Miếng mứt 1: Bức thư tay và nhành hoa khô
#1. Hai bức thư tay của tía
Tháng thứ nhất
Lần này Thạch trở lên Sài Gòn, anh không chắc lòng mình có thấy thoáng đãng hơn không. Như một con chim nhốt lồng, anh cứ đi hát rồi lại về nhà anh Thuận, không đi chơi cũng không nói chuyện với ai, so với ở quê thỉnh thoảng ra ruộng hóng mát, lên đây còn ngột ngạt hơn.
Đang độ thất tình nên Thạch hát bài tình ca nào cũng da diết, ngoài hát nhạc trẻ ra, thỉnh thoảng còn có thể phục vụ khách thành thị những "món lạ" như vọng cổ, cải lương, đàn, múa... nên khách thích lắm. Như Thuận nói, hợp vía là đi hát không thấy mặt mũi, ông bầu đặt lịch san sát nhau cho Thạch mà anh cũng không từ chối, đi hát liên tục như thể muốn hiến tế luôn cái cổ họng cho phòng trà.
Thuận thấy vầy không ổn, anh xin cho Thạch nghỉ vài hôm rồi kéo nó đi tập thể dục. Anh kêu thằng em kiếm một thú vui nào khác ngoài việc bán cổ họng kiếm tiền đi, thú vui nào đừng hại sức khỏe ấy. Vậy là Thạch đi tập võ. Gần nhà Thuận là nhà văn hoá quận, có lớp dạy mấy đứa nhóc tập võ. Lớn tướng như Thạch lạc quẻ giữa bầy con nít, mà hình như không lạc quẻ chút nào. Tự nhiên có đám bạn mới hợp "tuổi tâm hồn", cuộc sống Thạch từ đó có thêm chút niềm vui.
Tháng đầu tiên, Thạch gửi Sơn thùng đồ nào là sữa tắm, sữa rửa mặt, dầu gội, nước hoa, thuốc bổ, mấy gói trà... cho cả nhà Sơn. Anh nói tía khi nào lấy đồ của anh với Thuận gửi cho tía má thì sẵn kêu Sơn qua lấy. Anh còn viết một tấm thư tay cho cậu.
Tui nghe Sơn dẫn bạn về ở chung rồi, tui cũng mừng cho ông. Tui thiệt tâm mừng cho ông vì giờ ông đã có được gia đình mà ông mơ ước.
Thú thật, tui đã từng mong là một phần của gia đình ông, nhưng coi bộ mình chỉ có duyên làm bằng hữu thôi.
Thôi thì cho tui xin lỗi, tui có việc bận lên Sài Gòn đôi bữa, nhân dịp này coi như đi xa một lúc cho khuây khỏa.
Ông khỏi cần lo cho tui, vài bữa nữa, tui không biết chừng nào nhưng nhanh thôi, tui sẽ lại về. Tui đem mấy món lạ lạ trên Sài Gòn về nhậu với ông một bữa chúc mừng bù, ha?
Tháng thứ hai
Anh nhớ lúc mình 8 tuổi, lần đầu tiên nhìn thấy căn nhà hai lầu nằm trên con phố lớn Sài Gòn và rồi biết mình sẽ được ở đây, là nhà chú Ba của má, anh nhảy cẫng lên thích thú, suýt đụng đổ bịch đồ trên tay anh Thuận.
Và rồi mấy ngày sau đó, má Thạch bị mắng vốn là không biết dạy con, nó đi xa tía xa má nó mà mừng húm, nó tăng động, phá phách.
Không biết là kể từ đó, hay là kể từ một trăm một triệu lần má Thạch bị gọi mắng vốn sau này, Thạch không cho phép mình làm trái ý cô chú trong nhà. Nó trở thành một "bản năng sinh tồn" – như cái cách mà sách vở hay gọi – rằng Thạch nên ngoan ngoãn, im lặng, tốt nhất là không nói ra suy nghĩ của mình.
Con nít thì mặt không được chầm dầm, phải tươi lên, phải cười, phải hiểu chuyện, như vậy cô chú trong nhà mới thích.
Làm chuyện gì cũng phải biết nghĩ cho người khác.
Như vậy má ở quê mới không bị nói này nói nọ.
Đứng trước khao khát được nói ra tình cảm của mình và tương lai có thể ở bên người ta, rốt cuộc Thạch vẫn không chịu nổi mà nói. Không nói thì đau, mà nói ra rồi lại hối hận vì đã nói.
Tháng thứ hai, Sơn vẫn không gửi lại lời nào cho Thạch.
Thạch có thể nghĩ được khả năng gì khác ngoài Sơn không biết nói gì đây? Dù sao người ta cũng đã có gia đình, viết mấy dòng sến sẩm đó không khác nào kêu Sơn cắt đứt tình bạn với mình.
Tháng thứ hai, Thạch gởi cho Sơn mấy cuốn tạp chí nông nghiệp, sách, báo, mấy hạt giống hoa mà anh thấy hay hay, tất nhiên là kèm theo bức thư.
Dạo này ông khoẻ không? Không thấy ông gởi lại lời nào tui cũng chộn rộn trong lòng.
Tui đi tới nay cũng là tháng thứ hai, cũng có thời gian ngẫm lại. Tui có phần ích kỷ quá, tui cứ nói hết cho ông nghe vầy rồi, sau này mình gặp nhau kiểu gì ha?
Tui xin lỗi. Xin lỗi vì đã lỡ có tình cảm với người bạn của tui. Xin lỗi vì đã nói cho ông biết.
Lúc nào cũng treo trên miệng là nghĩ cho ông, nhưng lần nào cũng không biết ý mà làm ông khó xử.
Cứ quên hết mấy lời tui đã ghi nha. Đốt nó đi. Làm giấy mồi lửa hay vo lại chèn vô chân bàn, cái gì cũng được. Bây giờ nó cũng không còn quan trọng nữa rồi.
Tháng thứ ba
Vậy mà Sơn vẫn không gửi lại lời nào cho Thạch.
Có lẽ anh không nên viết nhiều, mà đúng hơn là ngay từ đầu đã không nên viết thư.
Từ tháng thứ ba, Thạch chỉ gửi về mấy thùng đồ quà lưu niệm, cà phê, quà bánh trên Sài Gòn. Bây giờ tới tiếng "bạn thân" anh cũng đã tự tay hủy hoại rồi, sợ gửi quà mắc quá, Sơn lại ngại không nhận.
Lần đầu tiên trong đời, Thạch ra ngoài nhậu. Anh Thuận đi làm chưa về, ở trong phòng thì ngột ngạt, anh xuống quán nhậu bờ kè đầu ngõ làm vài ly.
Người ta uống có bạn có bè, có mỗi mình anh ngồi một góc, lấy dĩa đậu hủ chiên với mấy lon bia làm bạn. Anh cư xử bồng bột như vậy ai thèm chơi với anh nữa chứ?
Anh cứ tu hết lon này tới lon khác, không nghĩ gì cả, cứ uống, cho bia lạnh cào nát "cần câu cơm" của anh mấy nay. Cắm đầu đi hát cũng làm rồi, tập thể dục cũng lên cơ rồi, đến tập võ cũng tập hết sức rồi, vậy mà cái đau đớn, nhức nhối trong người vẫn chưa xả bớt.
Hay như anh Thuận nói, vì làm bạn với người mình yêu, nên sự kỳ vọng về một phép màu nào đó cứ trồi lên, rồi lại bị hiện thực đay nghiến, dày vò, và vòng tuần hoàn lặp đi lặp lại cho tới khi mình đau đến chai sần thì thôi?
Thôi, người ta không muốn nói với mình thì thôi.
Sau này có gặp thì chào nhau một tiếng, lỡ rồi thì thôi...
Thì thôi, chứ biết làm sao giờ? Cũng một tay mình biên giấy tử cho tình bạn này mà.
Cứ thấy bất lực là anh lại nóc bia, cứ tu vào, mấy miếng đậu hũ thì không đụng đũa, tới lúc cầm không nổi lon bia nữa thì ngã ngửa ra đất.
Anh không biết đầu có đập xuống sàn không nữa, men trong người làm lâng lâng. Anh tưởng tượng mình đang nằm trên bãi cỏ dưới bóng râm, bên tai là tiếng thở đều đều của một người. Trưa nắng nóng mà không chói chang, vì anh chỉ cảm thấy lòng dịu mát khi bên cạnh người ta.
Anh không biết mình phải bớt thương người ta kiểu gì. Nghĩ ra kiểu gì cần thử cũng thử hết rồi. Giả bộ thương thì dễ, chứ giả bộ không thương sao mà được? Cứ như vầy hoài, anh không nghĩ mình có thể gặp lại Sơn như một người bạn bình thường.
Mấy ngày nữa anh Hai dẫn bạn về nhà ra mắt, chắc anh không đi được rồi...
#2. Nhành hoa giấy khô kẹp trong sổ chi tiêu của má
Mỗi lần giở sổ ra lại nhìn thấy nó, thật muốn vứt bà nó đi cho khoẻ!
Nhành hoa giấy hôm đó Thạch cài lên tóc Sơn, hứa mỗi lần cậu buồn sẽ cài hoa lên tóc cậu, hát Dạ cổ hoài lang thật hay cho cậu nghe. Mấy bữa đầu thì cài một đống hoa lên đầu cậu, để rồi mấy bữa sau thì sao? Chán, chê cậu nhà quê rồi chạy tuốt lên Sài Gòn.
Nên cậu bực bội trong người lắm. Đừng nghĩ cứ mua mấy thùng quà lạ mắt từ thành thị rồi muốn biến đi đâu thì biến. Cả thư từ biên tay nữa. Đi thì không nói, bày đặt viết thư dài dòng chữ nghĩa.
Nói vậy thôi chứ, nhớ lắm. Không gặp mấy hôm đã nhớ hơi lắm rồi, nói chi mấy tháng. Thùng quà khui ra Sơn cũng không dám đụng vào, sợ lỡ tháng nào đó Thạch chán cậu thiệt, không mua cho cậu nữa, cậu xài hết thì lấy gì để nhớ?
Thư tay vẫn được kẹp trong sổ chi tiêu cùng nhành hoa giấy. Nhìn thì chướng mắt đó, vậy mà tháng nào cũng phải mở ra nhìn, mấy lúc nhớ người ta lại ngứa tay mở ra kiểm tra nó có mất không. Cậu cứ cầm, mân mê, nhìn tấm thư tay được trang trí bằng mấy nhánh hoa khô mà không dám mở ra đọc.
Lý do Thạch bỏ đi có thể là gì được? Về quê chỉ toàn là cây cối muỗi mòng, ở quê không ai nghe hát, ở đây chỉ có lẩn quẩn mấy gương mặt Thạch nhìn chán chết, nên anh mới lên lại Sài Gòn? Hay có cô nào trên đó rồi? Thấy gửi cả dầu gội, nước hoa cho phụ nữ.
Dù là lý do gì, cậu cũng muốn gặp mặt nói chuyện cho rõ. Chuyện của cậu và Thạch không thể cứ im im kết thúc như vậy được.
Bạn đang đọc truyện trên: TruyenTop.Vip