thù Văn mở rộng cửa, đôi mắt sáng lấp lánh nhìn về phía Mạc Bố.

"Cảm ơn cậu, Mạc Bố."

Xưa nay Mạc Bố không hề biết rằng tên của mình được người khác thốt ra khỏi miệng lại có thể dễ nghe đến thế. Khẩu âm của Lâm Thù Văn khác hoàn toàn với bọn họ, từng chữ đều được nhấn nhá rõ ràng mềm mại, cậu ngây ngốc cười.

*

Bởi vì bị bệnh nên suốt buổi chiều Lâm Thù Văn đều nằm ngủ trong nhà, chỉ mấy ngày ngắn ngủi, thiếu niên vốn dĩ đã gầy gò nay lại càng thêm hao gầy.

Mạc Bố đang ở dưới ruộng làm việc, thôn dân xuống ruộng cày cuốc rất nhiều, Mạc Bố gặp ai cũng hỏi thăm, quả thật có hai nhà đang tính hai ngày nữa sẽ qua thôn Hạnh Hoa tìm Phùng tiên sinh viết thư.

Mạc Bố lập tức nói: "Đừng đến thôn Hạnh Hoa nữa, thôn Bát Bảo của chúng ta cũng có người biết viết chữ đấy."

Gia đình nông dân nọ ngẩng đầu: "Ai vậy, trong thôn mà có người biết viết chữ à, sao bọn tui lại không biết thế."

Mạc Bố: "Chính là Lâm Thù Văn mới chuyển về thôn ta đó."

"Lâm Thù Văn là ai?"

"Là con trai Lâm Đại Thành mới quay về từ trong huyện đấy, còn người ở thôn chúng ta hóa ra lại là con trai của địa chủ huyện Phong Dương."

"Y sống một mình hả?"

"Lâm Đại Thành và vợ hắn đều chết cả rồi, y còn có thể ở với ai được nữa?"

Vào ngày mùa, các thôn dân vừa làm việc vừa rảnh rỗi tám chuyện cùng nhau, nói một hồi toàn liên quan đến chuyện của Lâm Thù Văn.

Trước khi chạng vạng tối, Mạc Bố dẫn hai người muốn viết thư trong thôn đến nhà tìm Lâm Thù Văn, đứng bên ngoài hàng rào gọi y.

Lâm Thù Văn mới tỉnh dậy không lâu, đang ngồi ở cuối giường ngẩn người, bên tai phải mơ hồ nghe thấy tiếng ai gọi, y ra ngoài mở cửa, vừa trông thấy thôn dân xa lạ thì vô thức cúi đầu.

Mạc Bố giải thích sơ về mục đích đến đây của thôn dân, đôi tai trắng nõn như bạch ngọc của Lâm Thù Văn hơi run lên một cái, nhỏ giọng đồng ý: "Được, ta sẽ viết ngay."

Y tự biết nhà mình đơn sơ, không tiện mời người ngoài vào nhà ngồi chờ.

Thôn dân truyền đạt lại nội dung muốn viết trong thư cho y nghe, Lâm Thù Văn ghi nhớ, nhanh chóng chầm chậm chạy vào nhà.

Thôn dân nói: "Đứa con trai này của Lâm Đại Thành rất sợ người lạ nhỉ."

"Vừa tốt tính lại xinh đẹp, bảo sao Mạc Bố lại thích người ta, tên nhóc nhà ngươi..."

Vị thôn dân còn lại tiếp lời: "Xem trọng người ta rồi phải không?! Con trai Lâm Đại Thành vừa nhìn đã biết là một ca nhi nha, chỗ thắt lưng lộ rõ vòng eo thon!"

Lâm Thù Văn không biết bên ngoài thôn dân đang trêu chọc y và Mạc Bố, y nhanh chóng dựa theo lời bọn họ nói mà viết thư, sau khi ra ngoài thì giao cho hai người.

Lâm Thù Văn vừa nhận được mười văn tiền, y ngay lập tức muốn chia cho Mạc Bố một nửa.

Mạc Bố rụt tay giấu ra sau lưng, lắc đầu: "Tui không nhận đâu, bây giờ cậu đang gặp khó khăn, giữ tiền lại mà dùng."

Trời nhá nhem tối, khói bếp lượn lờ khắp nơi, nhà nhà đều đang nấu cơm.

Lâm Thù Văn còn sợ người lạ hơn cả mèo, y dứt khoát dùng ba văn tiền mua ba cái bánh màn thầu của nhà Mạc Bố làm.

Mạc Bố mang màn thầu đến đưa cho y, thuận tiện cầm theo mấy cây củi thô hơi lớn chút có thể đốt cháy cả đêm cho y luôn.

"Tui vừa mới bổ củi ở nhà, sẵn tay nên bổ nhiều mấy cây."

Hốc mắt Lâm Thù Văn hơi ướt, Mạc Bố đối diện với đôi mắt ngậm nước này của thiếu niên, trái tim nảy lên thình thịch.

"Đừng, đừng khóc mà, chỗ nào cũng có củi để đốt hết, không đáng bao nhiêu tiền đâu. Hơn nữa cậu cũng mua màn thầu nhà tui mà, mẹ tui nhận được tiền nên vui vẻ lắm, còn hỏi ngày mai cậu có muốn mua nữa không."

Người dân sống trong thôn phần lớn toàn tự cung tự cấp, đất công phải đóng thuế cao, bọn họ không dựa vào ruộng đất để kiếm tiền.

Ở nơi đây không có nhà nào thiếu màn thầu, vậy nên việc bán màn thầu hay bánh bao cho thôn dân xung quanh đây cũng không thể làm được.

Lâm Thù Văn mím môi, rụt rè mỉm cười: "Đợi ta ăn hết sẽ đến chỗ thím Mạc mua thêm."

Mạc Bố cười nói: "Được."

Tối nay Lâm Thù Văn được ăn bánh màn thầu nóng hổi, ánh lửa phản chiếu gương mặt hốc hác vì bị bệnh của y, lâu rồi trên mặt y mới xuất hiện nụ cười nhẹ.

Trước khi sống lại, cuộc sống của Lâm Thù Văn trôi qua quá tốt, vậy nên y chưa từng cảm thấy một cái bánh màn thầu chẳng có hương vị gì cũng có thể ăn ngon đến vậy. Trong ngôi nhà cũ đơn sơ, bởi vì có ánh lửa cháy suốt cả đêm mà trở nên ấm áp hơn rất nhiều.

================

Lời tác giả:

Anh công già tồn tại trong lời đồn sẽ xuất hiện sau mấy chương nữa nhé.

Bạn đang đọc truyện trên: TruyenTop.Vip