Chương 1: Đồng Nhãn

Chương 1: Đồng Nhãn

Giờ Sửu, ngày mồng Bảy tháng Bảy.

Mưa phùn giăng mắc, phủ lên bãi bồi ven sông Cả một lớp sương mờ ẩm ướt. Dòng nước lặng lờ trôi, cuốn theo những vạt lục bình trôi nổi dập dềnh. Đêm nay, làng Cổ Lũng chìm trong tĩnh mịch. Không một tiếng chó sủa, không một bóng người. Con đường đất dẫn vào đình làng cũng chìm vào bóng tối, hoang vu đến rợn người.

Tiếng mõ lốc cốc vang lên từ nội viện, khô khốc như gõ thẳng vào tim người, từng nhịp từng nhịp, kéo dài mà rền rĩ. Nơi đó, Phủ Vân lập riêng một bàn thờ Thập Điện Minh Vương[1]. Là Tế Chủ[2] làng Cổ Lũng, ông được giao quyền cai quản đình làng và giữ gìn những nghi lễ trấn an vong linh. Suốt ba năm nay, chính ông là người tự tay lập đàn, trấn giữ âm môn[3] ở vùng này.

Dưới ánh sáng lập lòe của ngọn đèn dầu đã sắp cạn, hậu đình chìm trong bóng tối lờ mờ. Mười pho tượng Thập Điện Minh Vương dựng thành một hàng dài sát vách, khuôn mặt được chạm khắc, nghiêm khắc đến dữ tợn, đôi mắt sáng bừng tựa như có thể nhìn thấu và phán xét hết mọi thiện ác của chúng sinh. Trên hương án, những án thư gỗ lim cũ kỹ phủ đầy bụi dày đặc, giấy vàng bạc chất từng lớp, bay phần phật mỗi lần có cơn gió lạnh lùa qua khe cửa. Mùi khói hương trộn lẫn với mùi gỗ ẩm mốc, lan tỏa trong không gian, làm không khí càng thêm đặc quánh, khó thở.

Thầy Phủ Vân ngồi xếp bằng, trước mặt ông là một vật nặng nề, là một vật làm trong đồng đen, tròn bằng lòng bàn tay, bề mặt khắc chi chít những phù văn cổ ngữ đã phai mờ. Nổi bật chính giữa là một con mắt khắc nổi, đồng tử lõm sâu, và đen tuyền.

Đây là Đồng Nhãn, tương truyền nó là con mắt của Thiên Cổ Thần, nhìn thấy linh hồn người chết, soi rõ nhân quả ba đời.

Đứng trong góc hậu đình, gã gia đinh[4] thân cận nhất của Phủ Vân, một lão già tóc bạc với dáng gầy khô, họng nuốt khan, tay thì siết chặt chuôi dao bạc đeo bên hông. Đôi bàn tay nhăn nheo run rẩy bấu chặt lấy vạt áo sẫm màu, mồ hôi rịn ra trên trán, dù khí đêm lạnh buốt. Lão ông khẽ liếc nhìn ra sân, giọng khàn đặc như nuốt phải một cục than nóng:
“Thầy có chắc... có chắc muốn mở nó ngay đêm nay không?”

Phủ Vân không trả lời, chỉ khẽ khàng đặt lên bàn ba đồng tiền âm phủ mới tinh, chính giữa là một tấm bùa vẽ bằng máu gà mái già[5], nét bút khô hanh, lạnh như thép. Gió chợt lùa qua khe cửa, làm tấm mành tre rung lên lạch cạch.

Ông cụ già thở hắt ra, lùi dần về phía sau. Khi kim đồng hồ nước chảy đến canh ba, Phủ Vân mới mở miệng:
"Rằm tháng Bảy, âm khí nặng nề, Minh môn[6] khai lối. Đây là thời điểm duy nhất Đồng Nhãn có thể soi tỏ hồn lộ.”

Dứt lời. Phủ Vân vươn tay, chậm rãi gỡ tấm vải đỏ phủ kín Đồng Nhãn. Hương án rung lên bần bật, tại trung tâm Đồng Nhãn, đồng tử chậm rãi mở ra, để lộ ra bên trong một lớp pha lê đen bóng. Lúc này, Đồng Nhãn như đã có sự sống, nó xoáy sâu, phản chiếu bóng hình méo mó của những kẻ đang đối diện.

Không ai bảo ai, cả thầy Phủ Vân lẫn gia đinh đều nín thở. Cả hai đều cảm thấy ánh mắt kia không đơn thuần là nhìn, mà như xuyên thấu, như móc ngược từng sợi hồn phách ra khỏi thân xác.

Loảng xoảng... loảng xoảng...

Từ ngoài sân đình, tiếng cùm sắt kéo lê trên nền đất vang lên khô khốc, nặng nề khiến hai người bên trong lạnh toát cả sống lưng.

Họ theo phản xạ quay đầu nhìn lại... Nơi đó, một bóng người lưng còng, khoác áo tơi, chầm chậm tiến vào, tiếng cùm sắt vẫn vang rền như cứa vào tâm hồn của người sống.

Người đó dừng lại trước cửa, gương mặt giấu sau vành nón rách nát. không thể nhìn được rõ ràng, chỉ thấy một làn khói xanh rỉ ra từ hai hốc mắt trống rỗng. Phủ Vân hít mạnh một hơi khẽ lẩm nhẩm:
“Người chết oan ba năm, hồn chưa siêu thoát, nay được gọi về. Nếu muốn rửa sạch oan khuất, hãy nhìn vào Đồng Nhãn, soi lại kiếp trước.”

Bóng người cúi đầu như chấp thuận. Một giọt nước từ trên gương mặt rơi xuống nền đất, cũng không biết là máu hay nước mắt, chỉ thấy nó đen sì, đặc sệt.

Đồng Nhãn rung nhẹ. Con mắt bên trong dần dần xoay tròn, phản chiếu một cảnh tượng mờ mịt. Một đêm mưa, trên cánh đồng, một người phụ nữ gào khóc ôm đứa con đỏ hỏn...  Bàn tay đầy vết sẹo từ từ siết chặt cổ đứa trẻ, bóp nghẹt hơi thở cuối cùng. Đứa trẻ lịm đi, gương mặt đã không còn nét khóc gào hay đau đớn. Người phụ nữ cũng đổ xuống, gương mặt đờ đẫn, vô hồn, lặng im giữa vũng máu.

Phủ Vân cau mày:
“Ác nghiệp sâu dày. Nếu muốn trả thù, phải chuộc tội trước.”

Bóng người trước cửa đình không động đậy. Một câu nói vang vọng từ đâu đó, âm điệu thê lương mà rền rĩ:
“Người nợ máu, lấy mạng trả… Người nợ tình, lấy hồn trả...”

Thanh âm và tiếng cùm sắt xa dần theo từng bước chân người đó quay đi. bước vào làn sương dày đặc. Đồng Nhãn dần khép lại, như ngủ yên sau một giấc mơ dữ.

“Hồi hồn[7].”

Phủ Vân vội vàng hô chú ngữ, một giọt mồ hôi lăn xuống từ vầng trán. Ông ngồi bệt xuống, thở ra một làn hơi trắng. Tiếng mõ lại vang lên, nhịp chậm dần rồi im bặt. Trên mái đình, lũ cú lợn không biết từ lúc nào đã tụ họp về đây dày đặc, phát ra từng tiếng “hú... hu…”, khàn khàn và thê thiết như tiếng khóc trẻ con. Móng vuốt khô cứng không ngừng cào vào gỗ mục, nghe rợn ngợp như móng tay người chết cào lên nắp quan tài.

Phủ Vân cúi nhìn Đồng Nhãn, con mắt bên trong đã khép lại, nhưng một vệt nước mờ vẫn loang trên bề mặt pha lê đen tuyền, không biết là nước mưa hay bóng hình lệ quỷ. Ông vươn tay lau nhẹ, ngay khi chạm vào, một luồng khí lạnh chạy dọc cánh tay, buốt đến tận tim. Ngay tức khắc, một khung cảnh nhập nhòe được truyền thẳng vào đầu Phủ Vân: một cánh cổng gỗ mục phủ rêu phong, phía trên treo một dải lụa đỏ rách nát, vết máu đen sẫm in thành hình bàn tay mờ nhòe, như vừa có ai siết chặt đến bật máu rồi buông ra, để lại dấu vết vặn xoắn giữa không trung.

Tim Phủ Vân trầm xuống.

“Dải lụa đỏ... dấu hiệu của tang môn[8].”

“Thầy…” giọng gia đinh run rẩy, “Bên ngoài đình... có dấu chân.”

Phủ Vân quay ngoắt lại. Dưới hiên đình, nơi nước mưa chảy tràn, lại có dấu vết bùn đất lầy lội của một hàng dấu chân nhỏ bé, tựa như của trẻ con. Chúng không xuất phát từ cổng đình, cũng không đi về phía nào, mà chỉ đứng nguyên một chỗ, như thể có ai đó đã dừng lại đây rất lâu, rồi đột nhiên biến mất.

Phủ Vân cúi nhìn một thoáng, không nói gì. Ông khẽ khàng gói lại Đồng Nhãn, rồi đứng dậy.
“Về phủ!”

Như chỉ chờ có thế, gia đinh vội vàng thu dọn. Trên mái đình, lũ cú lợn từ khi nào đã bay đi mất, để lại cái không gian tĩnh lặng. Trong không khí, hơi lạnh phảng phất lưu lại như có thứ gì đó vẫn chưa chịu rời đi.

Bên ngoài, đám gia nhân đã chờ sẵn với chiếc kiệu gỗ sơn đen, rèm phủ dày kín mít. Hai ngọn đèn lồng đỏ treo hai bên khung, ánh lửa lập lòe như mắt vong nhân. Phủ Vân bước lên kiệu, không ngoái đầu. Gia đinh theo hầu sát bên, cả đoàn lặng lẽ rời khỏi sân đình trong màn sương lạnh.

Phía sau họ, mái đình Cổ Lũng chìm vào bóng tối. Bên dưới nền đất ẩm trước hậu đình, những vệt nước loang ra, kéo dài thành những vết bùn nhão nhoẹt. Giữa những vệt bùn ấy, thấp thoáng lờ mờ một hình dáng mơ hồ… dõi nhìn theo bóng người rời đi.

Đoàn người khuất dạng, giữa không gian vắng lặng bỗng lơ lửng một một giọt đỏ long lanh. Không phải máu người. Là thứ gì đó đặc quánh, lạnh lẽo. Là huyết lệ.

——————

*Chú thích:

[1] Thập Điện Minh Vương (十殿閻王): Là mười vị Diêm Vương trong tín ngưỡng Phật giáo – Đạo giáo dân gian, cai quản mười điện nơi âm phủ (Địa Ngục). Mỗi vị xét xử linh hồn người chết dựa trên tội – phúc lúc còn sống, từ đó định đoạt việc đầu thai hay chịu hình phạt. Từ Điện thứ Nhất là Sở Giám Vương cho đến Điện thứ Mười là Chuyển Luân Vương. Trong văn hóa dân gian Việt Nam, các vị này được thờ trong các đình, đền miếu có yếu tố tâm linh.

[2] Tế Chủ: Người đứng đầu việc tế lễ trong làng. Thường là bậc cao niên, uy tín, thông hiểu phong tục tín ngưỡng, được giao trách nhiệm tổ chức và chủ trì các lễ tế Thần – Thành Hoàng – tổ tiên. Trong truyện, Tế Chủ còn có vai trò giữ nghi thức tâm linh mang tính trấn giữ, mang màu sắc huyền thuật.

[3] Âm môn: Còn gọi là “Minh môn” cánh cửa ngăn giữa dương gian (người sống) và âm giới (người chết). Khi “mở âm môn” là lúc giao thoa giữa hai cõi, linh hồn người chết có thể trở về hoặc bị gọi về. Những nơi có âm khí nặng như nghĩa địa, đình làng cổ, chùa miếu... thường được xem là nơi gần âm môn. Trong truyện, việc “trấn giữ âm môn” ngụ ý một nhiệm vụ nặng nề và nguy hiểm, mang tính huyền bí.

[4] Gia đinh: là từ cổ, dùng để chỉ người làm công trong nhà, tức là người giúp việc hoặc người phục vụ trong gia đình.

[5] Bùa vẽ bằng máu gà mái già: Trong dân gian, gà mái già (nhất là gà đẻ nhiều lứa) được cho là vật linh có âm khí mạnh. Máu của gà mái già được dùng để vẽ bùa có tính trấn yểm, hoặc gọi hồn, vì mang tính “thuần âm”. Đây là dạng bùa hiếm gặp, thường chỉ dùng trong các nghi thức cực kỳ đặc biệt hoặc nguy hiểm.

[6] Minh môn: Từ đồng nghĩa với “Âm môn”, chỉ cánh cổng nối liền hai thế giới âm – dương.

[7] Hồi hồn: Nghi thức hoặc phép gọi hồn người chết trở về, thường để hỏi nguyên nhân cái chết, giải oan hoặc giúp linh hồn siêu thoát. Trong ngữ cảnh truyện, “hồi hồn” được sử dụng khi nghi lễ với Đồng Nhãn đã kết thúc, linh hồn trở về cõi âm sau khi đã bộc lộ sự thật bị che giấu.

[8] Tang môn: Là “cửa tang”, biểu tượng của cái chết, vận hạn và ma chướng. “Dải lụa đỏ rách nát có vết máu” là hình ảnh báo hiệu nhà có tang hoặc nơi chốn từng có người chết oan, thường xuất hiện trong các tích truyện dân gian, báo trước điềm dữ hoặc sự hiện diện của oan hồn. Trong phong thủy và tử vi, “tang môn tinh” cũng là một sao chủ về tang tóc và đau thương.

Bạn đang đọc truyện trên: TruyenTop.Vip

Tags: #kinhdi