Ta chẳng còn nhau (3)

Đêm. Văn nằm nghe tiếng gió đông rít qua từng hồi, hắn đương nghe thấy tiếng phành phạch của tàu lá chuối va nhau tan tác ngoài vườn phía sau cái cửa sổ bằng gỗ đã được đóng chặt và dùng vải thừa bít hết các khe hở lại, thỉnh thoảng có ngọn gió to lại đập vào, kêu lục cục. Hắn kéo chăn lên cao che ngang cổ Việt, y đương nằm trong lòng hắn và gối đầu lên tay, mặt rúc vào tấm ngực vững chắc rồi thở từng hơi thở đều đều hâm hấp nóng. Gió ngoài trời thì lạnh mà cái tình trong người thì ấm. Hắn không dám nằm dịch ra, cái bụng bầu căng tròn bảy tháng đương lấy người hắn làm chỗ dựa. Việt chửa con so nên bụng cứng như đá, bọc trong nhiều lớp áo dày và ấm, hắn đã sợ y nằm bị cộm người nên bảo y cởi bớt ra nhưng y khăng khăng không muốn vì sợ con bị lạnh. Mùa đông này dù gió có không thổi vào được thì cái không khí của nó cũng đã lạnh lắm rồi. Hắn cúi xuống áp môi vào má y một lúc rõ là lâu, hít vào cái mùi thơm tho của làn da nơi má ne nẻ, hắn nhấc môi lên rồi lại thơm vào một cái nữa.

Văn nằm mơ man nhớ lại ngày xưa, lúc Việt mới về nhà. Y còm nhom, tay chân khỏng khoẻo như cành cây về đông trụi lá. Y nắm chặt lấy vạt áo mợ Hoàn với gương mặt cúi gằm, đôi lúc hơi ngẩng lên ngo ngó chung quanh vì lạ. Con chó to đùng đen thui của nhà hắn bất chợt xồ ra, sủa ông ổng cùng hàm răng nhọn hoắt ghê rợn, nó làm y giật mình, tay y càng níu chặt vạt áo của mợ hắn hơn, núp sau lưng bà mà sợ hãi. May mà lúc đó anh người ở túm lấy cái dây xích kịp lôi đầu nó lại, không thì cả cái cẳng chân mảnh khảnh như que củi khô của y có khi là đi tong. Y nép chặt đằng sau lưng mợ rồi bước từng bước chầm chậm vào nhà, chào hỏi cậu cùng họ hàng cô dì, chú bác. Việt rụt rè, tiếng giọng y be bé đáp lại những lời hỏi thăm. Gượng gạo. Chỉ đến khi chập tối lúc hắn đi ngang qua cái hiên có mấy bậc thềm xuống bếp hắn mới thấy y ngồi khóc.

...

Việt lúc ấy đương còn bé xíu xịu. Nó nghe mợ Hoàn nói với cậu Tùng là em mới hơn mười một. Thế là em bé hơn nó những bốn tuổi, nó năm nay đã gần mười lăm, ngày ngày cắp sách đi học rồi lại chạy nhông nhống từ đầu làng tới cuối xóm với mấy đứa trạc tuổi. Nghịch đủ trò.

Việt không được đi học. Lúc đầu em mới về đây cứ đêm là lại khóc, mợ Hoàn phải nằm dỗ rõ lâu thì mới chịu nín khóc rồi ngủ, cứ thế được tầm dăm bữa nửa tháng, Việt hết khóc được ngay, em ăn no, hộ giúp tí việc rồi lại lăn ra ngủ khì khì. Văn thấy mợ dần dà còn chiều em hơn cả mình nên đâm ra ghét. Văn trêu Việt đủ trò cho đến khi Việt bật khóc thì thôi. Tiếng khóc của em là trò vui với nó, chỉ cần em khóc lên nức nở là nó đã thành công. Tất nhiên là sau đấy nó luôn bị mợ mắng.

- Bà... bà ơi! Cậu Văn cứ... trêu con...

- Thằng Văn mày hư quá cứ trêu em, mày phải biết thương em chứ! Nó bé bỏng như này.

Rồi mợ Hoàn ngồi xuống, kéo gấu tay áo lên lau nước mắt cho em, âu yếm.

- Ừ rồi mợ thương, anh Văn hư quá cứ trêu em. Con đừng khóc nữa.

Em ở đây cũng đã được lâu lâu. Đã dần quen với việc sống trong căn nhà này, thế mà em vẫn nhất quyết không chịu gọi mợ Hoàn là mợ. Nhiều lần mợ đã nói: "Con cứ gọi mợ là mợ thôi, đừng gọi mợ là bà nghe xa cách!" Nhưng những lúc như vậy em chỉ biết im lặng, cúi đầu không nói một lời nào cho đến khi mợ thất vọng rồi rời đi. Chính nó cũng cảm nhận được mợ Hoàn đã coi em như con, mợ thương lắm cái thằng bé gầy còm, xơ xác mợ phải nuôi mãi thì mới hồng hào trắng trẻo lên một tí được.

Bởi vì Văn hay trêu em nên em cũng sợ. Mỗi lần đi qua em là nó lại quắc mắt lên chửi.

- Mày mà còn mách mợ là tao đánh chết mày!

Em sợ nó và nhiều lúc bị doạ cho chết khiếp mà cũng không dám mách mợ. Mặt mũi tèm nhèm, khóc đỏ cả mắt. Nó kể cho em nghe chuyện ma cây chuối, mỗi đêm về là những con ma cây chuối lại hiện lên đứng đầy ở mấy gốc chuối sau vườn. Bọn nó sẽ lè những cái lưỡi vừa to vừa dài để liếm mặt mấy đứa bé hay khóc nhè rồi bắt cóc đi làm thịt. Việt sợ sún người, em cố gắng để nín khóc, thế nhưng nó lại vác em lên chạy ra ngoài vườn, vừa chạy vừa gào lên mấy tiếng thất thanh làm cho em sợ đến mức phải ré lên khóc. Mợ Hoàn nghe thấy tiếng khóc, vội vội vàng vàng chạy ra. Văn lại bị mắng cho té tát.

Mợ Hoàn rất mừng. Sau những pha "cứu giúp" như là vụ ma chuối, Việt đã biết ơn và thương yêu mợ nhiều hơn mà gọi mợ là mợ. Nhưng em không gọi nó là anh, em chỉ xưng là "em" thôi, em của cậu Văn "nhân ái".

Việt vẫn bị nó bắt nạt, có lúc nó lấy hòn sỏi vẽ một vòng trên đất cát rồi bắt em bước vào và không được phép ra. Em chỉ được ra khi mà nó đã cho phép, em đứng trân trân, nhìn nó chạy biến đi theo cùng đám bạn. Em đương thấy con chó mực đang ngủ say cùng tiếng chim sẻ đi kiếm mồi kêu ríu rít. Chiều hôm nay trời mát, gió thổi hiu hiu qua bụi tre xanh kêu xào xạc, em thấy có một cánh diều nhỏ tung tăng bay trên bầu trời xanh ngắt, rồi bỗng dưng nó vụt bay theo tới chỗ có những cánh diều bé xíu xa xa. Việt muốn chạy đuổi theo nhưng cái vòng Văn vẽ dưới chân đã ngăn cản, tất cả những chỗ nào ngoài cái vòng này đều là "cấm địa" của Việt. Việt thẫn thờ nhìn theo, ánh mắt đương dâng lên một nỗi buồn tủi, cánh diều ấy giờ đã mất hút vào những đám mây, chân em run run, em ngồi thụp xuống rồi rưng rưng đưa tay bưng mặt khóc. Dưới chân, đàn kiến ung dung nối đuôi nhau vào "vùng đất nhỏ" ấy của Việt rồi lại thong dong đi ra "vùng đất cấm".

...

Thời gian thấm thoắt trôi, bay đi như con diều ngày ấy Việt bỏ lỡ. Đã bốn năm trôi qua cùng nhiều sóng gió và gập ghềnh, cuộc đời không yên ả trôi như thời còn tấm bé, thôi thúc những đứa trẻ con của năm ấy phải lớn lên để đối mặt. Văn năm nay mười chín tuổi. Hơn một năm trước, mợ Hoàn bị bệnh nặng, những ngày tháng cuối đời mợ nằm trên giường suốt, ôm ấp và xoa xoa đầu Việt nói những lời yêu thương. Việt cũng vậy, y thương mợ tha thiết. Mợ Hoàn và Việt, hai người hay cùng thì thào tâm sự với nhau nhiều điều lắm. Có hôm, con chó Mực bình thường rất khoẻ mạnh thì bỗng dưng lăn đùng ra chết, nó ăn phải bả, nó chết làm Việt sụt sịt rấm rức khóc suốt mấy hôm, nó chết như báo hiệu điềm xui đến trong căn nhà. Và đúng thế thật. Chỉ ít lâu sau, mợ Hoàn đã mất. Văn khi ấy chỉ biết ngậm ngùi nuốt nước mắt vào trong đến khi không kìm nổi được nữa mới trào ra, Việt thì khóc như mưa, y thương mợ lắm, mắt y đỏ hoe, bần thần vì nhiều đêm không ngủ. Mợ mất, cả ngôi nhà lạnh lẽo như cái chăn mất lõi bông mềm. Làm tang cho mợ xong, ít lâu cậu Tùng cũng đi mất... cậu Tùng không thân bằng mợ, nhưng cậu cũng thương Văn cùng Việt lắm, chỉ là cậu đi hơi vội, từ giờ cả gia đình này sẽ do Văn cáng đáng. Mười chín tuổi, Hắn phải đương đầu với đám họ hàng tham lam, giả trá chỉ muốn nhăm nhe đến tài sản. Mười chín tuổi, hắn phải gồng gánh trên vai từ việc học hành ở Hà Nội đến việc nhà cửa. Mười chín tuổi, hắn phải chấp nhận cái việc có Việt làm vợ. Đến giờ hắn mới ngộ, à thì ra ngay từ cái ngày hôm ấy, lúc hắn nhìn thấy Việt còm nhỏm còm nhom, rụt rè cùng mợ Hoàn bước vào nhà ấy là lúc hắn đã có vợ. Việt giờ còn nhỏ lắm, y trông như con cún con hay khóc nhè. Việt cũng muốn làm mọi việc giúp hắn nữa nhưng bị hắn mắng cho té tát nhiều lần, giọng hắn dần dần trầm hẳn đi vì mệt mỏi và vật vã, mỗi lần hắn quát lớn, cái giọng ồm mà oang oang khiến Việt với con Diên mới mười tuổi phải sợ rúm lại. Đến mức đôi khi y muốn khóc.

Bình thường hắn phải đi học và đi làm ở một nơi rất xa. Y thấy thế. Giờ trong nhà chỉ còn mỗi Việt với con bé Diên mười tuổi, nó là đứa duy nhất được giữ lại trong đám người ở trước đây vì trông còn bé quá. Tiền Văn gửi về tuy không được nhiều lắm nhưng cũng là ổn để cho Việt với nó đủ ăn, có khó khăn quá thì cũng chẳng phải nhịn.

Hơn một năm sau, hắn về hẳn. Hắn nhận ra, mình không thể làm việc trên đất bùn, ruộng lúa, có vứt chỏng chơ đấy cũng chẳng để làm gì, nhưng đất là do ông bà, cậu mợ để lại hắn cũng không muốn bán. Hắn đã nghĩ nên cho nông dân thuê làm ruộng, còn mình thì quay lại Hà Nội để lập nghiệp cùng vốn đã tiết kiệm.

Hắn đang cố gắng để cho căn nhà này sự ấm cúng và sung túc như xưa, cho Việt một cuộc sống an yên với cái bụng chửa.

——————————————

Thực ra nếu viết mỗi thế này thì các bạn sẽ cảm thấy truyện nó bị trôi nhanh quá:(( nhưng mà mình chắc chắn sẽ có ngoại truyện nha^^ mong các bạn sẽ đón đọc và ủng hộ mình. Mình cảm ơn các bạn rất nhiều!

Bạn đang đọc truyện trên: TruyenTop.Vip