Xuân Trường An (1)

Có một từ gọi là thích cốt. Đây là từ để chỉ cái giá rét của mùa đông Trường An.

Thích cốt, ý nói cái lạnh như đâm vào xương.

Không Hải nhập thành Trường An đúng vào cái lúc thích cốt ấy. Chính xác là ngày hai mươi mốt tháng Mười hai năm 804 theo Tây lịch.

Kể từ đó đã hơn một tháng trôi qua. Dấu hiệu của mùa xuân đã lẩn khuất trong làn gió thổi ở Trường An.

Trường An nhị nguyệt đa hương trần,

Lục nhai xa mã thanh lân lân.

Gia gia lâu thượng như hoa nhân,

Thiên chi vạn chi hồng diễm tân.

Liêm gian tiếu ngữ tự tương vấn,

Hà nhân chiếm đắc Trường An xuân?

Trường An xuân sắc bản vô chủ,

Cổ lai tận thuộc hồng lâu nữ.

Như kim vô nại hạnh viên nhân,

Tuấn mã khinh xa ủng tương khứ.

- Trường An Xuân, Vi Trang

(Dịch thơ:

Tháng Hai sáu phố Trường An

Bụi thơm cuộn khắp, rộn ràng ngựa xe

Lầu cao người đẹp như hoa

Ngàn cành đóa thắm nở ra rỡ ràng

Sau rèm cười hỏi nhau rằng

Ai người chiếm trọn được Trường An xuân?

Xuân Trường An chẳng chủ nhân

Từ xưa vẫn thuộc nữ nhân lầu hồng

Nay người vườn hạnh đã dong

Ngựa hay, xe nhẹ mà bồng mang đi.)

Ngoại trừ những chỗ có chú thích, tất cả các bản dịch thơ trong sách này đều là của người dịch.

Mùa xuân Trường An bắt đầu từ tháng Hai. Gió Bấc mang mùa xuân đến cùng với bụi đỏ.

Bấy giờ là tháng Hai.

Mùi hoa mơ chớm nở cũng đã lẫn trong làn gió.

Không Hải và Dật Thế đang thả bộ giữa hương gió báo hiệu mùa xuân đến. Cái lạnh thích cốt đã qua đi, gió đã mang hơi ấm. Những cây du, cây hòe, dương liễu ở hai bên đường phố lớn đã đâm chồi mới, màu xanh non đang bắt đầu xòe ra. Ngay cả tiếng ngựa, xe qua lại bên dưới dường như cũng thêm phần rộn rã. Đến cả màu sắc của bầu trời xanh bên trên những tòa lầu cao cũng trở nên dịu dàng hơn. Rồi cả những bước chân đi qua con phố lớn để rẽ vào hiệp tà, tên gọi những ngõ nhỏ ăn chơi ở Trường An, cũng nhẹ nhàng hơn. Cho dù một tăng môn như Không Hải có đưa chân qua con ngõ nhỏ san sát nào du lý, nào tửu phòng thì cũng chẳng ai buồn dừng lại mà soi mói. Có nhan nhản các thương nhân, quan lại, tăng môn và cả người ngoại quốc trong những con ngõ như thế.

Chẳng có đô thị nào trên thế giới vào thời kỳ ấy lại có đủ mọi chủng loại người cùng sinh sống được như ở Trường An. Tương truyền chỉ tính riêng sứ thần các nước thôi, lúc nào cũng đã có đến hơn bốn ngàn người. Trong một triệu dân Trường An thì có mười ngàn là người ngoại quốc, nếu trừ đi số lượng sứ thần, thì vẫn còn đến sáu ngàn người ngoại quốc đang sinh sống ở Trường An khi ấy.

Trước tiên phải kể đến Oa quốc (Nhật Bản).

Kế đến là Thổ Phồn (Tây Tạng).

Rồi Tây Hồ (Iran).

Đại Thực (Ả-Rập).

Thiên Trúc (Ấn Độ).

Ngoài ra còn có người Thổ Nhĩ Kỳ, Duy Ngô Nhĩ, các dân tộc vùng Tây Vực và các dân tộc thiểu số khác quần tụ ở đô thị này.

Họ không chỉ đem đến đây văn vật. Họ còn mang tới cả tôn giáo.

Đạo giáo.

Phật giáo.

Mật giáo.

Những tôn giáo này thì khỏi nói. Nhưng đến cả Hiên giáo, quốc giáo của Tây Hồ, còn có tên gọi khác là Bái Hỏa giáo, rồi Mani giáo cũng du nhập vào Trường An. Thậm chí là Cảnh giáo, tức Giáo hội Phương Đông, cũng có mặt tại đây. Các tôn giáo này đều có đền thờ, tự viện ở Trường An.

Ở Trường An không có phân biệt chủng tộc, người ngoại quốc nếu đạt thành tích tốt trong thi cử có thể được bổ làm quan và thăng tiến. Trên thực tế đã có rất nhiều người ngoại quốc làm được như vậy.

Hơn nữa, những tôn giáo đa dạng do các dân tộc khác đem đến ấy còn được bảo hộ cả trên phương diện chính trị.

Và những người ngoại quốc này đang hòa mình vào với đám đông bước đi trên đường phố, giống như có ai đó bốc lấy một nhúm bột màu sặc sỡ và rắc ra khắp nơi vậy.

Ta có thể thấy những người Hồ mặc áo khoác da, đi giày ống cao tới gối đang rảo bước ngay trước mắt, hoặc nghe vẳng ra từ bên trong một tửu phòng cạnh đường tiếng nhạc Hồ. Hồ, là từ để chỉ Iran theo nghĩa hẹp, còn theo nghĩa rộng là để chỉ vùng Tây Vực. Cách gọi người Hồ, thường sẽ bao gồm cả người Tây Hồ (Iran), người Đại Thực (Ả-Rập), người Ba Tư, người Thổ Nhĩ Kỳ, người Duy Ngô Nhĩ.

Hồ nữ.

Hồ cơ.

Hồ thương.

Hồ ma.

Hồ nhạc.

Hồ tuyền vũ.

Đây đều là những từ dùng để nói về con người Tây Vực hoặc các món ăn cũng như văn hóa từ Tây Vực truyền sang.

Hồng mao bích nhãn, tức giống người tóc đỏ mắt xanh.

Trường An là nơi đầu tiên Không Hải và Dật Thế được trông thấy tận mắt giống người này. Việc giới quý tộc hay quan nhân học theo lối Tây Vực đang trở thành một trào lưu thời thượng. Không khó để bắt gặp hình ảnh những trang công tử sầm sập phi ngựa trên đường trong đôi giầy cao cổ và áo vạt dài kiểu Tây Vực.

Tiếng người trò chuyện, tiếng ngựa xe, những giai điệu hợp tấu văng vẳng, mùi thức ăn... Với bọn Không Hải, tất cả đều là những thứ thuộc về ngoại quốc. Tạp nham, inh ỏi và hỗn độn. Không chỉ Dật Thế, mà ngay cả Không Hải khi đặt mình vào khung cảnh ấy cũng dường như trở nên phởn trí hơn.

Nhưng Không Hải khác với Dật Thế ở chỗ, Không Hải nhìn thấy vũ trụ trong quang cảnh ấy. Không Hải biết rằng, mọi vật trong mắt mình, thoạt nhìn thì có vẻ khác nhau, nhưng rốt lại đều giống nhau và ngang bằng nhau bên trong một thứ gọi là vũ trụ. Mọi vật đều nằm ở cùng một khoảng cách so với vũ trụ.

Cậu tin như vậy.

Điều duy nhất mà cậu khác mọi người, nếu có, chính là ở chỗ cậu biết rằng cái nguyên lý của vũ trụ ấy tồn tại xuyên suốt trong thân xác không chỉ của mọi người, mà còn của chính cậu, với một sức mạnh ào ạt. Không Hải càng cảm nhận rõ ràng hơn vũ trụ ấy khi lặn ngụp trong con phố này.

Nguyên lý vũ trụ, nếu nói theo Mật giáo, thì tức là Đại Nhật Như Lai. Thân xác cậu được ôm trọn, lọt sâu trong cái Đại Nhật Như Lai ấy.

Không Hải tin là như vậy.

Không Hải nhìn thấu một điều: những thứ trông thấy được, những thứ sờ thấy được, những thứ ngửi thấy được, những thứ nghe thấy được, những thứ nếm thấy được... thảy đều cùng là một cái bong bóng mà thôi.

Tuy nhìn thấu, song Không Hải không đón nhận chúng bằng con mắt lãnh đạm. Trước những chuyện lạ lùng, cậu vẫn tỏ ra xúc động theo một cách cực kỳ hồn nhiên; nhìn thấy những món chưa từng ăn, cậu sẽ lập tức nhón lấy bỏ vào miệng. Tất cả đều có mùi vị khác nhau. Tuy cùng là sự vật ấy, nhưng phàm khi đã đi qua đôi mắt của từng con-người-cá-thể, thì mọi vật đều hiện ra khác nhau. Không Hải nhìn thấu cái nhãn quan đầy mâu thuẫn: tuy giống mà lại khác nhau ấy, ở chính bên trong con người mình.

Thật kỳ lạ.

Và Không Hải lúc nào cũng hồn nhiên tận hưởng sự hỗn loạn kỳ lạ này.

"Hay thật." Không Hải lẩm bẩm trong lúc bước đi.

Dật Thế đang đi bên cạnh, nghe thấy thế liền hỏi: "Cái gì hay hả Không Hải?"

"Tâm ta." Trả lời xong, Không Hải mỉm cười, chân vẫn không ngừng bước.

"Thôi nào Không Hải, cậu lại đang nghĩ đến những chuyện rối óc chứ gì."

"Chẳng có chuyện gì rối óc cả đâu."

"Thế thì là gì?"

Không Hải đưa mắt nhìn một lượt đám đông xung quanh rồi nói: "Cậu nhìn xem."

"Tớ nhìn rồi, thì sao?" Dật Thế quay sang nhìn Không Hải.

"Mạn Đà La đó." Giọng Không Hải thoảng nhẹ.

"Đấy, rối óc thế còn gì."

"Đâu có."

"Mà thôi. Dù sao thì chuyện của cậu cũng thú vị, nên tớ luôn sẵn lòng lắng nghe. Tớ hứa sẽ lắng nghe, chỉ có điều, Không Hải ạ..."

"Gì nào?"

"Chớ có dùng lời lẽ mà lừa đấy."

"Tớ chẳng lừa phỉnh gì cả."

"Thôi được rồi, cậu nói tiếp đi. Làm sao cho dễ hiểu vào."

Không Hải tủm tỉm cười.

"Đồng ý."

Không Hải vừa bước đi vừa ngửa mặt nhìn trời, rồi lại đưa ánh mắt về phía đám đông trên mặt đất.

"Ví dụ thế này, tớ và cậu là hai người khác nhau đúng không."

"Tất nhiên là khác nhau rồi." Dật Thế nói.

"Người Oa và người Hán cũng khác nhau. Nho sĩ và Sa môn cũng khác nhau, thêm nữa là người giàu và người nghèo cũng khác nhau."

"Ừm."

"Tuy nhiên," nói đến đó, Không Hải liền trỏ tay.

Ở phía ấy là tường bao của một kỹ quán, cành bạch mai vừa điểm một bông hoa đang chìa ra khỏi bức tường và vươn cao bên trên con ngõ.

"Khoảng cách tính từ bông hoa đó đến bất cứ ai cũng giống nhau."

"Gì cơ!?" Dật Thế kêu lên. "Sao vẫn rối óc vậy."

"Thế thì hay là ta lấy áng mây kia nhé." Không Hải nói.

"Mây?"

"Đằng kia có áng mây đang trôi." Không Hải ngửa cổ nhìn lên.

"Ừ, đúng là có mây." Dật Thế đáp.

Bông hoa theo hướng tay chỉ của Không Hải ban nãy lùi dần ra xa khỏi tầm nhìn của Dật Thế. Cao tít bên trên bông bạch mai đó, có một áng mây đang trôi bảng lảng về đằng Đông. Thoang thoảng mùi thơm của hoa mai.

"Khoảng cách từ đám mây đó đến tất cả mọi người ở đây chẳng phải đều như nhau sao? Không hề có chuyện vì giàu nên gần mây hơn, bởi nghèo nên xa mây hơn, hay vì cậu là Nho sĩ, vì tớ là Sa môn nên thế này thế nọ."

"Ừm."

"Mọi người đều như nhau."

"Cái đó thì đương nhiên rồi còn gì."

"Nhưng nếu hỏỉ Sa môn và Nho sĩ có khác nhau không, thì có khác. Người giàu và người nghèo có khác nhau không, cũng có khác."

"Ừm."

"Tại sao thế?"

"Đừng có hỏi đột ngột như thế chứ, Không Hải."

"Hỏi có khác không, có khác. Bảo có giống nhau không, có giống. Tại sao lại như thế?"

"Lần trước, trên xe ngựa đi tới Trường An, cậu cũng đã nói đến điều này. Cậu hãy trả lời câu hỏi đó đi. Tớ rất ngại những chuyện rối óc."

"Câu trả lời là thế này. Chia ra Sa môn và Nho sĩ, hay người giàu và người nghèo, là luật của con người. Đó là cách phân chia do luật của con người tạo ra."

"Ồ."

"Thế còn nói Sa môn cũng như Nho sĩ, người giàu cũng như người nghèo, ấy là luật của trời."

"Ra là vậy."

"Điều này thì chắc cậu hiểu chứ."

"Ừ thì cũng tạm hiểu."

"Vấn đề là như vậy đó, Dật Thế ạ."

"Ừm."

"Tớ và cậu, Sa môn và Nho sĩ, đều như nhau, tương tự thì bông hoa mai ban nãy, chó hay mèo, rắn hay cá, cũng chẳng khác gì tớ và cậu."

"Hừm."

"Tất cả đều là những sinh linh như nhau. Nếu xét từ luật của trời."

"Hừm."

"Nói rộng hơn ra, cũng tương tự việc chúng ta với hoa, chó, rắn hay cá đều như nhau, thì mặt đất này, viên đá kia, đám mây ấy, bầu trời đó và vạn vật khác đều như nhau cả. Nếu đặt trong luật của trời."

"Hừm."

"Cái nguyên lý ấy của vũ trụ khỏa kín trong tớ, trong cậu, trong bông hoa mai ban nãy, trong cả người Hán lẫn người Hồ đang qua lại kia, trong các ngôi nhà, trong tiếng nhạc văng vẳng và trong cả mùi cá kho nữa. Mọi vật, từ đầu chí cuối, đều bị chi phối bởi nguyên lý ấy của vũ trụ."

"Tóm lại thì đó là..."

"Cái được gọi là Mạn Đà La."

"Cái Mạn Đà La ấy rốt cuộc thì..."

"Thật là hay, như tớ nói lúc nãy."

"Từ nãy tới giờ trong lúc đi bộ, cậu chỉ toàn nghĩ đến những chuyện rối óc như thế sao?"

"Không hề rối óc tí nào."

"Chịu không theo nổi cậu." Tuy nói vậy, nhưng Dật Thế chẳng hề tỏ ra khó chịu. Ngược lại, cậu còn ngắm nhìn chàng dị tăng cùng mình từ Oa quốc sang đây với ánh mắt hồ hởi.



Bạn đang đọc truyện trên: TruyenTop.Vip