5. Khách Lạ Ghé Lớp

------------

Mưa đầu mùa cứ đổ lai rai, khiến con đường đất từ đình làng Tân Duyên tới bờ ruộng nhỏ trước lớp học thêm phần nhão nhoẹt. Đêm trước Hạnh Sa phải đem mấy quyển sách giáo khoa lên chạn cao vì nước từ mái lá nhỏ xuống dột trúng ngay cái bàn nhỏ. Bà Hai Dương thấy vậy thở dài:

"Không khéo nay mai phải kiếm tấm vải bạt mà che sơ cho cô giáo, chớ lớp học chi mà tội nghiệp vầy."

Hạnh Sa không than. Nàng đã quen sống giản dị từ nhỏ, ăn củ khoai lùi cũng thấy ngon, nằm rơm cũng yên giấc. Cái lo duy nhất là tụi nhỏ lội mưa lấm láp, dễ bệnh. Nàng dậy sớm, hong lại mấy tờ giấy bị ẩm, cắt thêm vài mảnh giấy cũ từ bao gạo bà Hai cho để làm bài cho tụi nhỏ. Mực thì đã cạn, nàng phải pha loãng lại, viết chậm tay hơn để không nhòe.

Sáng nay mây vẫn xám xịt, trời không hẳn mưa mà cũng chẳng chịu nắng lên. Gió mang theo hơi đất ẩm ngai ngái. Hạnh Sa chống cây dù giấy dầu, tà áo dài lam đã sẫm nước từ gấu lên đến đầu gối. Khi tới lớp nàng đã thấy có ba bốn đứa nhỏ ngồi lúp xúp bên đống cỏ khô cô để làm ghế tạm. Một đứa reo lên:

"Cô giáo tới rồi, tụi bây lẹ lên, bữa nay học toán đó nghen!"

Nàng cười, rồi lấy khăn lau tay rồi soạn mấy tờ giấy đã viết sẵn. Dạy toán lớp nhỏ mà phải tính toán khéo sao cho tụi nó hiểu, không sợ, không chán. Hạnh Sa bắt đầu bằng chuyện bán trái chuối, mua trái cam, lồng ghép toán cộng trừ vô đó.

Tiếng học vang trong lớp tre, đan xen tiếng gà gáy và tiếng nước nhỏ tí tách từ mái dột.

"Ba trái chuối thêm hai trái cam, là mấy trái tất cả?"

Tụi nhỏ nhốn nháo:

"Năm!"

"Không, bảy!"

"Tụi bây ngu quá, là sáu!"

"Cô, ba với hai là năm mà!"

Hạnh Sa mỉm cười, gật đầu:

"Đúng rồi, là năm. Nhưng cô hỏi gì? 'Tất cả là mấy trái', tức là cộng đó nghe. Sau này gặp sổ sách chớ có nhầm."

Bất chợt, khi nàng đang viết chữ "3 + 2 = ?" lên miếng gỗ nhỏ treo giữa vách lá, tiếng vó ngựa vang lên từ xa. Hạnh Sa ngưng tay, ngước ra con đường đất nhỏ phía trước. Một chiếc xe ngựa đang dừng lại bên bụi tre cạnh lớp. Cánh cửa xe mở ra, và người bước xuống không ai khác chính là cô Ba Trà Nhân.

Hôm nay cô Ba không mặc áo dài trắng mà mặc áo bà ba màu xám tro, đơn giản hơn lần họp làng nhiều. Gương mặt cô vẫn tĩnh lặng như thường, tay cầm quyển sổ con và cây viết lông. Cô bước chậm rãi về phía lớp, ánh mắt quét nhẹ qua đám trẻ đang há hốc nhìn.

"Cô giáo Hạnh Sa có đây không?"

Giọng nói vừa cất lên, đứa nhỏ tên Tư đứng bật dậy chỉ liền:

"Dạ có, cổ là cô giáo đó! Cô Ba tìm cổ hả?"

Hạnh Sa bình thản gật đầu:

"Dạ, tôi là Hạnh Sa. Mời cô vô, lớp nghèo không có chỗ đàng hoàng, mong cô đừng chê."

Trà Nhân gật đầu nhẹ, mắt liếc qua mái lá dột, đống sách được kê bằng hai viên gạch. Cô không nói gì chỉ lấy sổ ra ghi ghi chép chép. Hạnh Sa cũng không hỏi, chỉ tiếp tục dạy học như thường. Tụi nhỏ ban đầu còn ngó nghiêng người khách lạ, nhưng rồi cũng bị cuốn theo bài học đếm số trái ổi, trái me, đếm mấy cái chén bể còn sót lại của nhà bạn.

Giữa giờ học, một trận gió mạnh làm vách lá bung ra một bên. Trà Nhân giật mình, đám nhỏ thì lo che bài khỏi bay. Hạnh Sa nhanh tay lấy sợi dây thừng nhỏ cột lại, miệng dỗ dành:

"Không sao đâu, gió mạnh chút xíu thôi. Học tiếp nghen mấy đứa."

Trong một khắc Trà Nhân ngẩng đầu nhìn cô giáo đang cặm cụi ghi đề lên mặt gỗ. Mái tóc xõa dài, áo đã ướt lưng, dính sát vào người. Nàng ngồi khom lưng, giọng nhẹ như gió. Dưới bàn tay nàng con chữ hiện ra chậm rãi, ngay hàng thẳng lối. Trà Nhân không nghĩ gì nhiều nhưng trong đầu thoáng một câu hỏi: sao người như vậy lại chọn về đây?

Khoảng nửa giờ sau Nhân khẽ gấp sổ, rồi đứng lên:

"Cô giáo, tôi đã ghi nhận tình hình. Tôi sẽ trình với bà Hội để coi xét thêm. Cảm ơn cô đã chịu khó."

Giọng nói không nồng nhưng cũng không lạnh. Như một cách xã giao có mực thước, trước khi lên xe cô còn quay lại:

"Cô giáo có thường ở đây vào buổi chiều không? Tôi muốn ghé xem lại vài thứ, nếu tiện."

Hạnh Sa hơi bất ngờ, nhưng cũng đáp nhã nhặn:

"Dạ, tôi thường ở lại soạn bài, nếu cô Ba cần gì thì cứ ghé."

Xe ngựa rời đi để lại vệt bánh sâu hoắm trên con đường ướt. Mấy đứa nhỏ thì xì xầm:

"Cô Ba đó nhìn lạ ghê ha. Hông cười cũng hông có hung dữ luôn."

"Tao tưởng bả tới chửi cô giáo chớ!"

"Hông đâu, bả ghi cái gì quài luôn á, chắc bả đi làm bà giáo lớn!"

Hạnh Sa bật cười, cô Ba mà nghe tụi nhỏ nấu xói mình chắc dẹp luôn cái chồi này quá.

"Học tiếp nha mấy đứa."

Nàng lấy khăn lau lại mặt bảng tre. Trong lòng Hạnh Sa gợn lên suy nghĩ đặc biệt về cô Ba nhưng chỉ là thoáng qua. Thôi mặc kệ đi, nàng còn phải lo coi hôm nay thằng Tí có nhớ được phép cộng không, con Út có còn bỏ dấu sai hay không.

Buổi trưa hôm đó khi học trò đã về hết, Hạnh Sa ở lại dọn lớp. Nàng gom mấy viên gạch kê lại, lấy dây cột chặt vách lá bị bung. Mồ hôi thấm lưng, gió thổi qua lồng lộng. Nàng nhìn mái tranh nghĩ bụng: phải lợp lại mấy chỗ chứ dột vậy tụi nhỏ cảm lạnh thì khổ.

Nàng chưa hay, từ xa, trên gò đất nhỏ nơi xe ngựa quay đầu có một bóng người vẫn đứng lặng, nhìn lớp học lụp xụp giữa đồng.

Về phần Trà Nhân, câu chuyện khác đi một chút. Trên xe ngựa, khi bánh xe lăn về hướng cổng nhà Hội đồng, cô vẫn còn nghĩ về lớp học đó. Cái nghèo của nó không giống như sự khổ sở, mà giống một thứ thiếu thốn trong sạch. Cô từng thấy nhiều lớp học ở làng khác: nhà ngói, bàn gỗ, thầy mặc áo tươm tất nhưng tụi nhỏ thì ngồi lười nhác. Còn ở đây tụi nhỏ nhìn cô với con mắt tròn xoe, nửa sợ, nửa hiếu kì. Chúng học bài với tay chân dính bùn nhưng cặp mắt thì sáng quắc.

Trưa hôm đó khi về tới nhà lớn, Trà Nhân lặng lẽ lên gác, ngồi một mình bên bàn gỗ cũ. Trong sổ tay, nơi lề giấy có một dòng nhỏ, do tay cô tự viết: "Cô giáo không khoe mình có đạo lý, mà vẫn sống có đạo lý."

Ngoài trời, tiếng mưa lại bắt đầu rơi.

-------

Bạn đang đọc truyện trên: TruyenTop.Vip