CHƯƠNG 6

- "Trời đất, tới giờ này mà cậu ba bây còn chưa dậy nữa hả?".

Sáng nay, ông bà hội đồng với cậu hai về tới, thấy nhà cửa vắng que, hỏi ra thì mới biết cậu ba còn đang ngủ nướng chưa chịu dậy.

- "Mấy nay thấy nó thức sớm, tưởng đâu nó chịu lớn rồi, ai dè cũng y xì vậy hà".

Mà cũng đâu thể trách cậu được, tối qua cậu đâu có ngủ, vì lòng còn đang thương nhớ ai đó, cứ vậy thao thức đến tận lúc gà gáy mới chộp mắt.

- "Mà ông ơi." Người gia nhân ngập ngừng: "Hồi khuya này nè, đang ngủ tự nhiên con nghe tiếng ai đó cười khúc khích, con mới đi coi thử, ai dè con thấy phòng cậu ba còn để đèn, đã vậy... đã vậy... cậu còn cười, còn lẩm bẩm như nói chuyện với ai á ông ơi".

- "Mèn đét ơi, coi chừng ai dựa nó đó đa. Ông, hay để tui mời thầy về cúng cho nó, chứ để lâu là hông có đưa đâu đa". Bà hội đồng nghe xong thì kinh hoảng hết sức, bởi đó giờ bà rất mê tín, lại hay đi xem bói, coi thầy bà.

- "Mời cái gì mà mời, bà cứ tối ngày tin ba cái thứ mê tín đó đi rồi cũng có ngày đó, để hồi nó dậy thì hỏi nó sau".

Mới nhắc tào tháo, tào tháo tới, Thuận từ trong buồng ló mặt ra, đầu tóc chưa chải chuốt gì, rối tung rối mù như cái tổ quạ.

- "A, cha má, anh hai mới về. Sao nay mọi người về sớm quá vậy?".

- "Về sớm mới thấy được nay cậu ba ngủ nướng chứ ha". Thiên trêu ghẹo.

- "Thôi, bây đi đánh răng rửa mặt thay đồ đi rồi ra bàn ngồi ăn cơm".

Ông Trạch thấy bộ dáng lượm thượm của thằng con út thì ngán ngẩm, chẳng lẽ ông phải cưới vợ cho nó thì nó mới nên người đây.

- "Nè Thuận, má nghe gia nhân nói là hồi tối này con thức khuya phải hông, còn vừa nói vừa cười nữa, có mần sao hông con, có thì nói má nghe nghen".

Thuận đang và cơm vào miệng thì lập tức nghẹn một cái, cậu đấm ngực thùm thụp, rồi nhận lấy ly nước Thiên đưa qua, tu một hơi, chờ khi cơm xuống hết thì vội vã lên tiếng:

- "Đâu có gì đâu má, con bình thường mà, đâu có cười nói gì đâu".

Hồi tối cậu chỉ hơi kích động xíu thôi mà, nào có cái điệu vừa nói vừa cười kia.

Sau bữa cơm, ông hội đồng gọi hai thằng con trai vào phòng, bảo:

- "Cha thấy hai đứa cũng rành rọt chuyện bên vựa lúa rồi, giờ cha tính cho bây qua xưởng rượu mần, sắp tới bên đó cũng có đơn hàng lớn, qua rồi có gì phụ giúp cha luôn, hai đứa thấy sao?".

Ông hội đồng khá hài lòng về tác phong làm việc của cả cậu hai và cậu ba. Thiên xử lí công việc một cách nhanh gọn, dứt khoát, nhưng lại có phần hơi cứng nhắc. Thuận thì ngược lại, cậu có sự sáng tạo, mặc dù có hơi lười biếng, hay để công việc chất chồng thành đống, đến lúc làm thì lại không nổi, phải mè nheo, năn nỉ anh làm giúp.

Trong khi Thiên đồng ý với lời đề nghị đó thì Thuận lại phản đối, cậu không chịu:

- "Con thấy công việc ở vựa lúa rất hợp với con nên con không qua đó đâu, cha cứ giao việc ở đây cho con là được rồi".

Thuận không muốn vì đường qua xưởng rượu là một đường khác, phải đi vòng qua cuối xóm, rồi lại ngang qua những mảng đất hoang bỏ trống, cây cối um tùm rậm rạp, xa hơn đến vựa lúa nhiều. Nhưng quan trọng nhất, nếu cậu ba làm ở vựa lúa thì cơ hội được gặp người con gái kia chẳng phải nhiều hơn sao.

Ông Trạch thấy thằng con út khăng khăng như vậy cũng đành thôi, dù gì mấy nay Thuận cũng làm việc chăm chỉ. Ông quay sang Thiên:

- "Vậy thì cha để xưởng rượu cho con, chiều nay hai cha con mình qua đó một chuyến, sắp tới cũng có đơn hàng, cha tính để con mần quen cho sớm để kịp hàng về. Chuyến này nếu được, cha để con tiếp quản luôn. Còn Thuận, cha giao vựa lúa cho bây đó, ráng lo liệu cho đường hoàng". Ông nhấp ngụm nước trà, nói tiếp: "Sản nghiệp mấy đời nhà mình trông cậy vào hai bây hết đó, tính sao cho nở mặt tổ tiên thì mần".

Xưởng rượu của nhà hội đồng Huỳnh nổi tiếng về các loại rượu ngoại được ông nhập về từ các nước phương tây, đặc biệt trong tầng lớp quý tộc thượng lưu, bởi rượu ngoại là một thứ tượng trưng cho sự cao quý và sang trọng lúc bấy giờ. Đặc biệt, bên cạnh những thứ rượu ngoại mắc tiền, ông lại giành sự ưu ái hơn cả cho dòng rượu Việt, bởi ông biết đó chính là những gì mà tổ tiên đã tạo ra và truyền lại, là tinh hoa quý báo ngàn vàng còn hơn cả những thứ rượu ngoại kia. Vì lẽ đó, ông vẫn cố gắng gìn giữ và phát triển nó. Gọi là xưởng rượu nhưng thực chất đó không phải là nơi chế tác rượu, mà chỉ là nơi để nhập rượu về, rồi từ đó xuất đi các nơi khác.

Xưởng rượu nằm ven bờ sông Cổ Chiên, khi đến nơi, ông hội đồng dẫn Thiên vào bên trong xưởng, xuyên qua một hành lang dài treo đầy những bức ảnh về các loại rượu và các hãng rượu nổi tiếng, cả hai tiến đến một căn phòng nhỏ. Sau khi kêu người gia nhân đang kiểm kê rượu ra ngoài, ông hội đồng nhấc tấm thảm lót sàn lên, để lộ ra một cánh cửa sập. Dường như thấy được nét ngạc nhiên trên gương mặt con trai, ông liền giải thích:

- "Hiện tại, ở khắp đất Nam Kỳ này chỉ có mình nhà ta là có xưởng rượu, do đó mấy nay đã có không ít bọn ganh ghét, không ít lần dòm ngó đến nơi này, mục đích là để biết được phương thức cũng như kiến trúc của xưởng rượu nhà ta. Hừ, họ làm sao biết được ta đã phải vất vả như nào để xin được giấy phép từ bọn Pháp kia. Thiên, con nhớ cho kĩ, tuyệt đối phải giữ kín chuyện này, ta muốn sau này xưởng rượu nhà mình sẽ nổi tiếng khắp cả nước, là độc nhất vô nhị".

Ông hội đồng vừa nói vừa giận đến run râu, cái bọn đáng ghét đó đã từng đứng sau giật dây vụ xuất khẩu trà của ông, làm thua lỗ hết biết bao nhiêu tấn, mặc dù ông vẫn tiếp tục thu lời lớn từ trà, nhưng vụ việc đó cũng ảnh hưởng không ít đến danh tiếng của ông trong giới.

Cánh cửa sập vừa mở, bên trong hiện ra một cầu thang vừa sâu vừa hẹp dẫn xuống lòng đất. Khi vừa xuống đến nơi, Thiên đã phải choáng ngợp trước khung cảnh nơi đây. Một đường hầm dài ước chừng 100 mét, rộng khoảng 2 mét và cao 2,5 mét đang hiện ra trước mắt anh, vách hầm được lát bằng những phiến đá nâu sần, trần được xây theo kiến trúc mái vòng mang đậm chất Pháp, với hệ thống thắp sáng bằng những ngọn đèn tường đem đến cho anh cảm giác như lạc vào thời trung cổ. Vì ẩn sâu trong lòng đất nên nhiệt độ nơi đây chỉ dao động từ 16-20 độ C, đây là nhiệt độ rất thích hợp để cất trữ các loại rượu, đặc biệt là rượu vang. Ngoài ra, đường hầm còn được đào thêm các hốc để chứa rượu với mục đích phân loại. Có tổng cộng 9 hốc rượu, trong đó gồm 6 hốc nhỏ và 3 hốc lớn.

Ông hội đồng dẫn Thiên đi đến từng hốc rượu rồi giới thiệu về loại rượu được chứa trong từng hốc, tên gọi, số lượng, xuất xứ, thời gian sản xuất và được nhập về khi nào,... Khi đến hốc rượu cuối cùng, cũng là hốc lớn nhất, Thiên nhận ra ở hốc này chỉ toàn các loại rượu cao cấp nhất, đặc biệt tất cả đều là rượu Pháp.

- "Hốc rượu này chính là hốc rượu quan trọng nhất, giúp chúng ta sinh lợi nhiều nhất. Con có biết tại sao không?".

Ông hội đồng không hề giải thích gì mà lại nhẹ nhàng mà đặt ra câu hỏi. Đối với người đầu óc nhạy bén và quan sát kỹ lưỡng như Thiên mà nói thì đây không hề là một câu hỏi khó:

- "Vì rượu này chỉ dành riêng cho bọn Pháp và giới quý tộc đúng không cha?".

- "Chính xác". Ông thực sự rất hài lòng với câu trả lời này, ông nói tiếp:

- "Con có biết rằng rượu ở hầm Debay đa phần là của nhà ta hay không?".

Thiên trợn mắt kinh ngạc. Debay là một hầm rượu được Pháp xây dựng ở Bà Nà, chỉ dành riêng cho giới thượng lưu bao gồm quan chức, sĩ quan cấp cao trong quân đội Pháp, các thương gia Pháp và một số rất ít những người Việt Nam giàu có, quyền thế, người Việt Nam bình thường hầu như không có cơ hội đặt chân đến nơi đây.

Nhìn thấy vẻ mặt của con trai, ông bật cười:

- "Thôi chuyện đó nói sau cũng được, giờ cha có thứ quan trọng hơn muốn cho con coi".

Ông dẫn anh trở lại căn phòng ban đầu, đóng cửa sập lại, phủ tấm thảm trở lại ban đầu. Xong xuôi ông mới đi đến vén bức màn đang được treo trên tường, một cánh cửa bằng gỗ xuất hiện. Sau khi tra chìa khóa vào ổ, cánh cửa nặng nề mở ra, bên trong thế mà lại là một căn phòng với những chiếc tủ đầy những bình bằng gốm sứ. Ông hội đồng nói bằng một giọng đầy tự hào:

- "Nơi đây chính là tâm huyết cả đời của cha đó".

Thiên nhìn quanh, những chiếc bình bằng gốm sứ đủ loại hình dáng, hoa văn, tất cả đều là những chai rượu vẫn còn dấu niêm phong, anh đi đến, nhấc lên một bình, trên đó có đề chữ "Rượu đế Gò Đen", anh lại nhấc thêm một bình khác, lần này lại là "Rượu Mẫu Sơn". Đây đều là những loại rượu nổi tiếng, đặc sản các tỉnh thành ở nước ta.

- "Đây là...".

- "Đây là tinh hoa của rượu nội nước ta, cha phải mất rất lâu mới sưu tầm được. Mặc dù hiện tại bọn thực dân đang kiểm soát gắt gao các loại rượu và rất khó để có thể bán được, nhưng cha vẫn mong muốn rằng trong tương lai chúng ta sẽ có thể biến nó trở thành một trong những niềm tự hào của nhà hội đồng Huỳnh, của đất An Nam này".

Ông hội đồng nói trong sự tự hào cùng sự kiên định vững vàng mà ông dành trọn tâm quyết cả đời, không chỉ vì sản nghiệp của tổ tiên để lại, mà còn vì đất nước đang hồi loạn lạc. Ông thật sự muốn làm gì đó trong khả năng của ông, để có thể giữ gìn những gì tốt đẹp, những gì quý báu cho thế hệ mai sau.

Sau khi tham quan một vòng xưởng rượu thì trời cũng vừa sập tối, bóng tà dương đã khuất dạng, chỉ để lại những rặng mây ửng màu đỏ tía như một lời chào tạm biệt trước lúc màn đêm buông xuống. Đi trên con đường mòn lỏm chỏm những bụi cỏ dại, Thiên ngước mắt nhìn quanh, gió thổi nhè nhẹ, như đang đùa nghịch mà làm rối mái tóc đã được vuốt keo cẩn thận của anh, lòng chợt có chút tha thiết mà nhớ đến ngày còn bé. Ngày ấy, trong những buổi chiều hè, cha thường dẫn anh và Thuận đi chơi, có thể là đi thả diều, đi câu cá, hay có thể chỉ là đi lang thang để nhìn ngắm mây trời, thong dong và thư thả. Nhưng khi lớn hơn một chút, cha bắt đầu bận rộn hơn, những lần được cha dẫn đi chơi cũng dần ít, anh và Thuận cũng phải lao đầu vào sách vở. Rồi khi lại lớn hơn một chút, cả hai đi du học và đã thôi không còn những lần được cha dẫn đi chơi nữa. Đến tận bây giờ, khi đã trở về thì những ngày tháng đó cũng đã trở thành hoài niệm trong anh.

Còn đang chìm đắm trong dòng kí ức của tuổi thơ, tiếng cười trẻ con bỗng kéo Thiên trở về thực tại khi anh đi qua căn nhà lá xập xệ được bao quanh bởi những khóm bông trang đỏ rực. Trong sân nhà, một đứa trẻ đang ngồi đung đưa chân trên chiếc ghế gỗ, miệng tíu ta tíu tít không ngừng, một người con trai khác thì đang tập trung làm gì đó, tay anh ta còn đang chuốt một thanh tre. Thế rồi khi làm xong, thanh tre đã biến thành một cây kiếm gỗ, người con trai đưa nó cho đứa nhỏ, thằng bé nhoẻn miệng cười toe toét, vung vẫy cây kiếm trong sự vui thích, người con trai kia cũng mĩm cười.

Khung cảnh ấy như một dòng nước ấm chảy vào lòng Thiên, khiến sự tha thiết trong anh càng thêm mãnh liệt. Nhưng anh bỗng nhận ra người con trai, hình bóng ngày đêm vẫn chiếm một góc nhỏ trong tâm trí anh kể từ buổi tối định mệnh hôm nào. Anh đứng lặng hồi lâu nhìn vào căn nhà cũ kĩ nhưng ấm áp kia.

Ông hội đồng cảm thấy phía sau quá đỗi yên lặng đến nỗi ngay cả tiếng bước chân luôn đi theo sau ông nãy giờ cũng biến mất, ông quay lại, thấy Thiên đã tụt lại một khoảng xa, còn đang đứng mà chăm chú quan sát gì đó. Ông tiến lại, vỗ nhẹ lên vai anh, nhưng cú vỗ nhẹ đó lại khiến anh giật mình, trong ánh mắt đầy sự hoảng hốt mà nhận ra đó là cha mình. Ông hội đồng bất ngờ trước hành động kì lạ này, ông hướng theo tầm mắt ban nãy của Thiên mà nhìn vào, ông giật mình, cái nón trong tay rơi xuống đất đánh bộp một cái, người con trai trong kia là Thế Thanh sao?!

HẾT CHƯƠNG 6.

Bạn đang đọc truyện trên: TruyenTop.Vip