Ông Nội Tôi
Mới từ Hà Nội về Quảng Ninh ngày hôm qua nhưng sớm nay, tôi đã hăm hở phụ mẹ dọn dẹp nhà cửa đón Tết. Hôm ấy là ngày hai tám, Tết đã về đến ngưỡng cửa, lòng người rạo rực hân hoan trong cảnh nhà sum họp đầm ấm. Tôi với mẹ phân công dọn dẹp, mẹ dọn khu bếp với tầng một, còn tôi dọn ở tầng hai và sắp xếp lại phòng truyền thống.
Nhà tôi có thói quen lưu giữ những kỉ vật do thế hệ đi trước để lại. Nào là bức ảnh cụ tôi chụp chung với Bác, nào là bức tranh khảm xà cừ ông tôi đi Đài Loan mua về, rồi những áo len, chăn bông Liên Xô tài trợ cho bộ đội Việt Nam hay những cuốn sách quý mà bố tôi sưu tầm được... Tất cả những thức ấy được lưu giữ trong phòng truyền thống của gia đình tôi. Cứ vào mỗi dịp Tết, tôi thường xung phong dọn dẹp để được bỏ ra và ngắm nghía những món đồ quý giá ấy. Lục tìm trong chồng giấy cũ trên tủ, tôi tìm thấy một tờ giấy đỏ đã phai với chữ Thanh được viết bằng mực tàu.
Ấy là tên tôi, và người viết chữ ấy là ông nội tôi. Tờ giấy này ông viết tặng tôi từ lúc tôi còn bé xíu xiu, về chơi Tết ở quê với ông bà. Ông tôi không phải là thầy đồ, nhưng ông có tài viết chữ và vô cùng am hiểu về thư pháp. Cái tài hoa ấy là do sở thích, tìm tòi và sáng tạo giao nhau mà hợp nên. Nhìn nét chữ bay bổng trên tờ giấy đỏ đã phai, tôi lại nhớ đến cái lần ấy được tận mắt thấy ông mài mực rồi cầm bút viết. Khoảnh khắc ấy đã được in hằn trong trí nhớ non nớt của đứa bé lên năm, để rồi sau này khi hồi tưởng lại, vẫn thấy bùi ngùi và nhớ mãi. Nét chữ ông viết nên màu xuân trong kí ức cháu một thời.
Hồi ấy tôi nghịch lắm, vừa hay táy máy, lại còn dạn hơn hẳn đám bạn cùng trang lứa mình. Ba mẹ gửi tôi ở về quê những một tuần trước Tết. Ở với ông nội, tôi chẳng thấy nhớ ba mẹ là bao. Tôi chẳng khóc, chẳng quấy gì, tôi chỉ thích khám phá xem Tết này, nhà ông nội có gì mới hay không. Tôi nhớ lúc ấy nhà ông tôi có chậu mai to, do bác tôi gửi từ trong Nam ra. Thân cây uốn lượn hình rồng, chưa Tết đã hé nhiều nụ lắm. Ông tôi cứ dặn tôi mãi: "Ấy chơi gì thì chơi, đừng ngắt nụ mai của ông đấy nhé."
Tôi là một đứa trẻ biết vâng lời, nhưng mai nếu chỉ để ngắm thôi thì chán lắm. Thế là tôi chuyển mục tiêu sang chiếc tủ gỗ dưới cái phản trong phòng ông. Khi tôi mở ra, những gì ở trong đó còn khiến tôi thích thú hơn là ngóng hoa mai nở. Nào là bút lông, giấy đỏ, mực tàu... nếu để vẽ tranh thì vui biết mấy.
Rồi tôi hý hoáy vẽ vời trong lúc ông tôi loay hoay với đàn gà sau bếp. Đến khi ông vào thì đã muộn, mực tàu đã vơi đi nửa lọ, một ít hãy còn nhem nhuốc trên mặt tôi, còn lại thì dây khắp quần áo với chân tay, bút vẽ. Ông tôi bảo tôi nghịch quá, rồi ông bế tôi ra giếng kì cọ.
Giếng xuân đầy nước, trong veo vẻo. Tôi thích thú đứng trên thành giếng rồi nói vọng xuống kia. Mỗi khi giọng tôi vang trong giếng lại cảm giác như có một người nào đó vĩ đại lắm đang cất tiếng nói từ dưới sâu vọng lên trên này. Ông tôi bảo tôi đứng xa ra, không thì lại ngã xuống dưới đó. Tôi vâng lời, không cúi xem giếng nữa mà chăm chú xem ông múc từng gàu nước mát trong veo. Mùa xuân tiết trời mát mẻ, tôi giật mình rụt tay khi chạm vào làn nước ấy. Ông tôi bảo nước giếng mát, không hề gì, rồi ông kéo tay tôi lại, chỉ vào những vết mực nhem nhuốc đã khô hằn lên cánh tay: "Đây này, không rửa ngay là để lâu khó kì đi lắm."
Từ đấy, ông tôi giấu nhẹm đi chiếc tủ đựng những món đồ rất vui kia. Mặc cho tôi tìm khắp nơi mà chẳng thấy chúng ở đâu cả. Tôi mè nheo ông nội, ông chỉ bảo ông đã cất ở một nơi xa lắm: "Đó là bộ viết thư pháp của ông đồ, cho nên chỉ có những ông đồ mới tìm ra thôi." Trong đầu tôi hiện lên hình ảnh những thầy đồ mặc áo dài, trải chiếu, ngồi viết chữ bên vệ đường ở trên ti vi. Ông tôi cũng có bộ thư pháp, hóa ra ông cũng là một ông đồ.
Thế rồi một sáng nọ, khi tôi vừa mới ngủ dậy, đã thấy ông tôi bê từ đâu ra cái hộp gỗ đựng đồ viết thư pháp. Ông kê một cái bàn con bên cạnh chậu mai, ngồi đó mài mực. Tôi chạy lại xem, ông bảo tôi đừng nghịch vào, để ông chỉ cho cách viết chữ. Rồi ông trải cuộn giấy đỏ thắm, cầm bút lông, chấm vào nghiên mực đen đậm. Từng nét chữ lần lượt hiện ra, uyển chuyển, có hồn và đong đầy tâm huyết của người viết chữ. Hai câu đối lần lượt được hoàn thành: "Hoa khai phú quý - Trúc báo bình an." Ông tôi bảo sẽ treo ở phòng khách, để đón lộc về nhà.
Tôi reo lên, đòi ông viết cho một chữ. Ông hiền hậu mở giấy, hỏi tôi muốn viết chữ gì. Tôi phân vân mãi không quyết định được, thế là ông bảo để ông viết tên tôi. Tên tôi, ngày xưa, chính là do ông đặt. Ông chấm bút viết chữ "Thanh" vào giữa tấm giấy đỏ thắm. Và khi ông viết xong, có một cánh hoa mai vàng từ trên cây hạ cánh xuống giấy, như đặt dấu chấm cho nét chữ cuối cùng. Ông cười và bảo tôi: "Thanh với Mai, hợp quá còn gì nữa."
Mãi sau này tôi mới biết, ông tôi không phải là một ông đồ như tôi hằng nghĩ. Ông tôi chỉ là một người bình thường, có niềm yêu thích với bộ môn thư pháp cổ truyền mà thôi. Nhưng tôi vô cùng ngưỡng mộ tài hoa ấy của ông và luôn nhớ mãi hình bóng khi ông viết chữ. Lúc ấy ông tôi trông thật giống một ông đồ thực sự. Cũng giấy thắm, cũng nghiên mực, rồi biết bao con chữ hiện ra. Chữ đem bao yêu thương, đón xuân về ngưỡng cửa. Chữ làm nên kỉ niệm, chữ gắn chặt tình thân.
Bạn đang đọc truyện trên: TruyenTop.Vip