Bức thư số 3: Đôi dòng về tình bạn chân chính

Bạn thân mến!

Bạn chuyển thư cho tôi qua một ông bạn của bạn, và trong thư bạn dặn tôi đừng bô bô chuyện của bạn với ông kia, vì bạn thường cũng chả mấy khi chia sẻ với ổng. Vậy là trong cùng 1 bức thư, bạn vừa khẳng định ổng là bạn mình, vừa phủ nhận điều đó. Nếu bạn dùng từ "bạn" không phải với nghĩa nghiêm túc của nó, mà với nghĩa thông thường mà người đời vẫn dùng, kiểu gọi tất cả ứng viên của một cuộc thi là những "nhà vô địch tiềm năng" hay gọi người lạ là "Ngài" vì không nhớ tên họ, thì thôi khỏi nói.Nhưng nếu bạn thực sự coi một người như bạn của mình, nhưng lại không hoàn toàn tin tưởng ở anh ta như tin tưởng chính mình, thì thực sự là sai lầm đấy nhé, vì bạn đã quên mất thế nào là một tình bạn chân chính rồi.

Sau khi chấp nhận một tình bạn, hãy tin tưởng người bạn của mình - nhưng trước đó, hãy đánh giá và thử thách họ. Ai vừa yêu vừa đánh giá người mình yêu đang lẫn lộn trình tự, họ nên đánh giá trước, sau đó hẵng yêu, như những gì Theophrastus đã khuyên. Đừng vội, hãy dùng đủ thời gian để cân nhắc một tình bạn, nhưng khi đã chấp nhận nó, hãy tin tưởng người bạn của mình với tất cả trái tim, và trò chuyện với ông ấy như khi bạn trò chuyện với chính mình.

Nhưng cao hơn, hãy sống một cuộc đời mà mọi thứ bạn thừa nhận (hoặc thú nhận) với chính mình, bạn cũng có thể thừa nhận (hoặc thú nhận) với kẻ thù của bạn. Tuy nhiên, khác với kẻ thù, người mà bạn dù muốn hay không vẫnphải giấu đi vài điều, với bạn của bạn, hãy phô hết (tâm tư mình) ra. Chính sự tin tưởng (của bạn) sẽ khiến bạn của bạn trở nên trung thành. Nhiều người dạy cho bạn của họ cách phản bội họ bằng chính nỗi sợ bị phản bội: chính những nghi ngờ của họ gây nên sự phản bội. Anh ta là bạn của ta, tại sao ta phải giấu diếm điều gì trước mặt anh ấy? Điều gì khác biệt giữa việc có anh ấy bên cạnh và chỉ có mình ta?

Ở đời, có loại người mở máy với bất cứ ai họ gặp, kể sạch sành sanh mọi điều mà đáng ra họ chỉ nên kể với bạn của mình. Thể loại khác lại không dám chia sẻ kể cả với những người thân thiết nhất, khiến những tâm tư bị nén chặt trong lồng ngực, có lẽ họ còn giấu chính bản thân nếu họ có thể. Cả hai đều sai lầm: tin tưởng tất cả mọi người hay không tin bất cứ ai. Dù nếu xét kỹ thì loại đầu đáng trân trọng hơn 1 chút, trong khi loại sau thì an toàn hơn.

Tương tự như thế, những kẻ luôn hành động (mà không ngơi nghỉ) cũng như những kẻ chỉ ăn chơi nhàn nhã, đều đáng bị lên án. Cứ hùng hục hết việc này đến việc khác không thể hiện sự chăm chỉ, mà là dấu hiệu của một tâm trí hỗn loạn. Ngược lại, việc chán vận động đâu có phải là dấu hiệu của an yên, thay vào đó là lười biếng và vô kỷ luật. Vì vậy, hãy luôn ghi nhớ câu nói này của Pomponius:

Nhiều người trốn quá sâu trong cái tổ của họ đến nỗi họ nghĩ rằng mọi thứ bên ngoài đều là hỗn loạn.

Vậy nên hãy luôn tạo cho mình một sự cân bằng: không phải chỉ nhữngngười quá lười biếng nên làm điều gì đó, mà những người quá bận cũng nên nghĩ lại mà đặt lịch nghỉ ngơi. Tìm kiếm sự thông tuệ từ tự nhiên,và nó sẽ trả lời bạn: nó đã tạo ra cả ngày lẫn đêm.

Bạn đang đọc truyện trên: TruyenTop.Vip