Thần Độc Cước

Tương truyền rằng, có loài Quỷ đỏ mình trùng trục, mõm dài răng nhọn rất thích ăn thịt người, chúng sinh sống ngoài biển khơi và hay về vùng Sầm Sơn, Thanh Hóa làm hại dân. Chúng thường chọn những người ngư dân ra khơi đánh cá để bắt và ăn tươi nuốt sống, khiến dân chúng không khỏi khiếp sợ. Khi không còn dân chài nào dám ra biển, chúng đã mò vào vùng đất liền để tàn sát hàng loạt người dân từ già trẻ, gái trai không tha một ai. Ai nấy đều chỉ còn cách rời làng xóm đi xứ khác, khiến cảnh vật nơi đây vô cùng tan hoang, tiêu điều.

Bấy giờ, có một chú bé mồ côi (theo tương truyền, đây là con của Mẫu Núi) lớn nhanh như thổi, khỏe mạnh khác người, chẳng bao lâu đã trở thành chàng trai cao lớn lạ thường. Dân làng đang phiêu bạt tứ xứ nghe thấy tiếng chàng trai cất tiếng hú vang trên ngọn núi quê nhà liền rủ nhau về. Mọi người xây dựng lại xóm làng, sửa sang vườn tược trồng trọt chăn nuôi và đàn ông theo chàng khổng lồ ra khơi đánh cá. Cuộc sống chẳng bấy lâu mà trở nên an yên, no đủ.

Lũ Quỷ đỏ biết mình không thể làm gì được với sức mạnh chàng trai đó khi một số tên đã bị băm vằm dưới lưỡi búa sắc của chàng. Nhân lúc chàng và thanh niên trai tráng đi ra khơi đánh cá, chúng vào bờ, lẻn vào vùng dân cư cướp phá và ăn thịt phụ nữ và trẻ con. Về làng nhận được tin, chàng khổng ở lại nhà với những người sống sót, thì hôm sau loài quỷ lại phá ngoài khơi. Chàng quyết chí phải diệt hết loài Quỷ, liền dùng búa tự xẻ đôi thân mình. Một nửa thân và một chân đứng ngự trên đỉnh Sầm Sơn canh giữ bản làng, còn một nửa thân và một chân theo thuyền bè hộ vệ dân chài ra khơi.

Từ đó, lũ Quỷ không dám bén mảng đến vùng này hại dân nữa, cuộc sống dân làng lại trở nên yên bình như xưa. Bàn chân đứng trên núi của chàng đã hằn sâu vào đá, lưu lại dấu tích muôn đời. Về sau, Ngọc Hoàng cảm phục tấm lòng của chàng đã phái Thiên Sứ mời chàng trai về trời và phong thần cho chàng với tên gọi là "Thần Độc Cước", có nghĩa là "Thần một chân".

Gắn liền với sự phát triển của nhân dân làng chài đặc biệt là vùng đất Thanh Hóa, thần Độc Cước được thờ phụng tại rất nhiều vùng hải đảo, ven biển dọc từ Quảng Ninh tới Nghệ Tĩnh và các trục đường quốc lộ giao thông chính ở đồng bằng Bắc Bộ. Nhưng nổi tiếng nhất vẫn là đền Độc Cước tại Sầm Sơn, Thanh Hóa. Đền Độc Cước còn có tên là đền Thượng nằm trên đỉnh núi Cổ Giải thuộc dãy núi Trường Lệ. Phía đông và tây của đền giáp núi còn phía nam giáp biển Sầm Sơn. Đường lên đền này nằm tại đầu bãi tắm A, phường Trường Sơn, thành phố Sầm Sơn, Thanh Hoá. Được xây dựng vào thời Trần, đến nay đền được cấp chứng nhận Di tích cấp Quốc gia năm 1962, là nơi lưu giữ những giá trị văn hóa, tâm linh vô cùng ý nghĩa.

Nguồn bài viết : https://oancotam.com/than-doc-cuoc/

Bạn đang đọc truyện trên: TruyenTop.Vip