Chương 4: VỰC THẲM CUỘC ĐỜI (Nguyễn Lâm Anh Kiệt)

Mười hai giờ trưa, ngày một tháng Sáu năm 2017


Một số đông các sinh viên đứng náo động: người cố tình làm cho mình bị kẹp dính ở chính giữa, kẻ dùng hết sức bình sinh chống hai tay lên vai đứa bạn không cần biết là xa lạ hay thân quen trước mặt để nhảy dựng lên ngước mắt dò tìm vị trí họ tên của mình. Cảnh tượng chen chúc không nhường nhau nửa bước như bầy kiến lửa tranh đua tha mồi về tổ ấy diễn ra trước tấm bảng trắng to tướng được đặt phía bên phải vách tường trước cửa Khoa Ngoại ngữ Trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh.

Trên tấm bảng, gần như không còn một chỗ trống nào ngoại trừ sáu mươi bốn tờ giấy A4 được dán lên theo thứ tự tám hàng ngang, mỗi hàng tám tấm in kết quả tổng điểm trung bình tất cả các môn học của toàn bộ sinh viên năm nhất khóa 2016 trong kỳ thi học kỳ II vừa qua. Riêng các sinh viên ngành Ngôn ngữ Trung Quốc chuyên ngành BiênPhiên dịch, họ tỏ ra phấn khích "bảng xếp hạng" này hơn cả phần còn lại.

Những cô cậu thanh niên 9X đời cuối trong lớp học Trung văn ấy không chỉ hài lòng về kết quả học tập mình có được trong khoảng đời đầu cắp sách đến giảng đường Đại học Mở, mà họ còn hưng phấn gấp bội như một sự rảnh rang hay phần nhiều xuất phát từ lòng ái mộ cuồng nhiệt dành cho một nữ sinh tài sắc vẹn toàn – vì sao sáng chiếu nổi bật duy nhất trong trường chưa xuất hiện khiến tất cả phải cùng nhau nín thở chờ đợi trong bầu không khí im lặng sắp phải nổ tung.


Khoảng ba phút sau, mọi thứ dần trở nên ồn ào hơn mức bình thường. Hai nhóm sinh viên thuộc hai ngành học Ngôn ngữ AnhNgôn ngữ Nhật Bản cũng bắt đầu hòa theo "các đồng môn" bên phe tiếng Trung. Hơn hai trăm sinh viên làm các thầy cô đang ngồi làm việc hay nghỉ ngơi trong văn phòng khoa chỉ muốn nổi điên lên, không thể ngồi yên được nữa vì tiếng động bên ngoài quá lớn. Nhưng, khi một người đại diện trong số họ còn chưa kịp mở cửa ra nhắc nhở để "giải tán" đám học trò lớn đầu rồi mà vẫn còn chưa thôi rắc rối này thì đồng loạt một âm thanh vang lên: "Xin chúc mừng Tân Hoa khôi Đại học Mở với thành tích đứng thứ nhất trong top 10 sinh viên có tổng điểm trung bình cao nhất Khoa Ngoại ngữ trong kỳ thi kết thúc năm nhất này với 9,5 điểm! Dương Thị Nguyệt Lan chúng tôi yêu! Dương Thị Nguyệt Lan chúng tôi thích! Nguyệt Lan! Nguyệt Lan! Nguyệt Lan! Nguyệt Lan! Nguyệt Lan!..."

Phát ngất độ cuồng nhiệt quá trớn từ bè bạn (từ những người học chung với mình, đến những người mình còn chưa biết mặt mũi, tên tuổi), Nguyệt Lan chỉ muốn mọi người nhỏ tiếng lại, đừng làm ảnh hưởng đến các thầy cô đang làm việc, nghỉ ngơi trong căn phòng lớn kế bên, và cầu mong cả tập thể fan cuồng này sẽ "thương tình" giúp cô "hạ cánh" xuống mặt đất một cách an toàn, kẻo màn tung hứng nàng hoa khôi bay lên trên cao của hàng trăm cánh tay tập thể đó mà có tí sơ sót gì thì thật sự nguy to!

Mất khoảng chín phút để kịp thoát khỏi "Hội những người hâm mộ Dương Thị Nguyệt Lan" với tổng số thành viên chiếm đến... 90% tổng số sinh viên toàn trường, khi mà số lượng người hâm mộ vây quanh hiện tại chỉ tạm ở mức hai trăm mười sáu và "quân ngũ" còn thiếu vẫn chưa tới nơi, nàng hoa khôi mười chín tuổi thở phào nhẹ nhõm cho trái tim dập tắt "nỗi lo sợ dễ chịu" rằng mình sẽ chết sớm vì "ngộp thở" mất.

Đúng là một buổi trưa đáng nhớ ngoài mong đợi của Nguyệt Lan! Tâm trạng cô vui mừng khôn xiết trên đoạn đường đeo chiếc ba lô nữ giả da màu hồng đậm mang thương hiệu Elly bước ra khỏi cổng trường. Không cần chần chừ do dự, cô quyết định đưa Ngày Quốc tế Thiếu nhi hôm nay vào trong danh sách Cuộc sống tươi đẹp – cuốn nhật ký đầy nữ tính, ngọt ngào, nhiều màu sắc và tươi trẻ – nơi nàng công chúa đáng yêu, xì-tin của chúng ta ghi lại mọi khoảnh khắc sung sướng, hạnh phúc nhất trong cuộc đời từ quá khứ cho đến hiện tại.

Nguyệt Lan thừa hiểu mình sinh ra vốn là để được tận hưởng toàn những điều tốt đẹp. Đến thời điểm này, cô vẫn không thể nhớ nổi lần đau buồn gần nhất của mình về một chuyện nào đó trong quá khứ đã diễn ra cách đây bao lâu rồi. Cô thấy mình là một trong những cô gái may mắn nhất trên thế gian. Theo một cách thường tình, Nguyệt Lan đã thử hình dung nếu cô là một danh họa xuất chúng thì chắc chắn, cô sẽ chuyên dùng các gam màu nổi bật và tươi sáng để vẽ nên bức tranh Con đường hoa hồng vốn được Thượng Đế ưu ái ban tặng cho mình ngay từ khi vừa cất tiếng khóc chào đời.

Cuộc gọi di động của dì Chín đến đúng lúc Nguyệt Lan muốn thông báo điểm số tuyệt vời cô giành được cho người thân trong gia đình biết. Cô đoán dì Chín sẽ rất lấy làm vinh dự vì là người đầu tiên trong nhà nhận được tin vui từ cô. Cô còn định sẵn dịp này, xin tiền cha mình để mua luôn chiếc điện thoại thông minh khác đắt tiền và sành điệu hơn thay thế cho chiếc iPhone 7 Plus mà cô xài hồi đầu năm nhất đã gặp phải một số vấn đề về lỗi kỹ thuật không mong muốn do sự cẩu thả của cô trong lúc sử dụng gây ra.

Đúng là cuộc sống thượng đẳng của một đại tiểu thư con gái ông trùm tỷ phú ngành du lịch Việt Nam khiến cho Nguyệt Lan không có lý do gì để "nặng lòng" quá lâu hay bảo quản cẩn thận hoặc ít ra, là thương tiếc chút đỉnh những món đồ công nghệ điện tử có chất lượng cao, dù cho chỉ mới sử dụng chúng chưa tròn một năm. Đáng nói hơn ở đây, cũng vì việc bấy lâu nay phát hiện ra bản thân mình khó lòng sửa đổi được cái "sở thích con nhà có điều kiện" thường hay mau sớm "lạnh nhạt" trước các thương hiệu điện thoại thông minh cao cấp phổ biến trên toàn cầu mà Nguyệt Lan còn quyết dự tính trong thời gian tới, cô sẽ nhắm đến việc tìm hiểu và mua dùng những mẫu điện thoại thông minh không nhất thiết phải có cấu hình cực mạnh hay tính năng vượt trội, tiên tiến mà chỉ cần có giá trị siêu đắt đỏ ở nguyên liệu chế tác và được sản xuất với số lượng có hạn tung ra trên thị trường cho tương xứng với đẳng cấp của mình thì mới đủ thỏa lòng.

Nghe sơ qua, đúng thật là có phần hơi mâu thuẫn so với lối sống thiên nhiều về mộc mạc, giản dị, không thích khoe khoang của cải vật chất hay thân thế bạc tỷ mà Nguyệt Lan vẫn luôn tự hào nhận định là ngoại trừ cô, có lẽ sẽ rất khó tìm ra nổi một người nào khác có xuất thân tương tự như mình mà lại có đủ "bản lĩnh" và "tinh thần thép" để làm được cái điều nói dễ hơn làm đó. Dẫu vậy, sự cao sang quyền quý và sáng ngời khí chất về cả ngoại hình lẫn nội tâm của cô là thứ mà bất kỳ ai cũng đều sẽ nhận ra ngay chỉ trong lần đầu gặp gỡ. Thế nên, dù cho có cố tình che đậy, làm "giảm bớt" đi sự giàu có của mình một cách tài tình và đầy kinh nghiệm đến nhường nào, cô vẫn luôn luôn trở thành tâm điểm của mọi sự chú ý mỗi khi đến trường.

Nói thế để càng ngưỡng mộ Nguyệt Lan nhiều hơn là ở chỗ, dù cho mang trong mình niềm kiêu hãnh và lòng tự tin với sự hoàn hảo từ bản thân, song cô vẫn không thiếu đi cái đầu tỉnh táo và giàu trí tuệ để thừa hiểu một quy luật bất thành văn về việc: không phải ai cũng đều sống thành thật khi tiếp xúc với một người luôn luôn trở thành trung tâm của mọi sự chú ý giống như mình.

Bên cạnh những cá nhân phát cuồng vì Nguyệt Lan thật sự, vẫn có một số lượng đối nghịch khá nhỏ khác nảy sinh lòng đố kỵ và thầm căm ghét cô. Điều đó cũng giải thích cho lý do vì sao trong suốt quãng đời đi học từ khi còn bé cho đến cái tuổi mới lớn như hiện giờ, cô luôn tự giác áp dụng "kỷ luật sắt" cho bản thân: không cho phép mình có quá nhiều người bạn thân thiết là nữ giới. Còn về những người bạn nam nói chung, đó là một con số 0 tròn trĩnh.

Nguyệt Lan chưa từng trải qua cảm giác biết rung động với một chàng trai nào đó hay chí ít là có thiện cảm để kết bạn tâm giao vơi bất kỳ một nam sinh nào học chung trường với cô. Trong suy nghĩ vừa có phần tự cao, cứng nhắc, vừa mang nặng tính cẩn trọng sâu xa (do luôn biết cách gìn giữ và phát huy phẩm giá cao quý cho xứng tầm với vị thế "cành vàng lá ngọc" của mình) ngay từ khi còn là cô học sinh lớp 9 tại Trường Quốc tế Nam Sài Gòn, Nguyệt Lan đã từng mạnh dạn quả quyết, đưa ra một nhận định hùng hồn như thể muốn "tát khéo" vào trong bản mặt của cậu thiếu niên bảnh trai non nớt, có phần phước "đen đủi" đang muốn làm "con nít quỷ" tán tỉnh cô bạn cùng lớp: "Khi nói về tình yêu; những bạn trai được sinh ra trong gia cảnh ở tầng lớp thấp hơn mình, họ dĩ nhiên không bao giờ tìm đến mình mà không có mục đích, dù chỉ để là làm bạn của nhau; còn với những cậu ấm được ngậm thìa vàng ngay từ trong trứng nước giống như bạn, họ đơn giản chỉ coi thứ tình cảm này là một trò chơi giải trí có thời hạn không hơn không kém".


"Dạ, dì Chín ơi, con nghe đây! Dì yêu của con gọi thật đúng lúc đó nha! Con có chuyện này muốn báo cho...", giọng nói Nguyệt Lan hồ hởi, tươi vui như chim én gặp phải trời xuân, khổ nỗi cô chưa nói xong câu đã bị đầu dây bên kia ngắt lời. Cả gương mặt cô (không riêng gì bờ môi đỏ thắm), mỉm cười lung linh rạng rỡ, lắng nghe người dì giúp việc kiêm vú nuôi mình coi như mẹ ruột kể từ thuở bé báo cho một tin tức gì đó quan trọng không kém. Nghĩ đơn giản chỉ cần nghe xong, cô sẽ lập tức nói nốt luôn mấy từ còn thiếu kia để ngày một tháng Sáu hôm nay càng thêm trọn vẹn, ý nghĩa, ai ngờ...

Tin quan trọng dì Chín cho Nguyệt Lan hay không hề vui như cô tưởng. Và càng không thể tin nổi, tính chất ngược lại của nó còn lấn át luôn cả thứ hạng "Quán quân Khoa Ngoại ngữ" trong kỳ thi học kỳ II cô vừa xuất sắc giành được, bỏ qua việc thành tích rất đáng để người ta ca ngợi này không phải là một điều gì đó quá to tát so với trình độ và năng lực của một cựu học sinh trường quốc tế hạng sang nhất quyết không chịu ra nước ngoài du học giống như cô.

Đoạn đầu, Nguyệt Lan buông máy chừng chục giây, tập trung cố giữ cho con tim và lý trí mình vẫn tiếp tục sáng suốt, phán đoán trong tâm trạng giả vờ hờn dỗi rằng... chắc do dì Chín lầm tưởng hôm nay là ngày Cá tháng Tư nên mới dám dối gạt mình theo kiểu ác ý khó lòng chấp nhận đến vậy; nhưng rồi, đến đoạn giữa của cảm xúc, theo phản xạ tự nhiên khi cụt hứng, cô thờ ơ tắt máy; Song, trong đoạn cuối đảo lộn thật giả trong nghĩ suy, cô lạnh người quỳ gối xuống, gục đầu nhòe cay hai mắt.

Cả sân trường với cô gần như thật vắng lặng. Thật vắng lặng. Cảm giác ở trên đỉnh cao chót vót của bốn từ "cực kỳ hạnh phúc" đột nhiên lại tụt xuống cột mốc thấp nhất – thấp và đau đớn đến mức có thể làm cô té ngã bất tỉnh ngay tức thời.

Rất nhanh, rất nhanh chóng, trong chuyển động của cơ thể (dù cho não bộ không còn một chút ý thức gì về thời gian lẫn không gian nữa) Nguyệt Lan trong tâm trạng giờ đã hoảng loạn đứng dậy, tung chân chạy thật nhanh ra khỏi cổng trường không một giây rề rà (khác xa ban nãy). Những giọt lệ sầu vương đầy trên khoảng sân trường cô lướt qua thật lẹ làng.

Đón xe buýt (sở thích di chuyển giữa gia đình và nhà trường đầy bình dị của nàng hoa khôi hằng ngày) trong hoàn cảnh này thật sự là quá phung phí thì giờ với độ cấp bách đang đốt dần sự kiên nhẫn trong người cô từng chút, từng chút một. Bắt taxi cũng không thích hợp vì chẳng có chiếc nào đỗ quanh đây hay chạy ngang. Bác xe ôm già với dáng người cao ốm, da dẻ đen nhẻm, râu ria xồm xoàm, bạc trắng mái tóc độ ngoài sáu mươi tuổi đang ngồi úp mặt ngủ gục đè lên tay lái vì lý do trường kỳ ế khách (người mà Nguyệt Lan thường không chú ý lắm mỗi khi đi mua đồ ăn vặt và nước uống trước cổng trường trong giờ ra chơi) đang đậu rất gần cô là sự lựa chọn khả dĩ và hợp lý nhất.

Và những gì diễn ra sau đó... thuộc về thương đau – một đoạn đường đời quá mức nghiệt ngã đối với một cô gái trước giờ chỉ toàn biết tới niềm vui trong cuộc sống sung túc hạng sang, quấn đầy nhung lụa như Nguyệt Lan. Ngay thời khắc ấy, đứng trước Phòng Cấp cứu Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn, nơi bà Nguyễn Thị Nguyệt Vi được xe cứu thương đưa đến từ Khoa Piano Nhạc viện Thành phố Hồ Chí Minh do cơn trụy tim không rõ nguyên nhân, nàng tiểu thư danh giá bậc nhất của nhà họ Dương đã thấu rõ thế nào là cảm giác câm lặng không được ai báo trước trong một kiếp người.

Tại chính nơi giờ chỉ còn lại làn sương khói tan thương ngập lối trong tâm tưởng, Nguyệt Lan đã nếm trải đầy đủ nỗi đau đầu tiên trong cuộc đời mình. Nguyệt Lan đã biết rằng vực thẳm cuộc đời đang dốc hết sức mạnh tàn nhẫn xô ngã cô lọt rơi tự do xuống dưới đáy vùng tối âm u, lạnh buốt, kinh hãi, và không hẹn ngày tìm ra lối thoát.


Tức giận dâng trào trong khóe mắt, mười ngón tay thuôn dài, mềm mại, thoăn thoắt mang dáng dấp yêu kiều và đầy gợi cảm như những cánh hoa ngọc lan trắng tinh khôi tỏa hương trong đêm của Nguyệt Lan nóng dần lên như bùng nổ một ngọn lửa cực mạnh ẩn giấu lâu nay sắp bộc phát dữ dội để thiêu rụi đi mọi ý nghĩ. Cô nhấn thật mạnh liên tục mười đầu ngón tay mình xuống những phím đàn đen trắng ngẫu nhiên cùng lúc tạo ra một chuỗi hợp âm nghịch lộn xộn, rối bời bất quy tắc như chính sự vụn vỡ rải rác dính sâu vào tâm hồn cô hiện giờ. Đoạn kết sâu lắng cho nhạc phẩm Beethoven's Silence (Concerto) đã không thể vang lên đúng nốt giống như phần lớn thời lượng trước đó. Cô quá hối hận khi tự buộc trí não mình nhớ lại cái ngày quá sức khủng khiếp ấy trong lúc đang tập trung tinh thần thả hồn vào những kiệt tác âm nhạc không lời của Ernesto Cortázar.

9 phút 54 giây của Beethoven's Silence (Concerto) cộng với Tears (Concerto) dài 12 phút 59 giây, Sea of Tears dài 4 phút 16 giây và The Lake and I dài 3 phút 4 giây vừa đánh xong cách đó không lâu khiến Nguyệt Lan chợt nhớ ra: trải qua gần một năm trời bị bóng đêm vây kín, ngỡ đâu nghìn thu kể từ ngày biết đến nỗi đau đầu tiên, cô mới lại chơi đàn, mà còn chơi tận bốn bài liên tục trong vòng nửa tiếng đồng hồ rất phi thường. Cô thầm nghĩ: "Nếu xét về độ buồn của bốn nhạc phẩm bán cổ điển Mỹ Latin nổi tiếng của tác giả mà cô ái mộ nhất với nỗi buồn trong cuộc đời mình, đâu mới là bên thực sự buồn hơn?"

Cô không thể trả lời nổi cho câu hỏi đau đớn trên, càng không thể nhờ vả bất kỳ ai làm thay mình điều đó. Rồi cô lại bật khóc – lần bật khóc im tiếng không biết thứ bao nhiêu, và cô không rõ liệu mình có còn đủ nước mắt để khóc tiếp hay không?

Nàng tiểu thư cao quý áp sát vầng trán cao rộng của mình (chạm nhẹ không phát ra thành tiếng) xuống chuỗi bảy nốt nhạc tự nhiên có cao độ liền bậc thuộc tầng quãng tám thứ nhất trên cây Acoustic Grand Piano Apollo SJ400A; suối tóc đen tuyền vẫn còn óng ả dù thiếu đi sự chăm sóc thường xuyên của cô bung rộng sang hai bên che lấp đi hầu hết các phím đàn còn lại; đôi tay cô thì buông lơi yếu ớt; gương mặt, thân hình cô ngày càng ốm o, gầy mòn; đôi môi nhợt nhạt, khô cằn, như thể sắp bong tróc da ra dù vẫn đầy gợi cảm của cô thốt lên vài tiếng nói thều thào không tròn vành rõ chữ; còn hai lỗ tai thì như không còn có cảm giác gì với mọi thanh âm tổng hợp ít ỏi lọt sâu vào bên trong, cả tiếng hót ríu rít của đàn chim sẻ đáng yêu bay loanh quanh sân vườn cũng trở nên thật vô vị. Nguyên tầng trệt ngôi biệt thự cổ điển nguy nga chìm đắm trong bầu không khí tuyệt vọng vì âm điệu rệu rã, u buồn toát ra từ chính nữ chủ nhân của nó.

Lớp bụi thời gian dày đặc bám đầy khắp hai lòng bàn tay của Nguyệt Lan khi cô đậy nắp che phím đàn lại và dùng tấm khăn bằng ren màu xanh dương phủ lên trên món quà vô giá người mẹ thương yêu dành tặng cho mình trong bữa đại tiệc sinh nhật năm cô vừa tròn tám tuổi.

Apollo – cái tên thật đẹp không chỉ là thương hiệu cây đại dương cầm màu gụ đỏ loại cao cấp nhất thuộc phiên bản giới hạn chỉ có một ngàn chiếc được bán ra trên toàn thế giới bà Vi phải đặt mua bằng mọi giá từ bên Nhật Bản xa xôi về trao tận tay cho con gái bảo bối, mà còn chính là danh xưng huyền thoại của vị thần biểu tượng cho ánh sáng, chân lý và nghệ thuật trong thần thoại Hy Lạp. Nữ nghệ sĩ xấu số đặt kỳ vọng Nguyệt Lan sẽ mãi mãi gìn giữ sự thuần khiết trong tâm hồn, luôn hướng tới giá trị của chân – thiện – mỹ: một con người tài năng chân chính trong nghệ thuật; dùng chân lý cao cả trong suy nghĩ để dù gặp phải khó khăn nào trong cuộc sống cũng đừng vội vàng gục ngã hay dễ dàng nản chí từ bỏ mục tiêu, hoài bão đã đề ra; và cuối cùng là hãy như ánh sáng chói chang của mặt trời, thắp lên bao điều tươi đẹp cao cả, xua tan bóng tối, đẩy lùi xấu xa, không bao giờ làm những chuyện có lỗi cho chính mình hay cho người khác.

Nguyệt Lan, lẽ dĩ nhiên, được giáo dục trong một môi trường gia đình gương mẫu, trí thức lâu đời, dễ dàng thấm nhuần "bài học vĩ đại" mà mẹ mình dạy bảo, song, bài học đó đã xin nguyện ngủ sâu trong quá khứ vĩnh viễn. Bây giờ, cô còn chẳng biết cuộc đời này còn có điều gì ý nghĩa để buộc mình tiếp tục gắng sống, chứ đừng nói chi đến chuyện lưu giữ "những triết lý giáo dục" giờ đã trở nên sáo rỗng kia khi "người nhà giáo thần tượng" ấy đã trở về cõi hư vô mãi mãi.

Cô đơn, cô quạnh, đơn côi, đơn độc, quạnh quẽ, quạnh vắng, hoang vắng, hoang vu..., liệu phải cần bao nhiêu tính từ văn vẻ để diễn tả hết "vùng đất" trống trải bao la đang ngự trị trong tâm hồn sâu thẳm của nàng hoa khôi đài các đây? Song, trên mặt sàn gỗ sồi màu nâu hai mươi bốn mét vuông ấy, đâu chỉ có mình cô. Nếu gộp cả cô và cây Acoustic Grand Piano Apollo SJ400A màu gụ đỏ lại thành một thì vẫn còn có một cõi tình bơ vơ khác buồn bã không kém.

Bất chấp công sức lau chùi tỉ mẩn hằng ngày của dì Chín cộng với việc được bảo quản cẩn thận bằng hai tấm khăn màu xanh dương được làm từ chất liệu ren Hàn Quốc rất rộng trùm kín gần như toàn bộ, hai cây đại dương cầm được xếp đặt nối tiếp nhau liền mạch theo chiều ngang của phím đàn vẫn vương đầy hết lớp bụi thời gian này tới lớp bụi thời gian khác không thôi, nguyên nhân chủ yếu là do "không được" sử dụng lâu ngày.

Những hình ảnh bất tử về người Nghệ sĩ Ưu tú kiêm giảng viên dương cầm Nguyễn Thị Nguyệt Vi lúc độc tấu các bản nhạc không lời lãng mạn bằng "người bạn" Acoustic Grand Piano Yamaha JP160 trắng xóa vô cùng thân thiết kể từ mùa hè năm 2002 (thời điểm con gái bà vừa tròn bốn tuổi, bắt đầu nhận thức được thế giới đang diễn ra xung quanh nó bằng trí nhớ rõ ràng hơn) đến buổi sáng cuối cùng trước khi bà mất hiện lên rõ mồn một như một miền ký ức tuôn chảy tự nhiên và bất thình lình, ào ạt và cuồn cuộn mà Nguyệt Lan buộc phải tự ép mình gắng sức chôn chặt trong trái tim đa cảm kể từ ngày bà ấy chìm sâu dưới nấm mộ buồn hiu chiều ngày bốn tháng Sáu năm ngoái.

Người chết thì cũng đã chết rồi, người sống thì cũng đã ôm chặt niềm tiếc nhớ khôn nguôi đến nỗi tuy còn sống mà tưởng như đã chết.


Ngồi rã rời, gục đầu nghiêng sang một bên với vòng tay ôm gọn đôi chân ngọc ngà in bóng đen lên sàn gỗ trước cây đại dương cầm trắng xóa, đôi mắt bồ câu của Nguyệt Lan toát lên ánh nhìn một hướng bâng quơ vô định; hai hàng mi ngắn cong cong tự nhiên của cô chỉ muốn rụng rơi xuống từng sợi một; còn ý chí cô thì suy sụp, tấm lưng thì hao gầy đang âm thầm kiếm tìm một điểm tựa. Bất chợt, cô nhích người thêm vài xen-ti-mét yếu ớt, dùng đôi tay thuôn dài mềm mại kéo nhẹ băng ghế chuyên dụng cùng màu với cây piano Yamaha JP160 được người mẹ quá cố dùng để ngồi chơi đàn lại gần với mình hơn. Nhìn chăm chăm băng ghế, đôi tay cô ôm vòng lấy hai chiếc chân bằng sắt xiên cắt nhau hình chữ X khi bầu má trái (thật kỳ diệu vì nó không hốc hác là mấy nếu so với tình trạng cân nặng báo động hiện giờ của cô) úp xuống tấm đệm bằng mút khá dày như chiếc gối nằm êm ái.

Ánh nắng trong veo "trú ngụ" nơi tầng trệt là vẻ đẹp may mắn hiếm hoi có thể tác động lên phản xạ cơ thể của Nguyệt Lan. Nó làm cô không thể tiếp tục "chôn chân" kéo dài cảnh ngồi co ro trên "sân khấu nhỏ" lụi tàn ánh hào quang ấy thêm phút giây nào nữa. Tấm ảnh đen trắng khổ 15 x 20 cm theo chiều dọc được lồng vào trong khung gỗ màu hồng nhạt – chân dung nữ nghệ sĩ quá cố đẹp tuyệt trần ở tuổi đôi mươi chụp vào năm 1984 – bị mười đầu ngón tay tê cứng của cô bấu chặt thấm đẫm mồ hôi ở hai góc bên dưới. Cô đặt "khoảnh khắc một thời" của người mẹ yêu dấu về lại chỗ cũ – nằm chính giữa ngay phía trên nắp che phím đàn (khi đã đậy xuống) của cây piano Yamaha JP160 trong bóng tối âm u được tấm khăn mỏng dính bao phủ.

Y hệt một hồn ma vất vưởng trong dáng vẻ héo hon cùng tiếng kêu xin xít phát ra từ hai lòng bàn chân kéo lê bám vô nền nhà (thay vì đi nhấc chân lên như người khác), Nguyệt Lan vô tình nhìn thấy cổng rào nhà mình đang mở sẵn cả hai cánh, còn dì Chín thì đang ngóng chờ ai đó với điệu bộ tươi vui, sốt ruột không thể đứng yên một chỗ (điều kỳ lạ chưa từng có tiền lệ này báo hiệu cho cô biết sắp sửa có một bầu không khí hớn hở lạ thường nào đó ghé qua Biệt thự Ánh Trăng).

Thế nhưng dấu hiệu báo trước về cuộc vui còn chưa biết rõ thực hư ấy có trở thành mối bận tâm quá lớn gây ảnh hưởng cho cô gái tài sắc vẹn toàn tội nghiệp đang lạc lõng, đau buồn trong chính căn nhà của mình hay không?

Với Nguyệt Lan hiện giờ; mọi bầu không khí tươi vui; mọi tiếng cười nói rôm rả; mọi tinh thần lạc quan, yêu đời; mọi câu chuyện tích cực hiện hữu trên cõi đời này dù được bất kỳ người thân hay bạn bè nào đem đến đều chỉ khiến cho cô càng cảm thấy sự sống đọa đày mà mình đang dùng chính tinh thần suy kiệt để chiến đấu với nó qua từng ngày đành phải trở về với cát bụi sớm hơn dự định mà thôi. Nguyệt Lan âm thầm suy nghĩ một cách đáng sợ rằng chỉ có như thế thì cô mới có thể quên hết đi bao điều phi nghĩa, mệt nhoài đang tồn tại ngay trước mắt.

Thế nên... theo lý mà nói... Nguyệt Lan chắc chắn sẽ mạnh bạo giải quyết sự sống đọa đày đáng nguyền rủa ấy một lần dứt điểm cho xong, ngay tại thời điểm này, vào đúng giờ phút này?

Không. Nguyệt Lan vẫn chưa cho phép cuộc đời với tấn bi kịch được chính cõi lòng tan nát của cô đặt cho cái tên "Niềm đau đến sớm" đó sẽ chấm dứt theo cái cách dễ dàng đến vậy. Cô đơn giản chỉ là có ý định lánh xa khỏi bầu không khí hớn hở lạ thường đang sắp tràn vào căn nhà của mình trong một vài phút đếm ngược nữa thôi. Đúng. Cô cần lắm một góc khuất thanh bình và yên tĩnh để đem những nỗi niềm riêng trốn chạy khỏi cuộc vui khách khứa mà mình đã vô cảm hoàn toàn đấy. Nhưng, cô sẽ không bỏ đi lên lầu.

"Vườn hoa! Vườn hoa!", mặc cho vô tình hay hữu ý, đó có lẽ chính là từ khóa bất ngờ được Thượng Đế mỉm cười, bật sáng lên trong tâm thức của Nguyệt Lan ngay thời điểm ấy. Và quả thật, nó vẫn còn đủ sức sống huyền diệu để tạo ra niềm hứng thú vơi cạn gần đến hạn mức cuối cùng trong đầu cô để phía trước nàng hoa khôi đài các, là sự lựa chọn cho riêng mình một lối đi trải dài sự cô đơn, lạnh giá, dù chỉ là bước qua một đoạn đường ngắn thôi.

Ánh mặt trời vẫn không quên chiếu rọi vùng nắng vàng lung linh trong từng dấu chân vô hình hiển hiện trên lối cỏ xanh mướt Nguyệt Lan lướt qua với bộ dạng và thần sắc đang mờ nhạt ngày một nhiều hơn để chờ ngày chính thức đổi thay sang một dáng vẻ và một sắc thái khác ở phía bên kia thế giới. Vì thế, ánh mặt trời cũng không quên cho cô cảm nhận luôn ý nghĩa của hai từ chết chóc đang nhẹ nhàng trôi lững lờ trên mái đầu của cô.


Nguyệt Lan từ từ ngẩng mặt lên giữa luồng ánh sáng chói chang trong khu vườn nắng ấm. Gương mặt cô điềm nhiên, lạnh lùng; cặp mắt tĩnh lặng như băng nhìn thẳng vào hai từ chết chóc đó bằng niềm hân hoan chào đón không một chút tư lự. Dường như sự sống ở phía bên kia thế giới cũng đã rộng lòng, đồng ý ban cho cô cái kết đúng y như ý nguyện. Còn ở ngay phía dưới, hố sâu tử thần cũng không ngừng khẽ chạm vào đôi chân vàng ngọc của cô như thể nó muốn "cảnh báo lần cuối" cho cô biết rõ một quy tắc "nhập gia tùy tục", rằng... vực thẳm cuộc đời mà Nguyệt Lan đã tự nguyện hiến dâng cả thể xác lẫn linh hồn mình không sớm thì muộn, cũng sẽ đóng chặt cánh cửa thoát thân vĩnh viễn trong lần cô trở lại tới đây – một lần trở lại mà vị "Chúa Tể của địa ngục" sẽ không cho phép cô được quay đầu hay ngoảnh mặt nghìn nhớ thêm một lần nào nữa.

Như một con người đã đi đến tận cùng của nỗi đau trần thế, cô nữ sinh lớp học Trung văn thuộc Trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh vẫn còn đang ở trong giai đoạn sau cùng của tuổi mười chín, cứ không ngừng xô đẩy ngày càng xa tắp niềm hy vọng còn sót lại ít ỏi trong trái tim ra khỏi mình, để kéo thật mạnh về nhiều hơn trong lý trí nỗi tuyệt vọng như bóng ma khổng lồ đang sẵn sàng nuốt chửng cô chỉ trong vỏn vẹn nay mai.

Sự giải thoát yên vui mà nàng tiểu thư danh giá hằng ao ước trong những ngày vừa qua đang từng bước, từng bước đến vội bên cuộc đời cô rất gần. Rất gần.

Bạn đang đọc truyện trên: TruyenTop.Vip