Chương 1: Bị đá về tiền kiếp

Mạc Phàm nghĩ, chỉ chiều đứa em gái nuôi út trong nhà như bình thường thôi, thế quái nào bị đá bay về tiền kiếp được nhỉ?

Nghi ngờ cuộc sống sâu sắc.

Một nhà năm người, trong khi ai ai cũng tiếp nhận công nghệ mới tiếp cận tin tức rất nhanh, nhưng chả hiểu sao lại có con em út luôn bị tụt lại phía sau, thường xuyên như người tối cổ vừa xuyên từ thời kỳ đồ đá trở lại. Nhiều lúc đầu óc nó chậm tiêu, luôn luôn biết tin trễ hơn người khác rất nhiều. Chuyện xảy ra từ ba năm trước phải đến ba năm sau nó mới biết.

Vì thế một trend từng hot một thời diễn ra trên Tik Tok từ hai năm trước đến bây giờ nó mới biết đến và nằng nặc đòi cậu đú theo.

Cũng may là nó chả phải là đứa thích đú trend lắm, trừ khi có trend khiến nó cảm thấy thú vị, nếu không cả nhà phải mệt bở hơi tai với nó.

Cái trend thôi miên trở về tiền kiếp kia nổi rất lâu rồi, nếu không phải nguyên cái nhà chỉ có mỗi cậu đang rảnh thì cả nhà cậu đều tham gia vào trò của nó. Nhưng vì mẹ cậu đang đi du lịch khắp châu Âu, em trai đi công tác ở Moscow, em gái khác đang rối bù đầu với dự án bên Nhật Bản, vì vậy chỉ có cậu, người vừa đi công tác từ Hoa Kỳ về, đú trend cùng nó.

Thế rồi, ai mà có dè, bị thôi miên cho ngủ một giấc, cậu thật sự bị đá về tiền kiếp!

Ôi, thật là vãi nồi!

Rốt cuộc cậu đã làm gì nên tội mà phải chịu cảnh chó má này chứ!

A, xin lỗi, giận quá nên lỡ mất kiểm soát ngôn ngữ.

Giả sử cậu về đây lúc mười mấy tuổi hay hai mươi mấy tuổi thì chắc chắn cậu sẽ bị lộ là cậu không phải Mạc Phàm của kiếp này, nhưng may sao tiền kiếp mới có bốn tuổi và tên của tiền kiếp cũng giống tên cậu, dù cậu không hề nhận được ký ức nào của kiếp này kể từ khi đến đây, nhưng tính cách trẻ con dễ thay đổi, người lớn trong nhà này có mỗi người cha đi làm sớm, tan ca muộn, hầu như được gửi đến nhà trẻ, mà nhà trẻ thì một lớp hai, ba chục đứa, thầy cô trông trẻ nào mà rảnh đến mức một người kè kè riêng một đứa đâu. Đã vậy có đứa đột nhiên trở nên ngoan ngoãn còn vui nữa là.

Chỉ là có một điều cậu rất khó chấp nhận.

Trước khi nhận nuôi, cậu thật sự là một kẻ nghèo kiết xác, nhưng sau khi nhận nuôi rồi, tiền tiêu vặt bằng với tiền lương của công nhân, sau này trưởng thành thì có công việc ổn định, tiền lương cao ngút trời, nhà như tòa lâu đài, quần áo hàng hiệu cao cấp, đồ ăn thức uống no đủ. Đang sống một cuộc sống sang chảnh mà ai cũng phải mơ, đùng một cái, ngủ một giấc phát liền bị đá về thôn tân thủ, trở lại kiếp sống nghèo nàn, đã vậy còn chả biết đây là thời nào nữa, coi có tức không chứ.

Mịa, không tức thì Mạc Phàm này làm chó!

Mặc dù nói tiền kiếp nghèo nhưng theo Mạc Phàm thấy thì nó vẫn tốt hơn nhiều so với cuộc sống trong trại trẻ mồ côi. Không chỉ phải đấu đá, tranh giành thức ăn, tiền trợ cấp, mà còn phải đề phòng trước một số người giám hộ trong trại. Mang danh là người giám hộ, nhưng một số người trong đó chả tốt lành gì cả. Cứ suốt ngày nhăm nhe tiền trợ cấp của mấy đứa trẻ, cắt xén bữa ăn, ăn bớt phần tiền, lấy đồ từ thiện đi bán, còn có lúc trộm tiền quỹ trong trại trẻ.

Hồi đó Mạc Phàm khó khăn hợp sức với mấy đứa trẻ khác, mất mấy năm mới vạch mặt được chân tướng trước nhà hảo tâm là trợ cấp lớn nhất trong trại trẻ mồ côi. Mà cũng nhờ đó, cuộc đời của nhóm của cậu hoàn toàn sang trang mới. Trong đó cậu và ba đứa trẻ khác được chính nhà tài trợ lớn nhất đó trực tiếp nhận nuôi.

Còn về hoàn cảnh lúc nãy của tiền kiếp, nói thật là không tệ lắm. Ít nhất có nhà riêng, người cha có công ăn việc làm, đứa con không phải lang thang bán vé số hay ăn xin kiếm sống qua ngày. Đã vậy công việc của người cha không hẳn là vất vả, ông là một tài xế cho nhà họ Mục giàu có, tiền lương cũng ổn áp.

Nhân tiện thì người cha kiếp này của Mạc Phàm có tên là Mạc Gia Hưng. Tướng mặt phúc hậu, tính cách cũng hiền lành. Dù đi sớm về khuya thì vẫn ân cần chăm sóc con trai, không để con mình phải tủi thân. Có thể coi cha của tiền kiếp khá tốt đấy, nhưng cậu vẫn thích mẹ nuôi của mình hơn.

Chỉ có điều là Mạc Gia Hưng quá hiền, yếu lòng, dễ bị bắt nạt, không biết công việc làm tài xế cho nhà giàu có thật sự ổn hay không.

Mạc Phàm nghĩ mà cũng chỉ biết thở dài.

Cậu chỉ vừa trở về tiền kiếp được mấy ngày, bởi vì bị hạn chế nhiều thứ, cho nên trừ nhà với trường mầm non gần đó ra, cậu không biết được gì nhiều hết.

Để có cuộc sống tốt đẹp hơn trong tương lai, hay cụ thể là khoảng thời gian đi học, cậu định quay trở lại nghề cũ.

Đó là bán hàng rong.

Mà nhân tiện thì, cái tên Mạc Gia Hưng hơi quen quen, hình như từng nghe ở đâu rồi nhỉ?

******

Dạo này Mạc Gia Hưng cảm thấy con trai nhà mình có vẻ không vui. Mấy lần tới nhà trẻ đón thằng bé là ông thấy Mạc Phàm ôm gấu bông, dựa vào tường và bày ra vẻ sống không còn gì để tiếc, làm ông sợ hết hồn.

Ông có hỏi thăm mấy cô trông trẻ thì nhận được tin dạo này Mạc Phàm ngoan lắm, đã thế còn giúp các cô trông một số đứa trẻ khác nữa.

Mạc Gia Hưng nghi ngờ bản thân lỡ chăm chú vào công việc quá nên bỏ quên mất con trai, khiến con cảm thấy cô đơn, quạnh quẽ. Ông thấy rất tội lỗi.

Giả sử Mạc Phàm mà nghe được tiếng lòng của Mạc Gia Hưng: "...?"

Ủa ba, con đang suy nghĩ về việc nên bán hàng gì thôi mà??

Tiếc là Mạc Phàm không có nghe được.

Vì thế vào một ngày đẹp trời, Mạc Gia Hưng xin nghỉ phép và dẫn con trai mình đi chơi ở công viên.

Mạc Phàm đột nhiên được dẫn đi chơi: "...?"

Nhìn que kem vị socola trong tay rồi nhìn sang gương mặt đang mong chờ của Mạc Gia Hưng, Mạc Phàm chỉ có thể há miệng mút que kem. Cảm giác mát lạnh xen lẫn ngọt ngào lan tỏa trong khoang miệng, khiến cậu hơi rùng mình.

Mạc Phàm không thích ăn đồ lạnh lắm, thế nhưng ai cho ai rủ thì vẫn ăn vì không nỡ bỏ lòng tốt của người ta, người ta bao thì càng phải ăn.

"Sao hả, con trai của ba? Ngon không?"

Mạc Gia Hưng có chút vui vẻ hỏi thăm.

"Dạ, ngon ạ."

Mạc Phàm cười tít hai con mắt đáp. Cơ mà nếu như đây là vị cà phê thì tốt hơn.

Mạc Gia Hưng hưng phấn, bắt đầu nhiệt tình dẫn con trai mình đi chơi. Mỗi khi thấy con trai cười tít mắt là ông lại cười đến không thấy tổ quốc.

Mạc Phàm vốn đã qua cái tuổi ham thích chơi công viên từ lâu, bây giờ có chơi thì cậu cũng chỉ chơi trò chơi mạo hiểm hay cảm giác mạng mới thật sự vui được. Còn mấy trò trẻ con như đi quay ngựa gỗ hay nhà nhún, xe điện đụng gì đó thì chơi với người nhà, bạn bè thân thiết mới vui vì họ biết pha trò, diễn hề.

Câu mới tiếp xúc Mạc Gia Hưng chưa lâu, dù rằng đã nhận ông ấy là cha, nhưng điều này chưa đủ để cậu thật lòng thiết với người đàn ông gà trống nuôi con này. Cái gì cũng phải mưa dầm thấm lâu, nước chảy đá mòn, tình cảm phải từ từ bồi dưỡng mới tạo nên sự thân thiết được.

Cũng may hiện tại cậu là trẻ con, sau khi chơi năm, sáu trò chơi thì tỏ ra bản thân rất mệt và muốn về nhà nghỉ ngơi. Mạc Gia Hưng không nghi ngờ gì, ôm Mạc Phàm, lái xe về nhà.

Trên đường đi, Mạc Phàm kịp thời nhìn thấy một cửa hàng bán đồ bán đồ may thêu và đan móc. Cậu lập tức dùng vũ khí của trẻ con, đó là giương đôi mắt tròn xoe như cún con năn nỉ Mạc Gia Hưng mua cho mình một bộ dụng cụ móc len và mấy cuộn len.

Trước sự đòi hỏi của con trai, huống hồ thứ mà Mạc Phàm đòi chẳng phải đồ đắt tiền gì, nên Mạc Gia Hưng dễ dàng đáp ứng và mang cậu xuống xe, vào cửa hàng. Ông hoàn toàn không thắc mắc tại sao con trai mình đột nhiên muốn mua mấy thứ đồ như vậy.

Cậu suy xét từng đồ dụng cụ một rồi chọn len, chọn phụ kiện và mua cả bông. Chủ cửa hàng trông thấy cậu suy xét và chọn đồ như vậy, nhịn không được mà cười rồi nói cậu như người lớn vậy. Một số khách trong cửa hàng cũng nhìn cậu.

Mạc Phàm giật mình chút, nhưng rồi lập tức cười tươi tự chỉ ngón cái vào bản thân và nói rằng cậu đương nhiên là người lớn rồi.

Mọi người trong cửa hàng ai nấy cũng bật cười vì trò đùa dí dỏm này mà chả ai biết rằng những gì cậu nói là thật. Tuy nhiên, một sự thật mà chả ai tin là thật thì đâu phải sự thật nữa, đúng không?

Chủ cửa hàng ngỏ ý với Mạc Gia Hưng rằng có cần mua cả sách dạy móc len về không. Vốn dĩ Mạc Phàm không định mua vì không muốn tốn tiền, nhưng đột nhiên cha cậu thấy cậu biết móc len, cậu sẽ không biết nói như thế nào. Nếu nói được dạy thì ai dạy? Cô trông trẻ sao? Nhưng ngộ nhỡ Mạc Gia Hưng đột tìm đến cô trông trẻ rồi hỏi thì sao?

Vậy là Mạc Phàm và Mạc Gia Hưng trở về với hai túi đồ chứa dụng cụ đan móc, len và bông, sách dạy đan móc.

Tuy rằng lúc đầu Mạc Phàm định bán đồ ăn, nhưng có đồ len thế này thì cũng không tệ. Có thể đan áo khoác, móc thú bông, móc khăn, đan đồ móc chìa khóa,... Mấy cái này có thể không dễ bán nhưng dễ làm hơn với độ tuổi lúc này của cậu, cậu sẽ làm chúng lúc này và bán chúng trong tương lai.

Mong là đồ cậu làm sẽ được lòng người.

Vậy là từ đó trở đi, nhà trẻ xuất hiện hình ảnh một cậu bé vừa xem sách hướng dẫn vừa cặm cụi móc len.

Mới đầu mấy cô trông trẻ thấy lạ, hỏi đứa nhỏ thì nhận được câu trả lời: "Vì con thích." hỏi người lớn thì nhận được: "Vì thằng bé thích."

Thấy thằng bé ngồi một chỗ cũng ngoan, đã thế còn vô tình thu hút một số đứa trẻ vây quanh ngồi xem một cách ngoan ngoãn thì mấy cô cũng không để ý nhiều nữa. Thậm chí còn vui vì đỡ phải trông nhiều đứa trẻ con.

Tuy vậy vẫn có một số đứa hiếu động hoặc là hay nghịch, thấy đồ trong tay Mạc Phàm thú vị thế là một hai mè nheo đòi lấy đòi phá.

Các cô còn chưa kịp làm gì thì Mạc Phàm đã tự cắt nát mà đồ bản thân đang làm, biểu cảm trên mặt không chỉ bình thản mà đôi khi còn nheo mắt, nhếch môi trông như đang cười nhạo. Không chỉ khiến mấy đứa đòi hỏi khóc, mà mấy đứa đang ngồi xem khóc vì hành vi "đáng sợ" của cậu. Dù cho mấy cô trông trẻ có dỗ ngọt cậu rằng cho đồ trên tay mình cho người ta và nhận lại thứ khác (như kẹo, bánh,...) thì cũng không ngăn hành động của cậu lại được. Có cô còn nóng nảy muốn giật đồ cậu thì cậu không do dự dùng kéo quẹt mạnh vào tay cô ta rồi khóc lóc giả vờ xin lỗi. Cô ta bị thương nhưng cũng chả thể làm gì cậu được, vậy là hậm hực ngó lơ cậu kể từ lúc đó.

Chứng kiến mấy lần như thế, nhiều đứa trẻ đã bỏ cuộc, không còn đòi đồ móc len hay xem Mạc Phàm móc len nữa. Ngay cả mấy cô trông trẻ cũng phải cảnh giác, thấy đứa nào tính xớ rớ đồ đang móc của Mạc Phàm thì lập tức cản lại và ôm nó ra chỗ khác lập tức.

Dù gì mấy món đồ mà Mạc Phàm đan, móc chưa hoàn thiện được một nửa nhưng cũng ra dáng khá đẹp rồi, phá đi đúng là uổng. Chưa kể sức công phá của mấy cục nợ nhí cũng rất khủng bố, chả ai muốn tai của mình bị banh chành bởi tiếng khóc kinh thiên động địa hết.

Thiên hạ thái bình, Mạc Phàm yên tâm chuyên chú vào công việc móc len của mình. Vốn cậu chỉ muốn móc cái nón thôi, ai ngờ đâu thu hút đám trẻ con đến vậy. Trẻ ngoan ngồi xem thì không nói, nhưng trẻ hư thích đòi hỏi thì mơ đi. Đồ mình đã làm ra mà ai muốn, nếu không phải bản thân muốn tặng quà hay cho thì phải bán, chứ không thể để người khác cưỡng ép mình cho không được.

Khi còn sống ở trại trẻ mồ côi, Mạc Phàm gặp chuyện này suốt, riết rồi hình thành nên thói ác liệt, chỉ có như vậy mới không dễ bị chịu thiệt. Thà cuộn len bị lãng phí, còn hơn đồ mình làm phải cho không người ta.

Mất hai tuần, cậu nhanh chóng móc xong một cái nón đội đầu dành cho trẻ con. Tất nhiên là cậu hoàn thiện ở nhà chứ không phải trên lớp giữ trẻ, cậu không ngu ngốc đến mức làm xong trên lớp để rồi bị cô trông trẻ xấu xa nào đó lấy danh nghĩa mượn đồ mà chôm luôn đồ của cậu.

Cái nón trẻ con này có nhún bèo, hai bên cạnh đỉnh đâu có đôi tai mèo, mặt trước của nón có hai chấm mắt màu đen, một cái mũi hồng và sáu cái râu mèo, mặt sau nối một cái đuôi nhỏ.

Khi hoàn thiện cái nón, Mạc Phàm không khoe nó trước Mạc Gia Hưng, bởi cậu vốn định bán nó sau này, cho Mạc Gia Hưng biết lúc này là điều không cần thiết.

Tiếp đến cậu bắt đầu móc những món đồ bằng len khác. Hiển nhiên khi sắp thành hoàn thì sẽ không móc ở lớp nữa mà sẽ móc ở nhà.

Đôi khi có một số món đồ bị phụ huynh của đứa trẻ nào đó bắt gặp trên lớp và sẽ mượn xem thử. Nếu gặp được người tốt, họ thích món đồ đó và muốn có thì sẽ mua cho cậu khi cậu đòi bán. Gặp phải kẻ xấu không muốn trả tiền thì cậu vận dụng vũ khí lớn nhất của trẻ con, khóc lóc ăn vạ, bắt người ta trả lại hoặc trả tiền.

Dần dần tiếng đồn vang xa, nhiều phụ huynh trong trường gần như biết đến cậu. Người thì phê phán, kẻ thì chỉ trích. Nhưng cũng có người bênh vực cậu và chỉ trích lại đám người lớn sở hở tí là muốn rớ đồ người khác làm của riêng.

Các cô trông trẻ nhận phản ánh thì có khuyên nhủ, có cảnh cáo Mạc Phàm, nhưng Mạc Phàm chả thèm nghe.

Thà bị xem là trẻ hư không chịu thiệt còn hơn là trẻ ngoan không có kẹo ăn.

Cậu có thể làm trẻ ngoan, nhưng trước những kẻ lợi dụng sự ngoan ngoãn để đoạt lợi ích thì cậu không thể nào làm được.

Mặc kệ người lớn hay trẻ nhỏ, chỉ cần nằm trong xã hội nhân loại, ắt kẻ yếu sẽ luôn bị chà đạp bởi kẻ mạnh.

Mà Mạc Phàm chưa bao giờ muốn làm kẻ yếu.

Bạn đang đọc truyện trên: TruyenTop.Vip