Tự Hại: Làm Sao Để Cảm Thấy Tốt Hơn Mà Không Cần Tổn Thương Bản Thân?
Hải Đường Tĩnh Nguyệt / Tháng Tư 26, 2017
Lời người dịch: Hôm qua mình đọc không sót một com nào. Vì thời gian có hạn nên chẳng thể rep com từng bạn được. Nhưng mình vẫn muốn cảm ơn các bạn đã chia sẻ câu chuyện của bản thân, về những trắc trở mà các bạn đã trải qua, và cả lý do mà các bạn tự tổn thương bản thân, để mình và những bạn khác có cơ hội được lắng nghe và hiểu thêm. Bài dịch này mình xin dành tặng các bạn, mong rằng nó có thể giúp các bạn vượt qua khoảng thời gian khó khăn và tìm được cách giải quyết tốt hơn mà không phải làm tổn thương chính mình. Vì các bạn xứng đáng có được hạnh phúc mà.
Mình cũng mong tất cả các bạn bỏ chút thời gian đọc đọc bài viết này. Dù nó hơi dài nhưng rất chi tiết về tự hại là gì, tại sao một người tự hại, tự hại giúp gì và hại gì, cách vượt qua tự hại và làm thế nào giúp đỡ người thân đang tự hại.
.
Tự tổn thương bản thân có thể là một cách để đối phó với những vấn đề. Nó có thể giúp bạn miêu tả cảm xúc của bản thân mà bạn không thể nào nói thành lời được, phân tán sự chú ý của bạn khỏi cuộc sống, hoặc giải thoát nỗi đau cảm xúc. Sau đó bạn có thể sẽ cảm thấy khá hơn – ít nhất là trong một khoảng thời gian ngắn. Nhưng khi cảm giác đau đớn ấy trở lại, bạn cảm thấy bị thôi thúc phải tổn thương bản thân lần nữa. Nếu bạn muốn dừng việc tự cắt hay tự tổn thương bản thân nhưng không biết làm thế nào, hãy nhớ lấy điều này: Bạn xứng đáng có được điều tốt hơn, cảm giác tốt hơn và bạn có thể đạt được điều đó mà không cần phải tổn thương bản thân.
1.Những gì bạn cần biết về tự cắt và tự tổn thương bản thân
Tự tổn thương là một cách thể hiện và đối phó với nỗi áp lực sâu thẳm. Dù nó nghe có vẻ phản tác dụng với người ngoài, tự tổn thương bản thân có thể khiến bạn cảm thấy khá hơn. Thực sự, bạn có thể cảm thấy như bản thân không còn cách nào khác. Làm hại bản thân là cách duy nhất mà bạn biết để có thể đối phó với những cảm xúc như đau thương, căm ghét bản thân, trống rỗng, tội lỗi và giận dữ.
Vấn đề ở đây là sự giải thoát đến từ tự tổn thương bản thân không kéo dài. Nó giống như chuyện bạn dùng miếng băng cá nhân bao lấy vết thương nhưng thực sự cái bạn cần là vài đường khâu. Nó có thể tạm thời ngăn máu chảy nhưng không thật sự chữa lành vết thương bên dưới. Và đồng thời nó còn tạo nên những vấn đề riêng.
Nếu bạn giống như những người tự hại khác, thì có lẽ bạn sẽ giữ bí mật về việc mình đang làm . Có lẽ bạn sẽ cảm thấy xấu hổ hoặc có lẽ bạn nghĩ rằng sẽ không có ai hiểu cả. Nhưng giấu đi con người bạn và những gì bạn cảm nhận là một gánh nặng to lớn. Sau cùng, những bí mật và tội lỗi ảnh hưởng tới các mối quan hệ của bạn với bạn bè, gia đình và cách mà bạn cảm nhận bản thân. Nó có thể khiến cảm cảm thấy càng cô đơn, vô dụng và không lối thoát.
2.Những lầm tưởng và sự thật về tự cắt và tự tổn thương bản thân
Bởi vì tự cắt và những cách tự hại khác thường là những chủ đề kiêng kỵ, nên những người xung quanh bạn và có lẽ chính bạn có thể có những hiểu lầm nghiêm trọng về động lực và tâm trí bạn. Đừng để những lầm tưởng này chen ngang khi bạn dang cần sự giúp đỡ hoặc giúp đỡ ai đó mà bạn quan tâm.
1.Những người tự cắt hay tự tổn thương chỉ đang cố gắng thu hút sự chú ý.
Sự thật đau đớn rằng những người tự hại thường tự tổn thương bản thân trong bí mật. Họ không phải đang cố gắng lừa dối người khác hay thu hút sự chú ý về mình. Thực sự, xấu hổ và sợ hãi có thể khiến việc bước ra và xin trợ giúp trở nên khó khăn hơn.
2. Những người tự tổn thương là điên khùng và/hoặc nguy hiểm.
Thực tế là nhiều người tự hại thường mắc các dạng rối loạn lo âu, trầm cảm hay bị chấn thương tâm lý từ trước – giống như hàng triệu người khác trong xã hội, nhưng điều này không làm họ điên hay nguy hiểm. Tự tổn thương bản thân là cách họ đối phó. Dán nhãn như “điên” hay “lười biếng” là sai lầm và chẳng thể giúp đỡ được gì.
3. Những người tự hại muốn chết.
Những người tự hại thường không muốn chết. Khi họ tự tổn thương bản thân, họ không cố gắng tự tử – họ chỉ cố gắng chống chọi với vấn đề và nỗi đau của mình. Thực tế, tự hại có thể là cách giúp họ tiếp tục sống. Tuy nhiên, về lâu dài thì những người tự hại có nguy cơ tự tử cao, đây là lý do vì sao tìm kiếm sự giúp đỡ rất là quan trọng.
4. Nếu vết thương không tệ lắm thì nó chẳng nghiêm trọng.
Mức độ nặng nhẹ của vết thương chẳng liên quan gì nhiều đến việc người đó đang chịu những gì. Đừng tự cho là bởi vì vết thương nhỏ thì chẳng có gì đáng lo cả.
3.Nhận ra những triệu chứng và dấu hiệu cảnh báo
Tự tổn thương bản thân bao gồm những gì bạn cố ý làm để gây ra thương tích trên người. Một số cách thường thấy bao gồm:
– Cắt hoặc cào nặng tay bạn.
– Tự lam bỏng bản thân
– Tự đánh hoặc tự đập đầu bạn
– Tự đấm vào người hoặc tự quăng mình vào tường hoặc các vật cứng
– Cố tình không để vết thương lành
– Uống thuốc độc hoặc nuốt những thứ không thích hợp
Tự tổn thương bản thân còn bao gồm những cách khó thấy khác hoặc để bản thân lâm vào nguy hiểm như lái xe không cẩn thận, nốc rượu, dùng quá nhiều thuốc hoặc quan hệ tình dục không an toàn.
Những dấu hiệu cho thấy người thân hoặc bạn bè đang tự cắt hoặc tự hại:
Bởi vì quần áo có thể che dấu những vết thương thể xác, và sự rối loạn bên trong có thể bị che đậy bởi vẻ ngoài bình tĩnh, tự hại có thể khó mà phát hiện ra. Tuy nhiên, có những dấu hiệu cảnh báo mà bạn có thể thấy được (nhưng nhớ kỹ – bạn không cần phải chắc chắn rằng bạn biết có chuyện gì đó xảy ra để liên lạc với người bạn quan tâm):
– Có những vết thương hoặc vết sẹo khó giải thích được từ cắt, hoặc phỏng, thường là trên cổ tay, cánh tay, đùi hay ngực.
– Vết máu trên quần áo, trong toilet , trên giường hay những miếng khăn giấy thấm máu.
– Những vật nhọn hay vật dùng để cắt, ví dụ như lưỡi lam, dao, kim, mảnh chau hoặc nắp chai trong đồ dùng của người thân.
– “Tai nạn” thường xuyên. Những người tự họi có thể bảo rằng bản thân hậu đậu hoặc xui xẻo khi giải thích về những vết thương.
– Che dấu. Người tự cắt có thể luôn mặc áo dài tay hoặc quần dài, ngay cả khi thời tiết nóng.
– Cần được ở một mình trong khoảng thời gian dài, đặc biệt là ở trong phòng ngủ hoặc phòng tấm.
– Cô lập và khó chịu.
4.Tự cắt và tự hại giúp được gì?
Nhận ra tự hại giúp bạn là điều quan trọng – nếu không thì bạn sẽ chẳng làm. Một số cách mà tự cắt và tự hại có thể giúp bạn bao gồm:
– Thể hiện cảm xúc mà bạn không thể diễn tả thành lời hoặc giải thoát nỗi đau và căng thẳng mà bạn đang chịu bên trong.
– Giúp bạn cảm thấy như mình đang có quyền điều khiển, làm nhẹ đi cảm giác tội lỗi, hoặc trừng phạt bản thân.
– Làm sao lãng tâm trí bạn khỏi những cảm xúc khó có thể chịu được hoặc những sự kiện khó khăn.
– Khiến bạn cảm thấy còn sống, hoặc đơn giản là cảm nhận được gì đó, thay vì tê dại.
Một khi bạn hiểu được tại sao mình tự hại, bạn có thể học cách dừng lại và tìm kiếm nguồn trợ giúp có thể giúp bạn đi qua khó khăn này.
Nếu tự hại có ích, tại sao dừng?
Mặc dù tự hại và tự cắt có thể cho bạn sự cứu viện tạm thời, nó đến cùng với cái giá. Về lâu dài, nó có thể gây ra nhiều vấn đề hơn là giúp dỡ.
– Cảm giác giải thoát chỉ tồn tại ngắn hạn và nhanh chóng theo sau bởi những cảm xúc khác như xấu hổ và tội lỗi. Trong lúc đó, nó còn ngăn cản bạn học cách đối phó hiệu quả hơn và cảm thấy tốt hơn.
– Giữ bí mật về tự hại khó và cô độc. Và nó còn có những ảnh hưởng tệ hại với các mối quan hệ với bạn bè và người thân.
– Bạn có thể tổn thương bản thân rất nặng, dù là bạn không cố ý. Rất dễ để phán đoán nhầm độ sâu của vết thương hoặc có thể làm vết thương nhiễm trùng.
– Bạn có nguy cơ với những vấn đề to lớn hơn ở cuối con đường. Nếu bạn không học những cách khác để đối phó với cơn đau cảm xúc, bạn sẽ làm tăng nguy cơ mắc rối loạn trầm cảm, lạm dụng thuốc và cồn, và cả tự tử.
– Tự hại có thể gây nghiện. Nó có thể bắt đầu bằng thôi thúc hoặc thứ gì đó bạn làm để có thể cảm giác bản thân nắm quyền khống chế, nhưng rất nhanh, nó sẽ cảm giác như tự cắt hay tự hại đang điều khiển bạn. Và thường nó sẽ chuyển thành hành vi cưỡng chế có vẻ như không thể nào dừng lại.
Điều quan trọng là: tự hại và tự cắt không giúp bạn với những vấn đề khiến bạn muốn tổn thương bản thân ngay từ đầu. Có rất nhiều cách để những vấn đề khiến bạn tự hại có thể được quản lý hoặc vượt qua.
5.Tin tưởng ai đó
Nếu bạn sẵn sàng để được giúp đỡ, điều đầu tiên là tin tưởng ai đó. Nói chuyện với ai đó về thứ mà bạn cố gắng che dấu nghe có vẻ đáng sợ, nhưng nó cũng có thể là một sự giải thoát to lớn để cuối cùng bạn có thể để những bí mật ấy ra ánh sáng và chia sẻ những gì mình đang trải qua.
Quyết định người mà bạn tin tưởng để chia sẻ những thông tin cá nhân áy có thể rất khó. Chọn người nào đó sẽ không buôn dưa về chuyện của bạn, hoặc cố gắng khống chế quá trình hồi phục. Tự hỏi bản thân người nào trong cuộc sống khiến bạn cảm thấy bản thân được chấp nhận và được trợ giúp. Đó có thể là bạn bè, thầy giáo, cha sứ, thầy tu, chuyên gia tư vấn hay người thân. Nhưng bạn không nhất thiết phải chọn ai đó thân với mình.
Cuối cùng, bạn sẽ muốn cởi mở bản thân với gia đình và bạn thân của bạn, nhưng đôi lúc nói chuyện với người lớn mà bạn tôn trọng có thể sẽ dễ dàng hơn.
Những tip nói chuyện về tự hại
1.Tập trung vào cảm xúc của bạn. Thay vì chia sẻ chi tiết về hành vi tự hại thì tập trung vào những cảm xúc hay tình huống dẫn tới hành vi. Điều này có thể giúp người bạn tin tưởng hiểu rõ nguyên nhân hơn. Đồng thời nó cũng giúp người ấy hiểu được tại sao bạn lại chia sẻ với họ. Bạn có muốn sự giúp đỡ hay lời khuyên từ họ hay không? Hay bạn chỉ muốn người đó hiểu được để bạn có thể bỏ đi những bí mật này?
2.Giao tiếp theo những cách mà bạn cảm thấy thoải mái nhất. Nếu bạn có lo lắng về việc nói chuyện trực tiếp thì cân nhắc bắt đầu cuộc nói chuyện bằng email hay thư (mặc dù cuộc nói chuyện mặt đối mặt theo sau đó rất quan trọng). Đừng cảm thấy áp lực phải chia sẻ những thứ mà bạn chưa sẵn sàng. Bạn không cần phải cho người khác thấy vết thương hay trả lời những câu hỏi mà bạn không cảm thấy thoải mái.
3.Cho người đó thời gian để hiểu được những gì bạn nói với họ. Bạn cảm thấy khó khăn thì phải chia sẽ, thì người nghe cũng sẽ cảm thấy khó như vậy- đặc biệt khi đó là bạn thân hay thành viên trong gia đình. Đôi lúc bạn sẽ không thích cách họ phản ứng. Hãy gắng nhớ rằng phản ứng như sốc, giận dữ, hoặc hoảng sợ đến từ nỗi lo lắng quan tâm bạn. In bài viết này ra có thể giúp họ hiểu thêm về tự cắt và có thể giúp bạn nhiều hơn.
Nói chuyện về tự hại có thể rất áp lực và đưa đến nhiều cảm xúc khác nhau. Đừng thất vọng khi tình huống trở nên tệ trong khoảng thời gian ngắn sau khi bạn chia sẻ. Rất khó để đối mặt và thay đổi thói quen lâu dài. Nhưng một khi bạn qua được những thử thách bạn đầu này, bạn sẽ bắt đầu cảm thấy khá hơn.
6.Tìm hiểu tại sao bản thân tự cắt hoặc tự hại
Hiểu ra được lý do bản thân tự cắt hoặc tự hại là bước quan trong đầu tiên trong quá trình hồi phục. Nếu bạn có thể nhận ra được hoạt động nào mà hành động tự cắt phục vụ, bạn có thể học những cách khác để giải quyết nhu cầu – điều này có thể giúp giảm mong muốn tự hại.
Xác định những dấu hiệu kích thích tự hại
Nhớ rằng, tự hại thường là cách đối phó với nỗi đau cảm xúc. Những cảm giác nào khiến bạn muốn tự cắt? Đau buồn? Giận dữ? Xấu hổ? Cô đơn? Tội lỗi? Trống rỗng?
Một khi bạn nhận ra được những cảm xúc kích thích bản thân tụ cắt, bạn có thể bắt đầu xây dựng những cách khác lành mạnh hơn.
Hiểu rõ cảm giác của mình
Nếu bạn gặp khó khăn xác định cảm xúc kích thích bạn tự cắt, bạn cần phải bắt đầu chú ý hơn đến những cảm xúc của mình. Nhận thức cảm xúc có nghĩa rằng biết được bạn đang cảm nhận gì và lý do tại sao. Nó là khả năng xác định và miêu tả những gì bạn đang cảm thấy từ thời điểm này sang thời điểm khác và hiểu rõ mối quan hệ giữa những cảm giác đó và cảm xúc của bạn. Cảm giác là những mảnh thông tin quan trọng mà cơ thể đưa cho chúng ta, nhưng nó có thể không gây ra những hành động như tự cắt hoặc tự hại.
Suy nghĩ chú ý đến cảm giác – hơn là làm tê dại hoặc giải phóng chúng thông qua tự hại – nghe có vẻ đáng sợ với bạn. Bạn có thể sợ hãi bản thân bị nhấn chìm hoặc bị nhốt trong nỗi đau. Nhưng sự thật là những cảm xúc đến và đi rất nhanh nếu bạn cho phép chúng. Nếu bạn không cố gắng chiến đấu, đánh giá, hay dằn vặt mình với những cảm xúc đó thì bạn sẽ nhận ra chúng tán đi rất nhanh, thay thế bằng những cảm xúc khác. Và chỉ khi bạn ám ảnh với những cảm xúc đó thì chúng mới ở lại.
7.Tìm ra những kỹ năng đối phó khác
Tự hại là cách bạn đối phó với những cảm xúc hay tình huống khó xử. Cho nên nếu bạn quyết định dừng, bạn cần phải có những cách đối phó khác để bạn có thể phản ứng khác khi bạn bắt đầu cảm thấy muốn tự cắt hay tự tổn thương bản thân.
Nếu bạn tự tổn thương để biểu hiện nỗi đau hoặc cảm xúc mãnh liệt:
•Vẽ hoặc viết ngoằn nghèo trên miếng giấy bằng mực đỏ hoặc hồng.
•Bắt đầu cuốn nhật ký viết về những cảm xúc của bạn.
•Viết một bài thơ hoặc bài nhạc về những gì bạn đang cảm nhận.
•Viết xuống những cảm xúc tiêu cực và xé tờ giấy đi.
•Nghe những bài nhạc nói về những cảm xúc bạn đang có.
Để khiến bản thân dịu lại và bình tĩnh:
•Ngâm mình hoặc tắm bằng nước nóng.
•Vuốt ve hoặc ôm ấp thú cưng.
•Cuộn tròn mình trong một chiếc mền ấm áp.
•Mát-xa cổ, tay và chân.
•Nghe những bài nhạc êm dịu.
Vì bạn đang cảm thấy lạc lõng và tê dại:
•Nói chuyện với một người bạn (bạn không cần phải nói về tự hại)Tắm nước lạnh.
•Giữ một cục nước đá ngay khuỷu tay hoặc khuỷu gối.
•Nhai thứ gì đó có vị rất mạnh như bạc hà, ớt hay vỏ bưởi.
•Tìm đến những trang hay diễn đàn trợ giúp.
Để giải thoát áp lực hay giận giữ
•Tập thể dục nhiều – chạy, nhảy, nhảy dây hoặc đấm bốc.
•Đấm vào gối hoặc nệm hoặc hét vào gối.
•Siết một quả banh thật chặt hoặc vò đất sét.
•Xé thứ gì đó như giấy hoặc báo.
•Tạo âm thanh gì đó như chơi nhạc, gõ nồi niêu xoong chảo.
Những phương thức thay thế cho cảm xúc tự cắt:
•Dùng bút đỏ vẽ lên những chỗ bạn thường hay cắt.
•Xoa nước đá vào những chỗ bạn thường cắt.
•Buộc dây thun vào cổ tay, chân, cánh tay và búng chúng thay vì tự cắt.
8.Chữa trị chuyên nghiệp cho tự cắt và tự hại
Bạn có thể cần sự giúp đỡ chuyên nghiệp từ các chuyên gia khi bạn đang cố gắng vượt qua tự cắt, thế nên cân nhắc nói chuyện với chuyên viên điều trị. Chuyên viên có thể giúp bạn phát triển những kỹ năng ứng đối và những cách để dừng việc tự cắt, đồng thời cũng giúp bạn tìm đến gốc rễ việc tự cắt.
Hãy nhớ rằng tự tổn thương không phải khi không xảy ra, đó là những biểu hiện bên ngoài của nỗi đau bên trong – những nỗi đau có gốc rễ từ rất sớm. Thường thì tự tổn thương có liên quan tới chấn thương tâm lý thuở nhỏ.
Tự tổn thương có thể là cách bạn dùng để đối phó với những cảm xúc liên quan tới bạo hành hoặc những cảm xúc tiêu cực về bản thân, cơ thể hoặc những ký ức chấn thương tâm lý khác. Có những trường hợp ngay cả bản thân bạn cũng không nhận ra mối liên quan.
Tìm chuyên gia điều trị phù hợp
Tìm được chuyên gia điều trị phù hợp với bạn có thể tốn thời gian. Rất quan trọng khi chuyên viên bạn chọn có kinh nghiệm điều trị chấn thương và tự hại. Nhưng chất lượng mối quan hệ với chuyên viên cũng quan trọng không kém. Tin vào bản năng của bạn. Nếu bạn không cảm thấy an toàn, được tôn trọng hay thấu hiểu thì bạn nên tìm chuyên viên khác.
Giữa bạn và chuyên viên nên có cảm giác tin tưởng hay ấm áp. Chuyên viên này phải là người chấp nhận tự hại mà không bỏ qua hay xem nhẹ, và là người sẵn sàng giúp bạn vượt qua tự hại theo bước chân của bạn. Bạn nên cảm thấy thoải mái với người ấy, ngay cả khi nói về những vấn đề rất cá nhân.
Giúp đỡ người thân hoặc bạn bè đang tự tổn thương.
Có lẽ chú ý được những vết thương đáng ngờ ở người thân của bạn, hoặc người đó thú nhận với bạn rằng họ đang tự cắt. Dù trường hợp gì đi chăng nữa, bạn có lẽ cảm thấy không chắc lắm. Bạn nên nói gì? Hoặc làm gì để giúp đỡ?
Tự giải quyết cảm xúc của bạn. Có thể bạn sẽ sốc, hoang mang, hoặc ghê tởm trước hành vi tự hại – và cảm thấy tội lỗi khi có những cảm xúc này. Chấp nhận cảm xúc là bước quan trọng đầu tiên để có thể giúp đỡ người bạn quan tâm.
Hiểu được vấn đề. Cách tốt nhất để vượt qua những cảm xúc không thoải mái hoặc khó chịu mà bạn có với tự hại là bằng cách học về nó. Hiểu được vì sao người thân hoặc bạn bè chọn cách tự tổn thương có thể giúp bạn nhìn thế giới từ đôi mắt của họ.
Không phán xét. Tránh đánh giá hay chỉ trích – chúng chỉ làm vấn đề thêm tệ mà thôi. Hai thứ này sẽ giúp bạn trên quãng đường dài trong lúc giúp đỡ người thân bạn. Hãy nhớ rằng những người tự hại vốn đã cảm thấy cô đơn và xấu hổ về những hành vi của mình.
Đề nghị trợ giúp chứ đừng đe doạ. Giúp đỡ là tự nhiên, nhưng đe doạ, trừng phạt hay ra tối hậu thư chỉ phản tác dụng. Biểu lộ sự quan tâm của bạn và để cho người đó biết được bạn luôn sẵn sàng bất cứ lúc nào họ muốn nói chuyện hay cần sự trợ giúp.
Khuyến khích giao tiếp. Khuyến khích người thân của bạn nói về những gì mà người đó đang cảm nhận, dù cho đó là những chuyện bạn không cảm thấy thoải mái. Nếu người đó chưa nói cho bạn biết về tự hại, thì hãy nhắc về chủ đề theo kiểu quan tâm, không thúc ép, “Mình để ý thấy những vết thương trên người cậu, và mình muốn hiểu những gì cậu đang trải qua.”
Nếu người tự hại là thân nhân, bạn hãy chuẩn bị để nói về vấn đề khó khăn này với gia đình. Đây không phải là đổ lỗi, mà là học cách để giải quyết các vấn đề và giao tiếp tốt hơn trong gia đình.
Mong rằng bài viết này sẽ giúp các bạn vượt qua khoảng thời gian khó khăn và cảm thấy tốt hơn mà không phải tự tổn thương bản thân.
_________________
Dịch: Hải Đường Tĩnh Nguyệt
Nguồn: https://www.helpguide.org/articles/anxiety/cutting-and-self-harm.htm
*Link:
https://beautifulmindvn.com/2017/04/26/tu-hai-lam-sao-de-cam-thay-tot-hon-ma-khong-can-ton-thuong-ban-than/
Bạn đang đọc truyện trên: TruyenTop.Vip