34. Gia đình của Thùy Tiên - Bà Huỳnh Anh

Bốn ngày trôi qua, chiến tranh lạnh giữa Tiểu Vy và ông Mỹ vẫn chưa có dấu hiệu thuyên giảm. Ông đã quay về Hội An, từ đó đến nay bặt vô ăm tín. Xót xa dâng trào, em muốn chủ động liên lạc nhưng chẳng đủ dũng khí, chưa kể không biết cách diễn đạt nên cứ nhập tin nhắn rồi xoá. Điều khiến em sửng sốt là ông giấu nhẹm sự việc với bà Trang. Lúc nhận được cuộc gọi từ bà, thoạt đầu em bủn rủn tay chân, chuẩn bị tâm lý hứng chịu cơn thịnh nộ. Nào ngờ bà hồ hởi hỏi đồ ăn có ngon không, truyền công thức nấu ăn rồi khoe mình sắp đi họp lớp. Tảng đá nặng trịch bỗng chốc tan biến, em vừa mừng rỡ vừa biết ơn ông vô ngần. Tuy vậy, lòng em vẫn băn khoăn hai câu hỏi nan giải: Tại sao ông có thể đóng kịch trơn tru? Nguyên do gì đã dẫn ông đến quyết định che đậy sự thật?

Khúc mắc tạm thời được trì hoãn khi Thùy Tiên thông báo đưa em đến một nơi thú vị nhưng không giải thích cụ thể. Em thắc mắc thì cô đánh trống lảng, nằng nặc hối em mau thay quần áo. Ngoài trời nóng như chảo dầu, chỉ mới xem nhiệt độ mà đã muốn đột quỵ. Song, sự quả quyết của cô làm em chẳng còn lựa chọn nào khác.

"Rốt cuộc tụi mình đi đâu vậy?"

Ngồi trên taxi mát rượi, em tiếp tục bày tỏ hoang mang. Cô giữ nguyên trạng thái lửng lơ.

"Bí mật."

Câu trả lời cụt lủn làm em ngứa ngáy, lại thêm tiếng còi xe chát chúa văng vẳng – đặc trưng của đường phố Sài Gòn. Cảm giác tò mò, hồi hộp đan xen khó chịu dần kích thích sự cáu bẳn. Chân mày em cau chặt, trái ngược với cô nhàn nhã ngắm cảnh ngoài cửa sổ. Thái độ tương phản một trời một vực nhưng vẻ ngoài lại tình cờ giống y xì. Cô và em đều mặc áo phông trắng, quần bò xanh, ngay cả giày cũng cùng mẫu mã. Trước khi thay đồ, cô dặn em ăn mặc gọn nhẹ và đừng trang điểm cầu kỳ. Tự dưng em có linh cảm cô sẽ bắt em tham gia mấy hoạt động ngoài trời. Nếu chuyện đó xảy ra, em thề sẽ đấm cô gãy mũi.

Nửa tiếng sau, taxi di chuyển đến quận Gò Vấp. Tựa hồ bị gõ thước vào người, em bỗng dựng thẳng lưng, quay sang phía cô.

"Bộ chị dẫn em tới..."

Em trố mắt, câu hỏi bị bỏ ngỏ giữa chừng. Cô lặng thinh nhìn em, không bộc lộ biểu cảm đặc biệt. Từng mảng màu mơ hồ mông lung bắt đầu hoà quyện vào nhau, khắc hoạ bức tranh sắc nét. Nuốt nước bọt, em nghĩ mình đã tìm được lời giải, có điều chưa chắc chắn lắm.

Taxi đi vào con hẻm ở đường Quang Trung, luồn lách xe máy rồi dừng trước một căn nhà cấp bốn. Bước ra khỏi xe, cái nắng oi nồng phả thẳng vào da như thiêu như đốt.

"Chào mừng em đến với nhà cũ của chị."

Cô nở nụ cười khẽ, đồng tử đen tuyền thấp thoáng chút hãnh diện. Em ngó trân trân căn nhà trước mặt, không kìm được mà há hốc miệng. Em đã đoán đúng, cô thật sự dẫn em đến nhà của bà dì. Sở dĩ em có giả thuyết đó là do cô chia sẻ ngày xưa mình ở Gò Vấp. Bản thân là người kín kẽ, cô hạn chế tiết lộ nhiều thông tin, thành thử em chưa từng biết địa chỉ cũng như nhà cửa trông như thế nào. Em vốn đinh ninh nhà khang trang vì cô bảo gia đình bên nội dư dả tài chính. Giờ đây tận mắt chứng kiến, em mới nhận ra mình đã lầm.

Ngôi nhà nằm trong xóm lao động chật chội, xuống cấp. Căn này tựa lưng vào căn kia, chen chúc như cá mòi nằm gọn trong hộp. Điểm chung của chúng là vách tường loang lổ rêu phong, ngoài hiên thì giăng kín dây phơi áo quần. Giữa dãy nhà eo hẹp diện tích, nhà của bà dì có thể coi là rộng rãi nhất mặc dù chẳng khá khẩm là bao. Cổng sắt cồng kềnh xỉn màu bạc phếch, vài chỗ còn bong tróc lớp sơn và lốm đốm gỉ. Ổ khoá cũng chẳng phải loại chống trộm an toàn. Nó bình dân, cũ kỹ và trầy xước, tựa hồ người chiến binh già nhàu nhĩ nếp nhăn.

Cô tra chìa khoá vào ổ, xoay một vòng rồi kéo cổng. Kim loại khô dầu kêu ken két như đang cất lời hoan nghênh khách quý. Sau đó không gian tầng trệt hiện lên đầy mộc mạc: bộ bàn ghế rồng phượng, tủ kính, quạt điện, bàn thờ gia tiên và bàn thờ thần tài. Tường sơn màu trắng tối giản, chẳng có gì độc đáo ngoài cuốn lịch và vết nứt tô đậm dấu ấn thời gian. Lướt đôi chân trần trên nền gạch mờ bóng, em cảm nhận được cái lành lạnh len lỏi qua da.

"Đây là ông nội chị. Ông mất lúc chị còn trong bụng mẹ."

Lại gần bàn thờ, cô lấy một cây nhang và hộp quẹt. Tiếp nối tiếng 'tách' nhẹ là đốm lửa cam rực hắt lên vẻ mặt trầm tư. Cô chắp tay lạy ba lần, điềm tĩnh như thể việc này là một phần quen thuộc trong cuộc sống. Làn khói xám nghi ngút hoà cùng mùi nhang trầm dịu mang lại cảm giác vô cùng thiêng liêng. Cắm nhang vào lư hương, cô thắp thêm một cây rồi đưa em. Em nhận lấy và thành tâm tỏ lòng tôn kính. Quan sát di ảnh, em trầm trồ vì ba cô giống ông nội đến lạ lùng, nhất là đôi tai to. Hoá ra đôi tai đặc trưng ấy được lưu truyền qua ba thế hệ. Nó là sợi dây kết nối sâu sắc quá khứ, hiện tại và tương lai – một dòng chảy không ngừng của tình thân và ký ức.

Sâu bên trong chợt vang tiếng cạch cạch, ai đó đang bổ từng nhát dao xuống mặt thớt. Theo phản xạ, em quay đầu nhìn, song chưa kịp hỏi thì cô đã kéo em lên tầng lửng. Cầu thang gỗ nâu xỉn dẫn tới một căn phòng chứa mỗi nệm lò xo, bàn học, kệ đầy ắp sách giáo khoa và tủ quần áo khiêm tốn. Vách tường điểm xuyết ố vàng lần lượt treo mười hai tấm bằng học sinh Giỏi và bốn tấm hình được lồng khung cẩn thận: hình tốt nghiệp ba cấp học, hình chụp cùng ba mẹ, bà nội và bà dì hậu đăng quang. Ở hai tấm hình đầu, nét trong trẻo thơ ngây ôm lấy khuôn mặt non nớt của một cô nhóc. Tấm hình thứ ba đánh dấu sự chuyển giao giữa thanh xuân và trưởng thành. Diện tà áo dài trắng tinh khôi, cô nhóc cười tươi dưới ánh nắng mật, tóc mái loà xoà cũng không thể che lấp nhiệt huyết tuổi mười tám. Sang tấm hình thứ tư, cô nhóc đã lột xác thành một cô gái kiêu sa đội vương miện. Dẫu nhan sắc thay đổi ngoan mục, ánh mắt rạng ngời tràn trề ý chí vẫn hằng nguyên vẹn. Bốn tấm hình vừa là triển lãm nghệ thuật sống động, vừa là báu vật minh chứng cho hành trình giẫm gai hoa hồng.

"Bà dì chị không giàu bằng bà nội nên nhà không được đẹp."

Sờ mặt bàn thô ráp, cô bất thình lình cất giọng.

"Em thấy đâu tới nỗi nào."

Em vội lắc đầu. Nhà trái với kỳ vọng là thật, nhưng chung quy vẫn ngăn nắp, sạch sẽ chứ không hề tồi tàn. Đặt nhà em và nhà bà dì lên bàn cân so sánh, em rậm rật bùi ngùi. Quả nhiên em vẫn may mắn hơn cô.

"Hồi đầu chị tính kêu thợ tới sửa nhà nhưng đổi ý tại không muốn bà dì ở xóm lao động mãi. Bà dì sợ độ cao nên chị không mua chung cư được, thành ra đang để dành tiền xây nhà phố."

"Nhà của mẹ chị thì sao?"

"Mẹ không cần xa xỉ nên chị đã mua chung cư, còn bà dì chăm sóc chị từ nhỏ và cho chị nơi nương tựa khi chị mâu thuẫn với mẹ kế. Xây nhà cho bà dì là cách chị báo hiếu công ơn. Nếu tài chính cho phép, nhà bà dì xong xuôi thì chị xây nhà cho mẹ luôn."

Trên truyền thông, cô được miêu tả như một người bản lĩnh, lý trí, cá chép hoá rồng vượt vũ môn. Ít ai biết rằng đằng sau lớp vỏ hào nhoáng ấy vẫn là một tâm hồn thấu cảm, khoan dung, đề cao giá trị gia đình. Lắng nghe cô bộc bạch ân nghĩa dành cho hai người phụ nữ quan trọng nhất cuộc đời, con tim em không ngừng xao xuyến.

Đúng lúc đó, âm thanh bếp núc lại vọng từ tầng trệt.

"Ai ở dưới vậy chị?"

"Bà nội và bà dì."

Em bất giác chột dạ.

"Vậy chị dẫn em tới đây để..."

"Để ra mắt."

Bản năng thôi thúc em mau chạy thục mạng. Dẫu vẫn tỏ ra bình tĩnh, sự biến chuyển nhỏ nhặt trong thần sắc đã không qua được đôi mắt tinh tường của cô. Chạm vào năm ngón tay mảnh dẻ, cô dịu giọng trấn an.

"Chị xin lỗi vì đã giữ bí mật. Mục đích của buổi gặp gỡ này là để em biết rằng dù thế nào đi chăng nữa, em luôn có một gia đình thứ hai."

"Ý chị là..."

"Là ba mẹ, bà nội và bà dì yêu thương em như con đẻ."

Dứt lời, cô vòng tay ôm em. Hai nhịp đập hoà làm một phần nào giải toả cơn bức bối, song cảm giác bất an dường như vẫn chưa chịu khuất phục. Hít hà mùi hoa cam phảng phất, em lí nhí hỏi.

"Sao chị biết gia đình chị sẽ chấp nhận em?"

"Nhà chị gặp bé Hai riết, với lại hàng xóm có ông bê đê làm móng dạo. Giống Mạnh Mong Manh trong phim Hẻm Cụt đó."

Thấy em bật cười, cô liền an tâm hơn, và rồi lời khẳng định son sắt được khắc ghi bằng nụ hôn trán.

"Không sao hết, có chị đây."

Cử chỉ dịu dàng khiến em mủi lòng. Bặm môi suy nghĩ một hồi, em đoạn gật đầu. Chẳng mảy may do dự, cô đưa em xuống bếp, mười đầu ngón tay vẫn thủy chung đan chặt.

Kích thước bếp hạn hẹp tương tự phòng ngủ. Giữa cái nóng ban trưa, chiếc quạt treo tường nhỏ xíu trở thành vị thần cứu tinh. Vách tường trắng đục lâu ngày chưa sơn mới lấm tấm vệt nước sốt. Thành bếp ngổn ngang gia vị và dụng cụ. Dựa vào nồi niêu xoong chảo cháy xém và kệ nhôm bị oxy hoá, em chắc mẩm tất cả dụng cụ đều sở hữu tuổi đời cao ngất. Như bao gia đình trong xóm, nhà sử dụng bếp ga bình dân và không có máy rửa chén. Em tượng cảnh tháo lắp bình ga lẫn hì hục rửa chén mà rợn tóc gáy.

Có hai người đàn bà dáng dấp tương đồng đang miệt mài nấu nướng. Cô nhanh chóng reo lên.

"Nội! Bà dì!"

Họ đồng loạt quay lại, ngạc nhiên xen lẫn vui mừng. Ấn tượng đầu tiên của em là họ giống nhau đến từng chi tiết, thật khó để phân biệt ai là bà nội, ai là bà dì. Mái tóc muối tiêu và đường chân chim hằn khoé mắt gợi lên nét từng trải, song nụ cười thì phơi phới sức sống. Bộ đồ in hoa văn trên người là trang phục thường thấy ở những phụ nữ luống tuổi, do đó càng gia tăng thiện cảm. Một vẻ đẹp giản dị, chân chất.

"Chào Tiên! Chào Vy!"

Hai bà ngưng mọi thao tác, niềm nở cất lời chào rồi dòm em. Hết sức kính cẩn, em liền cúi thấp người.

"Dạ con chào..."

Bỗng dưng em bối rối không biết xưng hô sao cho hợp lý. Cô gọi họ là 'bà', vậy em có nên gọi giống cô không?

"... hai bác ạ."

Em khúm núm tới mức toát mồ hôi, thế nhưng lo âu hoá công cốc bởi hai bà chẳng lấy gì làm khó chịu, ngược lại còn thêm xởi lởi.

"Cứ tự nhiên đi con gái! Con là Tiểu Vy đúng không? Năm 2018 bác có theo dõi Hoa hậu Việt Nam. Hồi đó con đã xinh lắm rồi, bây giờ còn xinh hơn nữa!"

"Tiên khéo chọn bạn gái ghê."

Nghe tới đây em giật thót, vội vàng liếc sang cô. Cô chẳng những không lúng túng mà còn phấn khởi giải thích.

"Chị kể hết cho nhà chị rồi, bởi vậy chị mới nói nhà chị yêu thương em như con đẻ đó."

Tâm can em ồ ạt xúc động. Hướng mắt về hai bà, em không giấu được niềm hạnh phúc. Hai bà nắm tay em và tiếp tục ca tụng vẻ đẹp sắc sảo, thậm chí buông lời bông đùa bằng cách so sánh em và cô. Cô không hề giận dỗi mà còn tích cực hưởng ứng. Lát sau người phụ nữ đeo kính mời em dùng trà. Qua giới thiệu của cô thì đây là bà nội tên Ngọc Thu, còn bà dì tên Huỳnh Anh thì không đeo kính.

"Tiên bảo tụi con biết nhau từ 2018 nhưng hai năm sau mới thân?"

Bà Thu hớp ngụm trà, tò mò hỏi. Em mỉm cười đáp.

"Dạ. Đợt đó Hội An bùng dịch, con xót gia đình rồi nghĩ lung tung nên khóc. Sau đó công ty gọi điện họp thì con ráng giả bộ bình thường, không hiểu sao chị Tiên vẫn phát hiện. Gọi điện xong chị nhắn hỏi thăm con, con cảm thấy được quan tâm nên trút hết cõi lòng. Từ đó trở đi con bám chị như hình với bóng."

"Cái tật mít ướt mãi không bỏ, đã vậy còn hay tâm sự tới hai, ba giờ sáng."

Cô nhướng mày trêu ghẹo, tức khắc lãnh cú đạp đau thấu xương. Bà Huỳnh Anh khúc khích.

"Vậy con thích Tiên ở điểm nào?"

"Dạ chị Tiên tinh tế, chiều chuộng và kiên nhẫn. Trước đăng quang chị vẫn rất quan tâm tới cảm xúc của người khác nhưng thường tỏ ra lạnh lùng. Sau đăng quang tự dưng chị vui nhộn, dễ gần, đặc biệt là cực kỳ ngọt ngào với con. Trong công việc thì chị là hình mẫu để con học tập. Con ngưỡng mộ tinh thần can trường, sáng tạo và sứ mệnh phục vụ cộng đồng của chị lắm."

Cô được em ưu ái nâng lên mây xanh mà hãnh diện không xuể, cứ thế ngắm em trong vô thức. Hành động ấy nghiễm nhiên thu hút sự chú ý của bà Huỳnh Anh.

"Tiên bướng cũng có ngày thay đổi nhỉ?"

Bà Thu chơm chớp mắt. Cô giả vờ phụng phịu.

"Lớn lên phải khác chứ nội!"

Bất chợt, chiếc cổng sắt ngoài hiên âm vang tiếng ồn, kéo theo nhịp bước chân dồn dập. Chẳng mấy chốc bếp đón thêm hai bóng dáng vừa xa lạ vừa gần gũi. Người đàn ông cao ráo, vạm vỡ sở hữu đôi tai đúc từ một khuôn với cô, còn người đàn bà thanh nhã mang gương mặt nhìn vào là hiểu ngay ai ban tặng cô hình hài.

Đó là ông Ti và bà Gấm.

"Ba! Mẹ!"

Cô mừng rỡ đứng dậy ôm từng người một. Kỳ lạ làm sao, em bỗng liên tưởng đến hình ảnh của đứa trẻ thơ.

"Dạ con chào cô chú ạ."

Ông Ti và bà Gấm hiền hậu cong môi, trò chuyện cùng em như thể lâu ngày không gặp bạn cũ. Rào cản vô hình chớp nhoáng bị xoá nhoà, khít chặt sáu con người chen chúc trong không gian bé tẹo. Đến giờ ăn trưa, món bánh tráng cuốn thịt heo được bày biện trên bộ bàn ghế rồng phượng. Hoà cùng hương nước mắm tỏi ớt là tiếng cười nói hân hoan, tiếng chạm đũa rộn ràng. Xuyên suốt bữa ăn, gia đình cô liên tục tìm hiểu về em, ghi nhớ tất tật thông tin. Bầu không khí ấm cúng khiến lòng em se se. Thật bình yên quá đỗi.

Bữa trưa kết thúc, em xung phong phụ bà Huỳnh Anh dọn dẹp, để cô ngồi hàn huyên với ba mẹ và bà nội.

"Hồi nhỏ chị Tiên cá tính lắm đúng không bác?"

Vừa lau khô chén, em vừa lân la gợi chuyện. Bà híp mắt đáp.

"Đúng rồi con gái. Nó để tóc dài nên người ta mới biết nó giới tính nữ."

Em và bà cùng cười, sau đó chìm trong im ắng.

"Có hai lần nó khóc to. Lần một là năm bốn tuổi, nó đòi đi theo Gấm và chấp nhận ăn cơm rau. Lần hai là năm lớp Sáu, nó hỗn với mẹ kế rồi bị Ti đánh nên uất ức chạy sang nhà bác. Ban đầu bác định cho nó ngủ ké một đêm thôi, nhưng mà sau khi thấy đôi mắt sưng húp, tự nhiên bác nghĩ, đã có ai thực sự lắng nghe nó chưa?"

Tâm hồn bà phiêu du giữa miền ký ức đầy cảm xúc. Em đứng cạnh bên, trầm ngâm lưu từng chữ vào trí óc.

"Thế là bác cho nó một mái nhà. Bảy năm ròng, bác nấu nó từng bữa ăn, dạy nó kỹ năng tự lập, hỏi nó làm gì ở trường, chỉ nó biết đúng sai. Ti và Gấm gửi tiền đều đặn nhưng chỉ thăm nó vào cuối tuần, ngoài mặt nó hiểu chuyện chứ thực chất tủi thân lắm. Bác muốn nó biết cuộc đời này luôn có người thương yêu và tha thứ cho nó, kể cả khi hoàn cảnh không màu hồng. Khi con người cảm thấy được trân trọng, họ sẽ vượt qua mặc cảm, bao dung với chính mình cũng như mọi người xung quanh."

Cụp mắt xuống, bà đoạn dừng một thoáng.

"Bác dạy nó xài máy may có mấy ngày mà nó đã thành thạo. Nó tiết kiệm tiền nên toàn mua đồ si, quần rộng eo thì tự sửa chứ không đem ra tiệm. Nó không hiểu bài thì tự mò chứ không hỏi bác. Đồ đạc trong nhà một tay nó lắp ráp. Nó học gì cũng nhanh trừ nấu ăn. Ngày nào bác cũng bắt nó vô bếp mà chả hiểu sao toàn làm cháy hoặc nêm lố gia vị. Giờ làm hoa hậu bận rộn chắc nhớ mỗi cách nấu mì."

Em khẽ nhoẻn miệng, kỷ niệm nấu bánh chuối tức tốc ùa về.

"Thật may bác đã gieo hạt thành công. Con bé siêng năng, lễ phép, được lòng thầy cô và bạn bè. Lớn lên thì sự nghiệp thành đạt và cống hiến cho xã hội. Mỗi tội tình yêu lận đận quá."

Nói tới đây, bà trút hơi thở sầu não.

"Ba mẹ ly dị nên nó không tin tưởng tình yêu. Tuy nó vẫn đón nhận mối quan hệ, nó không đủ can đảm mở lòng với người ta, nhất là khi người ta nỗ lực đi sâu vô tâm hồn nó. Mặc dù người ta không có ý xấu, nó cho rằng hạnh phúc nhất là khi không đặt nặng tình cảm. Vậy nên nó toàn chủ động chia tay, chọn cung đường đơn độc."

Và rồi bà nhìn em, ánh mắt dạt dào lòng biết ơn mãnh liệt.

"Cho tới khi gặp con."

Động tác lau chùi lập tức ngưng bặt. Em sững sờ.

"Nếu những mối tình cũ gồng mình làm chỗ dựa vững chãi thì cách con đối xử với nó lại đơn thuần, trong sáng. Con không tỏ ra nam tính, con vẫn dựa dẫm vào nó nhưng đồng thời quan tâm nó bằng cả tấm lòng thuần khiết. Có lẽ khi ở bên con, nó nhớ lại nó của ngày xưa. Nó đã từng ngô nghê thức khuya vẽ chân dung Gấm khi biết nhà chồng vũ phu. Nó nghĩ bức tranh có thể giúp Gấm vui."

Khoảng lặng lại ghé ngang căn bếp đong đầy hồi ức và suy tư.

"Dựa vào cách nó nhìn con, bác tin con đã tạo nên kỳ tích. Con tưới mát tâm hồn cằn cỗi của nó, giúp nó nhận ra mở lòng là cách biến thế giới thành nơi tốt đẹp. Nó học cách con đối nhân xử thế để rồi trở thành một hoa hậu nhân ái. Nếu không có con thì sẽ không có nó của ngày hôm nay."

Con ngươi bà ửng đỏ, hàng lệ trong suốt chực chờ được ngân dài.

"Vậy nên con hãy tiếp tục là chính con. Con không cần phải chạy theo khuôn mẫu, bởi vì nó luôn chấp nhận mọi khuyết điểm của con và đồng hành cùng con. Đều là phụ nữ nên cứ việc yếu đuối và che chở lẫn nhau nha con."

Hít một hơi nhằm cân bằng cảm xúc, bà kết thúc độc thoại bằng một nụ cười. Đường chân chim bỗng chốc xinh đẹp tựa nụ hoa khoe sắc.

"Cảm ơn con vì đã xuất hiện trong cuộc đời nó. Bác thương con rất nhiều."

Khoảnh khắc ấy, một sợi chỉ keo sơn gắn kết hai trái tim vỡ oà. Em dang tay ôm bà thật chặt, nghẹn ngào trong từng cơn nấc.

"Con cảm ơn bác... Con cũng thương bác lắm..."

Bà nhịp nhàng xoa lưng em, ân cần như người mẹ hiền. Cả hai bờ vai đều ướt đẫm. Màn sụt sùi chỉ chấm dứt khi bà chuyển sang đề tài nói xấu cháu gái, biến lệ hoen thành tràng cười nghiêng ngả.

Đương lúc tận hưởng vui vẻ, cô đột ngột bước vào bếp.

"Nội và ba mẹ muốn nói chuyện với Vy."

Bạn đang đọc truyện trên: TruyenTop.Vip