Chương 59: Trong khoảnh khắc, em thấy ánh sao trời
Chương 59
Trong khoảnh khắc, em thấy ánh sao trời
Một tối không trăng, không sao mà mây thì cuộn lại thành cụm, lâu lâu ở giữa khoảng trời kia loé lên một tia sáng cùng tiếng gầm gừ rền vang khắp cả thành phố.
Đêm đó trên đài truyền hình Vĩnh Long chiếu một bộ phim dài tập mà ngoại Hoa đã bắt đầu coi kể từ khi chuyển về nhà mới, kể về những người trong một gia đình thời Pháp thuộc, mà trong đó, có những diễn viên ngoại rất thích.
Mẫn ngồi gần bên, xoa bóp bắp chân cho ngoại bằng dầu nóng như mọi lần.
Giờ con nhỏ đã đến gần những ngày tháng cuối cùng của cái thanh xuân học đường mọi người hay nói, có lẽ đã cao lên ít nhiều nên quần áo bắt đầu cộc lốc, suy nghĩ đã dần chín chắn hơn.
Hai ngọn măng và tre ngồi kế nhau trong đêm khuya mưa lạnh ngắt, đôi khi Mẫn đưa mắt nhìn tình tiết trên tivi rồi lại quay xuống bóp chân cho ngoại.
Đêm hôm qua đã là một đêm quá dài khi đầu óc của người bà bỗng chốc trở lại thành đứa bé năm nào rồi bắt đầu đi tìm mẹ. Mái đầu bạc phơ đi quanh nhà, gọi tên mẹ mình cho đến khi bắt gặp con Mẫn, đôi mắt đục ngầu mới trở lại bình thường.
"Ngoại đau chân quá..." Đứa bé trong ngoại biến mất khi được con nhỏ dìu tay. Còn Mẫn, đứa bé tròn nhỏ vẫn ở đó, nhắm tịt mắt lại, cố không để nước mắt rơi khi nhìn thấy người bà đãng trí.
Hồi bé nhỏ còn ngồi quanh quẩn bên ngoại, tìm từng cọng tóc xoăn làm ngứa hay những cọng tóc bạc ẩn mình trong đám tóc đen rồi dùng nhíp nhổ. Vậy mà giờ đây tìm mãi cũng chẳng có cọng đen láy nào, chỉ còn một mái đầu phất phơ, xơ xác trước cái bào mòn của thời gian.
"Mẫn ơi," Ngoại gọi nhỏ ngay cảnh diễn viễn yêu thích của mình xuất hiện, đây là khi ngoại đã tỉnh táo.
"Tự nhiên hôm qua tao mơ thấy má mày đứng cười với tao. Tao cứ bảo sao không về thăm ba bà cháu thì má vẫn cười, mày thấy má mày dở hơi không?"
"Kì quá ha ngoại..." Nhỏ gượng cười, bàn tay vẫn đang cố gắng ghi nhớ làn da nhăn nheo, vì con nhỏ có một linh cảm...
"Má mày bảo không phải về thăm mà là tới đón."
"... Má bảo ngoại vậy hả?" Mẫn dừng tay.
"Ừ, má mày khùng quá. Chưa già bằng tao mà đã lẫn rồi." Nói xong, ngoại nhoẻn miệng cười để lộ hàm răng vàng khè, thưa thớt.
Tự dưng con nhỏ thấy phải ôm ngoại vào lòng, nhỏ nắm lấy chiếc áo vải đã sờn, hít lấy mùi hương nền nã của người bà. Có lẽ cả hai giữ yên như thế cả hơn một tiếng vì Mẫn chẳng thấy mình ôm ngoại đủ lâu để ghi nhớ lại từng cảm giác, từng câu nói của ngoại chỉ trong một cái ôm.
Và nhỏ vẫn muốn nắm chặt mấy áo bà tiếp dù mình đã lớn nhổng ra. Nhưng ngoại bảo mình đau đầu quá, muốn đi ngủ. Thế là hai bà cháu dìu nhau lên giường.
Tối đó, có lẽ ngoại ngủ mớ, ngồi dậy rồi hát ru đứa cháu cao hơn mình cả cái đầu những lời ví dầu từ thuở xa xưa, truyền lại những câu hát chính mẹ bà đã hát cho bà.
Sàn hôm sau, ngoại Hoa đã trở về với vòng tay củ mẹ và con gái bà, trong khi tay vẫn còn ôm chặt lấy đứa cháu gái trong lòng.
Nước mắt của Mẫn không chảy khi phát hiện hơi thở đã rời khỏi ngoại, nhỏ vội vàng đi báo với ba và Minh, nhanh chóng gọi cấp cứu. Khi ba đang hồi sức tim phổi, hai chị em đứng nép trong góc phòng, chờ điều kì diệu xảy ra.
Y tá tới cùng chiếc máy thở, yêu cầu ba nó phải bóp thật mạnh. Ngực ngoại phập phồng, bác sĩ liên tục rọi đèn soi phản xạ mắt, tay ngoại vẫn còn nắm chặt khi Mẫn rờ tới. Rồi trong tích tắc, hai y tá, bác sĩ lắc đầu: "Bà đi rồi gia đình ạ."
Không ai biết trước được "cuối cùng" là khi nào. Điều đó làm cho những lời vĩnh biệt càng thêm đau thắt cõi lòng hơn.
Mẫn không nhớ mình đã đứng vững thế nào trong lễ hạ huyệt của ngoại, cũng không nhớ cách mình đưa được muỗng cơm vào miệng ăn.
Nhỏ gọi cho Linh và Dương, tụi nó kéo đến cùng nhiều người khác, trong đó có cả Ngọc. Cả đám quây lại một bàn rồi ép Mẫn ăn hết một chén cơm trong khi cổ họng nhỏ nghẹn ứ từng cơn.
Nhỏ kể hết về buổi sáng sớm hôm đó cho từng người, nước mắt thì không bao giờ là ngừng lăn trên má.
Có những cô bác ruột thịt của ngoại cũng đến viếng thăm. Một đám tang nhỏ, ấm cúng, đầy ắp lời động viên tới hai đứa cháu.
Tối lại đến, Mẫn sợ thằng Minh lại ho vì mùi nhang nồng nên đẩy nó vào trong còn bản thân thì trải chiếu nằm kế bên cũi quan tài. Chỉ còn hai bà cháu. Một người ở đó, người còn lại ở đâu?
Nhỏ chỉ nghĩ ngoại đang ngủ say, nghĩ rằng nếu mình nhắm mắt và ngủ lần nữa thì tất cả chỉ là một giấc mơ, sẽ thấy được ngoại Hoa đang ngồi coi phim cùng nhớ như đêm hôm trước.
Giờ nhỏ chẳng còn sức lực làm gì, những dự định như đưa ngoại đi du lịch khắp Việt Nam biến mất cũng làm cho mọi động lực của nhỏ tan thành mây khói.
Mẫn nấu một gói mì.
Rồi nhỏ nghĩ đến người đó, cảm giác cô đơn khi đêm về và những nỗi buồn, mong muốn được an ủi làm nhỏ bấm lấy số điện thoại của người ta ngay trong đêm.
Mì chín. Rồi nhỏ lại bỏ điện thoại xuống, nghĩ ai phải thất bại và đáng thương lắm thì mới tìm tới một người đã tạm biệt từ lâu, ở nửa bên kia trái đất để được an ủi.
Sau đó, đôi khi nhỏ vẫn lật đi lật lại số điện thoại của người đó, mỗi lần làm vậy là mỗi lần úp điện thoại xuống rồi tự trách bản thân.
Có giây phút nhỏ đã để chuông điện thoại reo lên một tiếng máy chờ rồi cúp ngay trước khi mình đứng tim, đi theo ngoại.
Cuối cùng nhỏ cũng có thể để cho điện thoại kết nối với số điện thoại của nó. Nhưng sau vài lần, những gì nhỏ nhận lại chỉ là tiếng tổng đài thuê bao đầy phũ phàng.
À phải rồi, mình là người đuổi nó đi, chắc giờ nó ghét mình lắm... Nhỏ chợt nhớ ra rồi tự thấy đau lòng.
Khi đã kiệt sức vì thức khuya và nhớ ngoại, nhỏ mới nằm gục trên chiếu và suy nghĩ xem tại sao cuộc đời mình lại chệch hướng nhiều lần đến thế.
Ước gì ngoại còn ở đây. Ước gì mẹ còn ở đây. Ước gì không có ai rời xa nhỏ cả.
Cuộc đời ném Mẫn vào một căn phòng với hàng chục cánh cửa khép chặt và một lần mở ra lại là một phép thử mạo hiểm.
Mẫn đã mất quá nhiều để có thể chùn bước, hôm nay nhỏ thấy mình đã khóc quá nhiều, kiệt quệ về thể xác lẫn tinh thần, nhỏ cho phép mình được ngủ trong ngày hôm đó, ngày mai thức dậy thì chuyện buồn hôm qua cũng sẽ không quay trở lại.
Con nhỏ coi sự ra đi của ngoại là một lời nhắn nhủ đến nhỏ về việc hãy trân trọng lấy cuộc sống và nâng niu từng khoảng thời gian ít ỏi đang chảy đi qua từng giây, từng phút.
Chính vì thế, nhỏ biết mình sẽ mạnh mẽ hơn, sẽ không còn gục ngã thật nhiều như những năm tháng trước đó.
-0-
Sau những cơn sấm chớp và mưa không biết khi nào sẽ dừng vì một sáng mai cuối cùng cũng đến. Trên những chậu hoa úng nước vẫn còn đó ngọn cỏ dại đắm mình trong suốt cơn mưa tầm tã, những hạt giống trong đất sẽ lại đâm chồi và ngọn hoa vẫn sẽ luôn hướng về phía ánh mặt trời.
Mang theo nỗi nhớ về ngoại, con nhỏ năm đó điền nguyện vọng vào trường Đại học sư phạm thành phố Hồ Chí Minh với ngành thi lần lượt là sư phạm văn. Những nguyện vọng còn lại rải rác khắp các trường đại học có dạy chuyên ngành sư phạm văn khác vì nhỏ muốn được bảo vệ những búp măng non như mình hồi đó, và cũng vì được miễn học phí.
Năm 2018 là một năm bão bùng với đủ thứ thay đổi khác nhau về cả chương trình học lẫn hình thức thi.
Quay cuồng và hoang mang về chính tương lai của mình, Mẫn bước ra ngoài phòng thi với bản mặt không thể nào nhợt nhạt hơn và ngồi núp sau lan can dọc hành lang, không dám ra gặp ba mình.
Nhưng nhỏ vẫn đỡ hơn nhiều người, có những người ôm chầm lấy phụ huynh rồi ríu rít xin lỗi, có người nằm ì lại phòng thi sau khi đã xong hồi chuông cuối cùng. Những người còn lại bắt đầu dò đáp án nhau. Và có người đã khóc cạn nước mắt vào giây phút tờ đề được phát ra.
Khi gặp nhau để chụp tấm kỉ yếu sau khi thi tốt nghiệp, nhân lúc điểm còn chưa đến tay ai nên mọi người chỉ thở phào khi gặp lại nhau.
Hoàng Thi Mẫn hôm đó đánh son và xin được tí má hồng của các bạn trong lớp. Nhỏ được đính một chiếc vòng hoa đội quanh đầu, mặc váy đồng phục thường ngày nhưng khoác thêm một chiếc áo cử nhân giả bộ.
Nhỏ đã thấy Linh khóc nhờ đi lớp trang điểm khi kể lại với nhỏ ngày đi thi ác mộng của mình.
"Tao thất bại rồi! Tao không thi được rồi! Tao dò đáp án toán, chưa chắc tao trên trung bình nữa mày!"
"Tao cũng vậy. Cả năm nay tao luyện mỗi môn tự nhiên nên xã hội bỏ đó. Vậy mà năm nay lại ra so sánh tác phẩm..." Dương cũng không khỏi bàng hoàng.
Gia đình tụi nó cũng sốt ruột y hệt, mẹ Linh đã mở lời cho cô nàng học một trường tư gần nhà nếu thi rớt. Dương thì được gia đình bảo rằng không sao, nếu học trường làng thì cũng chả có vấn đề.
Khi chở Mẫn về nhà hôm thi xong, ba cũng đã thì thầm rằng không học đại học cũng không sao, con vẫn là con gái ba.
Nhưng cái làm tụi nó bận tâm ở đây không phải là vì ước mơ tan vỡ mà là cảm giác phản bội lại lòng tin của gia địn, thầy cô khi biết bao nhiêu mồ hôi, công sức, tiền bạc của gia đình đang đổ dồn vào tụi nó để rồi tụi nó không làm được bài.
Cái áp lực ấy đè nén như đang lặn sâu xuống đáy biển, tụi nó thất vọng chính bản thân, thất vọng vì 12 năm ăn học nay đổ sông đổ biển.
Nhưng thôi đừng khóc nữa.
"Ít ra tụi mình cố gắng hết sức rồi." Mẫn vỗ vai cả hai đứa bạn.
Ai trong tụi nó cũng thấm thía được cảm giác nỗ lực thức khuya học tập, ngày ngủ 3, 4 tiếng biến thành công cốc. Nhưng quan trọng là tụi nó đã cố gắng hết sức mình rồi, đến lúc nghỉ ngơi thôi.
Mồ hôi cũng đã đổ, thất bại thì cũng thất bại rồi, tụi mình nghỉ ngơi một tí rồi lại đứng lên bước tiếp thôi. Làm người thì chẳng bao giờ dừng được, thế mới gọi là sống.
"Hôm nay là chụp kỉ yếu mà..." Linh đồng ý lau đi vệt nước mắt.
Giông tố bão bùng giờ đã hoá hư vô vào thời khắc tụi nó quay trở lại sân trường này để chụp những tấm hình kỉ niệm cuối cùng.
Đến phút cuối, thứ trôi đi trước mắt là những năm tháng thanh xuân sẽ không bao giờ trở lại được.
Kể cả khi thành công hay thất bại, khi nhớ về lúc còn ngồi trên ghế nhà trường, thứ tụi nó nhớ không phải là cảm giác áp lực mà là những câu chuyện cười về trò quậy phá, khi con Linh định xả sổ đầu bài vào bồn cầu vì sợ bị gọi phụ huynh hay Mẫn leo tường trốn học, Dương bị thầy phát chạy một vòng sân trường.
Năm tháng đó, mái trường đó giờ đây sẽ hoá thành nỗi nhớ mà tụi nó có muốn quên cũng chẳng được. Hãy để kí ức trở thành hành trang chứ đừng là túi sỏi đựng đầy gánh nặng.
Tạm biệt những khoảnh khắc vô tư của thời đi học. Tạm biệt kỉ niệm đẹp cùng Trần Minh Điền, những người bạn đã kết thân trong suốt quá trình của một tâm hồn vốn đang vụn vỡ, nay lại lành lặn.
Mẫn bước ra khỏi cổng trường khi buổi chụp kỉ yếu kết thúc và chẳng thấy vương vấn gì mái trường cho lắm. Nhỏ an tâm vì biết mình đã sống chuỗi ngày trọn vẹn dưới nền gạch phai màu kia.
Khi đó lá bàng rơi lả tả xung quanh sân trường, tạo lên khung cảnh thơ mộng biết bao. Cùng với nỗi xuyến xao còn đọng lại sau buổi chụp kỉ yếu, con nhỏ bỗng yếu lòng đôi chút nhưng lập tức cứng rắn trở lại.
Chắc sẽ không xuất hiện.
Bởi nếu người ta thật sự còn nhớ tới mình thì đã trở lời tin nhắn chờ từ lâu chứ không để nhỏ chờ từ ngày này sang tháng nọ.
Giờ tụi mình cũng giống như ngôi trường này, không còn là gì của nhau cả. Khi Mẫn quyết định thôi nhắn tin vào số điện thoại của nó, nhỏ cũng đã hiểu câu chuyện này đã đi tới hồi kết. Kể cả có là bó hoa to bằng cả cổng trường cũng không lung lay nổi sự thật đó.
-0-
Hoàng Thi Mẫn đậu vào ngành sư phạm văn ở một trường trên Sài Gòn, không lớn như trường Đại học sư phạm Hồ Chí Minh nhưng đủ để nhỏ la toáng lên. Nhỏ biết tin khi đang tra điểm một quán net gần nhà.
Mẫn vui lắm. Nhỏ nhảy cẫng lên vì vui mừng, cả quán quay ra nhìn nhỏ nhưng cũng chỉ cười mỉm mừng cho cô sĩ tử đã không tử trận mà an toang quay về.
Thế là Mẫn dọn đồ lên Sài Gòn và ở trọ chung cùng Thuỳ Linh, thực hiện lời hứa sẽ cũng nhau ở chung một nhà nếu cả hai đứa đều học trường trên Sài Gòn.
Năm nhất con nhỏ chỉ đi làm phục vụ ở quán nước quanh trường, nhưng đến năm hai, khi thời gian không cho phép vì các tín chỉ đòi hỏi nhiều công sức hơn, Mẫn phải nghỉ phục vụ và chuyển hẳn sang làm gia sư dạy cấp một.
Con nhỏ bao hết cái môn Anh, toán, văn cho mấy em bé, nghĩ trò chơi cho từng buổi học.
Mẫn đã không nghĩ ngành nghề này phù hợp với mình, nhất là khi nhỏ chả có năng khiếu dạy học và hay cãi nhau mỗi khi dạy học cho thằng Minh.
Vậy mà Mẫn đã ở đó, nhận lấy lời cảm ơn và tháng lương đầu tiên cho công việc của mình.
Nhỏ thấm thía hơn câu nói đừng đuổi theo hạnh phúc mà hãy tạo ra hạnh phúc trong chính việc mịn đang làm.
Số tiền được chia ra, một phần vừa đủ để Mẫn sống, còn lại thì được gửi về nhà với lơi dặn dò ba kĩ lưỡng là chỉ dùng tiền này để cho thằng Minh ăn đúng một bữa gà rán, còn lại là để phụ tiền nhà.
Ôi, con người đúng là không bao giờ sẵn sàng cho sự trưởng thành mà chỉ trưởng thành vào những khoảnh khắc ta không nhận ra. Những bước chân run rẩy lúc nào giờ đang vững vàng bước tiếp.
Ngồi trên ghế đá nhìn hướng ra bờ sông cùng một ly cà phê do chính mình mua cho mình. Đó là món quà đầu tiên con nhỏ tự dành tặng bản thân, nhỏ nhớ lại. Đó đã chuyện của 6 năm trước rồi.
Đôi khi ôn lại kỉ niệm cũng chẳng mất mát gì. 12 năm để làm nên con người, thêm 6 năm nữa đúc kết ra Hoàng Thi Mẫn bây giờ.
Những năm tiếp theo nhỏ sẽ thế nào? Có ai bước chân vào cuộc đời nhỏ nữa không? Mẫn chẳng buồn đoán nữa.
Trong một khoảnh khắc, Mẫn thấy một ánh sao chổi loé sáng rồi liền vụt tắt trên bầu trời đêm Sài Gòn. Nhỏ thở dài và không thèm ước, vì tất cả những gì nhỏ đạt được hiện tại chẳng phải may mắn hay ước nguyện mà đó là do chính nhỏ tự giành lấy được.
Ting ting.
Chiếc điện thoại reo lên những dòng tin nhắn từ Linh ngay khi con nhỏ bước ra khỏi quán nước.
"Mày có đi họp lớp không?"
"Không biết nữa." Nhỏ nhắn lại.
Cứ lúi húi đi làm nhỏ không nhìn đường, đâm vào người ta.
"Úi! Em xin lỗi!" Nhỏ lập tức lùi lại, cúi đầu xin lỗi tới tấp.
Người đàn ông cũng chỉ lịch sự quơ tay.
"À, không sao đâu. Hồi đó anh còn bị một người ném điện thoại vào đầu cơ."
...
Bạn đang đọc truyện trên: TruyenTop.Vip