4. Giấc mơ
Yoon Jeonghan đã có một giấc mơ về quá khứ - về trường cấp hai của cậu.
Khi ấy nhà vẫn còn nghèo, con đường sự nghiệp của bố mẹ mãi bế tắc chẳng thấy lối ra nên vào những năm học tiểu học và cấp hai, họ chỉ có thể cho cậu đi học ở một ngôi trường nhỏ ở ngoại thành - một nơi vốn được dùng như “phao cứu sinh” cho những gia đình lao động nhỏ với học phí cực kì rẻ và lịch học tương đối thoáng - phù hợp với các học sinh nghèo phải đi làm phụ giúp cha mẹ nhưng vẫn phải hoàn thành đủ các bậc học theo quy định của pháp luật. Thế nhưng nhược điểm của nó cũng vô cùng rõ ràng: ngoại trừ hiệu trưởng vẫn tương đối nghiêm túc trong việc truyền bá những tư tưởng tốt đẹp và ý chí học tập cho học sinh thì những thứ còn lại đều tệ - cơ sở vật chất nghèo nàn, chất lượng giáo viên kém và hơn hết kỉ luật không đủ gắt gao để đưa học sinh vào khuôn khổ. Chính điều này đã khiến chất lượng học sinh của trường trở nên vô cùng tệ hại - không tính những trường hợp đi học cho có rồi về đi làm thì những đứa trẻ còn lại cứ như một mớ hỗn độn. Chúng hội tụ đủ những thể loại tệ nạn mà Yoon Jeonghan có thể nghĩ tới vào lúc đó: hút thuốc, ăn cắp, đánh nhau và tệ hơn là bạo lực học đường. Nhưng cha mẹ và giáo viên của chúng lại khó lòng để ý đến những vết đen này - cha mẹ thì chỉ mong con mình tốt nghiệp cho xong để còn lo phụ giúp họ kiếm tiền, còn giáo viên cũng chỉ như những cái máy liên tục phát lại những kiến thức trong sách giáo khoa rồi nhận lương hằng tháng, còn học sinh nghe hay không thì họ không quan tâm.
Yoon Jeonghan - với tinh thần hiếu học và thiên phú học tập tốt vốn luôn là điều đáng trân trọng với thế hệ trẻ, lại trở thành sinh vật lạ không thể hòa nhập với mọi người trong trường. Cậu luôn đi học đúng theo thời khóa biểu dù cho hôm ấy cả lớp đứa thì đi làm đứa thì cúp học, luôn chuẩn bị bài đầy đủ trước khi lên lớp, luôn hoàn thành bài tập về nhà (vốn chỉ là vài bài cơ bản được giao cho có lệ) và thậm chí còn làm hết tất cả bài tập trong sách. Khi giáo viên không sửa những bài tập khó trên lớp thì cậu sẽ luôn là học sinh ở lại lớp cuối cùng để hỏi bài giáo viên.
Ngôi trường vốn được định sẵn để lụi tàn, vĩnh viễn vùi sâu trong lòng đất lại có thể đón lấy một tia nắng mà không hề chuẩn bị từ trước.
Người đón nhận Yoon Jeonghan nhất tất nhiên là hiệu trưởng. Cứ mỗi lần cậu đạt giải nhất trong cuộc thi nào đó thì lại là một lần lên phòng hiệu trưởng để nghe thầy truyền bá ý chí và nhận học bổng. Câu nói mà cậu nghe nhiều nhất từ ông là “Em cố gắng lên, dùng số tiền này để mua sách học.” và “Chỉ có học mới thoát nghèo được.”. Thầy hiệu trưởng khi ấy phấn khích đến nỗi đã đặt làm một bảng vàng thành tích để vinh danh học sinh xuất sắc - một thứ chưa từng xuất hiện trong nhận thức của tất cả giáo viên và học sinh nơi đây trong suốt lịch sử hơn mười năm thành lập. Trong suốt bốn năm, trên bảng chỉ có độc một cái tên và khuôn mặt Yoon Jeonghan cùng với vô số bản sao bằng khen của các giải thưởng từ cấp địa phương đến toàn thành phố.
Thế nhưng đáng tiếc thay, Yoon Jeonghan đã chẳng thể đón nhận mọi thứ thầy hiệu trưởng làm cho mình một cách trọn vẹn.
Đám học sinh vốn được định hướng theo hướng đi học nghề và ra đời lao động từ sớm vốn không quen thuộc với những định nghĩa như “kì thi học sinh giỏi”, “bảng vàng thành tích” hay “học đại học”. Cùng với tác động từ môi trường kỉ luật lỏng lẻo và những bài học đạo đức không được dạy đàng hoàng từ cha mẹ và giáo viên, chúng dần xem Yoon Jeonghan như một đứa trẻ điên. Ban đầu chỉ là xa lánh và không thèm chơi đùa với cậu; thế nhưng, bắt đầu từ thời điểm chúng thấy cậu bước vào phòng hiệu trưởng lần đầu tiên và bước ra với một phong bì tiền mà so về độ dày chắc chắn là hơn tiền lương một tuần của chúng, chúng đã không chỉ ghen tỵ, mà còn là căm ghét xen lẫn tức giận.
Yoon Jeonghan chỉ ngồi trong lớp cả ngày cũng kiếm được tiền - chúng đã nghĩ như thế. Chúng cũng đã từng thử, cũng từng lên lớp nhiều hơn và nhìn chằm chằm vào sách, nhưng người duy nhất bước vào phòng hiệu trưởng và bước ra với một phong bì tiền vẫn chỉ có mỗi Yoon Jeonghan.
Cha mẹ chúng bảo “Cậu bé đó đang đi trên con đường mà chúng ta không thể chạm tới. Các con đừng quan tâm nó nữa.” - Những đứa nhóc mười hai mười ba tuổi vẫn chưa thể ngừng hơn thua với thế giới nghe như thế đều rất không hài lòng.
Chúng bắt đầu lập thành những nhóm khác nhau liên tục bắt nạt Yoon Jeonghan và dò hỏi lý do cậu kiếm được nhiều tiền như thế. Và Yoon Jeonghan với thân thể yếu ớt cùng vóc dáng thấp bé luôn chẳng thể chống chọi quá hai phút.
Yoon Jeonghan mười ba tuổi nằm bất động trong nhà vệ sinh, lấy tay che miệng để tránh bản thân nôn ra. Xung quanh cậu toàn là nước cùng với vô số những cây lau nhà và giẻ lau bị xáo trộn thành một mớ hỗn độn; trong không khí còn ngửi được mùi máu - đã có một cuộc ẩu đả kịch liệt ở đây. Hôm nay cậu lại lên phòng hiệu trưởng nhận tiền tưởng cho cuộc thi học sinh giỏi cấp thành phố môn toán; vừa mới đi khỏi phòng đã chạy trối chết nhưng vẫn bị bắt lại.
“Mình không làm gì sai cả.” - Yoon Jeonghan bé nhỏ trong nhà vệ sinh ấm ức một cách yếu ớt. “Mình không biết”
“Mình không biết gì cả.”
Yoon Jeonghan bé nhỏ khóc. Nó biết lí do vì sao đám trẻ kia lại bắt nạt mình. Nó từng cố gắng chống lại, cũng đã từng thật thà trả lời chúng. Thế nhưng mọi thứ nó làm đều vô nghĩa. Đám trẻ dần biến hoạt động bắt nạt nó thành thói quen, biến nó thành món đồ chơi xả stress sau những ngày buôn bán không thuận lợi hay bị ông chủ quỵt tiền lương. Việc nó có thể kiếm tiền từ việc ngồi yên trên lớp hay không đã chẳng còn quan trọng, chỉ có thể coi như một cái cớ mà thôi.
“Bố, mẹ…”
Nghĩ đến bố mẹ, Yoon Jeonghan bé nhỏ liền nở nụ cười. Mọi nỗi đau thể xác như tan biến cả đi, chỉ còn hình bóng phụ mẫu vui vẻ đứng đón cậu bé ở trước cửa nhà hiện lên trong tâm trí.
“Phải…về…nhà…”
“Thật là một giấc mơ đẹp.”
Bạn đang đọc truyện trên: TruyenTop.Vip