tam nong

Hoan thanh 2 noi dung:

- Noi dung chinh cua bai bao

- Y kien/phan bien cua ca nhan

Hoan thanh: 1 trang/tuan sau thao luan

--

Nguyen Quang Phuc

College of Economics, Hue University

100 Phung Hung, Hue City

Vietnam

Nếu có hình trong tệp đính kèm này, hình này sẽ không được hiển thị. Tải xuống tệp đính kèm gốc

Page 1

VẤN ĐỀ TAM NÔNG Ở VIỆT NAM TS. Đặng Kim Sơn Viện trưởng Viện kinh tế chiến lược Bộ Nông nghiệp và PTNT 1/ Thực trạng, thách thức của nông nghiệp, nông thôn, nông dân hiện nay.a/ Nông nghiệp tiếp tục phát triển nhưng thiếu bền vững và hiệu quả thấp. Hai mươi năm qua Việt Nam đổi mới kinh tế thành công, tạo đà tiến vào giai đoạn công nghiệp hóa đất nước. Quá trình đã bắt đầu tư nông nghiệp thời gian qua. Sản xuất nông lâm ngư nghiệp tăng trưởng khá. Giai đoạn 2000-2007, vượt qua những khó khăn về biến động thị trường, thiên tai dịch bệnh, sản xuất nông lâm thủy sản vẫn tăng trưởng GDP bình quân 3,7%/năm, giá trị tổng sản lựong một năm trung bình tăng 5,2%.Nhờ sản lượng ngũ cốc tăng đều, năm 2007 so với năm 2000 tăng 5,5 triệu tấn, bình quân lương thực đầu người tiếp tục tăng từ 420kg năm 2001 lên 470kg năm 2007,chẳng những Việt Nam đảm bảo được an ninh lương thực mà mỗi năm còn xuất khẩu trung bình hơn 4 triệu tấn gạo. Nhiều loại cây trồng như: cà phê, cao su, hồ tiêu, hạt điều... tiếp tục tăng trưởng trở thành các mặt hàng xuất khẩu có vị thế quan trọng trên thị trường quốc tế. Ngành chăn nuôi mặc dù phải đương đầu với tình hình dịch bệnh diễn ra phức tạp trên diện rộng nhưng vẫn tiếp tục phát triển với quy mô sản xuất lớn hơn trước. Nhờđó, tốc độ phát triển của ngành đạt mức 7-8%/năm. Ngành thủy sản tăng trưởng rất nhanh cả về diện tích nuôi trồng và công suất đánh bắt, nhờ đó sản lượng năm 2007 đã tăng gấp 2 lần so với năm 2000. Nhờ sự thay đổi trong tốc độ phát triển nên trong cơcấu nông nghiệp, tỉ lệ GDP của ngành trồng trọt đã giảm từ 65% năm 2000 xuống còn 57% năm 2007 trong khi tỉ lệ GDP của ngành chăn nuôi và thủy sản tăng từ 52% năm 2000 lên 55% năm 2007. Lâm nghiệp tiếp tục tăng nhanh diện tích rừng từ 11,3 triệu ha năm 2000 lên 12,8 triệu năm 2007, bước đầu ngăn chặn được tình trạng phárừng, nâng tỉ lệ che phủ lên 38.5%, khối lượng khai thác 3,6 triệu mét khối năm 2007. Các thành tựu của ngành nông nghiệp đạt được trong thời gian qua chủ yếu lànhờ ứng dụng rộng rãi KHKT trong sản xuất nông nghiệp. Nhờ đó, năng suất cây trồng vật nuôi tiếp tục tăng, nuôi trồng thủy sản phát triển, chất lượng rừng được cải thiện. Cơgiới hóa nông nghiệp được đẩy mạnh nhất là những khâu đòi hỏi nhiều lao động nhưlàm đất, tưới tiêu, thu hoạch lúa. Đầu tư chế biến nông lâm sản tiếp tục phát triển. Ngành công nghiệp chế biến nông lâm thủy sản giai đoạn 2001-2006 tăng trưởng 14,8%/năm. Nhờ đó, nâng cao giá trị xuất khẩu của hàng hóa nông sản. Việt Nam tiếp tục duy trì vai trò của một nước xuất khẩu nông sản. Giá trị kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản giai đoạn 2001-2007 là 49.6 tỉ đô la, đạt tốc độ tăng trưởng 16,8%/năm,tính riêng năm 2007 đạt 12.5 tỷ USD đóng vai trò quan trọng trong xuất khẩu của đất nước. 1

--------------------------------------------------------------------------------

Page 2

Bên cạnh những thành tích trên, nông nghiệp Việt Nam cũng đang bộc lộ nhiều khuyết điểm cần được khắc phục. Cơ cấu nông nghiệp chuyển biến còn chậm, trong nông nghiệp ngành trồng trọt vẫn chiếm tỷ trọng lớn trên 57% cơ cấu chung, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp chưa phát triển tương xứng với tiềm năng của ngành và khả năng của thị trường. Chất lượng sản phẩm và hiệu quả sản xuất nhiều loại sản phẩm còn thấp,chi phí giao dịch và tiếp thị còn cao. Diện tích lớn đất đai đang nằm trong các lâmtrường chưa được khai thác hiệu quả. Sản xuất nông nghiệp nhìn chung phát triển chưa vững bền. Do cơ cấu sản xuất chưa hợp lý, người sản xuất còn thiếu thông tin thị trườngvà hệ thống cơ sở hạ tầng, dịch vụ sản xuất kinh doanh chưa hoàn chỉnh nên tình trạng biến động giá, việc quản lý và giám sát chất lượng vật tư đầu vào và nông sản đầu ra vẫn là thách thức đối với nhà nước và người sản xuất. Tình trạng mất cân bằng trong tổchức sản xuất và quản lý môi trường yếu kém khiến cho tình trạng ô nhiễm môi trường,khai thác qua mức tài nguyên thiên nhiên cũng là mối đe dọa cho phát triển. Thêm vào đó, diễn biến ngày càng phức tạp của thời tiết, thiên tai và dịch bệnh gây thiệt hại đáng kể cho cư dân nông thôn và sản xuất nông nghiệp. Các khó khăn trên đang là thách thức to lớn đối với ngành sản xuất nông nghiệp Việt Nam. Trong vài năm gần đây mức tăng trưởng nông nghiệp đã chậm lại đáng kể. Tốc độ tăng GDP của nông lâm thủy sản đã giảm từ 4,1%/năm giai đoạn 1990-1995 xuống còn 3,5%/năm giai đoạn 2006-2007. Trong khi đó, nông nghiệp Việt Nam sẽphải đương đầu với những thách thức lớn hơn trong tương lai. Diện tích đất nôngnghiệp sẽ bị thu hẹp, lao động nông thôn tiếp tục giảm, giá các vật tư nông sản có xu hướng tiếp tục tăng. Cùng với xu thế biến đổi khí hậu toàn cầu, diễn biến thời tiết vàthiên tai sẽ ngày càng phức tạp. Theo nghiên cứu của Ngân hàng thế giới, Việt Nam là một trong năm nước sẽ chịu ảnh hưởng nặng nhất của quá trình này.b/ Nông thôn phát triển nhưng còn chậm và có nhiều khó khăn.Trong giai đoạn 2001-2006, gần 10% số hộ gia đình tham gia sản xuất nôngnghiệp ở nông thôn đã chuyển sang làm công nghiệp, ngành nghề và dịch vụ. Lao động khu vực nông lâm ngư nghiệp giảm bình quân 2%/năm chuyển sang các ngành nghề phinông nghiệp. Tỷ lệ giá trị sản xuất công nghiệp ở khu vực nông thôn đã tăng từ 17%năm 2001 lên 19% năm 2007. Ở nông thôn đã hình thành nhiều khu công nghiệp, thương mại và đô thị. Cơ sở hạ tầng nông thôn tiếp tục được tập trung đầu tư. Trong giai đoạn 2001-2005, năng lực tưới đã tăng thêm 575 ngàn ha, năng lực tiêu tăng 235 ngàn ha phục vụtốt sản xuất, phòng chống thiên tai và góp phần cải thiện đời sống nông thôn. Hệ thống thủy lợi cả nước vận hành bằng 100 công ty thủy nông và hàng ngàn hợp tác xã. Hệthống giao thông nông thôn được đầu tư phát triển, số xã có đường ô tô đến trụ sở xã 97%, trong đó 70% đường ô tô được nhựa hóa, bê tông hóa. Hệ thống điện lưới quốc gia đã phục vụ cho hầu hết số xã và 97% số hộ trong cả nước. Tại các vùng nông thôn,các cơ sở kết cấu hạ tầng phục vụ đời sống của nhân dân được ưu tiên đầu tư phát triển. Ở địa bàn nông thôn, gần 100% xã đã có trường tiểu học, 91% có trường trung học cơsở, 88% có trường mẫu giáo mầm non, chợ trên địa bàn nông thôn chiếm 75% số chợ2

--------------------------------------------------------------------------------

Page 3

cả nước, 99% số xã có trạm y tế, 55,6% số xã có cửa hàng dược phẩm, 100% xã có đường kết nối điện thoại cố định, 85% số xã có điểm bưu điện văn hóa, 70% dân cưnông thôn có nước sinh họat hợp vệ sinh. Nhìn chung, bộ mặt nông thôn đã hoàn toàn thay đổi. Mặc dù đạt được những thành tựu to lớn trên nhưng nông thôn Việt Nam đang đứng trước những thách thức lớn của phát triển. Tình trạng chuyển đất nông nghiệp sang mục đích khác thiếu sự hỗ trợ đủ mạng để tạo việc làm, nâng cao đời sống người dân đang trở thành vấn đề xã hội ngày càng lớn. Do cơ sở hạ tầng ở nông thôn phát triển chậm, chất lượng thấp, tay nghề của lao động nông thôn yếu và chính sách chưa thực sự hấp dẫn nên đầu tư của tư nhân vào nông nghiệp nông thôn chỉ chiếm 15% đầu tư mới hàng năm, đầu tư trực tiếp nước ngoài chỉ chiếm dưới 5%. Công nghiệp và dịch vụ nông thôn phát triển chậm. Đến năm 2007, trong cơ cấu kinh tế nông thôn, giá trị công nghiệp mới chiếm chưa tới 20%. Vì vậy có đến 68% hộ nông thôn vẫn coi sản xuất nông lâm, thủy sản là nguồn thu nhập chính của gia đình. Do thu nhập thấp và phát triển kinh tế chậm, đời sống ở nông thôn, nhất là vùng sâu vùng xa khó khăn hơn nhiều so với đô thị. Chất lượng của các dịch vụ phục vụ đời sống nhân dân như y tế, giáo dục, văn hóa... còn rất thấp vì vậy người dân nông thôn đang phải đương đầu với tình trạng hạn chế về khả năng tiếp cận với thị trường, thông tin, học vấn, chăm sóc sức khỏe... Nông thôn phát triển chưa theo quy hoạch vì vậy tìnhtrạng ô nhiễm môi trường, phá vỡ cảnh quan và cân bằng sinh thái đang diễn ra. Ở một số nơi các giá trị văn hóa cổ truyền không được bảo tồn và gìn giữ đúng mức. c. Cư dân nông thôn tiếp tục chuyển biến và phải đối phó với một số tháchthức mới. Đến nay, dân số nông thôn chiếm 73% dân số cả nước, lao động trực tiếp trong lĩnh vực nông lâm, thủy sản chiếm 54% tổng số lao động trong cả nước. Tốc độ chuyển lao động từ nông thôn ra thành thị, từ nông nghiệp sang các lĩnh vực khác đã tăng lên rất nhanh, vì vậy tuổi trung bình của lao động nông thôn bắt đầu già đi. Đồng thời, trình độ học vấn và chuyên môn trung bình bắt đầu tăng lên. Hộ tiểu nông là lực lượng quan trọng nhất ở nông thôn đang chuyển mạnh sang sản xuất hàng hóa. Đến năm 2006 cả nước có hơn 10 triệu hộ tham gia sản xuất nông lâm, ngư nghiệp. Cả nước đã có hơn 100 nghìn trang trại, quy mô bình quân một trangtrại gấp 7-8 lần một hộ tiểu nông, đa số các trang trại có thuê thêm lao động thường xuyên. Cả nước đã có hơn 7 ngàn hợp tác xã nông lâm, ngư nghiệp, đã số cung cấp cácdịch vụ thủy nông, bảo vệ thực vật, điện, bảo hộ đồng ruộng... phục vụ cho hộ nông dân. Ở nông thôn cả nước có hơn 2000 doanh nghiệp nông lâm, thủy sản hoạt động.Các doanh nghiệp Nhà nước đến nay đã sắp xếp lại, cổ phần hóa, giảm số lượng đến 41%. Nông lâm trường quốc doanh cũng tiếp tục được rà soát, sắp xếp lại. Nhờ sản xuất phát triển nên thu nhập và đời sống của cư dân nông thôn tiếp tục được cải thiện. Mười năm qua, thu nhập bình quân đầu người ở nông thôn tăng lên 2,7 3

--------------------------------------------------------------------------------

Page 4

lần. Vốn tích lũy bình quân một hộ nông thôn năm 2006 tăng hơn 2 lần so với 2001. Sốhộ nghèo tiếp tục giảm mạnh. Theo chuẩn nghèo của Ngân hàng thế giới thì tỷ lệ người nghèo ở nông thôn đã giảm từ 35,6% năm 2002 xuống 18% năm 2007. Người dân nông thôn được hưởng lợi nhiều hơn từ các dịch vụ phục vụ đời sống. Tỷ lệ người được khám chữa bệnh năm 2006 ở nông thôn là hơn 38%, tăng gấp 2 lần so với năm 2002. Đến đầu năm 2008 đã có hơn 30% số sinh viên của các gia đình nghèo được vay vốn với lãi xuất ưu đãi để theo học đại học. Quy chế dân chủ ở nông thôn tiếp tục được áp dụng trong các hoạt động như quy hoạch, giải phóng mặt bằng, xây dựng cơ sở hạ tầng, tổ chức sản xuất, hỗ trợ nhân dân khi gặp thiên tai, phát triển đời sống văn hóa tinh thần, bước đầu phát huy sức sáng tạo và ý thức trách nhiệm của cộng đồng nông thôn, tham gia với chính quyền cơ sở và cáctổ chức chính trị xã hội ở địa phương, quản lý và phát triển nông thôn... Các tổ chức đoàn thể như Hội nông dân, Hội phụ nữ, ,... đã tham gia tích cực phối hợp với chínhquyền địa phương trong các họat động quản lý xã hội và vận động quần chúng. Tuy đời sống và năng lực của nông dân Việt Nam đã có nhiều thay đổi nhưng họđang phải đứng trước những thách thức rất to lớn. Quy mô sản xuất của hộ gia đình nông thôn rất manh mún, bình quân một hộ nông nghiệp chỉ có 0,63 ha đất sản xuất, 68,8% số hộ có quy mô dưới 0,5 ha, chủ yếu là sản xuất tự cung tự cấp. Kinh tế hợp tác phát triển chậm và yếu, doanh nghiệp nông nghiệp có quy mô nhỏ và số lượng còn ít. Nhiều nông lâm trường và doanh nghiệp Nhà nước làm ăn kém hiệu quả. Mặc dù có nhiều đoàn thể hoạt động ở nông thôn nhưng vai trò thực sự trong việc hỗ trợ và tổ chức cư dân nông thôn chưa cao. Đứng trước nhiều rủi ro của thịtrường và thiên nhiên, người nông dân chưa có được sự hỗ trợ mạnh của mạng lưới an sinh xã hội. Vì thế một số lượng khá đông những người thuộc đối tượng dễ bị tổn thương có nguy cơ rơi vào tình trạng tái nghèo khi gặp rủi ro. Bình đẳng giới vẫn là vẫn đề phải tiếp tục giải quyết. Khoảng cách về thu nhập và điều kiện sống giữa đô thị và nông thôn còn rất lớn và chưa có dấu hiệu thu hẹp, tạo nên dòng di cư ngày càng mạnh từ nông thôn ra đô thịtrong khi chất lượng của đội ngũ lao động chưa được cải thiện đáng kể. Đối với laođộng nông thôn, năng suất lao động thấp và thời gian nông nhàn cao vẫn là vấn đề phải giải quyết. Mới có 8% lao động được cấp chứng chỉ đào tạo nghề. Vì vậy, nguồn lực lao động còn bị sử dụng lãng phí. Các thành tích to lớn cũng như các khuyết điểm của lĩnh vực phát triển nôngnghiệp, nông dân, nông thôn ở Việt Nam trong thời gian qua gắn liền với sự phát triển và hoàn thiện của hệ thống lý luận phát triển, nhận thức của cán bộ và nhân dân và hệthống cơ chế chính sách của Nhà nước và địa phương. Hai mươi năm đổi mới vừa qua, sự quan tâm của Nhà nước, sự quyết tâm và nỗ lực của nhân dân trong thời gian qua đã tạo nên những chính sách đổi mới rất thành công như việc giao quyền quản lý sản xuất và sử dụng đất đai cho người nông dân, tự do hóa thương mại, mở cửa hội nhập, duy trìmôi trường chính sách vĩ mô thuận lợi. Tuy vậy, vẫn có nhiều vấn đề cần phải được tiếp tục nghiên cứu, điều chỉnh, như mức đầu tư chưa tương xứng cho nông nghiệp, tình4

--------------------------------------------------------------------------------

Page 5

trạng công nghiệp phát triển thiếu gắn bó chặt chẽ với nông nghiệp, các bất hợp lý trong chính sách đất đai, sự chậm trễ trong cải cách hành chính và đổi mới thể chế, sự chậm trễ trong sắp xếp lại các nông lâm trường,... một phần quan trọng bắt nguồn từ sự trì trệtrong tư duy và lúng túng trong hành động của cán bộ và nhân dân. Trong thời gian tới, để có thể duy trì một tỉ trọng vốn đầu tư hợp lý cho nông nghiệp, nông thôn, để có thể mạnh dạn đổi mới quản lý Nhà nước và cơ chế hoạt động của đoàn thể, để kiến quyết sắp xếp lại các doanh nghiệp và củng cố hệ thống hợp tác xã, để thu hẹp khoảng cách giữa nông thôn và đô thị, gắn bó công nghiệp với nông nghiệp... cần phải có một quyết tâm chính trị cao và tiếp tục đổi mới chính sách, đồng thời cần có cải tiến triệt để trong tổ chức chỉ đạo thực hiện. 2. Thời cơ và thách thức của giai đoạn phát triển mới. Trong thời gian tới, sự nghiệp phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân của Việt Nam sẽ đương đầu với nhiều thời cơ và thách thức mới. Ở trong nước, quá trình công nghiệp hóa và đô thị hóa sẽ tiếp tục với tốc độ nhanh, tạo nhiều việc làm, mở ra thị trường, cung cấp hàng hóa và dịch vụ cho nông nghiệp. Mặt khác, quá trình này cũng lấy đi ngày càng nhiều các tài nguyên như đất đai, nguồn nước, lao động,... tạo ra nguy cơ ô nhiễm môi trường, mất cân bằng sinh thái, xáo trộn và mâu thuẫn xã hội. Đối với quốc tế, quá trình hội nhập quốc tế sẽ diễn ra với tốc độ nhanh hơn, một mặt mở ra những thị trường to lớn cho nông sản và dịch vụ nông nghiệp Việt Nam, mởra cơ hội thu hút đầu tư, tiếp thu công nghệ và kỹ năng quản lý, mặt khác cũng đặt người sản xuất, kinh doanh Việt Nam trước sự cạnh tranh gay gắt với hàng hóa và dịch quốc tế có chất lượng cao hơn và khả năng cạnh tranh mạnh hơn. Quá trình hội nhập cũng mở ra những thách thức lớn về rào cản kỹ thuật, về biến động giá cả, về đe dọa dịch bệnh và các tranh chấp thương mại đối với người sản xuất kinh doanh Việt Nam. Khoa học công nghệ trong tương lai sẽ là động lực quan trọng tạo nên năng suất, chất lượng và giá thành nông sản mới, trực tiếp làm thay đổi cơ cấu và tổ chức sản xuất nông nghiệp. Đây là cơ hội mới mà nông dân Việt Nam phải nắm bắt. Mặt khác, tình trạng sản xuất manh mún, điều kiện kết cấu hạ tầng kém phát triển ở nông thôn, trình độtay nghề thấp và thu nhập thấp của nông dân sẽ cản trở việc áp dụng khoa học công nghệ. Bên cạnh đó, sự lạm dụng hóa chất và cơ giới hóa, sự bất cẩn trong việc áp dụng công nghệ sinh học, trong việc nhập nội các giống cây con cũng có thể dẫn tới mất cân bằng sinh thái, làm ô nhiễm môi trường, làm xói mòn đa dạng sinh học. Cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu trước mặt sẽ làm tăng giá thành sản xuất nông nghiệp, về lâu dài sẽ buộc loài người thay đổi công nghệ, mở ra những chân trời mới về năng lực và phương thức tổ chức sản xuất. Cuộc khủng hoảng lương thực thực phẩm trước mặt tạo ra nguy cơ mở rộng khoảng cách giàu nghèo, gây mâu thuẫn xã hội và chính trị, về lâu dài cũng tạo ra cơ hội mới cho các nước nghèo đang phát triển mởrộng sản xuất nông nghiệp, thay đổi cơ cấu kinh tế. Tình trạng dịch bệnh gia tăng một mặt đe dọa thu nhập của người sản xuất và kinh doanh, đời sống của người tiêu dùng,mặt khác cũng tạo động lực thúc đẩy các cải tổ triệt để trong việc tổ chức lại bộ máy 5

--------------------------------------------------------------------------------

Page 6

quản lý dịch vụ công và tái tổ chức lại hệ thống sản xuất, hệ thống tiếp thị và quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm ở các quốc gia, nhất là những nước đang phát triển, theo hướng vững bền và hiệu quả. Trong tương lai, quá trình biến đổi khí hậu toàn cầu sẽ làm thay đổi bố trí tổchức sản xuất và quy hoạch dân cư trên quy mô lớn ở Việt Nam. Đặc biệt, đồng bằng sông Cửu Long, vựa lúa lớn nhất của cả nước sẽ đứng trước những thay đổi lớn lao. Tất cả những thách thức và cơ hội trên đặt Việt Nam trước quyết tâm lớn phải xây dựng một chiến lược và hệ thống chính sách mới cho phù hợp với bối cảnh đang thay đổi trên thế giới và trong nước. 3. Một số quan điểm và mục tiêu phát triển mới Hai mươi năm qua và mười năm tới là khoảng thời gian quyết định để Việt Nam vượt qua chặng đường mà nhiều nước đi trước đã phải vượt qua trong hàng trăm năm. Đó là quá trình để chuyển một nền kinh tế kế hoạch sang thị trường hóa, một nền sản xuất nông nghiệp lên công nghiệp hóa, một xã hội nông thôn sang đô thị hóa, một thịtrường khép kín mở ra toàn cầu hóa,... Với tốc độ phát triển nhanh như vậy, năng lực quản lý của Nhà nước và khả năng ngân sách không thể đủ sức để bù đắp những khoảng trống, sửa chữa các khiếm khuyết của thị trường để cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế và sự phát triển bền vững về mặt xã hội và môi trường, giữa phát triển nhanh của đô thị và tụt hậu của nông thôn... Chính vì vậy, quan điểm phát triển được đặt ra là nông nghiệp, nông dân và nông thôn là bộ phận quan trọng của nền kinh tế, xã hội Việt Nam đóng góp phần quan trọng cho tăng trưởng kinh tế, ổn định chính trị, đảm bảo sự phát triển của đất nước trong suốt quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Đây là lĩnh vực tạo ra việc làm và thu nhập cho phần lớn dân cư, từ nông thôn, một bộ phận lớn lao động sẽ chuyển khỏi nông nghiệp sang công nghiệp, dịch vụ. Lĩnh vực này tạo cơ sởđảm bảo an ninh lương thực cho quốc gia, tạo thị trường cho nền kinh tế đất nước, là nguồn thu ngoại tế quan trọng để phát triển kinh tế và là nền tảng để đảm bảo xóa đói giảm nghèo, công bằng và ổn định cho toàn xã hội. Đây cũng là nơi duy trì và phát triển môi trường sống, môi trường văn hóa lành mạnh, trong sạch cho đất nước. Trong sự nghiệp này, cư dân nông thôn là chủ thể, chủ động tổ chức quản lý và thực hiện quá trình phát triển. Vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn phải được giải quyết đồng bộ trong tổng thể phát triển của đất nước. Mọi thành phần kinh tế, lĩnh vực công nghiệp và đô thị cùng hỗ trợ nông thôn, gắn với nông nghiệp và nông dân, ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ, hoàn thiện đồng bộ kết cấu hạ tầng, sử dụng cơchế thị trường với sự mở đường của Nhà nước để giải phóng mọi nguồn lực, trước hết là đất đai, lao động, rừng, biển cho quá trình phát triển. Mục tiêu của sự nghiệp phát triển nông nghiệp, nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của cư dân nông thôn thông qua phát triển bền vững sản xuất nông nghiệp hàng hóa lớn có hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao, xây dựng nông thôn mới 6

--------------------------------------------------------------------------------

Page 7

văn minh, kinh tế phát triển, dân chủ, kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội hiện đại, môi trường sinh thái bền vững, văn hóa phong phú mang đầy bản sắc dân tộc. 4. Gợi ý một số giải pháp chính sách chính. a. Phát triển nông nghiệp: Tăng tỷ lệ đầu tư cho khu vực nông nghiệp nông thôn, đổi mới cơ cấu đầu tưdành ưu tiên cho các lĩnh vực quan trọng như phát triển cơ sở hạ tầng, kinh tế xã hội, khoa học công nghệ, thu hút doanh nghiệp về nông thôn, đào tạo nhân lực... Tăng thu cho ngân sách xã tạo điều kiện cho xã có nguồn thu trực tiếp từ phát triển doanh nghiệp địa phương để khuyến khích chính quyền và nhân dân địa phương hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, chính thức hóa thị trường tín dụng "không chính thức" ở nông thôn. Xây dựng cơ chế tiếp nhận, chuyển giao và ứng dụng rộng rãi tiến bộ khoa học công nghệ từ nước ngoài, kết hợp tăng cường đầu tư nghiên cứu khoa học công nghệtrong nước, cải tiến cơ chế quản lý khoa học, khuyến khích mạnh mẽ các thành phần kinh tế tham gia vào nghiên cứu và chuyển giao khoa học công nghệ. Đổi mới hoạt động của hệ thống khuyến nông hướng về đáp ứng nhu cầu và phục vụ khách hàng nông dân. Khuyến khích đưa trí thức về làm việc tại nông thôn. Đẩy mạnh cơ giới hóatăng năng suất lao động trong nông nghiệp. Bảo vệ quỹ đất lúa để đảm bảo an ninh lương thực quốc gia lâu dài cho một đất nước với 130-140 triệu dân tương lai, đảm bảo quỹ đất phục vụ các nhu cầu về môi trường và quốc phòng. Tạo điều kiện để cơ chế thị trường vận hành, điều tiết việc sửdụng đất đạt hiệu quả cao theo hướng kéo dài thời gian sử dụng đất, nới rộng mức hạn điền, chấm dứt tình trạng chênh lệch giá khi chuyển đổi quỹ đất nông nghiệp sang cácmục đích khác, tạo điều kiện tập trung hóa ruộng đất, mở rộng quy mô sản xuất. Tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất và đời sống ở nông thôn,trước hết là phát triển hệ thống giao thông để hàng hóa có thể lưu thông thuận lợi đến mọi vùng nông thôn; phát triển hệ thống thủy lợi phục vụ cho cả những ngành cho đến nay chưa được đầu tư thủy lợi hoàn chỉnh (thủy sản, nghề muối, cây công nghiệp, rau quả...). Khai thác và phát triển công trình theo hướng đa mục tiêu (thủy điện, giao thông thủy, du lịch, nuôi trồng thủy sản, phòng chống thiên tai...) nhằm điều hòa lợi ích, tạo vốn chăm sóc duy tu, phát triển công trình. Thực hiện các biện pháp giảm nhẹ và thíchnghi với biến đổi khí hậu toàn cầu. Phát triển sản xuất và chế biến theo hướng sản xuất hàng hóa lớn các loại nông sản xuất khẩu mà Việt Nam có lợi thế, hình thành các vùng chuyên canh với hệ thống chế biến và tiếp thị. Đẩy mạnh phát triển chăn nuôi, nhất là gia súc ăn cỏ, mở rộng quy mô, nhất là tổ chức chăn nuôi. Phát triển chăn nuôi thủy sản trên biển và trên đất liền, phát triển đánh bắt thủy sản xa bờ, kiên quyết đổi mới lâm trường quốc doanh, thu hồi đất và rừng sử dụng kém hiệu quả để tổ chức lại ngành trồng rừng kinh tế, bảo vệ vànâng cao chất lượng rừng phòng hộ và rằng đặc dụng. 7

--------------------------------------------------------------------------------

Page 8

b. Phát triển nông thôn Phát triển công nghiệp chế biến nông lâm thủy sản gắn với vùng nguyên liệu vàthị trường nhằm nâng cao chất lượng và giá trị các mặt hàng nông sản. Phát triển tiểu thủ công nghiệp nông thôn nhằm tạo việc làm và thu nhập, thu hút mạnh các ngành công nghiệp tạo nhiều việc làm (da giày, dệt may, vật liệu xây dựng, chế biến đồ gỗ...) về nông thôn, phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ nông thôn. Xây dựng quy hoạch các thị trấn, thị tứ, quy hoạch dân cư nông thôn, gắn quy hoạch đô thị với quy hoạch nông thôn, quy hoạch công nghiệp với nông nghiệp nhằm định hướng phân tán các nhà máy công nghiệp, các thành phố vệ tinh về nông thôn, kết hợp hài hòa môi trường sinh thái của không gian nông thôn với phát triển kinh tế chung của cả nước, kết hợp việc gìn giữ và phát triển bản sắc văn hóa dân tộc với xây dựng cuộc sống văn minh, hiện đại. Thực hiện xã hội hóa hoạt động dịch vụ, huy động sức mạnh tự chủ của cộng đồng trong quản lý, phát triển nông thôn, nâng cao chất lượng dịch vụ phục vụ đời sống và sản xuất ở nông thôn, từng bước hình thành chương trình an sinh xã hội cho các đối tượng chính sách ở nông thôn chống lại các rủi ro về thiên tai, dịch bệnh. Tiếp tục đẩy mạnh chương trình xóa đói giảm nghèo nhất là đối với đồng bào các dân tộc thiểu số, tăng cường khả năng tiếp cận của nông dân (về lương thực, thực phẩm, thị trường, nguồn vốn, khoa học công nghệ, thông tin, cơ hội học tập chữa bệnh, hưởng thụ văn hóa...). Thực hiện bình đẳng giới, phát huy dân chủ cơ sở. Các chương trình phát triển nông thôn sẽ được quy hoạch và xây dựng cụ thểphù hợp với đặc điểm của từng vùng sinh thái nhằm phát huy được lợi thế, phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội và điều kiện tự nhiên của mỗi vùng nhằm tạo điều kiện cho tất cả các địa phương có cơ hội tham gia và hưởng thụ các kết quả từ việc phát triển đất nước, trong đó đặc biệt chú trọng hỗ trợ các vùng còn nhiều khó khăn, nhất là miền núi. c. Tạo điều kiện cho nông dân nâng cao đời sống Tạo điều kiện thuận lợi để một số người nông dân sản xuất giỏi có thể mở rộng quy mô sản xuất theo hướng gia trại, trang trại, liên kết trong các hợp tác xã, được tiếp thu khoa học công nghệ, phát triển sản xuất hàng hóa theo hướng chuyên canh, thâm canh. Tổ chức dạy nghề, hỗ trợ thông tin, vốn liếng để một bộ phận lao động có điều kiện rời khỏi sản xuất nông nghiệp tham gia thị trường lao động công nghiệp và dịch vụmột cách thuận lợi, hỗ trợ cho bộ phận lao động khác từng bước chuyển sang tham giacác hoạt động phi nông nghiệp tại nông thôn. Tạo cơ chế thuận lợi để khi lao động chuyển khỏi nông thôn thì đất đai được giao vào tay những người làm ăn giỏi mở rộng sản xuất. Đổi mới quản lý Hội Nông dân theo hướng từng bước trở thành tổ chức thực sựđại diện cho quyền lợi và tiếng nói của người nông dân, phát triển tổ chức cộng đồng nông thôn để người dân thông qua tổ chức này tham gia quản lý các hoạt động phát triển nông thôn. Song song với quá trình đó, từng bước Hội tham gia vào các nhiệm vụphát triển nông nghiệp nông thôn, đảm nhiệm các chương trình dự án khuyến nông,8

--------------------------------------------------------------------------------

Page 9

khuyến lâm, dạy nghề và các chương trình khác giúp nông dân thực sự làm chủ các hoạt động này. * * * Phát triển nông nghiệp nông dân nông thôn là nhiệm vụ lâu dài liên quan đến mọi địa phương, mọi ngành, mọi tổ chức để xây dựng và tổ chức thực hiện được thành công chương trình này cần sự thống nhất và quyết tâm chính trị cao của lãnh đạo vàtoàn dân. Có làm tốt được việc này mới tạo được nền tảng để phát triển kinh tế và ổn định xã hội cho sự nghiệp công nghiệp hóa đất nước đi đến thành công. 9

Bạn đang đọc truyện trên: TruyenTop.Vip