Ngày 13: KHÔNG CỐC U LAN(*)
(bản dịch do tui dịch. Vui lòng ghi nguồn khi đem đi nơi khác)
(*) chỉ hoa lan xinh đẹp, nổi bật giữa sơn cốc thâm cùng, ngụ ý phẩm chất thanh cao giữa dòng đời.
Năm 1972 Bill Porter[¹] đến Đài Loan. Ba năm sống ở một ngôi chùa Phật giáo. Ông kể về cuộc sống thường nhật của mình như thế này: thức giấc trước khi bình minh ló dạng để tụng kinh, đêm đến thanh tĩnh nghe tiếng chuông, một ngày ba bữa chay, một phòng một giường một màn trướng và không có một đồng tiền nào trong tay.
Ba năm sau, ông rời ngôi chùa nọ và sống ẩn dật trong ngôi làng miền núi, bắt tay vào dịch một số tác phẩm của ẩn sĩ Trung Hoa xưa như: Hàn Sơn, Thập Đắc, Phong Can, Thạch Ốc và Bồ Đề Đạt Ma. Nhưng cuối cùng, ông quyết định tự thân đi tìm các vị ẩn sĩ đó. Nhiều năm đã trôi qua rồi, ông không chắc liệu mình có thể tìm thấy họ. Hay liệu cuộc sống thường nhật gắn liền với tôn giáo có tồn tại hay không? Năm 1989, ông tìm thấy một người bạn cùng chí hướng, cùng suy nghĩ, chính là nhiếp ảnh gia Stephen[²], cả hai người cùng lên đường đến núi Chung Nam.
Sau đó ông đã viết một cuốn sách tên "Không Cốc U Lan". Bản dịch được ra mắt năm 2001 và bốn nghìn bản đã được in. Tôi từng thấy trang bìa sách trên tạp chí tiên phong. Bức ảnh được chụp trong quá trình thực hiện chuyến đi. Vị tác giả chống gậy, mặc áo vải màu lam, còn nhà nhiếp ảnh gia đội nón, đeo túi đeo chéo. Hai người đàn ông trưởng thành người Mỹ say mê văn hóa phương Đông. Đứng bên cạnh là một nhà sư trẻ tuổi cùng hành trang đi đường, đầu không tóc, lông mày đen rậm, cổ tay trái buộc một chiếc khăn trắng. Cả ba dường như đang men theo những bụi cây trên đỉnh núi dốc, sau lưng là những đỉnh núi nhọn hoắt và sương mù lơ lửng tầng không.
Tấm ảnh tuy mang tone màu đen trắng nhưng tràn đầy sức sống lẫn ý vị yên tĩnh, thăm dò lẫn nhau. Bước đi trên con đường tìm kiếm, phát hiện có một kiểu tồn tại nào đó rất thần bí nhưng không kém kiên định, chút biểu lộ cũng không thấy.
Trong sách có một bức tranh, được ghi chú là: Xích sắt và chiếc thang sắt dẫn tới động Hạ Lão. Men dọc theo vách núi đứng sừng sững sẽ đến chính diện Hoa Sơn, đi qua sạn đạo[³] thì có thể đến chỗ ẩn cư của đạo sĩ Hạ Nguyên Hi thế kỷ 13. Sạn đạo trên không là nơi nguy hiểm nhất ở ngọn núi này. Sách của ông mô tả như thế.
Tôi nhớ đã từng đi trên con đường như thế khi tôi đến Hoa Sơn. Chúng tôi có một nhóm người cùng nhau đi trên những thanh gỗ nhỏ hẹp, đung đưa trên không, tay gắt gao cầm chặt dây xích. Phía sau lưng là vực thẳm sâu nghìn trùng cùng tiếng gió gào thét. Nếu nhìn xuống dưới, cảm giác như cơ thể mất hết cả thảy trọng lượng. Nếu rơi xuống chắc đến cả hài cốt cũng không biết đường mà lần.
Trải nghiệm này có được khi tôi hai mươi tuổi. Sự xuất hiện đồng thời của nguy hiểm lẫn tỉnh táo khiến mọi người rơi từ căng thẳng vào một cảm giác bình yên lạ kỳ. Trời đất hiện hữu chung quanh. Cái chết cận kề. Vách đá này cực kỳ gần với chân tướng sự thật của cuộc sống. Nó như con đường xuyên suốt giữa sự sống và cái chết.
Tất nhiên, trải nghiệm này là với người bình thường. Còn những ẩn sĩ đang tu luyện kia, đơn giản chỉ là một đoạn đường qua lại quen thuộc. Các tiểu tu sĩ cũng có thể dễ dàng đi nhanh như thoắt.
Quyển sách cũng có những lời phỏng vấn vài nhân vật tiêu biểu của Đạo giáo và Phật giáo. Người lớn tuổi nhất đã ở cửu tuần[⁴]. Hầu hết họ cư ngụ trên núi quanh năm, sống một cuộc sống đơn giản nhất có thể. Tự trồng khoai và rau, ăn lá và phấn hoa của cây thông. Tuân thủ các giới luật nghiêm ngặt. Giới luật là những yêu cầu tự ràng buộc chính mình. Giới luật làm cho việc tu hành trở nên có thể. Nếu không đặt ra yêu cầu khắt khe cho bản thân, thì sẽ chẳng nhận được gì từ việc luyện tập cả.
Tôi nghĩ khi những người đàn ông người Mĩ đi sâu hơn và tiếp xúc gần hơn với điều ông tìm kiếm, ông sẽ thấy rằng những ẩn sĩ này không phải là những người trong lý tưởng vĩ đại của ông: cuộc sống trên mây, ngồi dưới gốc thông, buông bỏ trần thế, nương theo ánh trăng, chỉ ăn những củ khoai và cây gai. Tất cả những gì cần thiết là đất, một vài bó cỏ tranh, một ruộng dưa, vài cây chè, khóm hoa cúc và giây phút nghỉ ngơi khi mưa gió bão bùng ập đến.
Ngược lại, họ hoặc là mang nặng nỗi cô đơn tột cùng và nghèo khó cùng cực, cư ngụ ở nơi hoang vắng không có lấy bóng người; hoặc là cam chịu sự ồn ào náo nhiệt của du khách, những việc vụn vặt, ăn không ngồi rồi trong chùa; hoặc là bệnh tật triền miên, bình tĩnh chờ đợi cái chết đến gần. Cuộc sống của họ không phải là không có khiếm khuyết. Điểm tương đồng duy nhất giữa họ là một ngọn lửa thuần túy, cháy bỏng mãnh liệt trong tâm hồn. Ngọn lửa của sự cố gắng và tin tưởng vào việc tu hành của bản thân.
"Đạo giáo và Phật giáo tìm kiếm cho mình những điều bất biến. Đây là lý do tại sao họ không theo đuổi danh vọng và tiền tài. Những gì họ tìm kiếm là Đạo, tức là hư vô nơi mà chúng ta được sinh ra và lại trở về chốn đó. Mục đích duy nhất và cuối cùng là hòa mình với tự nhiên này". Một vị Đạo trưởng đã nói trong một cuộc phỏng vấn.
Đối với người sống trong thành phố, ngày ngày nhiễm bụi hồng trần, phải đối mặt với vô số ham muốn, dục vọng lăm le, nếu có thể duy trì việc tu dưỡng bản thân, sống đúng với đạo đức và lương tri, thanh khiết và nhân hậu. Thi những điều vụn vặt, giản đơn này sẽ hóa thành đóa hoa thơm ngát nở rộ trong lòng. Ngay cả khi không ở nơi thung lũng, vực sâu thăm thẳm cũng có thể giữ cho tâm yên tĩnh, bình đạm giữa chốn hồng trần phồn hoa.
Hẳn đây chính là ý tứ mà cuốn sách muốn truyền tải.
---------- Chú Thích ------------
[¹] Bill Porter: dịch giả và là nhà Hán học nổi tiếng người Mĩ. Ông sinh ra với căn bệnh bại não nhưng quyết tâm lạc quan đã khiến ông trở thành đề tài thu hút sự chú ý của giới truyền thông trên khắp nước Mĩ.
[²] Stephen Wilkes là một nhiếp ảnh gia người Mỹ nổi tiếng sinh năm 1957.
[³] Sạn đạo (棧道): đường xây bằng cầu treo hoặc ván gỗ xếp hai bên sườn núi đá, dùng để đi qua các khu vực núi non hiểm trở.
[⁴] Cửu tuần: độ tuổi từ 90 trở đi
Bạn đang đọc truyện trên: TruyenTop.Vip