Ninh Bình 2

Nhà bia tưởng niệm vua Lý Thái Tổ

Kinh đô Hoa Lư được xây dựng và phát triển trong 42 năm (968 – 1010), là nơi có ba triều đại Đinh – Lê – Lý nối tiếp nhau lên ngôi. Đinh Tiên Hoàng, vị hoàng đế có công to lớn trong sự nghiệp thống nhất đất nước, khởi đầu việc xây dựng kinh đô Hoa Lư, tạo lập Nhà nước phong kiến tập quyền đầu tiên ở Việt Nam, đặt nền móng vững chắc cho công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước của các vương triều tiếp theo.

Lê Đại Hành từng thắng Tống, bình Chiêm, cày ruộng tịch điền để khuyến khích nghề nông, tiếp tục xây dựng kinh đô to đẹp hơn… Lý Công Uẩn lên ngôi với điều kiện đất nước tiếp tục trên đà thịnh vượng để tương xứng với khí thế quốc gia Đại Việt, khí thế rồng bay, nên tháng 7 năm Canh Tuất nhà vua quyết định dời đô từ Hoa Lư ra Thăng Long – Hà Nội.

Để tưởng nhớ nơi Lý Công Uẩn lên ngôi vua, ngày 7 tháng 7 năm 2000, thành uỷ, HĐND,UBND thành phố Hà Nội cùng với Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh Ninh Bình tiến hành xây dựng công trình nhà bia tưởng niệm vua Lý Thái Tổ ở khu di tích cố đô
Hoa Lư.

Nhà bia được xây dựng trên khu đất giáp sông Sào Khê, phía trước đền thờ vua Đinh, vua Lê. Khu vực này có thể là một trong những bến thuyền thuộc kinh thành Hoa Lư – thế kỷ X, là một trong những địa điểm xuất phát dời đô của vua Lý Thái Tổ. Công trình kiến trúc theo hình thức kiến trúc “phương đình” với mặt bằng hình vuông, mỗi cạnh là 11,2 m. Hệ thống cột gồm 4 cột cái, đường kính 0,52 m, 12 cột quân đường kính 0,42 m. Toàn bộ hệ thống cột, khung mái làm bằng bê tông cốt thép giả gỗ, vì kèo mô phỏng theo lối chồng giường.

Mái nhà bia được cấu trúc theo dạng chồng diêm 2 tầng, mỗi tầng 4 mái cân nhau, trên dán ngói mũi hài. Các đầu đao, bẩy được đắp theo dạng truyền thống. Toàn bộ chân cột được ốp đá, chạm hình cánh sen. Phần lan can có các mảng trang trí chạm khắc đá với các đề tài truyền thống như: tùng, mai, trúc,cúc, ngũ quả. Giữa lòng nhà bia đặt tấm bia đá cao 1,99 m; rộng 1,38 m (không kể phần đế). Mặt bia quay hướng bắc.Trán bia trạm hình mặt nguyệt và vân ám, diềm bia chạm hình hoa cúc dây. Công trình do Công ty Mỹ thuật Trung ương Bộ Văn hóa – Thông tin thi công. Đây là một công trình có độ bền vĩnh cửu, mô phỏng nghệ thuật kiến trúc truyền thống dân tộc, hài hòa với cảnh quan di tích.

Nhà bia tưởng niệm vua Lý Thái Tổ ở khu di tích cố đô Hoa Lư được khánh thành ngày 29/9/2000, đúng vào dịp kỷ niệm 990 năm Hoa Lư – Thăng Long – Hà Nội.

Đền vua Đinh Tiên Hoàng

Đền vua Đinh Tiên Hoàng Đền tọa lạc tại thôn Yên Thượng, xã Trường Yên, huyện Hoa Lư, cách thị xã Ninh Bình khoảng 12km về phía Tây Bắc. Đền quay hướng Đông, trên khuôn viên rộng khoảng 5 mẫu, lấy núi Mã Yên làm án. Đền vua Đinh Tiên Hoàng kiến trúc theo kiểu “nội công ngoại quốc”, đường đi trong đền theo hình chữ “vương”. Các công trình kiến trúc đối xứng nhau theo đường chính đạo, tên gọi phỏng theo tên gọi của cung điện thời xưa.
Lớp ngoài là Nghi môn ngoại (cửa ngoài). Tiếp đó là Nghi môn nội (cửa trong). Đi hết chính đạo, qua hai cột trụ lớn là đến sân rồng. Trên sân rồng ngay trước gian giữa của Bái Đường có sập Long sàng bằng đá xanh nguyên khối hình chữ nhật. Đây là một Long sàng đá đẹp và có giá trị nhất ở nước ta.

Từ sân rồng bước lên là Bái Đường. Trong Bái Đường treo bức đại tự có ba chữ Hán lớn “Chính Thống Thủy” (mở nền chính thống). Bái Đường thờ cộng đồng. Tiếp đến là Thiêu Hương, kiến trúc theo kiểu ống muống, thờ tứ trụ triều Đình. Đi hết tòa Thiêu Hương là vào Chính Cung, gian giữa thờ tượng vua Đinh Tiên Hoàng, đúc bằng đồng đặt trên bệ thờ bằng đá xanh nguyên khối. Gian bên trái thờ tượng Đinh Hạng Lang (ngoài), Đinh Đế Toàn (trong) là hai con thứ của vua Đinh Tiên Hoàng. Gian bên phải thờ tượng Đinh Liễn quay mặt về phía Nam, là con trưởng vua Đinh Tiên Hoàng.

Đền vua Lê Đại Hành

Cách đền vua Đinh Tiên Hoàng về phía Bắc 300m là đền thờ vua Lê Đại Hành, cũng xây dựng trên nền cung điện xưa của kinh đô Hoa Lư. Đền ở làng Trường Yên Hạ nên gọi là đền Hạ. Đền lấy núi Đèn làm án. Kiến trúc của đền cũng xây dựng theo kiểu “nội công ngoại quốc”, có thêm Từ Vũ, không có ngưỡng cửa đá và những tảng đá cổ bồng tôn cao như đền vua Đinh Tiên Hoàng.

Đền vua Lê Đại Hành còn giữ nguyên được lối kiến trúc và điêu khắc ở thời kỳ Hậu Lê. Đền vua Lê Đại Hành có ba toà: Bái Đường, Thiêu Hương, Chính Cung. Đền thấp hơn đền vua Đinh, lại có nhiều bức đại tự sơn son thếp vàng, nên tạo cảm giác tráng lệ, mang tính chất huyền ảo hơn. Bái Đường đền Lê Đại Hành có nhiều mảng chạm khắc gỗ rất điêu luyện và tinh xảo. Qua Bái Đường là đến Thiêu Hương thờ tứ trụ triều Tiền – Lê.

Nối với Thiêu Hương là Chính Cung, gian giữa của Chính Cung, trên bệ đá đặt tượng vua Lê Đại Hành. Gian bên trái tượng vua Lê Đại Hành là tượng Hoàng hậu Dương Vân Nga, quay mặt về phía đền Đinh. Gian bên phải tượng Lê Đại Hành, đặt trên bệ đá tượng Lê Long Đĩnh (Lê Ngọa Triều) là con thứ năm của vua Lê Đại Hành và là đời vua thứ ba của nhà Tiền Lê. Điều đặc biệt của đền Lê Đại Hành là nghệ thuật chạm khắc gỗ ở thế kỷ thứ XVII đã đạt đến trình độ điêu luyện và tinh xảo.

Chùa Nhất Trụ

Chùa nhất trụ nằm ở thôn Yên thành, xã Trường Yên, huyện Hoa Lư. Chùa chỉ cách đền Lê Đại hành gần 100m về phía Bắc. Được xây dựng vào thời Tiền Lê, qua nhiều lần trùng tu, đến nay vẫn còn khá nguyên vẹn. Chùa quay hướng Tây, kiến trúc theo kiểu chữ Đinh, phần ngang là Tiền đường, phía dọc là 4 gian “chuôi vồ” là nơi thâm nghiêm để thờ Phật.

Ngoài chùa chính, trong khu vực chùa còn có nhà thờ Địa tạng và thờ Mẫu. Đến thăm chùa du khách bước vào Tiền Đường ở cửa bên trái, tại đây có bệ thờ đặt tượng đức ông Mặt Đỏ, đối diện là bệ thờ đặt tượng Đức Thánh Hiền. Trong Tiền Đường còn treo một quả chuông lớn. Trong Thương điện – “chuôi vồ’’có bốn hàng tượng Phật được sơn son thiếp vàng lộng lẫy có bốn hàng từ cao xuống thấp.

Điều đặc biệt, chùa chỉ có một cột Kinh bằng đá nên gọi là Nhất trụ. Đây là cột Kinh đá do vua Lê Đại Hành làm ở niên hiệu ứng Thiên thứ hai, năm 995 để dâng nhà Phật. Cột Kinh đá có chiều cao 4,16m, gồm có 6 bộ phận đá được lắp gá vào nhau bằng các lỗ mộng và ngỗng tròn, không hề có chất kết dính nào. Điều này khẳng định sự tính toán tỉ mỉ, rất khoa học của các nghệ nhân. ở phần thân cột , tám mặt đều được mài nhẵn lì, chạm khắc khoảng 2500 chữ Hán. Nội dung bản khắc trên thân cột là khắc Kinh Đà La Ni, Thủ Lăng Nghiêm và bài thần chú ca ngợi sự bền vững của đức hạnh phật, sự to lớn bao trùm của trí tuệ, tài năng phật Như Lai… phải chăng nghệ thuật chạm khắc đá, thư pháp trên đá của nhân dân Hoa Lư đã có từ lâu đời, cách ngày nay trên 1.000 năm.

Khu vực chùa Nhất Trụ được xây tường bao quanh, vườn chùa trồng nhiều cây ăn quả, cây đại thụ, cây cảnh, cây hoa xanh tươi làm cho cảnh chùa như một chốn tịnh viên.

Chùa Bàn Long

Chùa Bàn Long là chùa thiên tạo và nhân tạo, lấy động núi và con người làm chùa nằm gọn trong Đại Tượng sơn ở thôn Khê Đầu thượng, xã Ninh Xuân, huyện Hoa Lư. Núi Đại Tượng là hình một con voi khổng lồ cao khoảng 200m chầu về kinh đô Hoa Lư xưa. Bàn long là ngôi chùa có rất sớm ở nước ta được hình thành trước thời Đinh, cách đây hơn 10 thế kỷ.
Tương truyền nhân dân địa phương phát hiện ra động từ lâu, thấy trong động có rồng cuộn nên lập chùa ngay từ đấy. Tấm bia ở vách núi Đại Tượng khắc vào thế kỷ thứ 16, niên hiệu Nguyên Hòa có ghi: “Từ thành cổ Hoa Lư men theo núi đá mà đi về phía nam đến làng Khê Đầu, ở đó có chùa Bàn Long. Đây là danh thắng từ ngàn xưa. Trải các triều Đinh, Lê, Lý, Trần chùa này càng thêm nổi tiếng”.

Chùa Bàn Long không xây Tam Quan, trước khi vào chùa phải đi qua một cây cầu đá cong cong. Những phiến đá xanh nguyên khối lớn đã được chạm, khắc ghép thành cầu. Đó cũng là điều độc đáo có ở các chùa trên vùng đất Hoa Lư. Gọi là chùa Bàn Long vì chúa Trịnh Sâm đã đến thăm, tay đề ba chữ lớn: “Bàn Long Tự” trên vách cửa động. “Bàn Long” là bệ rồng – bệ đá rồng ngồi. Có tên là Bàn Long vì trong động có nhũ đá dáng hình như con rồng ngồi, hình rồng nổi rõ cả vảy.

Nếu trời nắng hạn khi vảy rồng đó trong động long lanh tỏa sáng thì vài ngày sau trời sẽ đổ mưa. Người ta nhìn vảy rồng trong động để xem thời tiết nắng hay mưa vì thế: vào những năm hạn hán, nhân dân địa phương thường làm lễ cầu mưa ở chùa Bàn Long. Vào trong động, phía bên trái là tượng A Di Đà bằng đá xanh nguyên khối được tạo dựng từ khi lập chùa. Đây là một pho tượng phật bằng đá cổ xưa nhất còn để lại đến ngày nay.

Dưới pho tượng là ổ rổng đá cuộn tròn do tạo hóa kiến tạo thành. Các bài trí tượng phật trong động cũng giống như các ngôi chùa khác nhưng điều đặc biệt ở chùa Bàn Long là xung quanh các tượng Phật trên các vách động là những nhũ đá mà tạo hóa đã chạm khắc thành bốn con vật linh thiêng là Long, Ly. Quy, Phượng.

Tứ linh đá đó đều chầu về các tượng Phật đối xứng qua hai trục tung và hoành mà tâm là tượng Thích ca sơ sinh. Điều đặc biệt nữa là vách đá trên cao ở giữa động còn có một nhũ đá giống hình tượng Phật đang cưỡi ngựa trắng. Điều kỳ diệu này chỉ Bàn Long mới có được. Như thế mỗi không gian của vách động là những nhũ đá có hình rồng, tượng phật và những con vật linh thiêng khác thiên nhiên đã khéo tạc những mảng điêu khắc rất tinh tế đầy ấn tượng, mang sức quyến rũ khiến ta phải ngỡ ngàng.

Động Thiên Tôn

Động thiên Tôn ở chân núi Dũng Đương cao khoảng 60 mét, quay hướng nam thuộc thôn Đa Giá, xã Ninh Mỹ, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình. Toàn bộ khu vực động là một phong cảnh thiên nhiên trong lành yên ả. Vườn rộng lại có nhiều cây ăn quả, cây đại thụ. Động Thiên Tôn gồm có hai hang: Hang Ngoài và hang Trong. Hang Ngoài là hang thờ Phật.

Bước qua cổng vào hang du khách sẽ choáng ngợp trước một hang đá thiên tạo cao, dài, hình vòm cung, trông giống như miệng một con rồng khổng lồ. Trong hang có bầy một hương án bằng đá, cao 1,2m, dài 1,4m, ba mặt chạm nổi đường nét hoa văn và tứ linh, làm từ thời Nguyễn cách ngày nay trên 100 năm.

Bên trên cửa động được chạm khắc nổi ba chữ Hán lớn: Thiên Tôn Động. Vách đá phía Tây có treo một quả chuông đúc từ thời vua Lê Hiển Tông, niên hiệu Cảnh Hưng (1740 – 1786). Hang Trong còn gọi là hang Tối. Ngay cửa hang có một Long Đĩnh làm toàn bằng đá xung quanh đều chạm khắc nổi rồng mây. Trong tòa Long Đĩnh chỉ đặt một tượng Thiên Tôn bằng đồng, đứng trên lưng rùa. Tượng được trang trí nhiều mầu sắc rực rỡ. Hai tay thần để trước ngực, nắm trắc đốc kiếm thần, chống mũi kiếm xuống lưng rùa. Vì thế động được gọi là động Thiên Tôn

Điều độc đáo ở động thiên tôn là tất cả các đồ thờ đều làm bằng đá và các con rồng được chạm khắc chủ yếu theo kiểu rồng thời Lý uyển chuyển, mềm mại, dáng thanh tú. Đó là những khối đá có hồn, thể hiện tài năng sáng tạo, trí thông minh và đôi tay vàng của các nghệ nhân thời xưa. Chùa Thiên Tôn quay hướng Tây dựng bằng những cột đá. Trong chùa đặt nhiều tượng Phật sơn son thiếp vàng. Núi Dũng Đương cùng với hai núi Nương Sơn và núi Voi hợp lại như một cổng thành đá hùng vĩ bảo vệ kinh thành Hoa lư.

Không những thế động thiên Tôn còn gắn liền với tên tuổi Đinh Bộ Lĩnh từ thủa chưa lên ngôi Hoàng đế. Trước lúc đem quân đi dẹp loạn 12 sứ quân, Đinh Bộ Lĩnh đã sửa lễ vật vào cầu đảo trong động để mong được thần giúp đỡ, tương truyền lời cầu của Đinh Bộ Lĩnh linh ứng, thần Thiên Tôn đã giúp ông đánh tan 11 sứ quân khác. Về sau nơi đây nhà vua cho xây cất nhà Tiền Tế và Kính Thiên Đài là nơi tiếp đón các sứ thần nước ngoài trước khi nhà vua cho vào bệ kiến.

Trước cách mạng tháng Tám, động Thiên Tôn là nhân chứng lịch sử chứng kiến một sự kiện quan trọng, hơn một vạn nhân dân ở các huyện đã hội tụ trước cửa động mít tinh biểu dương khí thế cách mạng, sau đó đoàn người kéo về đánh chiếm Ninh Bình. Như thế Động Thiên Tôn thờ cả tiên, phật, vừa là đền, vừa là chùa. Du khách đến đây, tâm linh sẽ được hướng thiện trong cõi phật, cõi tiên, chiêm ngưỡng tác phẩm điêu khắc đá tuyệt đẹp của tạo hoá và con người.

Hang Động Tràng An

Kinh đô Hoa Lư (xã Trường Yên, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình) có vị trí rất đặc biệt trong quá trình xây dựng và bảo vệ đất nước. Đó là một quân thành vững chắc do thiên nhiên và con người làm nên. Cùng với kinh đô Hoa Lư, hậu cứ để bảo vệ kinh thành “Lui có thế thủ, tiến có thế công” chính là khu hang động Tràng An.

Xây dựng kinh đô Hoa Lư, Vua Đinh Tiên Hoàng rất chú ý đến yếu tố “Thành” để bảo vệ kinh đô. Thành Hoa Lư gồm những dãy núi đá vôi và các tường thành nhân tạo đan xen, nối liền nhau, nhấp nhô tạo nên một đô thành hết sức độc đáo.

Và cũng vì có Kinh đô Hoa Lư từ năm 968, khu núi non trùng điệp, hang động kỳ ảo, sông ngòi khuất khúc, thung lũng đan xen hòa quyện vào nhau ở phía Nam đã tạo nên một kỳ quan thiên nhiên hoành tráng, mỹ lệ đó chính là khu Hang động Tràng An nay là Khu du lịch sinh thái Tràng An.

Khu du lịch sinh thái Tràng An thuộc địa phận xã Trường Yên, xã Ninh Vân, xã Ninh Hải (huyện Hoa Lư), xã Gia Sinh (huyện Gia Viễn), xã Ninh Nhất, phường Tân Thành (thành phố Ninh Bình). Diện tích đất được sử dụng là 1.566 ha, trong đó diện tích núi và rừng đặc dụng được giao để quản lý, chăm sóc là 980 ha; diện tích đất để xây dựng cơ sở hạ tầng là 522 ha.

Khu du lịch Tràng An nằm về phía đông bắc tỉnh Ninh Bình, cách thủ đô Hà Nội hơn 90 km về phía nam, gần trục đường quốc lộ1A xuyên Bắc – Nam, giáp thành phố Ninh Bình có trục đường sắt xuyên Bắc – Nam, phía bắc giáp huyện Gia Viễn, phía tây giáp huyện Nho Quan, phía nam giáp khu du lịch Tam Cốc – Bích động, phía đông giáp quốc lộ 1A.

Một điều thuận lợi đặc biệt là khu du lịch sinh thái Tràng An nằm gần khu di tích cố đô Hoa Lư nên càng thêm lộng lẫy, góp phần tô điểm, khẳng định giá trị lịch sử của cố đô Hoa Lư. Trong khi khảo sát và thi công ở một số hang động và các thung, các nhà xây dựng đã thu được nhiều cổ vật từ thời Đinh và Tiền Lê như: gạch xây, gạch lát, cối giã, tiền đồng, bát đĩa, hũ vại, nhạc ngựa, quả cân bằng đá… Đó là những hiện vật quý hiếm, có giá trị tiêu biểu về lịch sử, nghệ thuật, kiến trúc, tôn giáo, kinh tế… trong lịch sử dân tộc; là biểu tượng sống động, thể hiện ý chí quật cường, lòng tự tôn, niềm khát khao độc lập, tự do, thống nhất đất nước của dân tộc Việt Nam qua hàng ngàn năm lịch sử.

Nếu du khách về xã Trường Yên, huyện Hoa Lư thăm cố đô Hoa Lư, không thể không đến khu du lịch sinh thái Tràng An để thưởng ngoạn sự hùng vĩ của núi non, thả hồn mơ mộng trước những hồ nước, hang động kỳ ảo cùng trời mây cao rộng, Tất cả hoà nhập vào nhau, tạo cho du khách một cảm giác nồng nàn, thi vị trong giang sơn cẩm tú, hình như tất cả cái đẹp của trời đất đã dồn góp về đây. Đúng là một vùng sơn kỳ thuỷ tú như những bức tranh thuỷ mạc đẹp mê hồn, ngay cả người khó tính nhất cũng phải yêu và mê.

Động Hoa Sơn

Hoa sơn là một hang động nằm ở lưng chừng núi – Có tên gọi núi Chùa – Phía nam cố đô Hoa Lư, thuộc địa phận thôn Áng Ngũ, xã Ninh Hòa, huyện Hoa Lư. Động ở độ cao khoảng 60m so với chân núi. Qua 153 bậc đá, du khách sẽ được chiêm ngưỡng một hang động tuyệt đẹp của Ninh Binh. Núi non hùng vĩ, cây cối sum suê, không khí trong lành, khí hậu mát mẻ, lòng người thêm cảm giác thanh thản như đang bước vào cõi Bồng Lai…

Tương truyền động Hoa Sơn chính là nơi nuôi Ấu chúa thời nhà Đinh. Vì thế mà động còn có tên dân gian là “Phôi sinh tự” nhân dân quen gọi là “Chùa bà đẻ”.

Hoa Sơn vốn chỉ là một động tự nhiên, nhưng do thấy đẹp nên nhân dân trong vùng đã lấy động làm chùa, làm nơi thờ phật. Do đó có thể coi Hoa Sơn là một ngôi chùa “Thiên tạo”. Con người và thiên nhiên nơi đây đã cùng nhau tạo nên một danh thắng, một di tích thật là kỳ thú giữa chốn non nước hữu tình của kinh đô xưa.

Ngay trước cửa động, bên phải là hai pho tượng bằng đá, đó là tượng thờ hai ông bà có công tu tạo ngôi chùa – Ông là Nguyễn Hữu Non, bà là Lê Thị Sánh. Đây là hai pho tượng quý, không chỉ được chạm khắc bằng đá tinh tế mà còn thể hiện một nghệ thuật điêu luyện và đạo lý uống nước nhớ nguồn của dân tộc. Văn bia khắc ở ngang vách núi cũng cho biết hai ông bà đã sửa chùa năm Ất Hợi – Gia Long thứ 14 (1815)

Cái tên Hoa Sơn Động chính là do Vua Tự Đức đặt cho chùa – Động này khi nhà Vua tuần du ra Bắc và ghé thăm chùa. Nhà vua còn cho tập hợp các ngôi mộ thuộc Hoàng tộc Nhà Đinh và những người có công với Triều Đình lại rồi xây lăng Nghĩa Chủng ở phía Đông Nam, cách Hoa Sơn khoảng hơn trăm mét.

Động Hoa Sơn có chiều dài bằng chính chiều ngang của núi (khoảng 100m) với 3 hang liền nhau tạo thành một tam cấp – Đó là các hang: Hang Hạ, Hang Trung và Hang Thượng, cửa tiền của động rộng khoảng 12m, cao 20m. Hang hạ chính là một ngôi chùa “thiên tạo”. Bởi trong hang có thờ Phật, các pho: Tam Thế, Thiên Phủ, Phật Bà Quan Âm, Quan Âm Thị Kính… đủ cả. Trong chùa còn có 2 pho tượng Hộ Pháp cao to đứng ở hai bên – Dân gian gọi là ông Thiện và ông Ác.

Trong chùa có đôi câu đối với nội dung:

“Cảnh tú anh linh thiên cổ tại. Hoa Sơn tiên động ức niên tiền.”

(Cảnh đẹp thiêng liêng từ thiên cổ. Động Hoa Sơn có từ ngàn năm trước.)

Từ hang Hạ, qua 10 bậc đá là tới hang Trung. Hang có vòm cao khoảng 30m. Trần hang khá nhẵn, phía bên trái có nhiều nhũ đá tạo nên những cảnh sắc thú vị, mê đắm lòng người.

Hang Thượng cao nhất (cao hơn hang Trung khoảng 8m). Diện tích hang Thượng nhỏ hơn 2 hang trước, nhưng càng đi lên cao và vào sâu trong hang, cảnh đẹp càng đậm đà hơn, khiến du khách có cảm giác muốn đi mãi để khám phả sự kỳ ảo của thiên nhiên.

Động Hoa Sơn là một danh thắng nổi tiếng của đất cố đô Hoa Lư, là nơi du khách cảm thấy sự thư thái của tâm hồn và chiêm ngưỡng vẻ đẹp tuyệt vời của tạo hóa.

Đền Vực Vông

Đền Vực Vông nằm cách Cố Đô Hoa Lư 3km về Phía tây bắc, nằm ngay bên dòng sông Hoàng Long, thuộc khu vực Vực Vông, thôn Chi Phong – xã Trường Yên – huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình.

Đền được xây dựng vào thế kỷ 16, đền đã được trùng tu xây dựng lại nhiều lần. Lần gần đây nhất là từ năm 1996 – 1999 do nhân dân địa phương trong tỉnh quyên góp xây dựng. Đền được xây dựng theo kiểu chữ Công ( I) gồm ba phần: Bái đường, Trung đường và chính cung.

Bái đường thờ Quan Giám Sát, chính cung thờ bà Nguyễn Thị Niên, nhân dân địa phương tôn thờ bà là Mẫu Thoải – người đã có công trong việc trị thuỷ xoá bỏ tục lệ sấu do bọn cường hào địa phương cứu dân làng, đem lại sự yên bình và ấm no cho nhân dân Vực Vông và phụ cận xưa.

Truyền thuyết kể lại rằng:

“Vào thời nhà Mạc ( Mạc Đăng Dung) có vị tướng là Nguyễn Quyện được lệnh đưa quân về trấn thủ tại Trường Yên ( Hoa Lư – Ninh Bình ngày nay). Ông có người con gái tên là Nguyễn Thị Niên, rất xinh đẹp, lại được học hành, luyện rèn văn, võ, được cha cho đi theo đoàn quân.

Trong đoàn quân của Nguyễn Quyện có hai vị quận công. Một người họ Bùi, một người họ Phan. Nhân dân quen gọi hai vị quận công là Quận Mỹ và Quận Kế. Quận Kế là Phan Văn Ngạn. Quận Mỹ là Bùi Văn Khuê người làng Chi Phong ( Nay thuộc xã Trường Yên, huyện Hoa Lư). Cả hai Quận công đều đem lòng yêu mến người con gái tài hoa, con tướng quân Nguyễn Quyện và cũng đã ngỏ lời cầu hôn.

Nguyễn Thị Niên, sau bao lần thử thách, đã nặng lòng yêu Quận Mỹ. Còn Quận Kế cũng bao lần tìm cách quyến rũ, nhưng nàng đều khéo léo chối từ. Quận kế bèn chuyển sang thuyết phục Nguyễn Quyện. Nể Quận kế có thế lực với nhà vua, sợ liên luỵ đến công danh sự nghiệp công danh của mình, Nguyễn Quyện tuy không ưa Quận Kế, nhưng phải nhận lời. Ông cũng nghĩ rằng lấy Quận Kế, con gái Ông sẽ sung sướng vì Quận Kế có thế lực hơn. Bị cha ép gả, Nguyễn Thị Niên đau khổ nhưng không thể cưỡng lệnh cha, nàng thú thực đã yêu Quận Mỹ, nhưng ý cha như vậy nàng xin cha cho được thử tài hai người, ai thắng nàng chịu kết hôn.

Nguyến Quyện rất yêu quý con gái, nhất là từ khi vợ ông qua đời, ông chiều theo ý con nhưng dù sao trước sau nàng cũng phải thành hôn với quan Quận Kế.

Lúc ấy ở khúc sông đoạn Vực Vông (Trường Yên ngày nay), có một vụng xoáy lớn, hàng năm gây ngập lụt và tai hoạ cho dân làng. Vì vậy nơi đây có tục lệ rất dã man là hàng năm phải cúng lễ và sau đó ném một người con gái xuống vụng soáy cho thần thuồng ăn thịt. Nếu không thấn sẽ dâng nước gây tai hoạ cho cả vùng. Đã bao người con gái bị chết oan và bao gia đình chịu đau khổ mất con.

Sau bao lần thăm dò, nàng cùng quan Quận Mỹ cho đây là tục lệ dã man, vô lý, nhưng chưa tìm cách nào phá bỏ được tục lệ này để phá bỏ. Nàng đem việc đó ra thử tài hai Ông Quận, hễ ai tìm cách phá bỏ được tục lệ này để cứu những người con gái khỏi bị chết oan và bao gia đình đau khổ chịu mất con.

Quận kế rất khó chịu trước sự thử thách oái ăm này, nhưng hắn vẫn nhận lời để làm vui lòng người đẹp và cũng tin rằng mình sẽ thắng, bởi hắn nghĩ sẽ tâu đức vua ra lệnh phá bỏ tục lệ này.

Không ngờ phần thắng lại thuộc về Quận Mỹ. Chính ông đã cùng Bà Nguyễn Thị Niên thuê người giỏi lặn lặn xuống Vụng xoáy thăm dò và tìm ra nguyên nhân là: do dòng chảy bị đá ngầm ngăn làm đổi hướng. Năm nào nước lên to vực xoáy càng chảy xiết, hút thuyền bè nhấn chìm, gây nhiều thiệt hại trong vùng. Chỉ cần kè đá xoay lại dòng chảy thì không còn vực xoáy nữa. Họ đã thuê người phá đá trên núi lấp dòng chảy đối lưu, dòng sông trở lại yên ổn. Không đạt được sở nguyện, lại bị bẽ mặt vì thua cuộc, Quận Kế căm tức tìm cách trả thù và tìm cách giết chết Quận Mỹ.

Vừa trải qua một cuộc chia ly đau đớn với cha về kinh chịu tội oan uổng ,không biết sống chết thế nào ,nay lại được tin chồng tử trận ,bà Niên đau đớn vô cùng ,than khóc ngày đêm. Sau đám tang quận Mỹ, Quận Kế tìm mọi cách để bà Niên siêu lòng, hắn xin được thay bạn chăm sóc và mong được cùng bà kết nghĩa trăm năm, vì vẫn rất yêu quí bà. Nếu bà nhận lời thì hắn sẽ xin với triều đình tha tội và phục lại chức cho cha nàng .

Bà Niên căm giận, uất ức nhưng cố nén, bà nhận lời với hai yêu cầu: Xin tha cho cha nàng ngay và hẹn đoạn tang chồng, bà sẽ làm lễ tế chồng trên một chiếc thuyền đậu ở sông Hoàng Long sau đó sẽ làm lễ thành hôn cùng Quận Kế.
Quận Kế vô cùng mừng rỡ, hí hửng sửa soạn chờ đón ngày vui ấy. Đúng ngày hẹn, bà Niên bày đàn tế chồng ở trên một chiếc thuyền gần Gián Khẩu ( nay là Gia Trấn – Gia Viễn ). Cạnh đó là một chiếc thuyền khác được trang hoàng như là một thuyền như một thuyền cưới.

Bà cho mời Quận Kế xuống thuyền chuốc rượu. Kế vô tình uống khá nhiều say mền, bà sai người trói hắn lại và kể tội hắn đã hại cha bà, giết chồng bà. Lúc đầu hắn chối cãi sau đưa chứng cớ ra hắn sợ hãi van xin tha tội. Bà Niên sai chặt đầu kế đem sang thuyền bên tế lễ chồng. Tế song xuôi, mặc nguyên quần áo tang, bà nhẩy xuống sông tuẫn tiết theo chồng. Thi hài bà trôi dạt vào Vực Vuông, nhân dân vớt lên làm lễ an táng. Dân trong vùng đưa tang bà với lòng thương cảm, nhớ công ơn hai ông bà đã xoá bỏ hủ tục, cứu sống bao người. Họ xây ngôi đền thờ bà ngay nơi đó, nay gọi là đền Vực. Ngôi đền được tu sửa thờ cúng uy nghi, nhân dân thập phương đến lễ bái đông đúc.”

Đền có tiếng là linh thiêng, ở đây còn bức đại tự mà vua ban tặng 4 chữ “Tiết Liệt Chung Trinh” và bài thơ:
“Gián khẩu gieo mình giương tiết nghĩa, Vực Vông dựng lại cảnh cương thường. Hỡi khách má hồng qua lại đó, Dừng chân ngắm cảnh để làm gương.”

Bạn đang đọc truyện trên: TruyenTop.Vip

Tags: #dẫn