Tía má hồi đó không ưa nhau

Tôi ngồi với tía trước sân nhà, tía ngồi một bên nhăn mặt với mấy con chữ trên tờ nhật trình, còn con gái của tía cứ lơ ngơ ngắm mấy cánh mai rơi xuống nền gạch đỏ. Chợt, tiếng má oang oang từ nhà sau dội lên làm hai cha con giật thót.

"Ông Thạch! Mình dọn cái sân cho em chưa! Ngồi đó uống trà hết buổi sáng bây giờ!"

"Rồi rồi, anh ngồi với con Mèo có xíu thôi mà!"

Tía ấm ức nhìn tôi. Tôi không bị má la mà vẫn sợ má, nhìn tía với ánh mắt thông cảm. Tía lọ mọ cất tờ nhật trình, đứng dậy, vươn vai một cái. Tôi cười khổ.

"Má dữ muốn chết, sao hồi đó tía cua được má hay vậy?"

Dường như tôi vừa rà trúng đài của tía. Nét phụng phịu dỗi hờn bay biến, tía vừa cười toe toét vừa ngoắt tôi ra sân.

"Chuyện dài lắm. Mày lại đây, cầm cái mo ra phụ tía, tao kể chuyện hồi đó tía gặp má mày!"


Tía má hồi đó không ưa nhau

Hồi đó, muốn vô nhà ông Nguyễn Cao phải đi qua mấy miếng đất nhà ổng, lội qua mấy cái mương, đi qua chục cây cầu mới tới. Khổ nỗi, cậu út nhà này lên Sài Gòn ở từ nhỏ, đâu có quen cảnh bùn đất dính dưới chân, đi vài bước lại suýt trượt mấy lần. Anh lầm bầm mấy tiếng bất mãn rồi ráng gồng cơ dò, căng cơ mắt ra nhìn đường cho khỏi té.

Cứ lo canh me sợ bị té rồi quên mất phải đi đâu, anh nhìn qua nhìn lại, chợt thấy có bóng người ngụp lặn dưới mấy cây dừa nước.

"Anh gì ơi! Qua nhà Nguyễn Cao đi đường nào vậy anh?"

Người kia nghe vậy thì trồi lên. Đầu cổ mình mẩy người kia dính sìn đen xì, còn điệu bộ thì cọc cằn. "Nguyễn Cao nào?"

"Ông công an ở xóm mình á?"

"À, ông Hai công an hả?" Người kia hơi nhón người lên khỏi mặt nước, da bụng láng mịn hơn màu da nâu phần ngực. "Anh quẹo lộn đường rồi. Xích xuống xíu nữa có cây cầu, anh đi thẳng xuống dưới mới là nhà ông Hai."

Chưa kịp nói lời cám ơn, người ta đã lặn ngụp trong nước sìn tiếp. Anh không biết dưới lớp phù sa người ta có nghe thấy không, chỉ hét lớn tiếng cám ơn rồi rời đi.

Đi mãi đi mãi mới đặt chân lên thềm cửa nhà, vậy mà chẳng thấy ai ở nhà hết. Cậu út có hơi buồn lòng, chắc giờ này má đi chợ, còn tía lên ủy ban chưa về. Nhà cửa để trống huơ trống hoắc như vầy, lỡ có ăn trộm vô thì sao?

Anh phụng phịu ngồi xuống bộ ghế gỗ. Chưa kịp uống ly trà cho đỡ nóng thì nghe tiếng lội nước lõm bõm sau nhà.

À, anh lại thấy cậu trai ban nãy chỉ đường cho anh, đang leo lên từ mé mương sau nhà.

"Ủa anh? Anh phụ làm vườn cho tía má tui hả?" Cậu út xởi lởi chào hỏi.

Vậy mà đáp lại nụ cười hào hứng của anh, lông mày cậu trai này xoắn tít lại, nhìn anh một lượt từ trên xuống dưới rồi cất giọng ồm ồm. "Con ông Hai hả?"

Giọng người này làm anh hơi sợ. Ban nãy còn nâng tông giọng lên cho anh nghe, bây giờ như thể không muốn nói chuyện, tông giọng hạ xuống như sự hào hứng đang tụt dần bên trong anh. Anh chỉ cười sượng, gật đầu.

"Bà Hai qua nhà cô Sáu đóng hụi rồi. Có đói tự xuống nhà dưới lấy đồ ăn."

Sao ông này cọc cằn quá trời. Người ta nói người miền Tây tính tình dễ thương lắm, sao mà ông này thái độ như Thạch vừa cướp sổ gạo của ổng ha gì?

Thạch thấy người ta không ưa mình, tự nhiên sinh ra cảm giác cũng không ưa người ta.

Không biết phản ứng tâm lý ngược hay sao đó, từ hôm bữa lần đầu gặp mặt, Thạch bắt đầu để mắt tới cậu trai kia hơn. Hỏi han thì biết cậu này là Trường Sơn.

Cậu Sơn dữ lắm. Mấy ông choi choi trong xóm còn không dám làm gì cậu, thấy cậu là kéo đi chỗ khác, không thôi lỡ làm gì phật lòng lại bị lật cả tổ tông ra chửi. Chửi không ăn thua, có khi còn bị lôi ra đập cho một trận. Nhìn nhỏ con vậy thôi chứ đánh khét ác!

Lần trước đi chợ, cậu út hãi hùng thấy Sơn ôm đầu túa máu chạy vô trạm xá, lật đật chạy lại hỏi thăm thì bị cậu gạt sang một bên như đá một cọng cỏ. Giận hết sức! Sau đó hỏi ra mới biết, cậu vừa lĩnh nguyên cái thớt vô đầu vì tụi bảo kê quậy sạp chợ của cậu.

Thôi, người gì vừa dữ dằn vừa phức tạp. Anh không muốn dính vào chút nào.

Lòng tự nhủ phải né chứ mắt thì quen thói, đi lòng vòng trong xóm, anh cứ phải đánh mắt một vòng để tìm bóng dáng nhỏ bé của cậu trai đen nhẻm kia.

Không biết do cái tên vận vào người hay sao, anh thấy cậu siêng làm kinh khủng khiếp, như một dãy núi dài vô tận leo mãi không thấy điểm dừng. Lần nào anh vô tình thấy cậu cũng là lúc cậu đi bán trái cây, bồi mương, tưới cây, cắt cỏ... không lúc nào thấy cậu ngồi hàng nước tám chuyện như mấy cậu thanh niên cùng tuổi.

Bộ đi cày kiếm tiền cưới vợ hay sao mà siêng dữ?

Thạch cứ mang nỗi tò mò về người này. Tía nói Sơn chịu cực đó giờ, kêu gì cũng làm, vừa giỏi vừa siêng nữa nên ai cũng thích. Má nói Sơn thương má Sơn lắm, có bao nhiêu tiền là gom lại mua thuốc trị bệnh cho bà chứ không để lại gì cho mình, nên lúc nào cũng nhìn ốm tong ốm teo, thấy thương. Nghe tía má nói vậy, tự nhiên người này bớt thấy ghét hơn một chút.

"Nè! Nước chanh đá."

Lựa một ngày bớt việc, cậu út nhà ông Hai lọ mọ xuống nhà dưới pha ca nước chanh, hí hửng đem ra vườn cho cậu trai này uống.

Sơn nghi ngờ nhìn anh, nhưng rồi cũng đón nhận ca nước mát lạnh. Cậu tu một hơi hết nửa ca nước rồi trút một hơi dài thoải mái.

"Trưa nắng muốn chết mà vẫn làm hả?"

"Sắp xong rồi, còn mỗi bờ này nữa là khoẻ. Mà sao tự nhiên ra đây, nắng đen da rồi sao?"

"Tui cũng đi nắng nhiều lắm á chứ, mà trời sanh da trắng nên cũng chả ăn nhằm gì." Anh cười khà khà.

"Sướng hen."

Nghe anh cười, cậu cũng cười theo. Đúng là con người ta đẹp nhất là lúc cười. Chỉ cần vài tiếng cười khẽ vang lên từ người kia thôi, anh thấy nỗ lực pha nước chanh đem ra vườn giữa trời nắng gắt này cũng đáng. Cả nỗ lực tìm hiểu người kia cũng đáng. Thấy người này coi bộ cũng hay hay.

Vốn cậu út cũng không biết gì nhiều về vườn tược, cũng không biết gì nhiều về quê mình, vì anh lên Sài Gòn từ lúc nhỏ xíu mà, nên cũng không biết phải gợi chuyện với cậu trai kia thế nào. Anh chỉ len lén nhìn thân người ốm tong teo thả lỏng, nằm phơi mình xuống nền đất cỏ, thiu thiu nghỉ trưa dưới bóng râm.

Tranh thủ lúc Sơn còn ngủ thì anh lén rời đi. Chiều anh có việc ra ủy ban, không biết có về kịp lúc Sơn đi về không, nên chắc hôm nay tới đây là đủ rồi.

Sơn không ưa cậu út của ông Hai. Mà phải nói đúng hơn, cậu vốn chả ưa mấy ông công tử bột trong mấy gia đình khá giả. Không phá làng phá xóm thì cũng báo cha báo mẹ, nếu Sơn được ném cọc tiền đó vào mặt, có lẽ cậu đã làm cái xã này giàu lên rồi.

Sơn Thạch từ nhỏ đã được tía má đưa lên Sài Gòn đi hát, người ngỗng trắng bóc, mặt mũi sáng lán, nhìn tệp y chang vào loại 'công tử bột' mà Sơn tả. À, lại thêm một thằng báo về quê, cậu đã nghĩ như vậy. Đã công tử bột rồi còn hay nhảy nhót đờn ca, chẳng biết có kiếm được đồng nào cho ông bà Hai không.

Nhìn vậy mà Thạch không chơi bời lêu lỏng như vẻ bề ngoài. Múa hát ở xã hay sinh hoạt ở ủy ban xong là về nhà liền, cũng biết xách xe chở tía đi khám bệnh, biết phụ má nấu ăn, coi như cũng chưa tệ tới mức không biết làm gì.

Cậu có để ý những lúc anh vô tình chạm mặt mình, rồi từ những cái chạm mặt vô tình trở thành dáo dác tìm kiếm, rồi trở thành những bước chân tiến tới hỏi han. Và rồi ca nước chanh Thạch mang cho Sơn hôm nay là một cú hích, đá bao nhiêu ghét bỏ trong cậu bay hết.

Lúc cậu út về cũng là lúc trời gần sập tới, anh thấy Sơn đứng trước nhà mình, dưới chân là mấy trái dừa.

"Ủa tối rồi sao chưa về nữa Sơn?"

"Chiều đi qua ông Tư giật dừa, ổng cho mấy trái. Đem qua cho nè."

"Sao Sơn không gửi nhà ba má tui? Ông đợi tui hả?"

Tự nhiên Sơn không cọc cằn như thường làm anh thấy lạ.

Cậu lúng túng trả lời. "Thì hồi trưa ông đem nước tới tận nơi, giờ tui đem giao tận tay thôi..."

"Sao tốt dữ vậy chèn?"

"Ai? Ông Tư hả?"

"Không. Ông á. Sao tốt với tui dữ vậy?"

Sơn bật cười. "Bình thường mà. Hồi sáng cho tui ca nước rồi, giờ tui cho lại trái dừa. Huề nha."

"Vậy giờ tụi mình là bạn rồi ha?"

Sơn thoáng ngạc nhiên nhìn Thạch.

"Bộ người Sài Gòn nói chuyện nghiêm túc vậy hả?"

"Chứ sao. Mấy lần trước mặt Sơn lúc nào cũng chầm dầm. Tui tưởng tui làm gì ông để bụng rồi..."

"Có đâu! Ăn miếng bánh, uống miếng nước với nhau thì là bạn rồi!"

Sơn cười toe tóe, vỗ lên vai anh một cái rồi về. Anh trộm nghĩ, dường như trái tim mình vừa bị phong ấn vài nhịp trước nụ cười của ai kia.

Bạn đang đọc truyện trên: TruyenTop.Vip