Chương 26: Trục tọa độ và đường tiệm cận
Tiếng trống tan trường điểm lúc hơn mười giờ trưa, Quỳnh hào hứng nhét sách vở vào cặp, thọc tay vào ngăn bàn vơ vội chiếc ô gấp. Nhỏ chào qua loa với Minh và Nguyệt rồi phóng nhanh ra cửa. Càng gần 20/11, đội văn nghệ của lớp càng trở nên bận rộn, đều đặn mỗi ngày đều xuống phòng thể chất tập dượt. Đứa nào đứa nấy mệt phờ phạc, cơ thể cũng không thể thích nghi nổi với chế độ luyện tập dày đặc đó, cứ gần đến giờ tan học là bắt đầu rũ rượi nằm ra bàn than thở, gương mặt trông lúc nào cũng đờ đẫn.
Trạng thái tươi tỉnh và hớn hở của Quỳnh lại trái ngược hoàn toàn với cả hội, mặc dù ban đầu lớp phó văn nghệ nài nỉ thuyết phục nhỏ tham gia hát hò mãi không được. Một ngày đẹp trời, lúc cô quyết định dùng loa thay thế thì Quỳnh đến tìm, vỗ ngực cam đoan sẽ nỗ lực hết sức để hát.
Việc này khiến Minh đôi chút băn khoăn. Cô cứ vô thức ngẫm nghĩ nguyên do trong lúc chờ Nguyệt khóa cửa lớp. Cuối cùng sự hiếu kì cũng bật ra khỏi miệng:
"Sao đột nhiên con Quỳnh hăng hái thế nhỉ? Bình thường nó ngại đám đông lắm kia mà."
"Ai mà chẳng phải thay đổi." Nguyệt rút chìa khóa cất vào túi áo, đưa tay lấy chiếc máy quay từ chỗ Minh, "Mà, cụ thể thì nó được cái cậu bệnh nhân nào đấy động viên chứ gì nữa."
Minh và Nguyệt, mỗi người chỉ nghe được một phần câu chuyện qua miệng Quỳnh. Những thông tin ít ỏi đó dựng lên một kịch bản sơ sài, rằng nhỏ bạn được một cậu con trai lạ mặt giải cứu khỏi tên "côn đồ" ở trạm xe. Tình cờ cậu ta lại là khách quen trong phòng khám của nhà con bé. Hai đứa càng ngày càng trở nên thân thiết, đến mức nhỏ vì cậu mà bạo dạn tham gia biểu diễn với lớp trong ngày 20/11.
"Tùy vào mắt nhìn người của nó thôi." Nguyệt giương camera lên ngang tầm mắt, phóng ống kính thu lại hình ảnh ngọn cây xanh mướt, "Cùng lắm nó khóc một trận nữa thì mình lại chịu vậy. Cũng không phải lần đầu."
Minh ôm lỏng giá đỡ máy quay, mơ màng nhớ lại chuyện Quỳnh kể ở quán nước. Trực giác mách bảo cô cậu bệnh nhân kia có lẽ là người tử tế.
"Tao có cảm giác đối phương cũng tốt lắm. Tuy đầu hơi ít dinh dưỡng."
"Chịu! Tin thế nào được vào mắt nhìn người của mày." Nguyệt liếc cô, ánh mắt sắc lẹm, ngũ quan điều chỉnh cho hợp với lối nói mỉa mai, "Tự nhìn lại Quang Khải nhà mày đi!"
"Không liên quan. Tao đã nói là tao thích lão bao giờ đâu."
Nguyệt tặc lưỡi một cái rồi lại thở dài, sẵn chân đá văng viên sỏi vừa cụng vào giày cho nó trượt loẹt quẹt trên nền bê tông khô khốc.
"Mày không nói nhưng mày hành động." Nhỏ nghĩ thầm.
Đội bóng rổ đang tập dưới sân kế bên nhà thể chất. Đây là sân bãi duy nhất có thể sử dụng vào thời điểm gần trưa nắng, bởi vì bốn bề của nó được phủ lấp dưới tán xà cừ rậm rạp quanh sân và hai bên trái phải đều có một khu kí túc xá khá lớn chắn nắng mặt trời chiếu vào.
Minh và Nguyệt rẽ vào lối đi lởm chởm rêu xanh rêu đen kề sát hiên hè kí túc xá nữ. Minh cầm cặp sách, đồ đạc của cả hai đặt lên ghế đá gần đó trong lúc Nguyệt bắt đầu quay phim. Gió lành lạnh sượt qua mặt, thổi tung mái tóc lơ thơ của nhỏ. Thoáng chốc nhỏ muốn đi ra phía cổng nơi nắng đổ vàng đứng cho ấm. Nhưng thôi, sinh nghề tử nghiệp, hơn nữa nhìn mấy vận động viên (sắp) chuyên nghiệp chạy nhảy trên sân, mồ hôi túa ướt tay chân và hai bên thái dương, nhỏ cảm thấy mình cũng tiếp nhận được phần nào tinh thần nhiệt huyết của họ.
Hai cô gái thay phiên nhau cầm máy quay đến gần mười một giờ, khi đội bóng nghỉ tập cả hai mới dừng lại, tắt máy xong xuôi rồi ra ghế đá ngồi một lúc trước khi về. Lúc này một vài cậu con trai trong đội cũng túm tụm bàn luận cái gì đó. Vài phút sau, Phong chạy đến chỗ ghế đá, hỏi:
"Giờ hai cậu bận gì không? Ra quán trà sữa gần trường chút đi, tôi bao."
Rút kinh nghiệm chuyện ở quán ăn lần trước, hai đứa thống nhất từ chối. Nhưng chưa kịp nói xong từ xin lỗi khách sáo thì mấy cậu bạn tuyển thủ đã lăng xăng chạy lại. Bao nhiêu là người thuyết phục, hơn nữa dù gì cũng là quan hệ hợp tác lâu dài, Nguyệt gật đầu đồng ý.
Vậy nên gần giờ đóng cửa, quán trà sữa Ngọc Lan cách cổng sau trường học ba trăm mét có thêm một toán khách. Minh, Nguyệt, Phong và cậu bạn tên Hưng ngồi cùng một bàn. Minh cầm thực đơn, tìm món nào rẻ một chút. Hưng tựa tay lên thái dương, mở lời:
"Cứ đè cái gì đắt nhất mà gọi đi cậu ơi! Thằng Phong giàu lắm!"
Mọi người xung quanh bắt đầu hùa theo. Minh lật tấm thực đơn, điềm nhiên đáp:
"Mình định làm thế rồi ấy chứ. Mà cậu vạch trần thế này mình ngại, sao dám gọi đồ đắt nữa."
"Quen dần đi! Sau này tôi còn đưa tiền hằng tháng cho cậu, thế này đã là gì?"
Lũ con trai cười ầm lên, lấn át cả tiếng ho sù sụ vì sặc nước của Nguyệt. Minh không có phản ứng gì, với lấy ca nước nhựa gần tường rót vào cốc.
"Ý cậu là muốn trả bảo hiểm lương hưu cho tôi ấy à? Cũng chưa chắc tôi sống đến tuổi nghỉ hưu mà."
Tiếng cười thưa thớt dần, thay vào đó là những ánh nhìn kinh ngạc, không ngờ câu thả thính đó lại có thể hiểu sang nghĩa như vậy. Phong thoáng ngượng ngùng, tay gõ nhẹ lên bàn. Nếu Minh đã cố tình không hiểu thì cậu không ngại nói rõ hơn:
"Ý tôi là muốn sống cùng nhà với cậu! Đưa cậu khoản tiền định kì hàng tháng, từ khi còn trẻ đến lúc về già!"
"Biết đâu đấy. Nếu tương lai nhà tôi mở dịch vụ thuê trọ tôi sẽ báo với cậu."
Cô tươi cười đáp, chẳng có vẻ gì là e dè khi nghe lời tỏ tình gián tiếp của cậu. Gương mặt đó lúc nào cũng giữ nguyên trạng thái điềm tĩnh, tựa như một hồ nước trong trẻo và bình lặng. Ánh trăng dịu dàng rải ánh sáng bàng bạc lên những tán cây rậm rạp trong mảnh rừng thâm u, lọt qua kẽ lá rơi xuống mặt hồ lặng như gương. Hồ nước vì thế như thực như mơ, khiến người ta đắm đuối nhìn ngắm mà không tài nào chạm vào.
"Hội đồng quản trị" của Phong đã nỗ lực đến vậy nhưng cũng không thể giúp gì được thằng bạn. Rốt cuộc buổi trưa hôm đó không đứa nào trêu ghẹo hay gán ghép gì hai người nữa, đơn thuần nói chuyện phiếm đến gần mười hai giờ rồi về. Sẵn đường quay lại trường học, Nguyệt tiễn Minh ra trạm xe buýt. Nhớ lại mấy câu ở quán chè, nhỏ không nhịn được tò mò:
"Ê! Hồi nãy lão chỉ thiếu điều nói là thích mày thôi đấy!"
"Chẳng biết. Dù sao thì tao cũng phải từ chối."
"Dứt khoát ghê ha!" Nguyệt cười đểu giả, "Sao không làm thế với người đó đó luôn đi!"
"Khải có thích tao đâu." Minh đưa giá đỡ camera cho nhỏ bạn, "Bạn bè với nhau thì chối cái gì được. Thôi đến đây được rồi, về trường lấy xe đi."
Nguyệt đứng trước ngã ba, nhìn Minh lên chuyến xe buýt vốn không thuộc tuyến đường về nhà hàng ngày. Có lẽ nếu nói chuyện với cô thêm một lúc nữa, con bé sẽ buộc phải thừa nhận một cái gì đó mà nó đang cố chôn giấu. Nguyệt ôm giá đỡ máy quay, lững thững rảo bước trên vỉa hè dẫn về cổng trường trung học. Gần đây nhỏ cảm thấy mình giống như đôi trục không gian, những chuyện xảy ra xung quanh tựa hồ vô số đường tiệm cận chồng chéo nhau, gần gũi nhưng không có giao điểm. Mọi rắc rối ở đó tưởng chừng liên quan đến mình mà lại chẳng thể nắm bắt được.
Cho dù có muốn hay không, cuộc sống vẫn cứ tiếp diễn, rắc rối nảy sinh phiền nhiễu. Tuổi trẻ của tất cả chúng ta đều trôi qua như thế.
Chỉ là không ai đoán được đường đi của mọi người quấn vào nhau từ đâu, càng không biết nó đã rối tung lên từ bao giờ. Một ngày đầu tháng mười, khi Quỳnh chính thức chia tay Việt Anh, Minh đụng mặt Khải khi đang theo dõi bọn họ từ trong bụi rậm. Từ trường học đến quán cà phê, từ hai người xa lạ thậm chí còn không biết tên nhau đến một mối quan hệ không rõ ràng. Vô tình hay cố ý, nhiều chuyện xảy ra khiến cả hai còn phải bám dính lấy nhau trong khoảng thời gian dài hơn tưởng tượng của bất kỳ người nào.
Bạn đang đọc truyện trên: TruyenTop.Vip