Chương 1
Note: OOC, truyện lấy tên nhân vật, truyện và mọi tình tiết nội dung trong truyện là sản phẩm của trí tưởng tượng.
--------------
Hồi đó ở xứ Cái Răng, có cái nhà ông bà Hội đồng Hai Chương nổi tiếng cả vùng. Ổng bà vốn là điền chủ, đất đai cò bay thẳng cánh, trong nhà ruộng sâu trâu nái, người làm kêu réo inh ỏi suốt ngày. Nhưng cái làm người ta nhắc tới nhà đó nhiều nhứt, hổng phải vì giàu, mà vì có hai cậu con trai đẹp trai nức tiếng: cậu Quang Anh với cậu Đăng Dương.
Cậu Quang Anh là anh hai, dáng người cao ráo, da trắng vừa phải như cơm nếp mới đồ, mặt mày sáng sủa, trán cao mày rậm, nhìn một cái là thấy khí chất con nhà lành. Mỗi lần cậu cười, cái miệng cong cong như vầng trăng non đầu tháng, con gái trong vùng thương muốn rụng tim. Cậu lanh lợi, học một biết mười, lại có khiếu coi sổ sách, quản việc nhà trên nhà dưới đâu ra đó, người làm trong nhà ai cũng nể, mà ai nấy cũng mến vì cậu nói chuyện nhỏ nhẹ mà chắc như đinh đóng cột.
Còn cậu út Đăng Dương thì đúng là khác nước với ông anh. Cũng lanh lợi đó, cũng sáng dạ đó, mà trời sanh ra có cái miệng... nói câu nào là người ta khựng câu đó. Cái kiểu nói chuyện của cậu Dương, không khéo thì êm ru như hát ru con nít, mà lỡ lấn mép cái là y như đem câu chuyện... dắt vô ngõ cụt. Thiệt, ai hổng quen thì tưởng cậu giỡn, ai quen rồi mới biết: trời đất ơi, nó khờ thiệt!
Mà khờ vậy chớ học giỏi nha. Học chữ Nho, chữ quốc ngữ, hò đối đáp, ca cải lương... cái gì cũng biết chút chút. Ổng khờ mà duyên, nói chuyện có khi lật hết cả làng, vậy mà ngó cái mặt hổng ai nỡ giận lâu. Mấy cô gái dưới quê, có cô nói nhỏ với nha
"Đẹp trai kiểu cậu Quang Anh là để ngắm, còn đẹp kiểu cậu Đăng Dương là để... thương"
(...)
Cách xứ Cái Răng không xa là bao, băng qua một con rạch nhỏ, tới xóm Cái Sắn, ở đó có nhà thầy đồ Văn– người được cả vùng kính trọng. Ai có con tới tuổi học chữ đều ráng rước cho được thầy, bởi người ta đồn
"Muốn con nên thân, thì rước thầy Văn về dạy."
Nhà thầy đồ hổng phải giàu sụ như nhà hội đồng, nhưng cũng thuộc dạng có của ăn của để, sống đàng hoàng, nền nếp, chữ nghĩa đàng hoàng coi trọng lễ nghĩa. Đất đai không rộng như người ta, nhưng đủ trồng cau, nuôi gà, có vườn hoa vườn thuốc thơm phức. Trong sân có cây bông giấy đỏ chói rủ xuống hàng ba, cái bàn tre kê dưới hiên lúc nào cũng đầy học trò ngồi ê a đọc sách. Người trong vùng ai cũng trọng nhà thầy, vì có tiếng học rộng mà sống hiền, sống nghĩa.
Thầy đồ có hai cậu con trai, ai gặp qua cũng nhớ mặt không quên: cậu Quang Hùng với cậu Đức Duy.
Cậu Quang Hùng là anh lớn, trắng trẻo, dáng người mảnh khảnh, đi đứng khoan thai, cái miệng lúc nào cũng cười mà mắt lại như đang suy nghĩ chuyện gì xa xăm. Mỗi lần đọc thơ, giọng cậu nhỏ nhẹ như gió sớm, cái nét đẹp của cậu Hùng là kiểu thư sinh nho nhã, ít nói mà sâu sắc, y như trang sách cũ phải đọc kỹ mới hiểu.
Còn cậu em Đức Duy thì khác hẳn. Cũng trắng hồng hào, tóc đen nhánh chải mượt như lá dừa nước, lúc nào cũng thơm mùi bồ kết, miệng cười toe toét, chân tay thì nhanh nhẹn như con sóc. Cái đẹp của cậu Duy là kiểu thư sinh tinh nghịch, nói năng lanh chanh, đụng đâu cũng cười nói, nhưng lại rất khéo léo, lanh lợi khỏi chê.
Hai anh em nhìn vô tưởng hiền, mà nhiều khi cũng không phải hiền đâu nghen. Cậu Hùng thì âm thầm mưu kế, còn cậu Duy thì miệng cười nhưng tay không ngừng bày trò. Hễ có chuyện gì lạ trong làng, quay qua quay lại đều thấy bóng hai cậu thấp thoáng đâu đó.
(...)
Hôm nay, hai con trai thầy Văn có hứng câu cá, hai anh em liền rủ nhau đi ra sau nhà, men theo con rạch nhỏ nước trong veo chảy rì rào. Quang Hùng xách giỏ tre, còn Đức Duy thì ôm cần câu dài gần bằng nửa người, vừa đi vừa lẩm nhẩm mấy câu thơ mới học.
Trời mới hừng nắng, ánh sáng len qua mấy tàu lá chuối, chiếu xuống mặt rạch lấp lánh như phủ vàng. Hai cậu chọn chỗ quen thuộc dưới gốc cây gáo già, nơi rễ chằng chịt vươn ra mặt nước, cá lòng tong cá rô hay bu lại từng đàn.
"Anh Hai ngồi yên câu đi, đừng có lắc cái cần hoài, cá nó sợ, nó hổng đớp mồi đâu đó" Đức Duy nói, giọng ra vẻ hiểu biết
Quang Hùng liếc nhẹ, cười mỉm
"Bé út coi bộ rành quá ha, thử hỏi sáng giờ ai chưa câu được con nào?"
Duy nghe vậy liền chống nạnh, bĩu môi
"Em nhường hai chớ bộ. Hồi nãy cá giựt muốn đứt dây, em rút sớm là dính rồi đó, tại muốn cho hai có cá mang về trước."
"Ờ... ờ, vậy lát về khỏi khoe cha ai câu nhiều hơn nha" Quang Hùng cười khì, tay vẫn nhẹ nhàng nắm lấy cần câu, mắt nhìn mặt nước lặng im.
Gió đồng thổi nhè nhẹ, mùi bùn non hòa lẫn với mùi cỏ mới cắt thơm ngát. Thỉnh thoảng có tiếng chim kêu đâu đó, hoặc tiếng cá quẫy nhẹ làm mặt nước gợn lên mấy vòng sóng nhỏ. Hai anh em cứ thế mà câu, vừa nhứ mồi vừa chọc ghẹo nhau, tưởng hiền chớ đụng chuyện là đấu lý không thua gì mấy ông trên đình.
(...)
Quang Anh với Đăng Dương từ nhỏ đã được cha mẹ cho theo học ở nhà thầy Văn. Thầy hiền hậu, dạy dỗ tận tình, lại thường khen hai anh em thông minh, sáng dạ, chữ nghĩa đâu ra đó. Nhờ vậy, dù nhà ông Hội đồng bề thế giàu có, nhưng hai cậu con trai lại kính nể thầy như người ruột thịt. Có lần bà Hội đồng còn cười nói
"Tụi nhỏ mà đụng chuyện gì là nhắc thầy Văn trước chớ không nhắc cha mẹ nó đâu hà!"
Sau quãng thời gian dài học tập trên Sài Gòn, nay cả hai cậu Quang Anh với Đăng Dương đều về lại quê nhà, tay xách nách mang nào là vali, nào là hộp giấy đầy ắp quà bánh, sách vở, đồ lỉnh kỉnh mang từ chốn thị thành. Cha mẹ mừng rỡ, người làm trong nhà cũng rộn ràng hẳn lên vì có tiếng cười nói trẻ trung vang vang cả ngõ.
Việc đầu tiên khi vừa về tới nhà, sau khi nghỉ ngơi một buổi, cậu Quang Anh đã dặn người làm sửa soạn mấy món quà đặc biệt để đem qua biếu thầy Văn. Cậu Đăng Dương cũng không chịu thua, còn lén đem thêm mấy cuốn sách hay mua từ tiệm sách Tây trên Sài Gòn, bọc giấy cẩn thận, gói ghém như trân như bảo.
Sáng hôm đó, trời vừa tạnh sương, gió bưng mát rượi, hai cậu Quang Anh với Đăng Dương đã sửa soạn qua nhà thầy Văn. Cả hai bận áo sơ mi trắng, quần tây ống đứng, mang giày bata đơn giản nhưng sạch sẽ, tóc tai gọn gàng, tay xách giỏ đựng quà, trông vừa bảnh bao mà vẫn giữ được nét mộc mạc của trai quê.
Con rạch nhỏ ngăn đôi hai vùng quê vẫn trong veo, nước lấp lánh ánh nắng sớm, lục bình trôi lững lờ. Qua khỏi cây cầu gỗ nhỏ, nhà thầy Văn hiện ra sau rặng cau quen thuộc, cây bông giấy đỏ rực vẫn rủ xuống hàng ba, y như hồi còn nhỏ hai cậu theo học ở đây.
Vừa bước vô sân, thầy Văn đã thấy hai bóng dáng cao lớn quen thuộc. Ông buông chổi, mắt sáng lên:
"Ủa trời, Quang Anh với Đăng Dương đó hả? Hai đứa về khi nào vậy?"
"Dạ tụi con mới về bữa hôm kia, nay rảnh nên ghé thăm thầy liền " Quang Anh cười hiền, tay đặt giỏ quà lên bàn tre ngoài hiên.
Đăng Dương xăm xăm đi theo, tay không quên ôm thêm mấy cuốn sách mới
"Trà với bánh này con mua ở chợ Bến Thành đó nghen, thơm lắm, còn mấy cuốn sách này là chọn kỹ lắm mới dám mang về tặng thầy."
Thầy Văn cười mà lòng thấy rưng rưng, tay ông sờ nhẹ lên mặt sách, gật gù
"Ừ, tụi con còn nhớ thầy là quý lắm rồi"
Chưa kịp nói thêm, ngoài ngõ vang lên tiếng nói cười
"Cha ơi... Tụi con câu được chừng này nè, chắc đủ nấu canh!"
Hai cậu trai một lớn một nhỏ vừa từ mé rạch đi vô, tay xách giỏ tre, nước còn nhỏ từng giọt. Là Quang Hùng và Đức Duy – hai đứa con trai của thầy. Tóc tai rối nhẹ vì gió, gương mặt dính chút bùn đất, nhưng Quang Hùng vẫn giữ được nét thư sinh nho nhã, còn Đức Duy thì khỏi nói ống quần một bên thả còn một bên thì xắn lên tới bắp chân , áo bà ba thấm chút mồ hôi sớm. Vừa thấy khách lạ thì cả hai khựng lại một chút
Quang Hùng đứng yên, ánh mắt lặng lẽ lướt qua hai người đang ngồi trong hiên nhà, như đang dò hỏi coi đó là ai. Còn Đức Duy thì nhướng mày, liếc nhanh qua anh mình rồi quay lại nhìn Đăng Dương với vẻ tò mò không giấu.
Thầy Văn cười hiền, chống cây chổi vô hàng ba rồi ngoắc tay gọi
"Lại chào khách đi, đây là Quang Anh với Đăng Dương – học trò cũ của cha, hồi nhỏ theo học ở đây mấy năm trời. Giờ học xong trên Sài Gòn, mới về bữa kia đó...mà Quang Hùng thì lớn tuổi hơn hai trò luôn đó"
Nghe tới tên, Quang Hùng hơi nghiêng đầu, bước chậm chậm lên hiên, giỏ cá tre còn lủng lẳng trong tay. Y cúi chào nhẹ nhàng
"Chào hai cậu"
Đức Duy thì lẹ miệng hơn, cười tươi rói
"Ủa vậy là hai anh ở xứ Cái Răng phải không? Hèn chi nhìn mặt lạ hoắc mà bận đồ coi bộ sáng láng dữ hen!"
Đăng Dương bật cười ha hả
"Vậy chớ tụi tui mà sáng láng, thì hai cậu bận kiểu này là... "cá tính" dữ lắm đó nghen!"
Mọi người cùng phá lên cười. Đức Duy chớp mắt
"Cá tính gì, bận vậy mới câu cá được chớ! Mà hôm nay trúng mánh nha, được hai con rô đồng bự tổ chảng"
Em giơ giỏ lên khoe, cá còn giãy đành đạch, nước văng tứ phía, làm Đăng Dương theo phản xạ né qua một bên. Quang Anh ngồi kế bên chỉ mỉm cười, giọng trầm trầm
"Lâu rồi mới nghe giọng quê nói rôm rả kiểu này. Ở trên Sài Gòn riết, ai cũng nói năng lẹ làng mà lạnh tanh"
Quang Hùng im lặng từ nãy giờ, lúc này mới nhẹ nhàng lên tiếng
"Vậy giờ về rồi, chắc ở luôn chứ?"
Quang Anh gật đầu
"Dạ, cha mẹ già rồi, cũng tới lúc phải đỡ đần. Với lại... nhớ quê lắm."
Câu nói sau cùng được buông ra như một tiếng thở nhẹ, gió ngoài vườn lùa qua hàng cau rì rào, làm cả bốn người im lặng một chút. Đăng Dương chống cằm, quay sang nhìn Quang Hùng, rồi quay sang Đức Duy, như đang cân đo chuyện gì trong đầu. Rồi cậu thở ra một tiếng rõ dài
"Ừ, vậy mà quê vẫn có mấy người lạ hoắc chưa gặp bao giờ"
Đức Duy bật cười, kéo chiếc ghế tre ngồi phịch xuống
"Vậy thì gặp rồi đó, nhớ mặt nghen. Tui tên Đức Duy, còn ông anh mặt lúc nào cũng như đang suy nghĩ chuyện thiên hạ là Quang Hùng. Nhớ chưa?"
"Nhớ rồi!" Đăng Dương gật cái rụp
"Còn tui là Đăng Dương, còn người bảnh trai ngồi kế bên là Quang Anh. Coi vậy chớ tui út đó nghen!"
Thầy Văn đứng trong nhà bước ra, tay bưng bình trà mới pha, nhìn cả đám mà miệng cứ cười hoài
"Đó, mấy bữa trước còn nhà yên như chùa hoang, nay có tiếng cười rồi thấy cũng ấm bụng"
Trà được rót ra chén, mùi thơm thoang thoảng. Mấy con chim sâu ríu rít trên mái hiên. Bốn người ngồi quay quần quanh chiếc bàn tre cũ kỹ, mà câu chuyện cứ tự nhiên chảy ra, như nước từ nguồn, lặng lẽ mà đầy sức sống.
"Thôi, con với út vô nhà tắm rửa nha cha, cha ngồi đây mà tâm sự với hai học trò cũ của cha đi" Quang Hùng lên tiếng
"Hai, trưa nay mần gì với mấy con cá này?" Đức Duy cầm cái giỏ cá lên, nghiêng đầu hỏi Quang Hùng
"Út hỏi xem nay cha muốn ăn món gì rồi mình mần"
Quang Hùng vừa nói vừa đứng dậy, phủi nhẹ bụi đất dính trên ống quần. Cái giọng y lúc nào cũng nhẹ như gió thoảng, không cao không thấp, nhưng có một kiểu chắc nịch khiến người nghe khó mà cãi lại.
Đức Duy cầm giỏ cá lắc lắc, cá bên trong giãy thêm vài cái yếu ớt. Em nghển cổ nhìn thầy Văn đang rót thêm trà, giọng lanh lảnh
"Cha ơi, nay cha muốn ăn canh chua hay cá kho tiêu? Hay là để tụi con chiên xù cho lạ miệng?"
Thầy Văn không ngẩng đầu, chỉ xua tay cười
"Tụi con ăn sao thì mần nấy, đừng mặn quá là được. Hồi nãy cha có hái mớ rau muống non sau hè, lát luộc sơ rồi làm nước mắm tỏi chanh là hết sẩy...rồi lát hai đứa ở lại ăn cơm với thầy cho vui nghen"
Nghe tới nước mắm tỏi chanh, Đăng Dương bỗng ngồi bật dậy, vỗ đùi cái bốp
"Trời đất ơi, nói tới mắm tỏi chanh là bụng con kêu réo rồi nè!"
Quang Anh lắc đầu cười khẽ
"Mới uống chén trà mà ăn nhậu gì sớm dữ..."
"Chớ cái bụng có đợi ai đâu!" Đăng Dương giả vờ rên rỉ, rồi quay sang Đức Duy
"Vậy lát cho tui phụ mần cá nghen?"
Đức Duy bặm môi, nhướng mày
"Anh biết làm hả?"
"Biết chớ! Không tin thì cứ để tui làm, còn không thì đứng bên chỉ tay cũng được!"
Cả đám lại cười rôm rả. Quang Hùng thì chỉ cười nhẹ, lặng lẽ xách giỏ cá đi trước, Đức Duy bám theo sau, vẫn không quên quay lại dặn
" Hai anh ngồi chơi nha, cơm trưa nay có món đặc sản xứ rạch Cái Sắn đãi!"
Hai anh em khuất dần sau lối nhỏ dẫn vô nhà bếp, bước chân chạm lên mặt đất in dấu qua lớp rêu xanh mướt bên hông nhà. Mùi nắng sớm bắt đầu chuyển sang cái oi nhè nhẹ của buổi trưa, nhưng trong sân nhà thầy Văn, mọi thứ vẫn tươi tắn, mộc mạc.
Quang Anh ngồi nghiêng mình dựa vô cột nhà, mắt lơ đãng nhìn hàng cau trước ngõ. Anh quay sang thầy Văn, giọng trầm thấp
"Hồi con còn nhỏ, học buổi nào về cũng ngồi đây. Nhớ mùi trà, nhớ tiếng chim, mà không ngờ... giờ ngồi lại, mọi thứ vẫn y như cũ"
Thầy Văn gật gù, ánh mắt xa xăm
"Có thứ không đổi theo năm tháng. Chỉ có lòng người là dễ thay đổi thôi con à"
Đăng Dương cầm chén trà lên hít hà, giọng lửng lơ
"Vậy chớ thầy nghĩ... lòng người có đổi nhiều không?"
Thầy không trả lời liền. Ông chống tay lên gối, thở ra một hơi chậm rãi rồi mới đáp
"Lúc con người ta còn trẻ, hay nghĩ thay đổi là chuyện lớn lao. Nhưng tới chừng già rồi, mới hiểu... đổi nhiều hay ít không quan trọng bằng chuyện có còn nhớ cái cũ hay không. Còn nhớ thì dù có đổi kiểu gì, vẫn là người cũ"
Quang Anh im lặng, còn Đăng Dương thì nheo mắt nhìn ly trà, như thấy chuyện gì trong đó.
Một lúc sau, từ trong nhà vọng ra tiếng nước chảy, tiếng lạch cạch của chén dĩa, rồi tiếng Đức Duy réo lên
"Anh Hai ơi, dao đâu rồi? Em kiếm hoài hổng thấy!"
"Ở trên nóc tủ chớ đâu. Coi chừng trúng tay đó nghen!"
Đăng Dương bật cười
"Ủa cái ông nhỏ này, bếp núc vậy mà lanh chanh dễ sợ."
"Cái thằng đó từ nhỏ tới lớn có chịu ngồi yên đâu " thầy Văn cười khẽ
"Mà nó lanh, được việc lắm..."
Quang Anh nhấp chén trà, tay gõ nhẹ xuống bàn tre, giọng đều đều
"Hai cậu đó dễ mến. Nói chuyện tự nhiên, không kiểu cách, nhưng biết trên biết dưới."
Thầy Văn gật đầu
"Ừ, hai đứa lớn lên giữa ruộng vườn, ít va chạm, tính tình thật thà. Thầy cũng không dạy gì nhiều, chỉ mong tụi nó sống sao cho ngay thẳng"
Ngoài kia, nắng đã lên cao, chim không ríu rít nữa mà bay tản mác ra vườn sau. Trong bếp, tiếng dầu sôi bắt đầu xèo xèo, mùi cá chiên thơm ngát lan tới tận hàng ba. Đăng Dương đứng dậy vươn vai
"Tới giờ xông vô phụ nè. Chớ để hai cậu đó mần hết, lỡ cơm cháy là tui khóc nghen!"
Thầy Văn phất tay
"Đi đi, bếp nhà thầy không có cửa, ai vô cũng được"
Câu nói nhẹ tênh như gió thoảng, nhưng nghe sao mà ấm áp lạ kỳ. Quang Anh chậm rãi đứng lên, theo sau Đăng Dương bước vô bếp.
.....
Bạn đang đọc truyện trên: TruyenTop.Vip