Tác động của Khoa học công nghệ tới Kinh Tế Quốc Tế

          PHẦN 2: TÁC ĐỘNG CỦA KHOA HỌC

CÔNG NGHỆ ĐẾN KINH TẾ QUỐC TẾ

 

2.1. TÁC ĐỘNG TỚI KẾT CẤU NỀN KINH TẾ QUỐC TẾ

2.1.1.  Thay đổi kết cấu ngành

- Tỉ trọng nông nghiệp, công nghiệp giảm, tỉ trọng dịch vụ tăng

Hiện nay, tỉ trọng nông nghiệp trong GDP ở các nước công nghiệp phát triển giảm mạnh, tỉ trọng của ngành công nghiệp có tăng chút ít ở một số nước, còn ở một số nước lại giảm xuống, tỉ trọng của ngành dịch vụ (bao gồm ngành giao thông vận tải, thông tin liên lạc, thương nghiệp bán buôn và bán lẻ, các thiết chế tài chính – tín dụng, kinh  doanh bảo hiểm, các dịch vụ sinh hoạt, giao dịch và văn hóa – xã hội) tăng lên mạnh, bình quân chiếm 70-80% GDP. Ví dụ, ở Mĩ, tỉ trọng các ngành nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ trong GDP năm 2011 lần lượt là 1.2%, 22.1% và 76.7%; Anh: 0.9%, 10.3%, 88.7%; Nhật Bản 1.4%, 24%, 74.6%. Cho tới nay, sự thay đổi to lớn của kết cấu ngành đã gần đến hồi chót và người ta dự đoán rằng, tỷ trọng của ngành công nghiệp trong GDP còn tiếp tục giảm xuống.

- Thay đổi trong nội bộ ngành

Trong nội bộ từng ngành cũng có nhiều sự thay đổi, đặc biệt là trong công nghiệp dịch vụ. Trong công nghiệp đã chuyển từ loại hình cơ cấu tiêu hao nhiều năng lượng, lao động, tài nguyên sang loại hình cơ cấu có hàm lượng khoa học, tri thức và công nghệ cao, tốc độ của những ngành này đã vượt tốc độ phát triển bình quân của sản phẩm công nghiệp. Tuy nhiên, sự thay đổi đáng chú ý nhất hiện nay là tỷ trọng ngành công nghệ cao lấy công nghệ thông tin làm chính trong nền kinh tế sẽ nhanh chóng tăng lên. Tỷ trọng của các ngành có công nghệ cao ở Mỹ trong tổng sản phẩm giá trị xã hội đã chiếm trên 50%, trong đó ngành thông tin chiếm trên 30% vượt ngành ô tô – một trong những ngành trụ cột của Mỹ để trở thành ngành lớn nhất. Ở Nhật Bản, Đức, Anh, Pháp... tỷ trọng của ngành công nghệ cao trong GDP cũng đang vượt hơn 30%. Chỉ riêng năm 1996 kim ngạch ngoại thương toàn cầu của sản phẩm công nghệ thông tin bao gồm vi tính, thiết bị điện tín, linh kiện, phần mềm... đã vượt quá 700 tỷ USD chiếm trên 10% tổng kim ngạch thương mại toàn cầu. Điều đó cho thấy trong nền kinh tế thế giới hiện nay ngành công nghệ thông tin đã thay ngành truyền thống, trở thành ngành đóng vai trò chủ đạo. Ngành dịch vụ ngày càng mở rộng về số lượng, quy mô, tốc độ, trở thành ngành có số người làm việc và giá trị sản xuất ngày càng lớn.

Đa dạng hóa ngành dịch vụ trong nền kinh tế phát triển hiện nay có thể quy tụ thành một số bộ phận lớn, có chức năng tương đối giống nhau nhưng với cơ cấu hoàn toàn khác nhau là giao thông vận tải, thông tin liên lạc, thương nghiệp bán buôn và bán lẻ, tài chính-tín dụng, kinh doanh bất động sản, kinh doanh điện tử (E-business), dịch vụ sản xuất và lưu thông, dịch vụ sinh hoạt, sửa chữa và bảo dưỡng ô tô vận tải, hoạt động văn hóa, nghệ thuật và một số dịch vụ thuộc lĩnh vực xã hội như giáo dục, y tế, phục vụ xã hội cho mọi tầng lớp nhân dân.

Năm 1998: E.Business giữa các doanh nghiệp trên Internet đạt 43 tỉ USD; 2003: 1300 tỉ USD, tương đương 9% tổng doanh thu giữa các doanh nghiệp với nhau. Đối với riêng Mĩ năm 2010, con số này là 164.6 tỉ USD, chiếm 4.2% tổng doanh thu bán lẻ.

Sự thay đổi cơ cấu giữa các ngành cùng với việc mở rộng ngành nghề, hình thành những ngành mới, sự phân công và hợp tác các ngành nghề trở nên sâu sắc, ranh giới giữa các ngành ngày càng lu mờ, sự phụ thuộc ràng buộc lẫn nhau giữa chúng càng lớn, tính xã hội hóa của nền sản xuất xã hội ngày càng được nâng cao.

2.1.2. Thay đổi cơ cấu việc làm

Cùng với sự thay đổi cơ cấu ngành nghề, cơ cấu việc làm cũng có sự thay đổi mới. Đội ngũ người lao động – lực lượng sản xuất cơ bản biến đổi cả về trình độ, cơ cấu và cả các yếu tố cấu thành giá trị hàng hóa sức lao động. Cơ cấu lao động thay đổi theo hướng tiến bộ, các yếu tố tái sản xuất sức lao động đã ngày càng đáp ứng yêu cầu đòi hỏi của quá trình tái sản xuất xã hội. Trước kia, công nhân được chia thành “công nhân cổ xanh” lao động bằng chân tay và “công nhân cổ trắng” làm việc trong văn phòng. Trong các thập kỷ cuối cùng của thế kỷ XX, tỷ lệ “công nhân cổ xanh” (blue-collar) không ngừng giảm xuống và tỷ lệ “công nhân cổ trắng” (white-collar) không ngừng tăng lên trong tổng số công nhân. Số công nhân cổ xanh làm việc trong ngành công nghiệp của Mỹ đã từ 30% lực lượng lao động những năm 1960 giảm xuống còn 20% những năm 1980 đến nay giảm xuống còn không tới 17% và trong 10 năm đầu thế kỷ XXI, theo đánh giá của nhà quản lý nổi tiếng người Mỹ Beterdrueker, con số này chỉ còn là 12%. Lao động dịch vụ chiếm trên 70%, ở lĩnh vc này lao động có tri thức, có tay nghề cao chiếm tỷ trọng ngày càng lớn, đội ngũ công nhân cổ trắng ngày càng nhiều lên giữ vị trí hàng đầu trong lực lượng lao động xã hội. Ở Mỹ trong những năm gần đây, trong hàng triệu người có việc làm mới, công nhân trí thức chiếm 90% và họ sẽ trở thành đội quân công nhân viên chức lớn nhất. Lao động của những công nhân trí thức này đang chiếm lĩnh các lĩnh vực sản xuất, thương mại, đầu tư, chính trị, quân sự, nghiên cứu khoa học... công cụ mà họ sử dụng là máy tính và các thiết bị thông tin liên quan, lao động của họ thông qua mạng lưới để thu thập, phân tích, xử lý, tổng hợp, chuyển nhượng và truyền đạt thông tin. Những người này có trình độ giáo dục và văn hóa ngày càng cao hơn, có kiến thức khoa hoc kỹ thuật, kinh tế, quản lý, và các kiến thưc khác ngày càng phong phú hơn. Đương nhiên, sau này ở một số ngành đặc biệt là ngành phục vụ, vẫn còn có một số công việc đòi hỏi tri thức và kỹ năng tương đối thấp, nhưng số người không phải là công nhân trí thức dần dần giảm đi. Sự chênh lệnh về thu nhập tiền lương của 2 loại công nhân này đang mở rộng, vì rằng giới chủ sẵn sàng trả lương tương đối cao để thuê công nhân có trình độ kiến thức cao hơn. Tại Mỹ, từ năm 1973 đến 1993, thu nhập của công nhân cổ xanh giảm 15% đến 19%, thu nhập của công nhân cổ trắng tăng 21%.

Nền sản xuất xã hội bước dần sang nến sản xuất trí tuệ, đòi hỏi người lao động càng phải có trình độ khoa học, trình độ công nghệ, tay nghề cao, làm tỷ lệ công nhân cổ trắng ngày càng tăng.

 

2.1.3. Thay đổi trong hình thức sản xuất và tổ chức sản xuất

Về hình thức tổ chức sản xuất: Xuất hiện hình thức mới là các khu công nghệ cao mà ở đó sản xuất và khoa học kết hợp làm một. Ðó là hình thức sản xuất mới của nền kinh tế tri thức, của xã hội thông tin. Các khu công nghệ cao hay còn gọi là các "công viên công nghệ cao" (technology park) đang phát triển rất mạnh. Ðầu tiên chỉ là tự phát, như sự ra đời thung lũng Silicon. Xuất phát điểm ra đời khu công nghệ cao này là đại học Stanford và một số trường đại học khác. Vào những năm 50, nhu cầu mở rộng quy mô đào tạo và tăng cường công tác nghiên cứu của trường đại học Stanford khiến nhà trường rơi vào tình trạng bí về tài chính. Ðể giải quyết khó khăn này nhà trường quyết định cho thuê 80 ha đất của nhà trường (luật của Mỹ không cho phép bán đất chỉ được phép cho thuê). Thời hạn là 99 năm với một ý đồ rất rõ ràng, chỉ cho phép vào đây những công ty nào chấp nhận kinh doanh và sản xuất những sản phẩm mà nhà trường nghiên cứu ra. Khác với những khu vực sản xuất truyền thống, thung lũng Silicon là một khu vực sản xuất đẹp và sạch như công viên. Rất đẹp, rất sạch và hiệu quả rất cao. Ðây là nơi cả ba quá trình nghiên cứu khoa học là nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu ứng dụng và nghiên cứu triển khai, sản xuất hàng loạt nhập lại làm một. Những sản phẩm từ đây được sử dụng trên toàn thế giới.

Từ một khu công nghệ cao hình thành tự phát như vậy đến nay trên thế giới đã hình thành cả một xu hướng rất mạnh xây dựng các khu công nghệ cao. Bởi đó chính là hình thức tổ chức sản xuất của tương lai, là nơi khoa học trực tiếp trở thành lực lượng sản xuất, trực tiếp làm ra sản phẩm. Trung Quốc cũng như Ấn Ðộ đều rất chú trọng đầu tư xây dựng các khu công nghệ cao. Việt Nam cũng đã có khu công nghệ cao Hòa Lạc tại huyện Thạch Thất, Hà Nội và Khu công nghệ cao Sài Gòn ở quận 9 Thành phố Hồ Chí Minh.

Tóm lại khu công nghệ cao chính là hình thức dẫn đầu của tổ chức sản xuất mới. Nó là nơi sản sinh ra các công nghệ cao và phát triển các ngành công nghiệp dựa trên công nghiệp cao. Nó đưa ra công nghệ cao để cải tạo các lĩnh vực khác đồng thời nó mở ra các ngành công nghiệp mơí dựa vào công nghệ cao. Ðó cũng chính là hoạt động khoa học trong tương lai. Nhất thể hoá khoa học, công nghệ và sản xuất. Khoa học là lực lượng sản xuất trực tiếp cho ra sản phẩm. Các ngành dịch vụ cơ bản từ đó cũng được cải tạo dần, trở nên mang tính công nghệ cao.

Về tổ chức sản xuất: Kinh tế công nghiệp quy định ba khu vực sản xuất là nông nghịêp, dịch vụ và công nghiệp đến nay quy định này tỏ ra không còn phù hợp, cụ thể là có một số ngành dựa vào tri thức không thể xếp vào một khu vực nào. Ví dụ ngành công nghiệp thông tin chỉ đưa vào một khu vực là công nghịêp hay dịch vụ đều không ổn, bởi nó cao hơn cả công nghiệp lẫn dịch vụ do đó nhiều người cho rằng đã xuất hiện một khu vực sản xuất thứ tư. Ðối với ngành công nghiệp thông tin thì hiện nay phần sản xuất được xếp vào khu vực công nghiệp còn phần mềm như các dịch vụ, viễn thông, ngân hàng thì được xếp sang phần dịch vụ.

2.2 TÁC ĐỘNG TỚI QUAN HỆ KINH TẾ QUỐC TẾ

2.2.1 Thay đổi trong quan hệ trao đổi quốc tế

Hiện nay, khi khoa học công nghệ phát triển với tốc độ nhanh, trở thành yếu tố quan trọng cuả lực lượng sản xuất, sự chênh lệch về trình độ khoa học công nghệ giữa các quốc gia ngày càng lớn về: nguồn vốn, trình độ kĩ thuật, bí quyết công nghệ, nguồn lực, trình độ quản lí,… thì sự trao đổi quốc tế về KH&CN là tất yếu khách quan và diễn ra với tốc độ ngày càng nhanh hơn, quy mô càng lớn hơn.

Đối tượng tham gia vào việc trao đổi quốc tế được mở rộng rất nhiều. Do vậy dẫn đến nhu cầu tất yếu về hợp tác quốc tế về kinh tế và KH&CN: chuyên môn hóa với hợp tác hóa quốc tế trong sản xuất và hợp tác với trao đổi quốc tế về khoa học công nghệ.

- Chuyên môn hóa và hợp tác hóa quốc tế trong sản xuất (phân công lao động quốc tế)

KH&CN phát triển mạnh kéo theo sự chênh lệch lớn về KH&CN, cùng với sự khác biệt lớn về điều kiện tự nhiên đòi hỏi mỗi quốc gia phải chọn tập trung vào 1 lĩnh vực , ngành mà bản thân họ có điều kiện sản xuất thuận lợi và đạt hiệu quả cao.  Do đó, kéo theo là sự thay đổi trong phân công lao động quốc tế. Một quốc gia để sản xuất ra một sản phẩm, thay vì sản xuất tất cả các bộ phận, link kiện của sản phẩm đó thì có thể chỉ tập trung vào một thứ và nhập khẩu những phần còn lại từ các quốc gia khác. Phân công lao động quốc tế từ đó mà được hình thành một cách ngẫu nhiên và sự phân công này diễn ra theo hướng chuyên môn hóa.

VD1: Việc sản xuất máy bay đòi hỏi sự chuyên môn hóa và hợp tác hóa rất cao. Việc sản xuất Dreamliner 787 đã được ngợi ca như là hình mẫu của việc thuê làm bên ngoài. Một trang web chỉ liệt kê những nhà cung cấp lớn của những bộ phận của chiếc máy bay này mà đã gồm tới 397 đường liên kết.

VD2: Tại TopCoder, một công ty phần mềm có trụ sở tại Connecticut, một phần mềm sản xuất ra là sự tham gia của hàng chục bộ phận riêng rẽ. TopCoder chia những dự án công nghệ của nó thành những phần nhỏ và chào mời nó cho những nhà phát triển phần mềm tự do trên toàn thế giới như là một hình thức tạo cạnh tranh. Sự siêu chuyên môn hóa này tỏ ra rất có lợi. TopCoder thường cung cấp cho khách hàng của mình những sản phẩm có chất lượng tương đương với phương thức sản xuất cũ nhưng chỉ với 25% chi phí cũ.

Việc chuyên môn hóa theo chi tiết sản phẩm hay theo quy trình công nghệ đòi hỏi sự tương đồng về trình độ công nghệ. Việc chuyên môn hóa có tính chất chiều sâu và phát huy thế mạnh công nghệ của từng quốc gia.

Việc chuyên môn hóa thường gắn liền luôn với hợp tác hóa vì đây là 2 mặt của 1 vấn đề: việc chuyên môn hóa đòi hỏi việc hợp tác hóa và hợp tác hóa phỉa trên cơ sở chuyên môn hóa.

Quá trình chuyên môn hóa và hợp tác hóa trong sản xuất gắn liền với sự phát triển của cách mạng KH&CN và quá trình phát triển của các công ty xuyên quốc gia. Đặc biệt sự ra đời của các khối liên kết kinh tế đã tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình phát triển của việc chuyên môn hóa và hợp tác hóa quốc tế trong lĩnh vực sản xuất.

VD: Airbus A380 một trong những sản phẩm hợp tác sản xuất của các thành viên Liên minh châu Âu. Phần lớn cấu trúc của A380 được chế tạo tại Pháp, Đức, Tây Ban Nha, và Vương quốc Anh.

- Hợp tác và trao đổi quốc tế về KH&CN

Hợp tác quốc tế về KH&CN là loại hình hoạt động bao gồm các hình thức phối hợp giữa các nước để cùng nhau tiến hành nghiên cứu, sang chế, thiết kế, thử nghiệm, trao đổi các kết quả nghiên cứu, thông tin về KH&CN, áp dụng các thành tựu KH&CN vào thực tiễn sản xuất.

          + Hợp tác nghiên cứu KH&CN

Dưới tác động của xu thế toàn cầu hóa, xuất phát từ lợi ích từng quốc gia nằm trong lợi ích chung của nhân loại, quá trình hợp tác nghiên cứu KH&CN giữa các nước ngày càng phát triển về quy mô và hình thức nhằm: giải quyết có hiệu quả các chương trình nghiên cứu chung, nâng cao mức sống của nhân loại, để tránh trùng lặp trong đầu tư nghiên cứu, tiết kiệm thời gian và tập trung các nguồn lực (cả vật chất và trí tuệ) để đạt tới hiệu quả kinh tế cao.

VD1: Vinamilk hợp tác nghiên cứu với tập đoàn Thụy Sĩ, Đan Mạch về ứng dụng khoa học dinh dưỡng. thông qua chiến lược áp dụng nghiên cứu khoa học về nhu cầu dinh dưỡng đặc thù của người VN , Vinamilk phát triển ra những dòng sản phẩm tối ưu nhất cho người tiêu dùng VN, đồng thời tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường nội địa và vươn tới thị trường quốc tế.

VD2:  Sarec - Chương trình hợp tác nghiên cứu Việt Nam-Thụy Điển 2004 -2007 về nhiều lĩnh vực công nghệ nhằm phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống.

          + Hợp tác đào tạo và trao đổi chuyên gia

Hợp tác đào tạo và trao đổi chuyên gia được thực hiện rất thường xuyên và đa dạng, qua đó tri thức tiến bộ được trao đổi từ nước có trình độ cao hơn đến nước có trình độ thấp hơn ở từng lĩnh vực KH&CN khác nhau.

VD: Gửi người đi đào tạo tại các nước có trình độ cao hơn nhằm tiếp cận tri thức mới một cách cơ bản, tạo nguồn nhân lực mới đáp ứng nhu cầu lao động trong tương lai.

Sự hợp tác quốc tế về KH&CN là đòi hỏi khách quan trong thời đại ngày nay vì KH&CN ngày càng trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp và những tài sản của nó phải trở thành tài sản chung của nhân loại. Thêm nữa, không một quốc gia nào có khả năng tự giải quyêt mọi vấn đề KH&CN mà thực tiễn đặt ra.

2.2.2 Xu hướng toàn cầu hóa

Xu hướng phát triển kinh tế mỗi nước còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố song xu thế kinh tế toàn cầu thì đã rõ, đó là xu thế toàn cầu hoá. Cụ thể là thương mại quốc tế hiện đã tăng nhanh nhiều lần so với thu nhập do các nhu cầu trao đổi, chia sẻ thông tin, hợp tác, sử dụng lao động...

Toàn cầu hóa là xu thế chung của kinh tế thế giới, tuy nhiên, nhờ có những tiến bộ về khoa học công nghệ mà tiến trình toàn cầu hóa ngày càng diễn ra với tốc độ cao. Điều này được thể hiện qua quá trình hợp tác, trao đổi quốc tế giữa các quốc gia, khu vực về KH&CN và công tác nghiên cứu KH&CN như đã nói ở trên. Ngoài ra, việc gia tăng luồng dữ liệu xuyên biên giới thông qua việc sử dụng các công nghệ như Internet, các vệ tinh liên lạc và điện thoại cũng là một ví dụ minh chứng cho xu thế này. Các dữ liệu, thông tin về tất cả các lĩnh vực bao gồm cả kinh tế không còn là của riêng một quốc gia, khu vực hay tổ chức, cá nhân nào. Trong xu thế toàn cầu hóa, những biến động kinh tế ở một quốc gia có thể gây ra những biến động nhất định cho nền kinh tế thế giới nhưng thông qua các phương tiện công nghệ thông tin, thông tin về những biến động đó có thể được truyền đi nhanh hơn, do đó, những hệ quả kéo theo cũng sẽ xảy ra nhanh hơn.

Ngoài những tác động tích cực tới KTQT thì KHCN còn có một số hệ quả tiêu cực về mặt xã hội, môi trường, văn hóa như làm gia tăng khoảng cách trình độ phát triển giữa các quốc gia, khả năng cạnh tranh giũa các nước phát triển, đang phát triển và kém phát triển, làm sâu sắc thêm phân hóa giàu nghèo trong xã hội, gây ô nhiễm môi trường, tệ nạn xã hội. Để tránh hoặc hạn chế những hệ quả xấu này thì mỗi quốc gia cần phải có chiến lược phát triển khoa học công nghệ đúng đắn, phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh của mỗi nước.

Bạn đang đọc truyện trên: TruyenTop.Vip