Hương
Hôm nay lại đến sông Hương
Mắt đi tìm mãi chuyến đò người thương
Người thương giờ ở nơi nào
Anh liệu có nhớ em mong chốn này.
___
Không biết từ bao giờ nhưng tôi vẫn luôn thích dòng sông Hương. Cái dòng sông cứ chảy chầm chậm cũng là thứ đầu tiên chào đón tôi khi mới đến thành phố này. Nhà của cô ở Huế phải đi ngang qua cái cầu Tràng Tiền, tôi lúc đó mới bốn tuổi, được cô đặt cho ngồi lên chiếc xe thổ mộ, xe được hai con ngựa kéo, để đồ đạc thôi cũng đã hết chỗ nên chỉ có tôi được ngồi còn cô tôi phải đi theo cái xe. Tôi vẫn còn nhớ khung cảnh mình thấy khi chiếc xe đi tới ngay giữa cầu, một màu xanh biêng biếc hiện rõ trước mắt, đường chân trời lấp lánh ửng hồng cùng với cành cây phượng đung đưa trong gió như chính nó là người vẽ nên cái khung cảnh thơ mộng này.
Đó cũng là thứ đẹp đẽ duy nhất mà tôi nhớ được về Huế trong một tuần mới về đây, sau hôm ấy, tôi ở nhà cả tuần. Cô bảo rằng ba mẹ tôi chỉ tiếp tục đi thực hiện nhiệm vụ cách mạng thôi nhưng tôi biết hai người không thể quay về nữa rồi. Sau đó mọi thứ đều trôi qua trong mờ ảo, ngày nào cũng như vậy, tôi dậy, ăn sáng, rồi lại ra sân ngồi nhìn đất nhìn trời, rồi lại vào ăn cơm. Nhà cô tôi ở Huế cũng thuộc dạng khá giả. Cô có thể lo cho tôi ăn học đến hết Đại Học nên khi tôi sáu tuổi, cô cho tôi đi học. Có lẽ cô tôi đã mong rằng khi đi học, tôi sẽ đi ra ngoài chơi với mấy đứa nhóc khác như những gì tôi làm khi còn ở Quãng Ngãi. Hồi ấy, tôi không bao giờ ngơi chân. Người ta hay miêu tả tôi bằng câu "Thằng Tảo bên nhà họ Tả mà ngưng chạy nhảy thì trời chỉ có mà sập." Tảo là tên ở nhà của tôi, sau khi ba mẹ mất thì chỉ còn mình cô tôi gọi tôi bằng cái tên ấy và đương nhiên câu nói đó là do cô tôi nói lại chứ trí nhớ trẻ con của tôi không cho phép tôi nhớ được những gì mà người ta nói về tôi năm bốn tuổi ấy. Nhưng khi đi học và được thầy dạy chữ, tôi chỉ biết cắm đầu vào sách đọc và đọc. Sau khi đã nhuần nhuyễn mấy bài tập đọc trên lớp, tôi bắt đầu xin thầy sách để đọc. Lúc đó, khi trường học đóng cửa, tôi sẽ lại quay về cái vòng lặp khi trước nhưng lần này khác ở chỗ tôi đã lớn để được cô tôi cho ra ngoài một mình với điều kiện không đi quá xa và tôi đã biết đọc. Buổi chiều sau khi ngủ trưa xong, tôi sẽ đi ra ngoài bờ sông Hương, trú dưới tán cây phương nào đó và bắt đầu đọc. Tôi cứ học như mọi đứa trẻ khác và rồi tôi vào Lycée Khải Định. Quãng thời gian học ở đó, tôi cũng làm thơ, làm văn và gửi lên báo trường, lúc ấy không được gì nhiều nhưng tôi nhớ mình đã rất vui và hãnh diện. Hết ba năm ở Lycée Khải Định, tôi không lên Hà Nội học Đại Học. Tôi ở lại thành phố Huế và viết văn.
Hai năm sau khi tốt nghiệp. tôi vẫn tiếp tục đi loanh quanh Huế và làm thơ, tôi đang thực hiện cho tập thơ đầu tay của mình. Gia sản của cô vẫn đủ để nuôi hai cô cháu sống tốt. Ngoài ra việc viết bài cho báo cũng giúp tôi có nhuận bút, cũng giúp tôi một phần nào. Hằng ngày sau khi tạm biệt cô, tôi lại đi bộ ra sông Hương lững thững bước dưới hàng cây phượng và nghĩ về thơ, khi mệt tôi dừng lại và lấy quyển sổ luôn giữ bên mình ra ghi lại những suy nghĩ nãy giờ. Tôi rất thích viết thơ về tình yêu dù bản thân vẫn chưa trải qua mối tình nào. Tôi viết về những mối tình không được đáp lại, những mối tình còn đang dang dở. Không một mối tình nào trong thơ tôi được trọn vẹn. Khi tôi cho cô đọc tập thơ của mình, điều đầu tiên cô thốt ra là "Thơ tình nhưng lại không phải thơ tình. Tảo ơi, con không muốn người ta cảm thấy được tình yêu mà con muốn người ta khóc à?" Đương nhiên tôi không chấp nhận lời nhận xét đó . Nhưng chỉ lúc đó thôi, đến khi lên giường thì những lời cô nói lại quanh quẩn bên tai nên đến giờ tập thơ đó vẫn chưa được hoàn thành.
Mùa hè năm 1956 là năm mà tập thơ của tôi được hoàn thành.
Năm đó, tôi gặp Cung Hựu.
Cuộc gặp gỡ với anh cũng khá đặc biệt. Hôm ấy, tôi vẫn đi dọc sông Hương như mọi khi, vào tháng năm, phượng dọc bên bờ cũng đã nở hết, sắc phượng đỏ như màu máu hòa với bầu trời trong của Huế, trời hè nóng bức như thế này vào chiều có rất ít người ra ngoài ấy thế mà bên sát bờ lại có một bóng người đứng vất vưởng. Tôi đang đi cũng phải dừng lại cứ ngỡ là mình gặp ma. Làm gì có người nào bình thường lại đứng ngay giữa bóng nắng mà lại sát bờ sông đến thế. Dường như người đó cảm nhận được ánh nhìn của tôi liền quay sang, cùng lúc ấy, gió nổi lên cuốn vài bông phượng xuống lòng sông cùng lúc cuốn luôn hồn tôi bay theo.
"Vô tình anh gặp em
Rồi vô tình thương nhớ
Đời vô tình nghiệt ngã
Nên chúng mình yêu nhau"
Lúc còn nhỏ, tôi cứ ngỡ mình sẽ phải lòng một cô gái Huế như trong câu ca dao cô hay hát lúc làm việc: "Một thương tóc xõa ngang vai, hai thương đi đứng vẻ người đoan trang..." Anh lại không có tóc xõa ngang vai, tóc anh màu nâu đen thẳng mượt được cắt gọn gàng, không như những lọn tóc ngay từ nhỏ đã xoăn, lúc nào cũng lộn xộn của tôi, cũng không giống mái tóc xõa ngang vai của những cô nữ sinh trong trí nhớ của tôi lúc đi còn đi học mà lại làm tâm trí tôi mơ màng, môi miệng tôi run rẩy.
Lần đầu tiên kể từ khi đến Huế, tôi chủ động nói chuyện với một người:
- Cậu đang làm gì thế?
- Hả?
Anh ta ngơ ngác đáp lại, đôi mắt tròn xoe mở to chằm chằm nhìn tôi. Gió vẫn lưu luyến, cứ liên tục thổi qua tóc anh ấy. Không biết là tóc anh bay hay mũi tên tình yêu của vị thần Cupid trong thần thoại Hy Lạp mà tôi đọc khi nhỏ đang cắm phập vào trái tim tôi. Sao thần có thể nhẫn tâm như vậy? Tại sao thần lại khiến tôi phải lòng một người con trai chứ. Trách móc như vậy nhưng lòng tôi vẫn thầm mong mũi tên còn lại thần sẽ bắn trúng tim anh ấy.
- Cậu tính nhảy sông à?
- Hả? Không!
Anh ta nhanh chóng lùi lại, chân vấp vào nhau xém ngã, cơ thể tôi nhanh hơn não nhanh chóng chạy đến đỡ nhưng anh ấy cũng đã nhanh chóng lấy lại thăng bằng, tiếp tục nói:
- Tôi chưa định kết thúc cuộc đời này đâu, còn nhiều chuyện chưa làm lắm!
Anh mỉm cười nhẹ. Xuân Diệu quả thật là rất đúng, yêu quả nhiên là chết trong lòng một ít. Tôi chỉ mới gặp người này chưa đầy một buổi chiều mà đã cảm thấy lòng mình đã bị ăn mất phân nửa. Nụ cười làm cho gương mặt anh ấy đẹp gấp bội phần, biến anh thành một đóa phượng rực lửa, thiêu đốt từng tế bào trên người tôi. Ngẩn ngơ mất một lúc, tôi mới đáp lại lời anh:
- Vậy thì đừng đứng sát bờ sông như vậy.
- Ừ, lần sau tôi sẽ chú ý hơn.
Anh ta cười một lần nữa, buổi trưa hôm nay Huế nóng quá. Sức nóng không chỉ đến từ trời Huế mà còn từ Mặt Trời ngay trước mặt tôi đây.
Chúng tôi lại im lặng, nhưng tôi chưa muốn anh đi sớm đến vậy, có lẽ anh cũng thế nhưng ngay câu sau, tôi muốn đập anh một cái. Anh nhầm tôi thành con gái. Sau một hồi nói chuyện và giải quyết hiểu lầm vì giới tính tôi, tôi biết được tên anh là Cung Hựu, người miền Nam, lớn hơn tôi một tuổi, nhà anh ấy cũng khá giả nhưng lại thuộc dạng muốn cống hiến cho đời, anh học Sư Phạm ngành Giáo dục Thể chất nhưng lại chẳng muốn đi làm giáo viên, nghe tin miền Bắc cần thanh niên, thế là anh đăng ký đi luôn, anh đến Huế chỉ để chơi một mùa hè cuối.
- Thế ba má anh không phản đối à? Với lại anh có thể tham gia Cách Mạng ở miền Nam mà, sao lại lên Bắc thế cho xa xôi, vả lại anh còn phải lên vùng hẻo lánh nào đó chứ có phải sung sướng gì đâu? - Tôi ngạc nhiên hỏi khi nghe anh nói.
- Anh cũng muốn lắm chứ mà ba má không thích anh gia nhập quân ngũ, bảo rằng có một đứa con đi biệt tích là đủ rồi, anh đi lên đó ít nhiều gì vẫn có thể gửi thư về cho hai người bọn họ. - Ngừng một lúc anh thêm vào - Người đó là em sinh đôi của anh.
- À. - Tôi đáp lấy lệ, trong lúc tôi không biết nên tiếp tục cuộc trò chuyện này ra sao thì anh đã tiếp tục nói:
- Còn Thần thì sao? Em có vẻ không học Đại Học nhỉ?
- Vâng. Em đang viết chữ sống qua ngày thôi.
Cuộc trò chuyện cứ tiếp tục đến lúc trời sập tối và chúng tôi đã đi đến chùa Thiên Mụ và rồi vòng về, anh còn đãi tôi một chén chè, chúng tôi nói chuyện và đi cùng với nhau như không biết mệt. Tôi về nhà với một lời hẹn kéo dài suốt ba tháng tiếp theo:
- Ngày mai lại đi chung tiếp nhé Thần, anh cũng muốn được em đưa đi chơi quanh Huế nữa. Hẹn ở chỗ cũ nhé em.
Tối ấy, tôi nằm thao thức. Tôi chấp nhận rằng bản thân đã đem lòng yêu người con trai mình vừa mới gặp một buổi chiều. Có lẽ tôi cũng giống Xuân Diệu ôm ấp trong mình mối tình trai.
Ngày trước, tôi đọc thơ Xuân Diệu rất nhiều, chủ yếu là muốn tham khảo rồi học tập phổ vào thơ mình, nào ngờ bây giờ nó lại giống hệt chuyện tình vừa mới chớm nở của tôi, đầu tôi hiện lên khổ thơ:
"Anh đã nói, từ khi vừa gặp gỡ:
"Anh rất ngoan, anh không dám mong nhiều.
Em bằng lòng cho anh được phép yêu;
Anh sung sướng với chút tình vụn ấy."
Nhưng ở đây thì khác, tôi chẳng biết liệu anh có cho tôi được phép yêu anh không hay đến cả một chút tình vụn nơi anh tôi cũng chẳng có được. Cung Hựu tối đó ngủ có lẽ không biết rằng nụ cười trưa hôm ấy đã theo tôi vào cả trong mơ. Ngay cả lúc mơ, nụ cười ấy vẫn chân thực như thể anh đang đứng trước mặt tôi.
Hôm sau, tôi đến chỗ hẹn cũ đã thấy anh ở đó, lần này anh không đứng sát bờ sông nữa mà dựa vào gốc một cây phượng. Khi tôi còn cách anh khoảng vài mét, như linh cảm được sự hiện diện của tôi, anh quay sang và chào tôi với nụ cười toe toét. Lòng tôi lại chộn rộn câu thơ tình:
"Và hãy yêu tôi một giờ cũng đủ
Một giây cũng cam, một chút cũng đành."
- Thần ơi!
Tình tôi liệu có như Puskin hay Xuân Diệu hoặc có lẽ sẽ rẽ sang một hướng khác tốt đẹp hơn.
Ngày hôm đó và cả những ngày sau nữa, tôi dẫn anh đi khắp xứ Huế, ăn những món mà chỉ có vùng này có. Anh lúc ăn rất dễ thương, hai chiếc má vốn đã phúng phính nay còn tròn hơn như hai chiếc bánh bao. Hựu không hề giữ ý tứ lúc ăn, khi nào cùng làm vương vãi khắp bàn và mặt. Lúc bình thường gặp những người như vậy, tôi sẽ lặng lẽ liếc bọn họ rồi chửi thầm trong đầu nhưng không hiểu sao khi thấy anh ăn như vậy, tôi lại muốn ôm trọn hai chiếc má vào lòng bàn tay và lau miệng cho anh. Trong một buổi chiều tháng sáu, tôi và anh ngồi ở bờ chỗ chùa Thiên Mụ, lúc này, anh đã đi gần hết xứ Huế, tôi và anh có thể ngồi cùng với nhau hàng tiếng mà không cần nói chuyện. Hựu ngẩn ngơ ngắm trời, trong khi tôi ngồi đọc tập "Gửi hương cho gió."
"Mở miệng vàng và hãy nói yêu tôi
Dù chỉ trong một phút mà thôi."
Khung cảnh lúc này cũng thích hợp để tỏ tình lắm chứ. Sông Hương trôi yên ả cuốn theo bông phương ven bờ tỏa đi khắp thành phố, tiếng mỏ từ chùa đều đều vọng ra, mây xứ Huế lững thững trôi, mặc kệ sự đời, bất cứ cô gái nào nhận được lời tỏ tình tại khung cảnh như vậy chắc hẳn cũng sẽ nói lời đồng ý. Tôi không phải một cô gái Huế, một phút cầu xin tình yêu từ nơi anh đối với tôi cũng đã quá tham lam, vậy mà tôi chỉ rủ anh làm những người yêu nhau làm. Tôi đã thấy những cặp trai gái đi cùng nhau dọc bờ sông Hương rồi đi lên Trường Tiền hóng gió, dừng lại bên sạp nào đó ăn bánh bột lọc. Yêu làm cho người ta tham lam, sau một tháng tôi không còn muốn anh nói lời yêu nào nữa, tình bạn này muốn giữ thôi cũng đã khó. Người ta sẽ lên Tây Bắc xa xôi còn tôi sẽ mãi ở đất Huế này. Đột nhiên giọng Hựu vang lên:
"Ở sông Hương gặp người yêu
Hương người vương mãi trong cánh phượng bay"
Đọc xong anh quay sang nhìn tôi, mắt long lanh như một đứa học trò nhỏ đợi thầy khen:
- Thơ anh làm đó, hay không Thần?
Tôi ngẩn người ra, không nói lên lời "Đồ ngốc này."
- Không hay
- Ơ?
Miệng Hựu hơi hé ra, anh trông hụt hẫng, đáng thương đến mức tôi muốn rút lại lời vừa nói và khen anh thêm cả trăm lần nữa. Tôi đưa tay xoa mái tóc nâu của anh:
- Nghe được thôi, nói hay thì hơi quá.
Tôi dừng một lúc, ngước qua anh thấy anh môi anh trề ra, "Đồ trẻ con", tôi thầm nghĩ rồi nói tiếp:
- Mấy bữa nay anh ngó được người nào rồi à?
- Hả?
Nói chuyện với anh, lâu lâu tôi cứ ngỡ như mình đang nói với một đứa con nít chứ không phải sinh viên. Anh cứ ngẩn ngẩn ngơ ngơ, lâu lâu đi với anh tôi lại sợ anh đi lạc mất, tới lúc đó Thần tôi đây sẽ không còn bạn mà cũng sẽ bị mất mối tình đơn phương đương dở dang.
- Ý em là mấy bữa nay đi chơi anh thương ai rồi à? Sao lại làm thơ như vậy?
Sau khi giải thích câu nói vừa nãy, tôi thấy mình thật ngốc. Chẳng có ai bình thường lại đi hỏi một câu có thể làm nhát dao chí mạng đâm chết mình được cả. Bây giờ nếu anh nói có thì tôi sẽ đáp lời thế nào đây, tôi chẳng thể nào cười mà chúc mừng anh hay giúp anh được cả. Tôi không đủ vị tha để làm vậy.
- Cả tháng nay... anh chỉ đi chơi với mỗi em.
Anh chậm rãi nói, và dường như càng nói, mặt anh càng đỏ hơn, ánh sáng phản xạ từ dưới lòng sông chiếu lên tóc anh óng ánh vàng. Tôi nhìn anh và anh cũng ngước mắt lên nhìn tôi:
- Vậy là anh thích ai cơ chứ?
Tôi không thể hiểu nổi câu trả lời của anh, tôi hỏi anh thích ai cơ mà, sao lại trả lời một câu không liên quan gì thế kia, tôi lặng lẽ mắng anh trong đầu. Hựu dường như bị câu hỏi của tôi làm bực mình, ánh mắt anh không còn ngượng nghịu nữa mà có vẻ như muốn đá tôi xuống sông.
- Em làm thơ viết văn mà tại sao lại chậm hiểu thế hả Thần? - Giọng anh hờn dỗi.
Chưa để tôi phản đối thì anh đưa tay lên ôm mặt tôi, bàn tay như có lửa đốt chạm lên da làm má tôi nóng lên rồi anh tiếp tục nói:
- Người yêu là em đó. Anh yêu em.
"Cung Hựu ơi hỡi Cung Hựu
Cho em tham lam một chút tình vụn nơi anh."
- Ừ, em cũng yêu anh.
Dưới trời Huế khi vào hè, tay anh len lỏi vào từng kẽ tay tôi. Tay Hựu đẹp lắm, lúc nào cũng mềm mại như tay con gái, dù tôi không biết tay con gái nắm thế nào. Cơn gió hè thổi từ lòng sông lên cũng không làm làn má đỏ của tôi và anh hạ bớt nhiệt. Buổi chiều hôm ấy, tuy chưa uống rượu bao giờ nhưng tôi nghĩ mình đã say. Say cảnh, say tình và say cả Cung Hựu.
"Hỡi nhan sắc, ngại ngùng chi không nói,
Cho trời thêm xanh, cho cảnh càng xinh.
Cho dư âm vang động của lời tình
Làm êm ấm đôi ngày xuân trống trải.
Tôi lắng đợi! Nhịp lòng tôi đứng lại!
Tôi cần tin! Tôi khao khát được nhầm!
Cho tôi mơ một ảo tưởng thâm trầm,
Và mặc kệ, nếu đó là dối trá!
Mở miệng vàng! Và hãy nói yêu tôi!
Dẫu chỉ là trong một phút mà thôi!"
Sau đó, những cuộc hẹn bên bờ sông dần chuyển thành cuộc hẹn ở nhà tôi. Vài tối, tôi còn để anh ở lại ngủ. Cung Hựu cũng trông như một đứa trẻ, môi anh hơi bĩu ra như trong mơ có ai làm anh giận dỗi. Có lần tôi ngồi ngắm anh ngủ đến canh ba, tôi vừa ngắm vừa nghĩ về tương lai hai đứa. Hựu bảo Hựu sẽ không ở đó luôn, khi nào tình hình trên đó ổn định anh sẽ về nhưng tôi lại sợ hai đứa lại chẳng có cái tương lai đó. Tối nào tôi cũng kết thúc dòng suy nghĩ với một hơi thở dài rồi lại ôm chặt Hựu thêm một chút nữa. Hơi thở ấm nóng của anh phả vào trong lồng ngực đưa tôi vào giấc ngủ.
Mối tình này bắt đầu với một nụ cười, tôi ngỡ đã có nụ cười ấy cả cuộc đời nào ngờ khóe môi ấy chỉ thuộc về tôi trong ba tháng. Khi phượng tàn cũng là lúc anh đi. Hôm trước ngày anh lên Tây Bắc, tôi và anh đã đi dọc bờ sông cả buổi sáng, khi đến chỗ vắng người, tay anh lại đi tìm tay tôi nắm nhẹ. Tôi tự hỏi thời gian tại sao cứ phải trôi đi nhanh đến thế? Sao nó không thể dừng lại đôi lúc để tôi có thể vẽ lại khoảnh khắc này đến từng chi tiết một trong đầu? Tàn nhẫn.
Tôi và anh không nói gì. Nói đúng hơn là chúng tôi không thể nói gì và cũng chẳng có gì để nói. Trong ba tháng qua, không ngày nào của tôi là thiếu bóng anh. Chúng tôi không hề cãi nhau một lần nào. Có lẽ cả hai đều biết rằng thời gian của hai đứa không có nhiều. Ba tháng hè với anh bây giờ như một thước phim quay chậm trong đầu. Tôi nhớ có một lần anh qua nhà chơi, chúng tôi ra ngoài hiên ngồi anh nằm trên đùi tôi trong khi tôi đọc thơ cho anh nghe, tôi vẫn còn nhớ khi đến bài Ngẩn ngơ thì anh ngủ mất:
"Mùa cúc năm nay sắc đã già
Chim hồng, chim phượng với chim nga.
Dõi cùng chim thúy đi đâu mất
- Ôi! Phượng bao giờ lại nở hoa!"
Tối ấy là tối cuối cùng chúng tôi ngủ chung với nhau. Anh nằm gọn trong vòng tay tôi, tay mân mê vạt áo, miệng cứ lẩm bẩm câu thơ mà khi ấy anh đọc:
"Ở sông Hương gặp người yêu
Hương người vương mãi trong cánh phượng bay"
Tôi đưa tay xoa tóc anh khẽ thì thầm:
- Ngủ đi anh ơi, mai phải đi sớm rồi.
- Nhưng anh không muốn đi.
Hựu vừa dứt câu, nước mắt bị anh kìm lại nãy giờ trào ra. Tôi chỉ biết xoa lưng, xoa đầu dỗ dành anh vừa kìm lại tiếng nấc của chính mình. Đêm buồn.
Sáng hôm sau mắt Hựu sưng húp, tôi phải chặn tay anh lại không cho anh dụi mắt phòng khi nó lại sưng lên nữa. Tôi tiễn anh đến cầu Trường Tiền, lên cầu người đông, không nắm tay được nên tôi đã chuẩn bị sẵn một lá thư để lấy cớ nắm tay anh lần cuối. Anh cũng nhanh chóng dúi một cuốn sách vào tay tôi. Những ngón tay thon dài của anh lướt qua tay tôi dù chỉ là một cái chạm nhẹ nhưng nó lại làm lòng tôi rạo rực như lần đầu gặp nhau. Hai chúng tôi đứng đối diện nhìn nhau một hồi, rồi anh cũng cất tiếng:
- Anh đi rồi, Thần hãy tìm tình yêu cho riêng mình nha. Đừng để anh làm vật cản - Tôi lấy tay bịt miệng anh, không để anh nói hết.
- Nhớ gửi thư, em cũng sẽ tìm cách để gửi thư cho anh.
Hựu lại khóc một lần nữa, không như tối qua, tôi không thể ôm anh được, chỉ biết ngượng nghịu đưa anh chiếc khăn cho anh lau nước mắt. Khi thấy anh đã dịu xuống, tôi tiếp tục nói:
- Em sẽ không quên anh đâu, nên đừng có nói những lời đó. Nghe chưa?
Anh gật đầu, lau mặt một lần nữa rồi ngước lên:
- Anh đi nha Thần
- Chào anh.
Anh đã đến với tôi bằng một nụ cười, khi anh đi tôi cũng nén nước mắt mà cười với anh. Cánh phượng mùa hè theo gió bay ngang qua mắt tôi rồi rớt xuống sông. Hựu đi một mạch không quay đầu. Dòng thơ tôi ghi trên bức thư mong là anh sẽ đọc và hiểu được tấm lòng tôi.
"Anh chỉ có một tình yêu thứ nhất
Đem cho em kèm với một lá thư
Em không lấy là tình anh đã mất
Tình đã cho không lấy lại bao giờ."
Thứ anh tặng tôi không phải sách mà là một cuốn sổ không biết anh mua từ bao giờ. Trang đầu được lấp đầu bằng nét chữ nắn nót của anh: "Gửi Thần yêu dấu, mong rằng khi mình gặp lại, cuốn sổ này khi đó sẽ chứa đầy những bài thơ của em." Ngay dưới đó là thơ Xuân Diệu:
"Buổi chiều hôm ấy đáng muôn hôn,
Hôn gió hôn mây với cả hồn
Hôn cái khúc đường, hôn cả bóng
Hàng cây xanh biếc dưới hoàng hôn
Dun dủi làm sao thế, hỡi em
Chiều nay em khoác áo trăm duyên
Em đi đôi dép xinh đơn giản
Em thật hồn nhiên, rất tự nhiên..."
Trang đầu ấy thấm đẫm nước mắt tôi, nước mắt loan đến trang sau làm giấy nhăn hết lại. Bài thơ cuối cùng của tôi xong ngay trong đêm ấy, ngay bên trong cuốn sổ Hựu tặng, tôi viết một mạch không dừng, ngày hôm sau, tôi mang ngay qua nhà xuất bản đương nhiên là khi đó, cô tôi cũng đã đọc rồi. Sau nhiều lần sửa chữa cuối năm ấy tập thơ ấy được phát hành với bài thơ cuối tặng cho Cung Hựu của tôi, và cũng khi đó, tôi nhận được thư của anh.
Anh đã gửi nhờ lá thư cho một người bạn cũng ở Tây Bắc nhưng lại có việc đi ngang Huế, tôi có hai ngày viết thư để người ta còn mang lên cho anh. Tay tôi run run nhận bức thư từ tay người ấy, quên cả cảm ơn chạy ngay vào phòng. Tay tôi run run xé bìa thư, bên trong là một trang giấy đôi được gấp lại cẩn thận, tôi nhận ra ngay nét chữ của Hựu, vẫn là mở đầu: "Gửi Thần yêu dấu,..."
Lần này tôi đã rút kinh nghiệm không để giấy dưới bàn để đọc nữa, tôi cầm nó lên đối diện với mắt, tuy hơi khó chịu nhưng đây là tất cả những gì tôi có được của Hựu, tôi không thể để nó dính nước mắt được dù đó là nước mắt của tôi. Qua bức thư đó tôi biết rằng anh đang học lái đò trên sông Đà, anh bảo rằng anh muốn phần nào kết nối với tôi dù việc lái đò là một công việc khá lạ lùng khi sinh viên lên đó thường làm những công việc liên quan đến đầu óc hơn. Bây giờ anh chỉ đi theo ông lái đò để học việc, khi nào ông nghĩ rằng anh đã vững, Hựu sẽ được phân chở hàng hóa. Hựu không hay viết văn nhưng anh còn sến súa hơn cả tôi, nửa sau thư toàn là những lời có cánh về việc anh nhớ tôi thế nào.
Đọc xong, mắt tôi cũng đã sưng đỏ. Tôi đặt bức thư xuống, lôi chiếc hộp đã chuẩn bị sẵn cẩn thận đặt bức thư đầu tiên anh gửi vào. Xong xuôi, tôi lấy giấy viết bắt đầu bức thư của mình. "Anh Hựu của em,..."
Bức thư đầu tiên ấy hai ngày sau được gửi đi kèm với tập thơ mới xuất bản của tôi.
Anh và tôi trao đổi thư với nhau không đều, phần lớn là do địa hình ở đó rất khó để nhờ ai xuống để chuyển thư, đi xuống Hà Nội còn khó nên anh không thể tháng nào cũng gửi thư cho tôi được. Cô tôi có người quen hay lên Tây Bắc nên cũng nhờ vả được nhưng ở chỗ anh có khi năm tháng liền chằng có ai xuống. Mỗi lần như vậy, tôi đều nhận được một phong bì to, muốn đọc hết cũng phải mất gần một tiếng. Mỗi lần gửi thư cho anh, tôi đều kèm theo tập thơ mới nhất của mình. Tôi gửi thư, gửi luôn cả tình yêu dành cho anh theo. Cứ như thế hai năm trôi qua, sau lần cuối nhận thư anh vào tháng sáu năm 1958 thì anh biệt tích.
Lúc đầu, tôi vẫn nghĩ là nó vẫn sẽ như những lần trước thôi cho đến tháng sáu năm sau, tôi mới thực sự từ bỏ hy vọng của mình.
"Đấy, ai bảo em làm anh mơ ước!
Lúc đầu tiên, anh có mộng gì đâu!
Tưởng có nhau ai ngờ vẫn xa nhau,
Em ác quá! Lòng anh như tự xé..."
Thật ngốc quá Thần ơi.
Trong hai năm gửi thư cho anh, tôi đã hoàn thành được tập thơ tiếp theo mà cô tôi nhận xét rằng "Con viết thơ tình hay đang nấu chè ngọt vậy Tảo?" Khi ấy tôi chỉ biết cười, ngượng nghịu cúi đầu nhìn đất trước ánh mắt tinh tường của cô. Khi dòng thư ngừng lại, tôi quay lại chén chè đắng trước đây của mình. Tôi cũng thử viết lại thơ tình ngọt ngào nhưng rồi những dòng chữ tuôn ra đều như được thấm qua nồi thuốc tàu đắng nghét mà mỗi khi bệnh tôi lại bị bắt uống.
"Tờ lá thắm đã lạc dòng u uất,
Ánh mai soi cũng pha nhạt màu ôi,
Anh chỉ có một tình yêu thứ nhất
Anh cho em, nên anh đã mất rồi!"
Tôi cứ sống như vậy, sáng dậy, đi ra sông Hương nghĩ thơ rồi về nhà nói chuyện với cô. Tôi viết biết bao nhiêu tập thơ, nhưng tuyệt nhiên chỉ viết mỗi thơ tình, tôi không như những nhà thơ khác chuyển sang thơ Cách Mạng khi chiến tranh một lần nữa nổ ra. Tôi và cô mạng lớn, cầm cự đến thêm hai mươi chín năm nữa. Tết Mậu Thân năm ấy, tôi và cô tất bật dọn nhà nấu bánh. Tuy nhà chỉ có hai người nhưng hàng xóm xung quanh lại giúp đỡ gia đình tôi rất nhiều, nên mọi năm tôi và cô lại nấu bánh biếu những nhà xung quanh. Đêm mồng một tết năm ấy, đang ngủ thì tôi bị tiếng súng làm cho giật mình. Tỉnh lại chưa biết chuyện gì xảy ra nhưng bản năng kêu tôi mình nên chạy đi ra hầm trú ẩn. Thế là tôi bật dậy, lấy vội chiếc hộp để đầu giường và chạy qua phòng cô tôi. Khi vừa bước ra khỏi phòng thì tôi đã gặp cô, có lẽ, cô cũng bị tiếng súng làm cho giật mình. Hai cô cháu nhìn nhau rồi nhanh chóng chạy ra khỏi nhà. Chạy gần đến hầm thì một tiếng súng vang lên làm cho không thời gian quanh tôi như đóng băng. Đầu tôi hét "Đạn lạc" nhưng miệng tôi lại chẳng thể phát ra lời nào, tôi đưa tay sờ vết thương, đạn bắn trúng bụng tôi, máu chảy loang lổ cả một mảnh áo. Tôi ngã xuống. Đến lúc rồi, thế là tôi không thể chờ Hựu để có thể đánh anh ta vì thất hứa nữa rồi. Không hiểu sao, lòng tôi lại nhẹ nhõm đến lạ, tập thơ sắp ra mắt đã xong vào tối qua, cô đã xuống hầm rồi và Cung Hựu chắc hẳn cũng chẳng lưu luyến gì đến tôi nữa. Chút ý thức còn lại, tôi dành để nhẩm lại bài Khúc Thụy Du vừa đọc vài bữa trước.
"mịn màng như nỗi chết
hoang đường như tuổi thơ
chưa một lần hé nở
trên ngọn cờ không bay
đôi mắt nàng không khép
bàn tay nàng không thưa
lọn tóc nàng đêm tối
khư khư ôm tình dài"
Bạn đang đọc truyện trên: TruyenTop.Vip