Chương 61: Nhớ Thương từ Thuỵ Sĩ




Chương 61:
Nhớ thương từ Thuỵ Sĩ

"Còn nếu mà em muốn học quản trị kinh doanh thì chắc nên xem xét trường khác. Có sau đâu, em còn một năm để suy nghĩ xem học ở đâu mà, lúc đó điền đơn đăng kí cũng không muộn. Em cứ suy nghĩ đi."

Đã hơn nửa năm kể từ khi Điền chạy trốn đến Thuỵ Sĩ.

Ở đây không có mẹ hay cằn nhằn hay ông anh mách lẻo, cũng không có nắng nóng đến nực người mà chỉ mới thấy những ngày mát mẻ với gió trời lồng lộng.

Nó đang học ở một trường cấp ba trong khu vực, gần khu chung cư hai ba con sống cùng nhau. Khác với e ngại, Điền có thể nói tiếng Anh với những người bản địa vì đây là khu vực có nhiều du học sinh lẫn người nước ngoài, nhưng khi họ trổ tiếng Ý thì nó chỉ biết cười ngượng vì đây cũng là khu vực gần Ý hơn.

Nửa năm qua là nửa năm yên bình và trầm lắng nhất kể từ khi nó biết nhận thức được cuộc sống xung quanh. Cũng là nửa năm không nhìn thấy Mẫn, nửa năm không được học tập, luyện đàn cùng con nhỏ, nửa năm sống dưới ánh mặt trời lờ mờ.

"Chứ sáng nay cô tư vấn của con nói gì?" Ba đang chuẩn bị đi làm, cầm theo cái khung tranh theo kình và giỏ đồ đựng màu.

"Cô bảo trường lần trước mình đi xem thì không có chuyên ngành con thích." Nó ngồi uể oải trên ghế, ăn sáng bằng món phở còn thừa đêm qua, một cơn gió thổi qua vì nó quên đóng cửa sổ nhà, thế là phở nguội ngắt.

Dù có đi du học, Điền vẫn mông lung về lựa chọn của mình hệt như những người khác thôi. Ba bảo nó có thể theo học đàn, nhưng khi cầm cây đàn trên tay, nó chả còn thấy tí cảm giác kích thích nào để nó bắt đầu chơi như lúc còn ở sân khấu đêm đó.

Ở trường, dù cũng cố gắng tham gia thật nhiều hoạt động như hồi còn ở Việt Nam, Điền vẫn thấy mình chả thích thú gì với âm nhạc nữa, cảm giác mọi tài năng trôi tuột ra khỏi cơ thể khi nói đến việc chọn ngành đại học.

Nó nhận ra mình chưa từng nổi bật đến thế khi nhìn những người nổi bật hơn, bản thân nó nhỏ thó giữa một đại dương đầy người tài. Điều đó làm nó thấy mình chả có tài cán gì. Kể cả có điền đơn vào trường âm nhạc, có khi người ta cũng chẳng nhận nó.

Rồi nó vào đại học theo cách mông lung như thế, chuyên ngành quản trị khách sạn.

Suốt một năm đầu tiên là chuỗi ngày nghỉ học nhiều đến nỗi người ta kêu thằng Điền có 3 ngày cuối tuần. Mà nó đi học cũng như không, nó không thể thấm tí kiến thức nào dù rất chăm chú nghe giảng. Khi chép bài, Điền cũng chẳng biết chép từ đâu vì ban đầu não nó đã trống không.

Theo lẽ đó, nó trượt môn đầu tiên.

"Ba biết là học có hơi khó thật, nhưng mà con cố gắng lên... Ngày mai ba lại ra cái đồi gần nhà mình, con có muốn đi theo không?"

Trời khi ấy hoàng hôn trôi qua đỉnh núi đầy tuyết, chỉ còn thấy những ánh đèn dọc theo hồ nước lớn nơi nó ở. Sự tĩnh mịch khi buổi đêm kéo về làm cho lũ chim phải nhanh chóng về tổ.

"Con không". Điền nằm ì trong phòng đã hơn một ngày, không có gì kéo nổi nó ra khỏi đó ngoài cơn đói. Kể cả khi tối mù, nó vẫn nằm trên giường.

"Con vẫn đi làm ở cái quán nước đó đúng không?"

"Đúng rồi, lát nữa con đi liền."

Quán cà phê Điền làm thêm cách nhà 15 phút đạp xe, là một nơi ấm cúng mang phong cách cổ điển nhưng vẫn đầy đủ các món nước trên đời. Ban sáng quán phục vụ bánh ngọt và cà phê, đêm đến thì là những món nước ngọt bình thường.

Điền đã làm ở đây kể từ hồi đầu năm ngoái, khi vừa tốt nghiệp cấp ba.

Đeo cái tạp dề lên người, Điền thấy may vì vẫn có lí do để nó có thể lết ra ngoài chứ không mục rữa trong phòng cả ngày lẫn đêm.

"Dạo gần đây lạnh quá!" Chị chủ nói tiếng Anh bằng cái giọng Ý có phần địa phương. Cách chị nhấn nhá câu pha lẫn chút "Ý" lẫn "Thuỵ Sĩ".

Còn nó thì đứng trong quầy, lúi húi pha cho xong ly socola nóng bác khách vừa gọi. Nó đáp lại mấy câu xã giao, rồi lại quay sang vỗ vỗ vào cái máy rù rì để hoạt động, cảm giác mọi thứ trong nhà bắt đầu biến thành băng vì thời tiết thất thường hiện tại.

"Dylan! Chú hôm nay lại nghỉ học hả!"

Leng keng, tiếng chuông quán vang lên, anh chủ quán vừa đi cào tuyết bên ngoài phóng vào với những mảng tuyết chưa tan còn dính trên vai. Trông anh như con gấu xám mới ngủ đông dậy.

Anh xông vào cùng cây cào làm bà khách hốt hoảng: "Anh nghe hết rồi! Ba em mới kể cho anh!" Anh phát âm từ "ba" y hệt tiếng Việt sau một thời gian nghe Điền gọi ba nó.

"Em... Mấy nay em chóng mặt..." Nó đặt ly cacao xuống cho bà khách cũng là lúc bả chạy ra khỏi quán vì bị anh chủ doạ hết hồn.

"Vậy hả? Còn chân em? Tuần trước em kêu chân em bị sưng giờ thì nó salutare rồi ha!"

Không biết anh vừa nói gì, Điền chắc anh đang móc mỉa mình.

"Tha cho nó đi! Hồi đó anh cũng rủ em trốn tiết mà!" Chị chủ xuất hiện kịp thời và giải vây cho Điền.

"Nhắc tới chân đau, anh cào xong tuyết chưa?" Chị hỏi, lại gần phủi phủi tuyết ra khỏi người anh.

"Rồi, dày lắm!"

"Vậy anh đi đem cacao qua cho bác William được không? Mấy nay bác cũng bảo chân bác đau nên không qua quán được." Chị làm mặt buồn, vì bác là khách ruột và là hàng xóm của hai anh chị. Mà trên cái đồi này, ai ai cũng biết mặt nhau, kể cả con gấu mèo hay lục rác cũng có người nhớ tới.

"Anh cũng thương bác lắm, nhưng mà nhà tắm tụi mình thì lại hư máy nước nóng rồi..." Để cái cào lên cửa, anh đi thẳng lên lầu, bên trên là nhà của hai anh chị.

"Vậy Dylan đi được không? Chắc không ai khùng mà đi uống cà phê vào mùa đông bão tuyết đâu ha."

"Dạ." Nó đồng ý, gật đầu, dù gì cũng không còn việc làm và đang vắng khách. Thế là một ly cacao nóng được đóng vào bình giữ nhiệt.

Ông Giovanni là thợ mộc lớn tuổi nhất trong khu vì năm nay ông đã ngót nghét 80. Ông có hai người con đang sống trong trung tâm thành phố nhưng ông vẫn muốn ở lại nơi này, chẳng ai hiểu vì sao.

Mở cánh cửa nhà ra, một mùi gỗ sồi cùng chất bảo quản gỗ xộc ra nhưng không hề quá hăng hay khó chịu. Gió bên ngoài lùa vào làm cái đèn dầu treo lơ lửng trên trần xém nữa vụt tắt.

"Đóng cửa nhanh lên." Cái người đàn ông ngồi kế cái lò mới nhóm, thong thả đong đưa trên chiếc ghế bập bênh cho chính tay ông tự làm. Giọng ông trầm khàn và đậm chất địa phương hơn cả anh chị chủ quán.

Nếu để mô tả, ông trông như ông già Noel với bộ râu trắng xoá, bồng bềnh và mái tóc búi gọn ra sau. Ông mặc đồ như một tiều phu nhưng vẻ bụ bẫm làm ông trông đáng yêu hơn là sợ.

"Con xin lỗi. Chị chủ quán có nhờ con đưa cacao cho ông." Điền lại gần hơn và nhận ra ông không chỉ ngồi thư giãn mà còn đang đục đẽo gì đó.

"Không sao. Chắc ông uống cho nhanh để con mang về luôn. Kéo ghế lại gần đây ngồi cho ấm đi con." Ông vẫy vẫy nó, bảo nó phủi hết vụn gỗ trên cái ghế đẩu xuống.

Ông Giovanni đang mài một cái vỏ violin, từng động tác của ông lướt trên miếng gỗ thật nhẹ nhàng cho thấy sự cẩn thận.

"Ông có làm violin ạ?"

"Ông làm phần vỏ thôi. Sẽ có người làm các công đoạn còn lại," ông nói, ngơi tay để đón lấy ly cacao.

"Thiệt ra ông cũng biết đàn, con lấy cái cây ghita đằng kia cho ông được không?" Ông chỉ tay vào góc nhà, nơi chiếc ghita đang ngủ kế những món đồ gỗ khác.

Một cây ghita thủ công 100%, Điền trầm trồ khi cầm nó lên. Chất gỗ khác với những cây nó từng được cầm ở Việt Nam, chỉ nhìn sơ thôi là thấy độ tỉ mỉ của món nhạc cụ.

Ông nâng niu chiếc ghita trên tay mà đánh lên những đoạn nhạc chậm mà theo ông là những bài ca ông hay nghe hồi xưa xửa. Rồi ông bắt đầu hát bằng tiếng Ý, như thể ông đang được đưa về chính quê nhà của mình và Điền cũng cảm nhận phần nào đó khi thấy những hoài niệm trong nó.

Cách ông đàn xém nữa là làm nó thèm chạm vào cây đàn. Tuy nhiên khi bài nhạc chậm kết thúc, nó lại trở về với thực tại.

"Ông nghe ba con kể con lại nghỉ học." Sau khúc nhạc dạo, ông nói.

"Ba con kể nhiều người quá..." Điền ngại ngùng gãi đầu.

"Hồi xưa con ông cũng vậy, nó hay bỏ học cấp ba. Lúc phát hiện ra ông bực lắm, nhưng mà biết nó nghỉ học để đi làm thêm thì ông lại thấy thương."

"Sao ông không lên thành phố ở với chú ạ?" Nó không biết có nên hỏi hay không. Khi còn đang phân vân không biết ông có thấy kì vì mình hỏi thế không thì ông đã đáp:

"Ông muốn sống cho mình trước đã."

"Nghe ông già 80 tuổi nói vậy con có thấy ích kỉ không?" Ông quay sang nhìn nó lắc muốn rụng đầu.

"Thật ra ông nghĩ chú đi làm không phải vì thích mà là để kiếm tiền, hồi đó gỗ không mài ra được bao nhiêu đồ ăn hết. Chú sợ ông cực, nên khi cả hai đứa tự lập, ông thấy mình phải sống cho bản thân thì mới sống cho người khác được."

"Ông thấy buồn không?"

"Hồi đó ông làm thợ mộc vì nó là thứ duy nhất kiếm ra tiền. Giờ ông làm vì ông thấy vui. Cho nên ông hạnh phúc. Và vì ông hạnh phúc nên con ông cũng hạnh phúc."

"Ông biết không? Con cũng biết tí ghita, nhưng mà con đánh organ tốt hơn." Nó bảo. "Hồi đó ở Việt Nam con còn hát trước cả trường nữa."

"Vậy ngày mai con đem đàn qua với ông được không?"

"Dạ, để con xem con có đem theo được không."

Sau hôm đó, nó mang theo được, dù có ngã hai, ba lần vì trời tuyết trơn trượt trong khi cố vã theo cây đàn điện cả mấy kí lô. Lúc 9 giờ tối, bằng một cách thần kì, hai ông cháu vốn không quen biết nhau tí nào lại ngồi lại rồi cùng đánh đàn.

"Ơ... hừm..." Ông đeo cái kính lão tròn to vào. "Ông không biết có nhạc nào con thích không. Mấy bài ông thích thì nhạc sĩ hoá thạch hết rồi."

"Vậy ông có thích nhạc Pop không? Thật ra tụi con cũng có nhiều ca sĩ hoá thạch sớm lắm." Nó tủm tỉm rồi cho ông nghe một loạt bài hát.

Hai ông cháu chốt lấy một bài rồi thậm chí còn tập hát.

Cái chân đau của ông được chữa lành vì kết nối với cậu du học sinh. Chính nó cũng chẳng ngồi lì ở nhà như mấy tháng trước và được ba kể là "tràn trề sức sống".

"Dylan ơi, con nghĩ sao về việc chơi nhạc trong thành phố."

"Dạ?"

Vào một mùa xuân nào đó, ông mở lời. Rằng ông có quen một ban nhạc tự do trên thành phố thường chơi cho mấy quán rượu. Ông nghĩ nó có thể làm được.

Nghĩ về những ngày tháng hạnh phúc khi được chơi đàn cùng ông, nó nghĩ tội gì mình không thử. Vậy là Điền đến thành phố ngay trong ngày rồi tìm đúng quán rượu đó, xin ban nhạc cho mình thử chơi cùng. Dần dần, nó nghỉ việc ở quán, dành hẳn thời gian để chơi cho ban nhạc và dạy đàn cho người mới tập chơi trên thành phố.

Chính trong giây phút nó tự động đi tìm kiếm cơ hội mà không cần lời đốc thúc của bất kì ai, chỉ là một câu mở lời nhẹ nhàng của cụ ông gần chỗ làm, nó đang sống cho chính nó. Tương lai mà nó ngừng theo đuổi bỗng sừng sững ngay trước mắt.

Rồi nó quay lại trường, hoàn thành chương trình đại học để quãng thời gian mình bỏ ra không uổng phí mất.

Qua đến mùa hè, Điền đang trên đường về nhà sau khi dạy kèm cho một người trung niên thì nhận được cuộc gọi của ba.

Hoá ra cái chân đau của ông Giovanni không phải do lao động lâu năm hay bệnh xương khớp của người già mà là khối u ung thư đã di căn đến. Căn bệnh quái ác chỉ được phát hiện ra khi ông đã qua đời trên chính cái ghế bập bênh khi nào, tay vẫn mài vỏ đàn violin.

"Con về được không? Ba nghĩ là ông muốn con tới đám tang."

Dù chỉ bầu bạn cùng nhau vỏn vẹn vài tháng, còn chưa tới một năm, cụ ông Giovanni quyết định để lại cho Điền cái vỏ violin ấy với lời nhắn trong di chúc là: "Xin chừa lại cây violin tôi sắp hoàn thành cho thằng bé ở tiệm cà phê bên cạnh, đứa cháu tôi chưa từng có. Nó chơi đàn organ giỏi lắm nên sẽ học violin nhanh thôi."

Sự ra đi của ông là một hồi chuông thức tỉnh với Điền rằng chẳng có gì là mãi mãi.

Thế nên khi còn có thời gian, hãy sống chứ đừng tồn tại. Mỗi ngày lại là một lần cố gắng nữa, lại là một ngày đáng chiến đấu vì bản thân và những người thân yêu.

-0-

Gói trong mình nỗi nhớ thương từ Thuỵ Sĩ, Điền quay về Việt Nam, tìm Mẫn bằng những thông tin ít ỏi moi được từ thằng Duy. Bởi nó có cảm giác nếu không làm bây giờ, nó sẽ hối hận cả đời.

Căn trọ năm nào ba bà cháu cho Điền ở ké giờ đã thuộc về một người khác. Đã qua 6 năm, người ta cũng chỉ là người thuê nhà nên chẳng biết chủ phòng trước đã đi đâu.

Nó không có liên lạc của ai thân thiết với Mẫn cả, Điền đã đổi số điện thoại từ khi sang Thuỵ Sĩ nên nó như người xa lạ giữa lòng thành phố quê hương mình.

Điền bây giờ không dễ dàng đầu hàng như khi đó, nó bốc điện thoại lên và gọi Duy lần nữa. Lúc này, nó yêu cầu thằng bạn phải sắp xếp cho nó môkt buổi họp mặt. Điền là vậy mà, lúc nào cũng toan tính, mưu mô.

"Làm sao cho tự nhiên vào. Giống kiểu họp lớp ấy. Đãi ở chỗ sang vào."

Sau một thàn chờ đợi thì ngày đó cuối cùng cũng đến, Điền cố giữ mình giản dị nhất để Mẫn không thấy mình xa lạ, mà nó vẫn ràn vuốt keo, xịt nước hoa, hôm trước còn đắp mặt nạ để chuẩn bị kỹ càng.

Đứng đợi cả hơn một tiếng trước hàng lẩu, Điền thấy nhói lòng vì hơn nửa lớp đã đến nhưng không thấy mặt mày nhỏ đâu. Nó sốt ruột đến nỗi định lôi thằng Duy ra chửi một trận coi như xả giận.

Rồi bỗng dưng nàng xuất hiện, vẫn như năm nào, vẫn mái tóc, đôi mắt đó, cách ăn mặc kia. Không chút nào khác.

Nàng mắng nó khi nó níu nàng lại, nó sẵn sàng quỳ xuống nếu có cơ hội để xin quay lại với nàng.

Rồi vào giây phút cuối cùng của ngày, nhỏ nằm đây, trong vòng tay nó.

"Anh về rồi." Điền nằm ngay kế bên nhỏ, cười khúc khích khi nghe Mẫn mớ.

"Mày... về hồi... nào?" Môi nhỏ thì vẫn mấp máy chứ mắt nhắm tịt vào.

Điền thấy mình kì quá nhừn vẫn lén hôn má người say một cái, kêu tiếng chụt rõ to: "Tháng trước. Anh tìm em mãi."

"Tìm..."

"Ừm." Nó hôn thêm cái nữa. "Giờ em nằm đây rồi. Anh vui lắm."

"Không được... tao không thích nó đâu..."

"Ai?"

"Điền."

"Mà giờ nó hoàn lương rồi, em vẫn không thích hả?" Điềm thơm thêm lần nữa.

Nó cảm thấy hạnh phúc lắm, cảm giá như mình sắp nổ tung tới nơi. Những ngày tháng xa nhau chẳng thể ôm hôn nàng, giờ nó quyết định bù đắp cho bản thân thật nhiều.

Giờ nó đã học được cách sống vì bản thân nên nó tự tin nó có thể sống luôn vì Mẫn nữa.


--------------

Rồi xong🥹 vỡ kế hoạch, truyện sẽ kéo dài thêm xíu xiu nữa và đi kèm cùng ngoại truyện. Tăng kiu mọi người

Bạn đang đọc truyện trên: TruyenTop.Vip