Chương 6:
CHƯƠNG 6: MƯỢN CHỖ CỦA ĐỘI THƯƠNG BUÔN TRÁNH MƯA
EDIT: Lê Chua
* * *
Có ba người đứng bên ngoài cửa nhà họ Lâm.
Cát thị nói: "Tiểu Lâm trắng trẻo nhã nhặn, chữ viết cũng rất đẹp, lần trước nhà tui tới tìm y nhờ viết thư có hỏi thăm qua rồi, từ nhỏ đã được mời tiên sinh đến dạy học, còn đọc rất nhiều sách đấy, dư sức dạy học cho Phúc Bảo nhà mi nha!"
Lại thấp giọng nói thêm: "Có điều Tiểu Lâm hơi sợ người lạ, lúc chúng ta nói chuyện thì nói nhỏ một chút, cũng đừng nhìn chằm chằm vào người ta đấy nhé."
Khác với Cát Thị mặc quần áo mùa xuân bằng vải thô màu xám nhạt, hai thanh niên đứng bên cạnh là gia đinh nhà họ Chu ở thôn Hạnh Hoa.
Nhà họ Chu ở thôn Hạnh Hoa chính là gia đình giàu có nhất trong các thôn làng quanh đây.
Mỗi năm nhà họ Chu đều trồng được giống cây tốt, tiền công kiếm được nhiều, vào ngày mùa hằng năm đều mời người đến làm việc, đồ dùng sử dụng ngày càng tốt, ngay cả gia đinh trong nhà cũng mời tới ba người.
Hai người đứng cạnh Cát Thị lúc này chính là hai gia đinh trong nhà đó, hôm nay bọn họ đến thay nhà họ Chu tìm gặp Lâm Thù Văn.
Nhà họ Chu có hai đứa con gái, năm nay mới sáu bảy tuổi.
Hai vợ chồng họ Chu có suy nghĩ tiến bộ vượt mức so với phần lớn người dân xuất thân nông thôn, chỉ cần trong nhà có điều kiện sẽ lập tức mời thầy dạy đến nhà truyền đạt học thức cho con gái, dạy bọn họ đọc văn viết chữ.
Vị thầy giáo ban đầu nhà họ Chu mời đến đã về quê cưới vợ sinh con, họ vốn dĩ định mời Phùng tiên sinh đến nhưng Phùng tiên sinh lại tự nhận mình là người duy nhất có học thức uyên bác nhất vùng này, thế nên tính tình có phần kiêu ngạo tự cao.
Nhà họ Chu cho người đến nhà Phùng tiên sinh mời hai lần đều không thành công, hôm nay Cát thị có việc đến thôn Hạnh Hoa cho nên nghe được việc này, vậy là bà liền dẫn người đến trước nhà cũ của nhà họ Lâm.
Cát thị thay hai bên giới thiệu đơn giản, nói rõ mọi chuyện, ánh mắt chuyển sang người Lâm Thù Văn trắng nõn như bột, hỏi: "Ý của Tiểu Lâm thế nào?"
Lâm Thù Văn hiện cũng đang túng thiếu, nên y không vội vã từ chối.
Y nói khẽ: "Ta có thể thử xem."
Hai gia đinh của nhà họ Chu nhìn thấy bề ngoài của y trắng trẻo tuấn tú, tuy rằng còn trẻ tuổi nhưng lúc đứng im một chỗ lại lộ ra khí chất khác biệt hẳn so với người thường.
Hai người trao đổi ánh mắt, mở miệng nói: "Mời Lâm tiên sinh theo chúng ta đến nhà họ Chu một chuyến, đợi phu nhân và tiên sinh gặp mặt xong rồi lại quyết định chuyện này."
Lâm Thù Văn gật đầu: "Được."
Gia đinh lập tức đánh xe tới, ban nãy Lâm Thù Văn bị bọn họ nhìn chằm chằm nên cảm thấy không được tự nhiên, giờ phút này ngồi ở trong xe, bốn phía được rèm vải màu vàng nhạt ngăn cách, một mình ngồi trong không gian nho nhỏ, y liên tục ám chỉ mình phải thả lỏng.
Thôn Hạnh Hoa cách thôn Bát Bảo chừng một khắc đi đường, ra khỏi thôn Bát Bảo đi thẳng về phía bên phải nửa khắc, sau đó đi qua một cây cầu rồi men theo một đường vòng cung thêm nửa khắc, ngồi xe ngựa phải mất ít nhất một khắc mới đến nơi.
Bên dưới đồi núi là đồng ruộng san sát, thời gian vào xuân là lúc bận bịu nhất, dưới ruộng được cắm đầy mạ xanh tươi tốt.
Lâm Thù Văn nhìn ra phong cảnh ngoài thôn thông qua cửa xe, trước mắt xuất hiện một dòng sông rộng khoảng 20 thước, nước sông dâng cao, mặt nước mạ một lớp màu xanh ngọc bích, từng đàn cò trắng đang nghỉ chân.
Xe ngựa lướt qua mặt cầu, lại chạy thêm nửa khắc, cuối cùng cũng tới thôn Hạnh Hoa.
Tiết xuân tươi đẹp chính là mùa hoa hạnh nở rộ, cả thôn gần như bị bao phủ trong sắc hoa tươi thắm, vì trời đang đổ mưa nên rất nhiều cánh hoa rơi đầy trên mặt đất, gió nhẹ thổi qua cuốn theo cánh hoa bay lả tả đầy trời.
Lâm Thù Văn nhặt một cánh hoa bị gió cuốn vào trong cửa sổ xe, xe ngựa dừng lại bên ngoài cửa nhà họ Chu.
Y vừa bước xuống đã lập tức bị cảnh tượng gió cuốn hoa hạnh bay rợp trời làm mê mẩn, nhụy hoa hợp thành biển hồng, hương hoa thơm ngát thấm người, nơi gương mặt, đỉnh đầu và bả vai của y đều bị dính không ít cánh hoa.
Y nhẹ nhàng lắc rơi cánh hoa dính trên người xuống, đi theo sau gia đinh vào cửa chính.
Nhà họ Chu được xây dựng lớn hơn nhà các hộ nông dân khác mấy lần, sau khi vào cửa chính còn phải đi qua hành lang dài, được chia thành sân nhỏ phía trước, sân giữa và sân sau, phòng ốc thì xây thành lầu, mỗi lầu đều cao ít nhất ba tầng trở lên.
Lâm Thù Văn vẫn giữ nét mặt như thường bước đi.
Trước cửa, người phụ nữ có nước da hơi trắng mặc một chiếc áo xuân màu xanh sẫm kèm một chiếc áo lông màu xám, trên tóc cài trâm hoa, đây là Chu thị.
Chu thị nhìn thấy vị tiên sinh mới mời đến tuy rằng nhỏ tuổi, nhưng bộ dáng và khí chất lại khác biệt so với người thường, trong lòng thầm nghĩ y được giáo dưỡng thật tốt.
Bà cười nói: "Nghe nói Lâm tiên sinh trở về từ huyện thành, trong thành lầu son gác tía đẹp vô cùng, nhà họ Chu chúng ta so sánh với nơi đó cũng chỉ có thể miễn cưỡng nhìn được mà thôi."
Chàng thiếu niên mặc áo xuân màu xanh sẫm đứng dưới gốc cây hoa hạnh có hơi ngẩn ngơ, một giây sau, Lâm Thù Văn mới phản ứng lại kịp là Chu thị đang nói lời khách sáo với mình.
Y hơi mím môi, nghiêm túc trả lời: "Mới nãy trên đường đi đến trông thấy núi non trùng điệp, nước trong như ngọc, tuy trong thành nhiều lầu các nhưng lại không có được vẻ đẹp của chốn sơn dã tự nhiên, tường nhà ẩn hiện dưới khóm hoa khoe sắc, nơi này vẫn được xem như thế ngoại đào viên, cần gì phải so sánh với những phong cảnh vốn khác nhau."
Chu thị cười không khép miệng: "Quả nhiên Tiểu Lâm tiên sinh là người từng đọc sách, lời nói ra cũng khác biệt với thôn dân chúng ta."
Vẻ mặt Lâm Thù Văn đỏ lên, không biết phải trả lời thế nào.
Nhà họ Chu có thể phát triển như ngày hôm nay, cách hành xử tất nhiên không thể giống như các gia đình bình thường khác.
Chu thị đã nhìn ra tính cách Lâm Thù Văn khá thẹn thùng, cũng may y là người biết chút chữ nghĩa, tính cách cũng ôn hòa chững chạc, không giống với vị Phùng tiên sinh kia ỷ vào bản thân là người đọc sách hiếm hoi ở trong thôn nên lúc nào cũng tỏ ra kiêu ngạo, bà lập tức gọi hai con gái mình ra.
Chu thị giữ hai con gái ở trước người: "Đây chính là Lâm tiên sinh mà mẹ mới tìm cho các con, mau chào tiên sinh đi."
Hai đứa bé cũng chỉ mới sáu bảy tuổi, ngoan ngoãn nói với Lâm Thù Văn: "Chào tiên sinh ạ." Tính tình các nàng đều có chút thẹn thùng, bỗng nhiên Lâm Thù Văn không còn thấy căng thẳng như vậy nữa.
Y hỏi thăm ngày thường bọn nhỏ học những sách gì, nghe ngóng xem phương pháp dạy học ban đầu của vị tiên sinh kia ra sao, dần dần cũng hiểu rõ được đại khái.
Bọn trẻ tiếp xúc với tri thức rất ít, dạy học cho chúng cũng không khó, trước tiên bắt đầu từ cuốn [Tam Tự Kinh] dễ hiểu nhất.
Phòng học đặc biệt chuẩn bị cho các con học bài được bày trí khá đơn giản tinh tế, Chu thị đứng ngoài cửa cách một tấm màn che nhìn Lâm Thù Văn tương tác với hai đứa con nhà mình, yên lặng gật gù.
Giờ học đầu Lâm Thù Văn dạy thử nửa canh giờ, bọn trẻ cũng nghe lời nên quá trình xem như thuận lợi.
Vì vậy Chu thị đã thỏa thuận với y cứ một tuần* sẽ đến bảy ngày, mỗi ngày dạy từ giờ Thìn đến giờ Tỵ, trước buổi trưa là có thể trở về.
*Tuần ở đây chia làm 3 tuần trong 1 tháng, mỗi tuần gồm 10 ngày. Được gọi là thượng tuần, trung tuần và hạ tuần.
Về phần Thúc Tu[1], mỗi tháng tính 500 văn tiền, bởi vì giờ dạy học mỗi ngày của y khá ngắn, y lại chưa từng thi đậu công danh gì trên người, vậy nên nhà họ Chu mời y làm tiên sinh cũng không cần bỏ ra quá nhiều Thúc Tu.
[1] Từ gốc là Thúc Tu (束脩): Học trò đến xin học cũng mang theo quà biếu thầy làm lễ, gọi là "thúc tu". Vì thế nên đời sau gọi những bổng lộc của thầy giáo là "thúc tu", có khi gọi tắt là "tu". -> Mình edit luôn thành phí dạy học cho mọi người dễ hiểu nhé
Lúc trước Lâm Quảng Lương từng mời tú tài ở trong thành đến làm tiên sinh cho y, mỗi ngày học ba canh giờ, Thúc Tu mỗi tháng phải đưa ít nhất bốn xâu tiền trở lên.
Lâm Thù Văn tự so sánh nặng nhẹ ở trong lòng, cũng không cảm thấy mình bị bất công hay oan ức gì. Giờ dạy học của y khá ngắn, lại không có công danh gì trên người, làm sao có thể so sánh chung với tú tài được?
Lâm Thù Văn đến bên này khá muộn, hiện giờ khói trắng đã bay đầy khắp thôn, cũng đã đến giờ chuẩn bị cơm tối của các gia đình.
Y đứng dậy cáo từ với Chu thị, cũng không tiện ở lại thêm, đối phương mời y ở lại dùng cơm, còn nói rằng buổi tối sẽ cho xe ngựa đưa y quay về thôn Bát Bảo.
Lâm Thù Văn uyển chuyển từ chối.
Chu thị thở dài: "Vậy thì nhà tui không giữ Lâm tiên sinh ở lại nữa."
Lại nói: "Hôm nay sau nhà thu được không ít trứng gà, tiên sinh cầm lấy một ít mang về nhé?"
Lâm Thù Văn từng mua trứng vịt, cũng biết trứng gà còn mắc tiền hơn cả trứng vịt.
Chu thị đã chân thành mở lời, bà nhìn thấy chồng mình trở về liền kéo tới nói chuyện cùng Lâm Thù Văn.
Đàn ông nhà họ Chu có khuôn mặt vuông, mày rậm mắt to, nhìn qua có phần hung dữ.
Lâm Thù Văn hơi sợ, không dám nói nữa, nhận một rổ trứng gà nhỏ được xếp ngay ngắn từ tay Chu thị, y treo nó trên khuỷu tay rồi đi về phía thôn Bát Bảo.
Phía nam nhiều núi, sau khi ra ngoài khó xác định phương hướng, Lâm Thù Văn híp mắt lại, sắc trời rất âm u, không có cách nào nhìn thấy mặt trời lặn để xác định Đông Tây Nam Bắc, chỉ có thể hỏi thăm các thôn dân trên đường.
Thôn dân chỉ đường cho y, lại hỏi: "Chàng trai trẻ đến từ thôn nào đấy? Bề ngoài tuấn tú quá chừng, đã có hôn phối chưa?"
Lâm Thù Văn hơi hơi cong mắt: "Nhà ở thôn Bát Bảo, vẫn chưa có hôn phối."
Dân làng còn muốn hỏi tiếp, một cơn gió mạnh chợt thổi qua đồi núi, cát đá bay mù mịt, đành nói: "Trời sắp mưa rồi, chàng trai trẻ nhanh trở về nhà đi, còn ở lâu sẽ mắc mưa đấy."
Lâm Thù Văn nhỏ giọng tạm biệt, y cầm rổ trứng rảo bước vội vàng.
Đi được nửa đường thì cơn mưa ập tới, vào mùa xuân ngày ngắn đêm dài, một khi đổ mưa, bầu trời sẽ càng tối nhanh hơn.
Lâm Thù Văn tăng lớn bước chân, từ thôn Hạnh Hoa chạy về thôn Bát Bảo cần khoảng nửa canh giờ.
Lúc trở về nhà cũ thì khắp nơi đã tối đen như mực, Lâm Thù Văn dùng cây châm lửa châm nến, tiếp đó nhóm lửa nấu cháo, bên trong thả thêm hai quả trứng gà, gạo nấu lâu sẽ mềm ra, trứng gà cũng sẽ chín.
Hai quả trứng gà, tối nay ăn một quả, cái còn lại để dành cho ngày mai.
*
Lâm Thù Văn đến thôn Hạnh Hoa dạy học đã hơn một tháng, hằng ngày y đều đúng giờ đi bộ đến nhà họ Chu thôn Hạnh Hoa, y chuẩn bị dạy xong thượng tuần, chờ lúc được nghỉ sẽ lên phủ huyện đăng ký, sau khi về thì nhận một mẫu ruộng trồng trọt.
Đợi cuối tháng nhận tiền công, y sẽ mời sư phó đến sửa chữa lại phần mái nhà cũ bị dột.
Chăn nệm cũng cần mua mới, trời mưa vào đêm xuân rất lạnh, Lâm Thù Văn mặc đến ba lớp quần áo cũng không thấy ấm thêm chút nào, chỉ có thể dựa vào củi lửa để sưởi ấm.
Một ngày dạy học kết thúc, buổi trưa sắc trời đã trở nên âm trầm, những giọt mưa trắng xóa rơi trên mái hiên kêu lộp bộp, sương mù nổi lên khắp nơi làm tầm nhìn trở nên mơ hồ, hệt như đêm muộn.
Cơn mưa này đã chặn mất con đường trở về thôn Bát Bảo của Lâm Thù Văn, y ở trong nhà họ Chu chờ suốt một canh giờ, thế mà mưa vẫn chẳng ngớt.
Lâm Thù Văn sợ ở lại lâu thêm chút nữa trời sẽ tối mất, y cắn răng, che dù rồi chạy chậm ra khỏi mái hiên nhà họ Chu rời đi, đế giày lập tức bị thấm ướt.
Mưa rào nhỏ được nửa đường bỗng trở nên nặng hạt, Lâm Thù Văn quan sát đồi núi u ám xung quanh, cơ thể bị xối ướt một nửa khẽ run rẩy, hô hấp cũng dồn dập hơn, cố gắng chạy thêm một đoạn nữa là có thể qua cầu.
Nào có ngờ đường trở về lắm đổi thay, mực nước sông đã dâng lên cao, tràn qua cả mặt cầu, căn bản không nhìn ra hình dáng cụ thể của cây cầu đâu nữa.
Nước sông chảy xiết, toàn bộ thân cầu đã chìm trong nước, bây giờ nếu cố chấp đi tiếp thì không khác gì mang tính mạng ra đánh cược.
Lâm Thù Văn lau đi giọt nước chảy vào trong dù, gạt đi cỏ cây ven đường, y muốn tìm một chỗ nào đó tránh mưa trước.
Tiếng ngựa hí truyền đến từ xa, y nghi ngờ đi đến nơi phát ra âm thanh, con ngươi chợt trợn to, đằng xa có một đội thương buôn đang dừng chân.
Lâm Thù Văn không nhìn rõ dấu hiệu đánh dấu trên lá cờ của đội thương buôn, mấy chiếc lều được dựng dưới màn mưa lớn, mỗi chiếc lều đều lớn khoảng tầm một gian nhà ở.
Hộ vệ nhìn thấy có người xông vào khu vực của đội buôn, lập tức cất giọng quát hỏi: "Người đến là ai?"
Lâm Thù Văn ngắt quãng giải thích thân phận của mình cho đối phương, cả người y bị ướt lạnh, lúc mở miệng nói chuyện hai cánh môi đều run rẩy va vào nhau.
Cứ tiếp tục như vậy y chắc chắn sẽ bị lạnh chết cóng, Lâm Thù Văn không thể không xin sự giúp đỡ của hộ vệ: "Đại, đại ca này, có thể cho ta, mượn, mượn chỗ các người tránh mưa, không, quá, quá lạnh..."
Hộ vệ giơ đèn quan sát, nhìn thấy thiếu niên trước mặt gầy yếu khá chật vật, chỉ nói: "Ngươi chờ một lát, để ra đi hỏi chủ tử nhà ta đã."
Lâm Thù Văn mím chặt môi, không để cho khí lạnh tràn vào cổ họng, nhẹ nhàng gật đầu.
Hộ vệ đi rất nhanh đã trở về, nhìn Lâm Thù Văn rồi nói: "Vào đi."
Lâm Thù Văn: "Cảm ơn."
Mấy chiếc lều xung quanh đều ngồi đầy người, mưa rơi quá lớn, một đám người ở trong lều dựng bàn ăn cơm uống trà, Lâm Thù Văn nhìn thấy nhiều người như thế, trái tim bỗng xiết chặt lại, y nép mình vào góc vắng nhất, hận không thể nhét cả người vào trong khe hở luôn.
Vị hộ vệ dẫn y vào trong nhếch miệng cười một tiếng: "Tiểu tử xấu hổ đấy à?"
Lâm Thù Văn quay đầu, tóc mai ẩm ướt dán vào hai bên má, lộ ra khuôn mặt trắng như tuyết, vừa nhếch nhác vừa yếu ớt.
Khắp núi đồi đã sớm tối đen, trong lều có thắp mấy ngọn đèn sáng rõ.
Đám người mượn ánh sáng nhìn rõ dáng vẻ của Lâm Thù Văn, bất chợt đều im lặng cả.
Có người hắng giọng một cái: "Ngươi, ngươi là ca nhi à?"
Khó trách lại vừa sợ người lạ vừa dễ xấu hổ như vậy.
Bảy tám tên hộ vệ lập tức ngồi ngay ngắn, hộ vệ đã dẫn y vào nói: "Phía trước còn có một cái lều nhỏ ở giữa, ngươi qua đó nghỉ ngơi đi. Nhưng mà đằng sau lều nhỏ là lều của chủ tử chúng ta, đừng có tạo ra tiếng động gì lớn đấy."
Lâm Thù Văn: "Không cần..."
Hộ vệ đứng dậy: "Nhanh đi đừng lề mề nữa, đi theo ta."
Lâm Thù Văn bước vào căn lều nhỏ kia, bên trong có đặt bàn lớn và ghế dựa, quần áo trên người y đã ướt hết, y vẫn đứng một chỗ không ngồi xuống.
Bất ngờ một tia sét rạch ngang bầu trời, Lâm Thù Văn không còn tâm tư để ý quá nhiều, y lập tức ngồi lên ghế vùi mặt vào đầu gối, cánh tay vòng lấy hai chân run rẩy.
Lâm Thù Văn từ nhỏ đã sợ sấm sét, giờ phút này vừa lạnh lại vừa sợ, trong lúc hoảng sợ y không thể không run run nói một cái gì đó, ý định dời lực chú ý sang chuyện khác.
Lần này y đọc Thanh Tịnh Kinh.[2]
"Lão Quân nói: Đại Đạo vô hình, sinh ra trời đất; Đại Đạo vô tình, vận hành nhật nguyệt; Đại Đạo vô danh, nuôi dưỡng vạn vật. Ta không biết tên của nó..."
[2] Đây là đoạn mở đầu của "Thanh Tịnh Kinh" (清净经), một trong những kinh điển quan trọng của Đạo giáo. Nội dung kinh này nhấn mạnh về "Đạo" – một thực thể vô hình, vô danh, nhưng lại vận hành và nuôi dưỡng vạn vật trong trời đất.
Ban đầu giọng điệu của thiếu niên còn phập phồng, sau đó lại chậm rãi khôi phục sự bình ổn.
Không biết trôi qua bao lâu, tiếng mưa rơi dần nhỏ lại, Lâm Thù Văn không dám tiếp tục dừng lại, y cầm theo cái đèn được hộ vệ tặng cho, bước thấp bước cao hòa vào bóng đêm ẩm ướt rời đi.
Hộ vệ nhìn y đi xa, sau đó ra hiệu cho mọi người xung quanh thu dọn đồ đạc.
Hắn bước đến bên ngoài chiếc lều lớn nhất kia, gọi: "Chủ nhân, mưa đã nhỏ lại, đồ đạc thu dọn xong là có thể tiếp tục lên đường, đằng trước chính là thôn Bát Bảo."
Hộ vệ đợi một lúc không thấy gì, hắn đang tính mở miệng, lại nghe thấy giọng nói trầm thấp hơi mệt mỏi của chủ tử vang lên.
"Lúc nãy ai nói chuyện ở bên ngoài?"
Hộ vệ: "Dạ?"
Lại vội vàng nói: "Chẳng lẽ là thiếu niên vừa mới mượn chỗ trú mưa?"
Trong lều, chủ nhân của đội thương buôn mặc một bộ trường sam hoa văn chìm màu đen, một tay chống cằm, con ngươi có màu nâu nhạt hiện lên chút khó hiểu.
Xưa giờ hắn không hề thích những đêm mưa, quá ồn ào, nhưng giấc mơ ngắn ngủi ban nãy lại làm hắn mơ màng.
* * *
Lời tác giả:
Ngày mai sẽ nhặt bé mèo con mắc mưa lên xe ngồi cùng!
Bạn đang đọc truyện trên: TruyenTop.Vip