J - Justice

Năm tôi học lớp Bảy, giữa tôi và Phong bắt đầu có một khoảng cách vô hình. Đó là thứ cảm giác xa cách pha lẫn với hối tiếc khi chúng ta buộc phải lớn lên, phải từ giã những trò như chơi búp bê, bắn bi, cá sấu lên bờ để bàn luận về vô vàn vấn đề của tuổi dậy thì. Tôi và Phong không ghét nhau, nhưng chúng tôi cũng không có nhiều thời gian cho nhau như trước. Phong lao vào chơi game, đọc truyện tranh trinh thám với truyện kinh dị. Thành ra mỗi ngày đến lớp cậu ta ngủ nhiều hơn là học. Còn tôi, tôi bắt đầu chơi với Ngọc Anh - người mà tôi có thể "vay" tạm một cái băng vệ sinh khi đột ngột đến kỳ kinh nguyệt.

Tôi không phải một đứa thiếu kiến thức đến mức nghĩ rằng nắm tay hoặc hôn nhau là có thai, nhưng với tôi thì kinh nguyệt vẫn giống như một kiểu cực hình. Tôi đã thấy những bạn gái mặt xanh mét, những người phụ nữ trưởng thành phải nhập viện vì suy kiệt, những cô những bác gái phải nằm bẹp dí trên giường vì đau bụng, đau lưng, vì buồn ngủ, mệt mỏi, trầm uất hoặc do mặt nhiều mụn quá không dám ra đường. Tôi không có những triệu chứng ấy. Tôi, và tôi biết nhiều bạn nữ khác hồi đó cũng như tôi, rất sợ có cái gì đó dây ra quần. Chính vì thế mà khi chuẩn bị vào trung học phổ thông, tôi nhất quyết chọn một trường không bắt nữ sinh mặc áo dài trắng vào thứ Hai hay dịp lễ. Áo dài thì đẹp thật, nhưng đẹp không phải là lý do để đánh đổi sự tự tin và thoải mái của những nữ sinh. Nữ sinh tuổi dậy thì đã có quá nhiều cái để lo lắng rồi. Chúng tôi chẳng làm gì tội lỗi đến mức để bị các bạn nam cùng trường cười nhạo hô hố.

Thật ra thì đến nay, khi ngồi kể lại những câu chuyện kỳ dị mà tôi từng gặp cho các bạn nghe, tự dưng tôi nhớ ra nhiều việc. Hóa ra là hồi trung học cơ sở con trai và con gái cũng có thể chơi chung. Có điều là bọn tôi không thể tự nhiên quàng vai bá cổ nhau, ôm nhau mỗi khi một trong hai đứa buồn hoặc chỉ cần nháy mắt một cái là đứa này hiểu đứa kia muốn gì. Nếu hồi đó tôi và Phong có bất cứ cử chỉ nào như thế, hoặc giả như Phong kết thúc câu nói của tôi, hoặc tôi vỗ vào mông Phong như một kiểu chào hỏi lỗ mãng thì hẳn là cả trường sẽ đồn ầm lên là tôi với thằng bạn thân sắp lấy nhau đến nơi.

Năm tôi học lớp Bảy, vì là cán bộ lớp, tôi bắt đầu nói chuyện với bạn bè nhiều hơn. Tôi không thích nói quá nhiều, nhưng cây muốn lặng mà gió chẳng ngừng. Nhất là thằng Minh. Lớp tôi và cả những lớp khác chẳng ai gọi nó bằng tên thật.

Tên đầy đủ của Minh là Tống Công Minh - trùng tên với nhân vật có thể coi là gây nhiều tranh cãi nhất trong "Thủy hử" của Thi Nại Am. Mọi người thường gọi thằng này là Tống Giang để phân biệt với những thằng khác cũng tên Minh. Những thằng Minh khác nổi tiếng vì cái gì thì chắc phải mất một lúc tôi mới nhớ ra nổi, còn thằng Tống Giang này nổi tiếng vì nói nhiều. So với nhân vật Tống Giang trong truyện, thằng Tống Giang lắm mồm lớp tôi không có điểm chung gì, đặc biệt là mặt trí tuệ. Ông Tống Giang có thể được coi là dạng gian hùng, còn thằng Tống Giang thì phải đợi thời gian trôi qua mới chứng minh được là nó thuộc cùng một giống loài với tôi.

Đừng hiểu nhầm, tôi không ghét bỏ gì Tống Giang mặt trắng bạn tôi. Bằng chứng rõ ràng là tôi không hề dùng những tính từ khủng khiếp để gán lên mặt nó cho dù từ đầu chương này, tôi có thừa cơ hội để làm điều đó một cách hết sức dễ dàng.

Tống Giang mặt trắng lắm mồm ngồi ngay cạnh tôi. Tôi biết tương đối rõ những thói hư tật xấu của nó. Như tôi từng nói, người có tật xấu không có nghĩa là người xấu. Có những người khạc nhổ đầy ra đường, ngồi ăn cơm với ai cũng đánh rắm bùm bùm, cười thì hi hi he he hé hé hé há há hố hố hố tổ sư buồn cười thế, nhưng họ chẳng bao giờ tơ hào của ai một đồng. Trên đời này cũng không thiếu những ông già sáu mươi bảy mươi, mặt nom hiền từ phúc hậu như chân dung lãnh tụ treo trong lớp học nhưng hễ có cơ hội là thọc tay vào váy các bé gái dưới mười hai tuổi. Cho nên trong mắt tôi, Tống Giang vẫn còn là một người tốt. Chừng nào tôi chưa thấy ai làm việc xấu xa bẩn thỉu, thì người ấy vẫn còn là một người tốt.

Tống Giang chứng minh rằng nó là một người tốt.

Vào cái buổi chiều mà tôi và Tống Giang mặt trắng phải ở lại trực nhật cuối giờ, thằng bạn cùng bàn lắm mồm của tôi đã nghe thấy một tiếng khóc phát ra từ trong nhà vệ sinh.

Lại là nhà vệ sinh. Ôi! Nhà vệ sinh! Trong tất cả các loại chuyện ma quái được kể trong trường học thì truyện ma nhà vệ sinh chiếm phải đến chín mươi chín phẩy chín phần trăm. Có lẽ vì bản chất nhà vệ sinh trong trường học vốn đã là một thứ đáng kinh khiếp. Trong sổ tay kinh nghiệm mười mấy năm đi học của tôi thì nếu như đi vào nhà vệ sinh mà thấy bồn cầu đóng nắp thì đừng có ngu dại mà mở ra kẻo ân hận suốt đời. Chưa kể là trong nhà xí lúc nào cũng có vô khối chuyện ma quỷ. Bất cứ ngôi trường nào mà tôi đặt chân đến đều có chuyện ma, và trong số chuyện ma trường học đó lúc nào cũng có ma trong nhà vệ sinh.

Tôi không sợ ma, cho dù là con ma nữ khóc lóc nỉ non trong nhà xí hay là một bài kiểm tra không tên bị thừa ra dính đầy những máu. Nhưng tôi không sợ thì thằng Tống Giang mặt trắng lại sợ. Mặt nó bình thường đã trắng hôm nay lại càng trắng hơn. Nó lấy hai đầu ngón tay kéo vai áo tôi như một thằng em nhát gan đang van xin chị gái đừng dọa ma nó nữa. Tôi cau mày hỏi:

- Mày bảo sao? Có người khóc trong nhà vệ sinh à?

- Ừ! Mày có nghe thấy không?

- Nghe thấy. - Tôi thừa nhận. Cái gì không thì tôi bảo không, cái gì có thì tôi nói là có.

- Hình như là tiếng... người đúng không? Là người đúng không hả mày? - Tống Giang hỏi tôi. Nhưng câu nói của nó không giống câu hỏi chút nào. Hình như nó đang đưa ra một phán đoán, không phải là cái nó tin tưởng nhất nhưng là cái nó mong muốn nhất và chờ tôi xác nhận.

Tôi lắng tai nghe thật kỹ. Đúng là tiếng khóc thật. Những gì từng xảy ra suốt thời thơ ấu khiến tôi đặc biệt nhạy cảm với tiếng khóc. Con người khóc khi buồn, khi vui, khi đau khổ, khi hạnh phúc. Nếu như không nghe kỹ thì bạn chẳng tài nào phân biệt nổi sắc thái của nước mắt và tiếng khóc. Còn tôi, tôi đã nghe thấy nó và cảm nhận được nó như cái cách người ta nối một sợi chỉ căng ngang giữa trái tim mình và trái tim người khác.

Tôi gạt tay Tống Giang ra và bảo:

- Để tao xem nào! Hình như là con gái.

Tống Giang thấy tôi tỏ ra cứng cỏi thì cũng bớt sợ hơn. Nó thở phào một hơi nhẹ nhõm nhưng vẫn hỏi tôi bằng giọng lo âu:

- Mày bảo để mày xem là sao? Mày định làm gì?

- Thì vào xem ai đang khóc!

- Mày điên à! - Tống Giang rên lên. - Lỡ đấy là ma thì sao?

- Tao là ma đây! - Tôi trợn mắt, lè lưỡi ra.

Thằng bạn chết nhát co rúm người lại:

- Đừng có đùa thế! Thế... có nên vào xem không?

- Ừ thì tao vào! - Tôi nhún vai.

Tống Giang hốt hoảng níu áo tôi:

- Ấy ấy từ từ! Lỡ là... ma thì sao?

- Nhỡ là người thì sao?

- Là người... là người thì phải vào xem người ta bị làm sao chứ?

- Thì tao vào xem!

Nói rồi tôi bỏ thằng Tống Giang lại trong lớp, một mình đi vào trong nhà vệ sinh nữ. Đúng như tôi dự đoán, buồng vệ sinh ở trong cùng bên phải có hai cái chân thò ra. Hai cái chân đó đi giày Converse, loại giày mà hồi đó rất hot và chỉ đứa nào nhà giàu mới có cơ hội được đi đồ hiệu. Tôi ngồi thụp xuống, nhìn kỹ hơn hai cái chân. Đôi cẳng chân nhỏ và gầy tong teo như chân cò hương, nhét trong cặp ống quần bó sát sàn sạt vào da thịt. Lại cái mốt quần ống côn! Trong trường tôi và những trường khác hồi đó không thiếu gì những đứa con gái chạy theo thời trang một cách mù quáng. Chúng nó tìm mọi cách để được mặc những cái quần bó nhất, bó hết sức có thể đến trường, nhất là legging và jegging, bất chấp việc hàng tá người nhìn thấy đường viền quần lót và cả hình tam giác giữa hai chân. Tôi ngán ngẩm thở dài. Có lẽ cái đứa con gái đang khóc như chết cha chết mẹ kia cũng là một dạng như thế. Chúng nó mải mê chạy theo hàng đống những cái vớ vẩn ở trên internet, những cuộc cãi vã không hồi kết chỉ vì ngứa mắt con này thấy ghét con kia rồi giải quyết mâu thuẫn bằng một cuộc hẹn đẫm máu sau giờ học. Tôi chính là một đứa phải đi giải quyết mấy chuyện như thế đầu tiên, đi báo cho giáo viên và giám thị rồi nhận lấy ánh mắt kỳ thị của bạn học. Nếu có bất cứ đứa nào hỏi tôi:

- Việc quái gì phải làm chó săn? Phải làm tay sai? Mày đừng có tưởng mày giỏi! Mày có tin tao đập chết mẹ mày bây giờ không?

Giá mà bọn nó biết được rằng sự dọa nạt đó so với tôi không nặng đáng một kí lô nào. Giá mà chúng nó hiểu rằng cách đơn giản nhất để không bị phạt là đừng có làm gì khiến mình có nguy cơ bị phạt.

Nhưng như tôi đã nói nhiều lần, tôi không coi ai đó là người xấu chỉ vì họ có vài hành vi lệch chuẩn. Ngay cả người có tội cũng có người lĩnh án vài năm, có người lĩnh án chung thân, có kẻ lại phải chịu tử hình. Trước mặt tôi bây giờ, cách một cánh cửa làm bằng gỗ ép, chỉ là một đứa con gái đang khóc.

Tôi hít một hơi thật sâu, cố quên đi mùi khai thối trong nhà vệ sinh và gõ nhẹ lên cánh cửa:

- E hèm... Bạn có sao không?

Cô bạn kia không trả lời nhưng cũng ngừng khóc. Điều đó khiến tôi an tâm hơn phần nào. Ngừng khóc tức là đã bình tĩnh hơn ít nhiều. Bĩnh tĩnh sẽ dễ làm việc hơn, sáng suốt hơn và mọi chuyện trở nên dễ giải quyết hơn.

Tôi lại gõ nhẹ vào cánh cửa và hỏi câu thứ hai:

- Bạn có cần mình giúp gì không?

Người kia không trả lời. Tôi bèn gõ vào cánh cửa thêm một lần nữa. Cánh cửa bị tháo chốt không biết từ lúc nào, làm tôi suýt nữa thì ngã cắm đầu vào bồn xí. Tôi loạng choạng mất mấy giây. Khi đã lấy lại thăng bằng, tôi mới nhận ra ngoài mình thì chẳng còn ai ở trong cái buồng vệ sinh này. Tôi mơ hồ đoán ra rằng mình đã gặp một con ma mít ướt. Có lẽ nó cần được ai đó lắng nghe. Tôi đã nghe thấy tiếng khóc của nó, giúp cho linh hồn đáng thương ấy cảm thấy được an ủi. Chắc là nó đã đi đầu thai, hoặc lên thiên đường hoặc là tan biến vào hư không.

Tôi yên tâm như thế, và khi tôi toan bước ra ngoài thì cánh cửa buồng vệ sinh như bị một thế lực vô hình chặn lại.

Hình như có cái gì đó không đúng. Mỗi nhà vệ sinh đều có năm buồng. Chỗ tôi vừa bước vào là buồng trong cùng bên trái. Tức là nếu tôi ngồi thụp xuống theo đúng tư thế của người đang giải quyết nỗi buồn thì bên tay trái tôi là bức tường, còn bên phải là một đôi chân khác đang nhịp nhịp để chờ thời gian trôi qua.

Nhưng sao cả hai bên lại đều là tường thế này?

Chợt tôi nghe thấy tiếng chân đạp cửa rất mạnh. Có kèm theo cả tiếng kính vỡ loảng xoảng. Ai đó vừa đạp vào cửa phòng vệ sinh. Liền sau đó có thêm tiếng bước chân nặng nhẹ không giống nhau. Tôi cố gắng thở nhẹ hết sức, trong lòng tự dưng thấy cực kỳ lo lắng mà không biết vì sao.

Lúc này, tôi nghe được một giọng nữ nặng trịch, nhấn nhá lung tung:

- Con Thùy đâu rồi? Đem con chó cái đấy vào đây đi!

- Đây này. Đánh chết mẹ nó đi! - Một giọng con gái khác choe chóe hét lên. Hẳn người này là Thùy.

- Bé mồm thôi mày ê!

Người vừa nhắc câu "bé mồm thôi" có chất giọng rất dịu dàng dễ nghe không thua gì phát thanh viên truyền hình. Thoạt nghe qua là tôi nhận ra ngay người nói chính là Ánh Cave. Ánh Cave thì tôi chẳng lạ gì. Từ những lỗi lặt vặt như chửi bậy, xả rác, đi học muộn hay là mặc sai đồng phục cho tới trốn học, đánh nhau, chỗ nào cũng thấy mặt Ánh Cave. Ánh Cave hơn tôi ba tuổi, lẽ ra đang học lớp Mười thì lại học lớp Tám do bị đúp tận hai năm. Cô giám thị đã cho tôi biết gia đình Ánh phải làm bản cam kết rằng chị ta sẽ không thi vào trung học phổ thông để làm ảnh hưởng đến thành tích chung của trường, bù lại thì Ánh sẽ được học để lấy nốt bằng tốt nghiệp trung học cơ sở.

Tôi rất ngán những đứa như Ánh Cave. Cái kiểu lầy nhầy và tỏ vẻ ta đây giang hồ đó nếu so với những kẻ đứng trong bóng tối để giật dây vô số hoạt động phi pháp thì Ánh Cave còn không bằng một cô cave thật sự. Ánh Cave dĩ nhiên là cái tên những đứa khác gọi sau lưng, còn Ánh thì chỉ chấp nhận duy nhất một biệt danh là Ánh Nhít, nghe có vẻ đáng yêu, có vẻ dễ thương.

Cơ mà tại sao Ánh cave lại ở đây vào giờ này?

Tôi cố gắng lắng tai nghe và nhận ra một giọng nói thứ tư:

- Này! Cậu làm gì thế hả?

Vừa lúc đó, một vật màu đỏ bị ném xuống chân tôi. Tôi nhận ra ngay đó là một cái băng đeo vai của sao đỏ. Tôi nhanh tay nhặt lên. Lũ sao đỏ bọn tôi thường xuyên viết tên và lớp của mình vào mặt trong.

"Nguyễn Thanh Hương 7A"

Nguyễn Thanh Hương lớp 7A à? Trong cả đội sao đỏ do tôi đứng đầu hiện tại không ai có cái tên như thế. Tôi là đứa duy nhất có tên Hương trong nhóm.

Tôi bỗng nhớ ra một câu chuyện mà tôi được nghe từ khi mới vào trường. Đó là chuyện một chị sao đỏ học lớp Bảy bị Ánh Cave và các bạn đánh hội đồng chỉ vì dám ghi tên Ánh vào sổ với tội hút thuốc. Những chuyện sau đó bị bưng bít đi, còn tôi cũng không nghe thêm được chuyện gì về Thanh Hương. Nghĩ về tiếng khóc vừa rồi, về những gì tôi vừa nghe thấy, về tình cảnh của tôi lúc này, về cái băng sao đỏ tôi đang cầm trên tay, tôi biết mình lại gặp thêm một chuyện kỳ lạ nữa.

Thời gian giống như một con tàu dài vô tận, và lúc này đây, tôi vừa lạc vào một khoang khác của con tàu ấy.

- Mày có tin là tao cho người hiếp chết mày không? Hả? Hả?

Mỗi lần giọng chửi của Ánh Cave gầm lên là một lần tôi nghe thấy tiếng tát bôm bốp vào mặt. Cái mặt đáng thương ấy hẳn là mặt Thanh Hương. Chị Thanh Hương - lạ làm sao, không kêu một tiếng nào. Hình như chị ấy bị tát đến độ sùi bọt mép, nên tôi nghe tiếng ho sặc sụa rồi khạc nhổ xuống sàn.

Ánh Cave nói như ra lệnh:

- Du! Giữ tóc nó lại! Con này là phải mạnh tay cho nó chừa đi!

- Bỏ ra! - Thanh Hương kêu lên bằng giọng thất thần. - Không! Này! Làm gì thế?

Qua khe hở dưới chân, tôi thấy những lọn tóc đen dài bị cắt một cách tàn nhẫn rơi lả tả xuống sàn. Tôi muốn xông ra, nhưng cánh cửa đã không còn mở được từ lúc nãy. Tôi hiểu rằng vị trí của mình trong câu chuyện này chỉ là một người chứng kiến, một thính giả nghe đài mà thôi. Thay vì nghe chuyện kể đêm khuya, lần này tôi nghe toàn những lời chửi bới, nguyền rủa, đe dọa. Vốn liếng ngữ vựng của tôi suốt mười hai năm chắc không thể nào sánh kịp với số lượng những từ chửi bậy của Ánh Cave và đồng bọn.

Khi những lọn tóc cuối cùng bị cắt xuống, tôi bỗng nghe buồng bên cạnh có tiếng xả nước. Ủa? Không phải cả hai bên đều là tường sao?

Chỗ vừa xả nước có tiếng con gái nói vọng ra:

- Ê mày biết gì không? Hôm qua chị Ánh Nhít đánh con Hương lớp 7A gần chết luôn! Xong còn cắt cả tóc nó nữa!

- Ánh nào? Ánh Cave ấy hả?

- Suỵt! Mày nói bà ý thế, đến tai bà ý thì mày chết!

Buồng bên cạnh lại có thêm tiếng xả nước.

- Mày định gọi người đến úp sọt con Trà à?

- Ờ! Đánh chết mẹ nó đi! Dám bảo tao là làm đĩ.

- Úi giời để ý làm cái đ. gì hả mày? Một ngày có bao nhiêu người chửi mình thì mình phải đánh ngần ấy người à?

- Không đánh nó nó lại tưởng tao sợ nó! Tao nói cho chị Ánh Nhít rồi!

- Mày quen Ánh Nhít à?

- Ừ. Bà ý bảo là bà ý sẽ mang cả acid đến đấy!

Lại thêm một tiếng xả nước nữa vang lên. Lần này thì tôi không nghe thấy tiếng người nói chuyện nữa. Một dòng chất lỏng đỏ đặc quánh chảy loang lổ trên mặt đất. Không có tiếng người nói, chỉ thấy máu. Máu nói thay cho người.

Tôi lại nghe thêm một tiếng xả nước. Lần này thì nước dềnh lên rất nhanh, tẩy sạch chỗ máu bên dưới và ngập đến bắp chân. Tôi đành leo lên bồn cầu để đứng cho khỏi bẩn giày.

- Ôi giời! Mưa gió lụt lội thế này thì kiểu gì mà chẳng ngập vào tận trong trường! Sao không thông báo sớm sớm để học sinh biết đường mà nghỉ nhỉ?

- Trường thì chỉ lo cho trường chứ lo cái gì cho học sinh! Hứ! Ngu dốt mặc bây tiền thầy bỏ túi mà lị! Học sinh cắt cổ tay tự tử chết trong trường mà bưng bít nhanh lắm!

- À ừ thì phải nhanh chứ! Thế bố mẹ con bé đấy không nói gì à? Không... không mè nheo gì à?

- Chẳng mè nheo gì cả vì có biết gì đâu? Con riêng của vợ mà!

- À à...

Tôi cau mày, vừa đứng chênh vênh trên bồn cầu vừa suy nghĩ. Cánh cửa trước mặt tôi đột ngột hé ra, đủ cho một cánh tay trắng xanh thò vào. Trên cánh tay đầy những vết cắt, có vết vẫn còn rỉ máu. Tôi thò tay vào trong túi, lấy cái băng sao đỏ ra và đặt lên bàn tay kia. Trước khi rụt tay lại, tôi thở dài và nói:

- Em không biết làm cách nào để giúp chị được. Nhưng mà... em nghĩ là chị nên... nên quên đi. Mọi thứ kết thúc rồi. Chắc cũng phải ba năm rồi hoặc là hơn.

- Cái này... cho em.

Bàn tay ma quái đẩy chiếc băng sao đỏ cho tôi. Tôi không biết phải từ chối thế nào, đành phải nhận. Chẳng biết nếu mình giữ thì có vấn đề gì không. Tôi toan nói câu cảm ơn thì giọng nói kia lại vọng về từ cõi khác:

- Tôi... tôi quên. Nhưng mà bạn tôi không quên...

Cánh tay rụt lại. Tôi mở cửa ra thật nhanh. Cơ mà con ma đã hoàn toàn tan biến. Con ma không muốn gặp tôi, không muốn cho tôi thấy mặt.

Tôi cất món quà của con ma vào túi rồi thử mở cửa. Cuối cùng cũng mở được.

Thằng Tống Giang nhát gan vẫn còn đang ở trong lớp. Thấy tôi, Tống Giang hỏi, mắt ngó láo liên:

- Có gì không? Sao nhanh thế? Có ma không?

- Ma quái gì? Ờm... có đứa nó... nó bị đau bụng ấy mà! - Tôi nói dối.

- Đau bụng à? À... tao biết rồi! - Tống Giang nhe nhởn. - Bị... bị bệnh con gái đúng không?

- Ờ bị bệnh con mẹ mày đấy thằng chết nhát!

- Ơ? Sao tự nhiên lại chửi tao?

*****

Tôi rời khỏi phòng Truyền thống của trường, không quên cảm ơn và chào thầy Tổng phụ trách Long. Thầy Long rất hay sai vặt tôi, từ những việc vớ vẩn như đi lấy đồ cho thầy cho đến chạy quanh trường để lấy sĩ số lớp. Cho nên khi tôi hỏi thầy là phòng Truyền thống trong trường có gì, thầy ngay lập tức sốt sắng hỏi tôi có muốn vào xem không. Tôi cười:

- Vâng ạ. Thế con làm phiền thầy vậy.

Bước vào phòng Truyền thống, thứ đầu tiên mà thầy chỉ cho tôi là mấy cái cúp và cờ thi đua. Tôi chẳng quan tâm lắm. Tôi nhớ là tất cả các đội trưởng đội sao đỏ, dù không có chức sắc gì trong chi đội thì vẫn được gọi đi dự đại hội liên đội hàng năm, trên phiếu dĩ nhiên cũng không thể thiếu tên chúng tôi và trong bức ảnh chụp chung cũng sẽ có mặt bọn tôi. Tôi nhanh chóng nhìn thấy bức ảnh có tôi đứng lẫn trong đó và đưa chuyện:

- Thế này thì con cũng là một phần truyền thống của nhà trường đúng không ạ?

- Tất nhiên rồi! Tất cả mọi học sinh trong trường đều góp phần xây dựng nên truyền thống của một ngôi trường.

- Và cũng có những người phá hủy nó. - Tôi nói nhỏ, chẳng biết thầy Long có nghe thấy không.

Ánh mắt tôi bắt trúng một nhân vật tóc dài đứng ở trung tâm tấm ảnh gần đó.

- Đây là... có phải là...

- À! Đây là chị Hương! Cũng là Hương giống em mà là Thanh Hương cơ. Bạn này cũng là đội trưởng đội sao đỏ. Bây giờ đang học lớp Mười trường Hồng Chuyên đấy.

Nghe thầy nói thì tôi chưng hửng. Nếu đúng như lời thầy Long thì Thanh Hương vẫn còn sống nhăn răng và đang học tại một trường nổi tiếng vì toàn bọn đầu có sỏi. Thế thì con ma mà tôi đã thấy trong nhà vệ sinh là ai? Tôi lén nhìn mặt thầy Long. Rõ ràng cái mặt đó là mặt của một người hoàn toàn trung thực và rất đỗi tự hào về học sinh cũ của mình. Trong lúc tôi còn đang băn khoăn về sự tỉnh táo của mình thì tôi nhìn thấy một bức ảnh khác trong góc của tủ kính nên bị che đi quá nửa, khiến tôi muốn nhìn rõ thôi mà suýt lác lòi con mắt. Bức ảnh chỉ chụp một người duy nhất đang mặc quần ống côn và áo thun, tay cầm hoa đứng trên sân khấu. Hội diễn văn nghệ thường niên vào dịp 20 tháng Mười Một. Tôi nhận ra ngay đôi giày Converse và cái quần. Bên dưới đề tên và lớp. Tôi lẩm bẩm đọc:

- Đinh Xuân... Thùy à?

- Hả?

Thầy Long quay ra nhìn tôi. Tôi thì chẳng buồn để ý đến thầy mà quay đi chỗ khác, coi như mình chưa thấy gì. Chuyến tham quan phòng Truyền thống tiếp tục, một bên thì sốt ruột, một bên thì lo lắng. Khi rời khỏi đó, tôi không quên chào tạm biệt thầy Long. Nghĩ thế nào, tôi lại đằng hắng và nói với thầy bằng giọng xa xôi:

- Thầy ạ, con nghĩ là... có vài chỗ sắp xếp không được... ờm... rõ ràng.

- Ừ.

Thầy chẳng nói gì thêm. Nhưng tôi không tài nào nhịn nổi:

- Con chỉ thấy là... không ai muốn bị lãng quên thôi thầy ạ.

Nói rồi tôi bỏ đi luôn. Tôi còn việc khác để làm. Còn một ván bài nữa để đánh cược.

Tôi hít một hơi căng lồng ngực rồi bước vào lớp 8G. Lớp của Ánh Cave. Tôi túm lấy một thằng có vẻ ngáo ngơ và thì thầm vào tai nó mấy câu. Thằng đó há hốc mồm nhìn tôi, hai mắt trợn ngược. Mấy giây sau nó mới lắp bắp:

- Này... này! Không... đây không phải trò đùa đâu nhá! Mày muốn chết à? Muốn chết à?

- Ờ. - Tôi nhăn răng cười.

Tất nhiên tôi không ngu đến độ đứng im một chỗ cho Ánh Cave và đồng bọn làm thịt. Tôi chạy về phía lớp mình. Hình như từ bé đến lớn tôi chưa bao giờ chạy nhanh như thế, ngay cả những lần bị chó đuổi cắn hay là để quên đồ trên xe taxi. Vừa chạy, tôi vừa lẩm bẩm cầu nguyện cho mình và cho cả những người còn sống lẫn đã chết. Tôi cầu nguyện cho tôi, cho thằng Tống Giang mặt trắng đã nghe thấy tiếng khóc từ thế giới bên kia, cho chị Thanh Hương và cho linh hồn của chị Thùy. Sau cùng, khi nghĩ đến những gì có thể xảy ra, tôi cầu nguyện cho Ánh Cave và đồng bọn.

Sau lưng tôi, Ánh Cave đuổi theo sát nút. Vì nó hơn tôi tận ba tuổi, nên so về sức vóc tôi không thể đọ được. Tôi phải chạy vào trong nhà vệ sinh. Đấy là lối chết và cũng là đường sống duy nhất mà tôi có.

Ánh Cave đã đuổi sát tới nhà vệ sinh. Chỉ có một mình nó, không kèm thêm ai khác. Nó lao vào nhà vệ sinh nữ theo cái cách một con bò tót húc thẳng vào tay đấu sĩ. Mấy đứa con gái đang túm tụm bên trong thấy Ánh Cave thì run lên như cây sậy trước gió. Chẳng ai bảo ai, cả bọn đều hiểu rằng chị Ánh Nhít đang điên tiết với một con ngu si nào đó vừa trêu chị, và muốn sống thì nên đi khỏi đây, coi như mình chưa từng thấy cái gì hết. Ánh Cave xông vào từng buồng một. Cơ mà nó không thể bắt được tôi.

Bởi lúc đó tôi đang ở trong nhà vệ sinh nam. Tôi đường hoàng bước qua lưng mấy thằng con trai đang vạch quần tổ chức cuộc thi đái cao, đái xa, đái ba bước và chọn một buồng còn trống để trốn vào. Tầm một phút sau khi không còn nghe thấy tiếng gào thét chửi rủa của Ánh Cave nữa, tôi mới bước ra. Đám học sinh chui hết vào trong lớp, không ai dám mách thầy cô, càng không dám đứng xớ rớ xung quanh chiến trường, chỉ sợ tên bay đạn lạc. Tôi đứng nép vào một góc, ghé mắt trông thấy Ánh Cave đang soi mắt xuống một khoảng hở. Buồng vệ sinh nữ trong cùng bên trái.

Ánh Cave hình như vừa nhìn thấy cái gì đó, nên nó đạp phải đến mười phát vào cánh cửa vốn đã chẳng chắc chắn gì cho cam. Vừa đạp nó vừa chửi. Chửi chán thì lấy gáo múc nước hắt vào trong.

Cái khe hở của buồng vệ sinh bỗng hắt ra thứ ánh sáng đỏ như máu. Ánh Cave bị luồng sáng chiếu thẳng vào mắt thì đờ người ra. Nó ngã ngửa ra rồi cuống quýt đứng bật dậy, chạy lao ra ngoài. Thấy mặt tôi, Ánh Cave thét lên như một con súc vật bị chọc tiết:

- Không! Không! Tránh xa tao ra!

- Này! Chị bình tĩnh!

Đến lúc này thì tôi cũng không hiểu điều gì đang xảy ra. Ván cược này tôi chỉ nghĩ ra trong lúc nhìn thấy bức ảnh chị Thùy bị nhét vào một góc. Tôi còn chẳng biết ma có hiện ra nhát Ánh Cave hay không. Giờ thì rõ ràng là có. Nó nhìn tôi bằng cặp mắt kinh sợ.

- Mày! Mặt của mày!

- Hả? - Tôi lấy hai tay sờ lên mặt mình. - Chị bảo mặt tôi làm sao?

- Mặt mày! Da mặt của mày!

Một đám học sinh không nén nổi tò mò từ trong lớp tôi và các lớp bên cạnh bước ra. Chúng nó không hiểu mặt tôi có gì kinh dị khiến cho Ánh Cave nổi tiếng hổ báo phải sợ đến thế?

Ánh Cave quay lưng lại toan bỏ chạy thì nó lại thét lên be be:

- Chúng mày cút hết đi! Mặt của chúng mày... Cút! Cút đi!

Mặt tôi làm sao? Mặt bọn kia làm sao? Tôi không hiểu chuyện gì đang xảy ra hết.

Tôi tính nói vài câu để đuổi bọn kia về lớp rồi trấn an Ánh, nhưng nó đã phát rồ. Nó luýnh quýnh leo qua lan can để thoát khỏi những khuôn mặt đáng sợ chỉ có trong tưởng tượng của nó. Dù sao đây cũng là tầng một. Ánh Cave chạy vài bước thì đến chỗ nhà để xe. Nó muốn lái xe về. Nó là đứa duy nhất trong trường đi xe máy. Cái xe tay ga trắng của Ánh bỗng phóng vụt ra, tông thẳng vào người Ánh khiến nó ngã lăng qua một bên. Người ngồi trên xe tóc dài che kín mặt, mặc áo thun quần côn, đi giày Converse. Giữa thanh thiên bạch nhật người ấy cán qua người Ánh Cave thêm mấy lần nữa, mặc cho bọn học sinh ôm nhau la hét. Tôi đứng bụm chặt miệng mình nhìn bộ mặt của Ánh bị cán cho nát bươm. Đến khi Ánh chỉ còn thoi thóp nằm trong vũng máu, người kia mới quay trở vào nhà để xe tăm tối. Rất nhanh, hình dáng con gái mặc áo thun quần côn đi giày Converse bị nuổt chửng giữa một tá xe cộ.

*****

Ngày 20 tháng Mười Một năm đó, tôi có dịp gặp chị Thanh Hương. Chị Thanh Hương quay về trường thăm thầy cô giáo. Tôi lại gần bắt chuyện với tư cách là đàn em và cùng giữ chức đội trưởng đội sao đỏ. Chị Thanh Hương tặc lưỡi, im lặng một lúc rồi nói:

- Chị có nghe chuyện... Ánh bị tai nạn đúng không?

- Vâng.

- Hồi chị làm sao đỏ thì Ánh đã nổi lắm rồi. - Thanh Hương thở dài. - Có một người bạn của chị bị Ánh bắt nạt rồi... rồi...

Tôi vỗ lên vai chị Thanh Hương và nói:

- Chuyện đó em cũng biết! Chị không phải kể. Em không nghĩ gì đâu!

- Nhưng mà... chị hèn quá! Nếu như chị không sợ bị cắt tóc lần nữa thì... chị vẫn làm sao đỏ! Chị vẫn có thể bảo vệ Thùy...

Tôi nhớ đến lời nói của hồn ma trong lúc ở nhà vệ sinh.

Tôi quên. Nhưng mà bạn tôi không quên.

Tôi lấy ra cái băng sao đỏ mà tôi nhặt được trong nhà vệ sinh. Nó đã rời bỏ chủ nhân mình ở quá khứ. Giờ thì nó được hội ngộ với Thanh Hương ở hiện tại.

Thanh Hương lật cái băng sao đỏ. Thấy dòng chữ được ghi bằng bút bi ở mặt trong thì mặt chị hơi biến sắc. Nhưng rất nhanh, chị chuyển từ buồn đau, ngạc nhiên sang hạnh phúc. Chị ấn cái băng sao đỏ vào tay tôi và nói:

- Cái này tượng trưng cho công lý đấy! Em xứng đáng được giữ nó! Em biết mà! Đúng không, Hương?

Bạn đang đọc truyện trên: TruyenTop.Vip