Bức thư số 5: Về ý nghĩa và cách tiếp cận triết học

Bạn thân mến!

Bạn đang rất nghiêm túc với nhiệm vụ của mình, quên hết mọi thứ khác vàchú tâm vào 1 mục đích duy nhất: khiến bản thân trở nên tốt hơn mỗi ngày. Một lựa chọn cực kỳ đúng đắn, và chính tôi cũng đang cố gắng theo đuổi mục tiêu ấy.

Nhưng, có một điều tôi cần nhắc lại, hay chính xác hơn là phải cảnh báo bạn. Có những người mà mục đích chính lại là thu hút sự chú ý thay vì thực sự rèn luyện bản thân. Đừng như họ, đừng thay đổi trang phục
hay cách sống chỉ để thu hút sự chú ý của đám đông và được nổi tiếng. Những bộ quần áo quá giản dị đến bẩn thỉu, râu tóc dài và rậm rạp (triết gia ngày xưa hay nuôi râu), mở mồm ra là thù ghét giàu sang phú quý, xong bày nệm rơm trên sàn, tất cả những thứ đó, hay bất cứ dấu hiệu tiêu cực nào khác của một sự đày đọa bản thân là những thứ có lẽ tốt hơn ta nên tránh.

Cái từ "Triết học" tự nó đã khiến mọi người ngần ngại rồi, dù cho ta có dùng nó giản dị thế nào đi chăng nữa. Vậy bạn thử nghĩ xem sẽ thế nào nếu ta còn tự tạo ra sự khác biệt với cách cư xử thông thường của mọi người? Bên trong (ý chỉ tâm trí), hãy để ta hoàn toàn khác biệt, nhưng bề ngoài nên tránh tất cả những "show off" không cần thiết. Quần áo ta mặc không nên LV Chanel, nhưng cũng đừng xấu xấu bẩn bẩn. Ta không nên sở hữu quá nhiều vàng bạc, nhưng cũng đừng cho rằng việc không có vàng bạc là dấu hiệu của đức tính cần kiệm của tự nhiên. Nên nhớ ta đang hướng đến một cuộc sống tốt đẹp hơn, chứ không phải là cuộc sống trái ngược với bình thường. Nếu không, ta sẽ khiến chính những người mà ta muốn cảm hóa rời xa ta, vì họ không muốn sẽ trở nên giống ta một chút nào. Điều cốt yếu đầu tiên mà triết học hướng tới, đó là cảm giác của một cá nhân mong muốn được sống và hòa hợp với cộng đồng. Nếu ta không cẩn thận, chính điều đáng ra có thể khiến ta được ngưỡng mộ lại có thể trở thành điều khiến ta bị mỉa mai và căm ghét.

Mục đích của ta là sống theo tự nhiên, đúng không? Việc đày đọa bản thân (ví dụ như dừng hẳn việc tắm rửa và làm sạch sẽ thân thể, tự khiến mình trở nên bẩn thỉu, ăn thức ăn không những rẻ mà còn ôi thiu), thực ra nếu xem xét kỹ, là đi ngược với tự nhiên. Mù quáng chạy theo những thói xa hoa là biểu hiện của bê tha, thì tương tự, ở thái cực kia, tự ép bản thân bỏ qua những thoải mái bình dị và dễ kiếm cũng điên khùng không kém. Triết học đề cao tính kỷ luật, chứ không phải sự quên mình không cần thiết. Bạn biết đấy, người kỷ cương giản dị nhất, cũng cần tắm táp chải đầu. Một giới hạn hợp lý nên là: ta nên kết hợp hài hòa cách sống của một người bình thường và một vĩ nhân. Ta sống một đời để người khác có thể cảm thấy khâm phục, nhưng không đến nỗi quá xa lạ mà họ không thể nhận ra.

Bạn hỏi: "Ý ông là sao Seneca? Chẳng lẽ ta nên hành động giống người bình thường? Chẳng lẽ không có sự khác biệt giữa ta và đám đông?". Bạn yên tâm, chắc chắn là có, thậm chí rất lớn là đằng khác, nhưng chỉ khi thực sự quan sát người ta mới có thể nhận ra.

Nếu ai đó đến thăm nhà bạn, họ nên ngưỡng mộ chính bạn (ý chỉ phong thái và phẩm cách của chủ nhà), thay vì những đồ vật bạn có. Một người đáng ngưỡng mộ có thể dùng đồ đất nung như đang dùng đồ bằng vàng, nhưng một người cũng không kém vĩ đại nếu anh ta có thể dùng đồ bằng vàng và coi nó như đồ đất nung. Không thể đối mặt với giàu sang, thực ra cũng chỉ là dấu hiệu của một tâm trí yếu kém mà thôi.

Giờ thì, như thường lệ, một thứ hay ho tôi có được từ việc đọc ngày hôm nay. Hecaton của Stoicism có nói việc giới hạn những mong muốn thực ra chính là phương thuốc chữa lành những lo âu sợ hãi.

"Bạn sẽ thôi không sợ sệt nếu bạn thôi không mong muốn điều gì nữa"

Hai cảm xúc ấy khác nhau cơ mà, bạn thắc mắc. Làm sao có thể nói chúng đi cùng nhau được? Nhưng chính thế đấy, mặc dù chúng có vẻ khác biệt, chúng thực sự có liên kết với nhau. Cũng như phạm nhân và gác tù giáp giới với nhau bởi cùng một thanh chắn, mong muốn khát khao và sợ hãi mặc dù khác biệt hoàn toàn nhưng lại đi cùng nhau: Ở đâu có hy vọng sẽ có cả lo sợ.

Thực ra chẳng có gì đáng ngạc nhiên trong cái sự thật ấy cả. Cả hai cảm xúc ấy đều đến từ một tâm trí dao động: nó lo lắng vì những gì nó hy vọng sẽ đến. Nguyên nhân chủ chốt của cả hai trạng thái là việc một người không thể sống thực sự trong hiện tại mà lại hướng suy nghĩ của mình đến những điều có thể xảy đến trong tương lai. Vì vậy mà khả năng dự đoán, đáng lẽ là điều tuyệt vời nhất của con người, lại trở thành thảm họa. Bạn để ý xem, các loài vật khi thoát khỏi nguy hiểm thì sẽ ngay lập tức trở lại thanh thản, còn con người thì bị dằn vặt bởi cả những thứ đã qua và những thứ chưa đến. Thường, quyền năng của chúng ta đem lại tai họa: trí nhớ nhắc chúng ta về những nỗi sợ trong quá khứ, trong khi khả năng dự đoán báo hiệu những tai họa trong tương lai.

Không ai phải lo lắng sợ hãi nếu có thể thực sự sống trong hiện tại.

Tạm biệt!

Bạn đang đọc truyện trên: TruyenTop.Vip