Chầu 11. Hai Người Thầy
"Có những người không học để dạy, nhưng dạy bằng cách sống mà không cần phải nói mình là ai."
Từ sau đêm diễn Sơn Hậu tại trường đại học, nhóm sinh viên bắt đầu quen với một gương mặt mới trong phòng tập. Không ai giới thiệu chính thức. Không bảng tên. Không chức vụ. Chỉ là một người đàn ông thường mặc áo thô, quấn khăn buộc tóc cũ, đến sớm nhất và dọn đạo cụ nhanh nhất. Đám sinh viên tự động gọi anh là: "Thầy Quang Anh." Dù không một ai bảo phải gọi như vậy, cái tên ấy cứ tự nhiên xuất hiện và được chấp nhận.
Quang Anh không có bằng cấp giảng dạy. Không biết viết giáo án. Không đọc trích đoạn từ sách vở nào. Nhưng khi anh cầm quạt, cúi đầu, rướn vai lên diễn một câu trung thần, cả phòng tập im lặng đến lạ kỳ, như bị cuốn hút vào từng cử chỉ, từng hơi thở của anh.
"Chữ 'trung' không nằm trong thoại, mà nằm ở hơi thở. Người ta chỉ tin mình trung thành nếu dứt câu mà không hụt hơi." Anh nói vậy. Và lũ học trò gật đầu lia lịa, như thể vừa thuộc lòng một chân lý cổ xưa mà họ chưa từng được học từ sách vở.
Duy không bao giờ nói: "Anh ấy từng là ai." Cậu chỉ lặng lẽ sắp xếp giáo trình sao cho những buổi anh vắng mặt, lớp sẽ có người "hướng dẫn thực hành" thay thế. Có hôm, Duy bảo cả lớp:
"Thầy Quang Anh là phần mà tôi không dạy được. Các em nghe cho kỹ tiếng bước chân của ảnh, vì trong đó có đoạn đời không nằm trong sách giáo khoa."
Một đứa sinh viên nghịch miệng đùa, giọng dí dỏm: "Thầy Duy là giáo trình. Thầy Quang Anh là thực hành." Cả lớp cười rộ lên.
Nhưng khi nhìn lại, thấy cả hai người thầy ấy đang đứng cạnh nhau một người chỉnh ánh sáng trên sân khấu tạm, người kia hướng dẫn cách cầm kiếm đúng thế có gì đó bỗng lặng đi trong căn phòng tập.
Giữa hai người đàn ông đó là một đoạn thời gian đã qua, một quá khứ từng tan vỡ, từng đầy rẫy hiểu lầm và nỗi đau. Nhưng cũng là hiện tại đang được cùng nhau dựng lại, không phải bằng lời yêu, mà bằng từng buổi tập kiên nhẫn, từng cái gật đầu thấu hiểu, từng chiếc quạt giấy được xếp lại ngay ngắn sau giờ học.
Một lần nọ, trời đổ mưa. Lớp học phải nghỉ giữa chừng. Cả đám sinh viên xúm lại dọn đạo cụ, có đứa vừa chạy vừa hét lên: "Ê! Quạt của thầy Quang Anh rách rồi nè!"
Quang Anh cười, điềm tĩnh lạ thường: "Rách thì vá. Đạo cụ tuồng là vậy không phải cứ mới là hay. Mà là cái nào còn giữ được hồn người diễn trước."
Duy đứng phía sau, nghe câu đó, không nói gì. Chỉ đưa cho anh một cây kim và cuộn chỉ cũ, nói khẽ: "Cái này... là của em. Nhưng chắc là anh vá giỏi hơn."
Sau buổi đó, một sinh viên lén viết trên tấm bảng nhỏ treo ở cửa phòng tập:
"Hai người thầy"
Một người dạy để diễn cho đúng. Một người diễn để sống cho thật.
Không ai xóa dòng chữ ấy. Và từ hôm ấy, phòng tập không chỉ là nơi học hát bội, mà là nơi hai con người từng đi lạc nhau... học cách đứng cạnh lại từ đầu.
Không cần ai gán tên. Không cần hôn nhau trên sân khấu. Không cần giải thích họ là gì trong đời nhau. Chỉ cần mỗi lần học trò hỏi: "Hôm nay thầy Quang Anh có đến không ạ?" Thì Duy sẽ cười, ánh mắt lấp lánh niềm vui: "Có. Ảnh tới sớm hơn cả tôi."
Và trong góc căn phòng ấy, hai người thầy một mang nếp cũ, một giữ lửa mới vẫn ngồi chờ đến buổi chiều, để cùng dạy một điều... không ai từng viết xuống, nhưng ai cũng mang theo.
Một buổi chiều khác, sau khi sinh viên ra về hết, Duy ngồi cắt giấy làm đạo cụ. Quang Anh kê lại mấy chiếc ghế nhựa, rồi tới ngồi cạnh, giở túi cóc muối ra.
"Anh ăn không? Cay lắm."
Duy liếc anh: "Đừng có dụ em. Hôm qua em ăn, sáng nay khàn giọng suýt không dạy nổi."
Quang Anh cười khẽ: "Thì anh đang cần em khàn giọng đó."
Duy ngước nhìn: "Để làm gì?"
Quang Anh nháy mắt: "Để em khỏi la anh chuyện không mang giày vô phòng tập nữa."
Duy liếc nhẹ, nhưng miệng lại cong lên thành nụ cười.
Có hôm Quang Anh đến trễ, mồ hôi đổ đầy trán, áo còn dính bụi đường. Duy rót nước, đặt xuống bàn. Không trách, chỉ hỏi: "Xe hư hả?"
Quang Anh thở dốc: "Không. Ghé ngang đình ông Bảy xem người ta diễn vở mới. Lâu rồi chưa thấy ai diễn Mộc Quế Anh mà còn hát rõ từng chữ như vậy."
Duy nhướng mày: "Anh mê vở nào thì nói để em in giáo trình."
Quang Anh nhìn Duy, ánh mắt đầy trìu mến: "Anh mê em hồi gõ trống vai trung thần hơn."
Duy giả vờ cau mày: "...Vậy chắc phải cho học trò dựng lại vở đó."
Quang Anh lắc đầu, giọng nhỏ lại: "Không cần. Chỉ cần em còn gõ, là anh còn nhớ."
Hôm nay lại là một chiều mưa, sấm đùng đùng. Sinh viên không tới lớp. Quang Anh đem theo chiếc áo dài tuồng cũ đã sờn rách để vá lại. Duy dọn giáo cụ, thấy anh ngồi tỉ mẩn khâu từng đường kim.
"Áo cũ rồi, sao không để đó cho tụi nhỏ học diễn?" Duy hỏi.
Quang Anh ngẩng lên, ánh mắt chất chứa nỗi niềm: "Tại hồi xưa, anh mặc áo này mà bị gạch tên khỏi bảng diễn. Giờ anh vá lại, cho nó được sống lần nữa."
Duy nhìn thẳng vào anh, giọng trầm ấm: "Anh tha cho nó, nhưng anh đã tha cho mình chưa?"
Quang Anh lắc đầu: "Chưa."
Duy nói, rồi ngồi xuống, cầm kim. Tay lóng ngóng, khâu méo đường chỉ. Quang Anh không ngăn, chỉ mỉm cười, nụ cười hiền lành: "Không khéo. Nhưng thấy thương."
Tối đó, cả hai ngồi xem video sinh viên tập hát. Duy tua đi tua lại một đoạn, rồi gật gù: "Đứa này xuống xề còn thiếu một nấc."
Quang Anh nói, giọng đầy kinh nghiệm: "Thiếu nấc không đáng sợ lắm. Sợ nhất là không ai dạy mình cách bước tiếp."
Duy nhìn sang anh: "Vậy anh ở lại dạy tiếp đi."
Quang Anh cười: "Dạy rồi. Nhưng lũ nhỏ hiểu chậm lắm."
Duy trêu chọc: "Ai biểu thầy nói toàn bằng ánh mắt."
Quang Anh nhìn sâu vào Duy, ánh mắt đầy tình cảm: "Vậy ai hiểu được, thì giữ lấy."
Duy quay sang, giọng nhỏ, chỉ đủ cho hai người nghe: "Em giữ rồi."
Cuối tuần, cả hai trực phòng tập. Trời oi bức, máy quạt hư. Duy vén tóc ra sau tai, thở phì: "Em đi sửa cái máy lạnh cũ về được không?"
Quang Anh lắc đầu: "Không. Em đi sửa lòng người đi. Đừng có cứ mát mẻ ngoài miệng, mà bên trong còn đầy buốt."
Duy nhướng mày: "Ai nói em buốt?"
Quang Anh nhìn thẳng vào Duy, ánh mắt long lanh: "Thì em chưa bao giờ gọi anh là... người yêu."
Duy ngồi lặng một lát. Rồi đứng lên, rút từ ngăn tủ một cái khăn tay, đưa cho Quang Anh:
"Vậy hôm nay gọi luôn Người yêu em, lấy khăn này lau mặt đi. Nhễ nhại mồ hôi rồi kìa."
Quang Anh cười. Cười rất lâu, nụ cười mãn nguyện và hạnh phúc. Rồi nói nhỏ, giọng run run:
"Biết đâu, đây là vai diễn thật nhất trong đời anh."
Bạn đang đọc truyện trên: TruyenTop.Vip